Hồ Hữu Tiệp Nơi “an Nghỉ” Của “pháo đài Bay” B.52

  • “Vít cổ” pháo đài bay B52 xuống hồ Hữu Tiệp

45 năm, hơn nửa đời người đã trôi qua, nhưng những chứng tích lịch sử minh chứng ở hồ Hữu Tiệp vẫn còn đó. Nó như dấu son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

1. Dừng chân ở ngã ba Ngọc Hà – Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình (Hà Nội), hỏi bất kỳ người dân nào ở đây, từ người già đến các em học sinh về hồ Hữu Tiệp, ai cũng tỏ ra hồ hởi: “Hồ B.52 chứ gì, nó nằm ngay dưới ngõ 55 Hoàng Hoa Thám ấy!”.

Cây lộc vừng mọc giữa thân máy bay B.52 ở hồ Hữu Tiệp.

Hồ Hữu Tiệp được nhiều người biết đến với tên gọi “Hồ B.52” hiện ra sau mái đình Hữu Tiệp. Ánh nắng cuối chiều hắt xuống lòng hồ, khiến mặt nước trở nên lấp lánh như được dát thêm vàng vậy.

Những mảnh vỡ của “pháo đài bay” B.52 bị bắn rơi xuống hồ nhìn từ xa trông như một đống sắt. Vậy nhưng, chính “đống sắt” ấy là một trong những minh chứng hùng hồn ghi dấu chiến công vĩ đại của quân và dân Thủ đô.

Khi tôi đến hồ Hữu Tiệp cũng là lúc mà bác Phạm Thị Quý, 80 tuổi, đang tản bộ quanh hồ. Bác Quý là người làng Ngọc Hà. Thời điểm đế quốc Mỹ tăng cường sử dụng không quân bắn phá Hà Nội, bác Quý là Chính trị viên phó Trung đội tự vệ làng Ngọc Hà. Chỉ tay về phần thân của chiếc B.52 đang nằm giữa lòng hồ, bác Quý tự hào kể cho tôi nghe về thời khắc hào hùng ngày ấy.

Khoảng 16h ngày 27-12-1972, Trung đội tự vệ làng Ngọc Hà nhận được tin, tối cùng ngày, đế quốc Mỹ sẽ sử dụng máy bay ném bom oanh tạc Hà Nội. Là thành viên của Trung đội tự vệ có nhiệm vụ bắt sống giặc lái, thu chiến lợi phẩm của địch, nên với bác cũng như hơn 30 thành viên trong Trung đội bám trụ đến cùng. Hầm của bác nằm cách chỗ máy bay B.52 rơi sau này chưa đầy 10m. “Đêm ấy, tên lửa bắn nhiều lắm. Các vệt sáng như sao băng cứ thế nối nhau trên bầu trời.

Vợ chồng ông Lise bà Thomas (bên phải) và hai người bạn bên hồ Hữu Tiệp

Khoảng 23h05, tiếng nổ vang trời kèm theo đó là âm thanh vè vè mỗi lúc một to dần. Nước hồ bắn lên tung tóe. Tôi đẩy nắp hầm sang một bên, ngó đầu lên thì thấy cột lửa bốc lên ngùn ngụt, sáng rực cả một vùng. Mọi người mừng vui hò reo: “B.52 rơi rồi!”. Đêm ấy, cả làng không ngủ, bác Quý nhớ lại.

Là người con của làng hoa Ngọc Hà, bác Nguyễn Chí Hiền, nguyên Trợ lý Chính trị Trung đoàn Tên lửa 274, Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Ngọc Hà, luôn cảm thấy tự hào vì được trực tiếp chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội. Với bác, năm nay đã 81 tuổi, song mỗi lần đến bên hồ Hữu Tiệp là mỗi lần cảm xúc tự hào bỗng chốc lại dội về.

Bác Hiền chia sẻ, chiếc máy bay B.52 bị Trung đoàn 285 tên lửa phòng không bắn hạ vào đêm 27-12-2017 và phần thân của nó rơi xuống hồ Hữu Tiệp chính là dấu tích lịch sử hào hùng khó có thể tả hết. Bởi, chiếc B.52 này bị bắn hạ khi chưa kịp “cắt” bom - cái ác chưa kịp thực hiện đã bị… đền tội.

Nói đến đây, bác Hiền xúc động: “Ngay ngày hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm làng và động viên bà con tiếp tục giữ vững tinh thần chiến đấu. Kỷ niệm ấy thật khó quên với tôi cũng như bà con làng hoa!”.

2. Hồ Hữu Tiệp không chỉ là niềm tự hào của người dân Ngọc Hà mà nó còn là biểu tượng chiến thắng 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta. Nơi đây trở thành địa chỉ du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Sáng 4-4-2017, tôi gặp nhiều đoàn du khách nước ngoài đang tham quan hồ Hữu Tiệp. Trò chuyện với vợ chồng ông Lise, bà Thomas đến từ bang California (Mỹ), tôi được biết, đây là lần thứ hai, vợ chồng ông Lise đến Việt Nam.

Trong chuyến đi du lịch với hai người bạn là bà Carolyn và ông Rich lần này, vợ chồng ông đã chọn Thủ đô Hà Nội là điểm đến, và hồ Hữu Tiệp, Bảo tàng Chiến thắng B.52 là những điểm dừng chân của vợ chồng ông và hai người bạn.

Bà Thomas nói, hồi trẻ, bà cũng đã được nghe người thân kể về sự thất bại của “pháo đài bay” B.52 ở Việt Nam. Song, đó chỉ là qua lời kể, và lần tới Hà Nội này, bà đã được tận mắt chứng kiến hình ảnh xác máy bay B.52 nằm yên ở hồ Hữu Tiệp.

Bác Phạm Thị Quí thấy tự hào khi nhắc về kỷ niệm bảo vệ chiến lợi phẩm - xác máy bay B.52 rơi ở hồ Hữu Tiệp.

Anh Nguyễn Hùng, hướng dẫn viên du lịch cho biết, không riêng gì đoàn của vợ chồng anh Lise, chị Thomas, thời gian qua, đã có rất nhiều đoàn khách du lịch quốc tế, trong đó có nhiều người đến từ Mỹ sau khi tới Hà Nội, đều muốn một lần ghé thăm "Hồ B52".

Có những ngày, hồ Hữu Tiệp đã đón 40-50 lượt du khách nước ngoài đến tham quan. Hồ Hữu Tiệp đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhiều du khách.

Có một sự ngạc nhiên thú vị, ngay trên phần thân của chiếc B.52 nằm giữa lòng hồ xuất hiện một cây lộc vừng xanh mơn mởn. Bác Đỗ Sáng Luyện, 81 tuổi, nhà ở khu dân cư số 3, phường Ngọc Hà – người đã có hơn 20 năm tình nguyện, gắn bó với công việc thu dọn rác quanh khu vực hồ Hữu Tiệp cho hay, cách đây khoảng 5 năm, không biết từ đâu, chỉ thấy ở giữa xác chiếc B.52 đang nằm dưới lòng hồ, cây lộc vừng cứ thế mọc lên.

Trải qua mưa nắng thất thường, song cây lộc vừng trên vẫn sừng sững đơm cành, thay lá. Đến nay, cây lộc vực đó có chiều cao khoảng 1m. Cũng chính bởi cái lạ này mà nhiều du khách khi đến đây đã nói rằng: “Cái ác luôn nhường chỗ cho cái thiện, cho sự sống mơn mởn!”.

3. Hồ Hữu Tiệp – địa danh trở thành di tích lịch sử này vốn có lịch sử rất lâu đời và mang trong mình nhiều ý nghĩa. Tên chữ “Hữu Tiệp” có nghĩa là “có tin chiến thắng”. Một cái tên hào hùng đã gắn liền với làng hoa Ngọc Hà từ thuở xưa.

Khi xác “pháo đài bay” B.52 rơi giữa lòng hồ đã một lần nữa khẳng định ý chí quật cường của quân và dân ta. Và rồi, hình ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà năm xưa đang lấy nước tưới cho luống hoa, phía sau là xác chiếc B.52 được trưng bày trong Bảo tàng Chiến thắng B.52 đã, đang và sẽ mãi là hình ảnh đẹp, khắc họa một thời đạn bom, khói lửa – một thời hòa bình.

Bâng khuâng rời hồ Hữu Tiệp, rời làng Ngọc Hà, những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu: “…Cả bốn biển hoan hô Hà Nội/Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ/Ngọc Hà em! Lộng lẫy hoa tươi/Xin thơm khắp miền Nam, miền Bắc…” cứ thể quẩn quanh trong tiềm thức của tôi. Hồ Tữu Tiệp – nơi an nghỉ của “pháo đài bay” B.52.

Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B.52 (16 chiếc rơi tại chỗ). Tiêu diệt và bắt sống hàng trăm phi công và bắn cháy 9 tàu chiến của đế quốc Mỹ. Đáng chú ý, trong thời gian này, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã bắn rơi 32 máy bay các loại, trong đó có 25 chiếc B.52.

Từ khóa » Hồ B52 Hoàng Hoa Thám