Lời giới thiệu: Ðối với người da trắng, da đen, da đỏ, Khổng Tử là khách lạ, chẳng ảnh hưởng gì đến họ. Ðối với người da vàng, Khổng Tử đã để lại trong họ một phần phẩm chất quan trọng. Dù tự biết hay không tự biết, thì phần lớn chúng ta cũng đã mắc nợ Khổng Tử - đặc biệt là những người đề cao Khổng Tử trong mọi thời - nhiều giá trị tinh thần để bảo vệ tổ quốc, gia đình, xã hội và bản thân. Vì vậy, hiểu biết về sức mạnh họ Khổng ở Trung Quốc là điều thú vị và cần thiết cho vốn liếng trí thức của mỗi chúng ta. A- Sự xuất hiện của họ Khổng. Thân phụ của Khổng Tử là Thúc Lương Hột. Như vậy họ Khổng chỉ bắt đầu tính từ đời Khổng Khâu tức Khổng Tử (551 - 479 trước Công Nguyên) và gia phả họ Khổng từ đó đã được biên tập liên tục có quy mô hơn nhiều họ khác nhờ sự bảo trợ chắt chẽ của nhà nước phong kiến ngay từ đời nhà Hán. Các triều đại tiếp theo vẫn duy trì tinh thần độc tôn nho học, cự tuyệt mọi luồng tư tưởng khác, do đó dòng dõi họ Khổng đời đời được chiếu cố, phát triển dài dòng lớn họ mãi ra. (Trong Khổng lâm có hơn 100 nghìn mộ của hậu duệ Khổng Tử). Cháu đích tôn các đời họ Khổng nghiễm nhiên được vua chúa mọi thời ban cho bổng lộc hậu hĩ theo tước Văn Tuyên Công và hưởng quyền thế tập cha truyền con nối. Ðến đời Tông Nhân Tông (1023 - 1063) nhằm vào đời đích tôn thứ 46, tước phong nọ được đổi tên ra Diễn Thánh Công và được triều đình xây cất phủ đệ nguy nga đồ sộ, quy mô hoành tráng xấp xỉ di tích quần thể cố cung. Toàn bộ khổng phủ chiếm đến 240 mẫu (có khoảng 463 gian phòng xây dựng trên diện tích ngót 50.000m2). Hiện nay số người mang họ Khổng trên toàn thế giới ước tính ngót 4 triệu người. Riêng số thành viên họ Khổng đang sống tại quê quán (huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Ðông) có khoảng 110 ngàn người. Năm 2004, nhân sinh nhật Khổng Tử lần thứ 2555, họ Khổng có dự định công bố gia phả tổng tu nhưng rồi chưa thể nghiệm thu được do kết quả điều tra còn nhiều bất cập. Công cuộc này đã làm cho công ty Nhất Gia ở Tế Nam (Sơn Ðông) phải tiêu tốn hết 8 triệu tệ (tương đương 16 tỉ đồng Việt Nam). Khổng Khâu chỉ có một con trai là Khổng Lý (tức Bá Ngư) và người đích tôn đầu tiên của họ Khổng là Khổng Cấp (492 - 431 trước Công Nguyên) tức Tử Tư, tác giả sách Trung Dung, một trong tứ thư của nho học, do đó người đời suy tôn ông là Thuật Thánh (ông thánh truyền đạt chính xác tư tưởng Khổng Tử). B- Ba đời luân lạc. Tính đến đời 77, đích tôn họ Khổng đã có ba người phải ly hương, xa rời tổ nghiệp. 1- Người thứ nhất là đích tôn đời thứ 8: Khổng Phu. Khi Tần Thủy Hoàng đốt sách, chôn nho sĩ, Khổng Phu liền giấu sách vào vách tường * rồi một mình rời quê đi Tung Sơn tham gia nghĩa quân Trần Thắng với cương vị quân sư. Ít lâu sau ông ốm rồi chết trong quân. 2- Người thứ hai là đích tôn đời 46: Khổng Ðoan Hữu. Ông này di tản theo nhà Bắc Tống đi về Nam rồi định cư ở Cù Châu (Chiết Giang) Triều đình mới của nước Kim (nguyên là bộ tộc Nữ chân vào chiếm giang sơn nhà Tống) bèn lập em của Ðoan Hữu là Khổng Ðoan Tháo làm Diễn Thánh Công. Thế là có đến hai Diễn Thánh Công tồn tại song song ở hai nơi: nước Kim (Bắc Trung Quốc) và Nam Tống (Nam Trung Quốc). Tình hình này duy trì ngót trăm năm. Khi nhà Nguyên thống nhất Trung Quốc, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt (1264 - 1294) chủ trương hợp nhất Diễn Thánh Công nên buộc Khổng Thù ở miền Nam phải nhường danh hiệu ấy cho Khổng Trị ở miền Bắc, đồng thời đổi danh hiệu Diễn Thánh Công thành Hàn Lâm Viên Nhũ Kinh Bác Sĩ. Tình hình này kéo dài ngót 400 trăm năm. 3- Người thứ ba là đích tôn đời thứ 77: Khổng Ðức Thành. Vào thời chiến tranh Trung Nhật (của Thế Chiến II) Khổng Ðức Thành mới 20 tuổi, không được giao nhiệm vụ gì. Trên đường lánh nạn, ông nhân danh hậu duệ Diễn Thánh Công, ra tuyên ngôn kháng Nhật ở Vũ Hán (Hồ Bắc). Sau đó ông vào sống ở Trùng Khánh (thủ đô thời chiến của Quốc Dân Ðảng, đối lập với Diên An của Cộng Sản) rồi về ở Nam Kinh, cuối cùng ra Ðài Loan. * Nhà thờ Khổng Tử được trùng tu nhiều lần nhưng không lần nào động đến tường vách (để bảo vệ di tích). Tương truyền rằng sau vụ "phần thư khanh do" của Tần Thủy Hoàng, không nơi nào còn dám giữ sách vở nữa. Ðầu đời Hán có ông lão Phục Sinh thọ hơn 90 tuổi, lúc lâm chung, ông sực nhớ lại những gì học được hồi còn bé, bèn đọc ra cho cô cháu gái chép lại rồi lưu truyền trong thiên hạ hàng ngàn năm. Vào giữa đời Tống (khoảng thế kỷ XII) tường vách của từ đường Khổng Tử bí tróc ra, người ta mới phát hiện nguyên bản các tác phẩm kinh điển nho học do Khổng Phu giấu ở đấy hơn 1000 năm. Tuy nhiên, số tư liệu này không đè bẹp nổi những gì người ta đã truyền thụ qua nhiều đời, vì vậy giới nghiên cứu học thuật nho giáo phát triển thành hai luồng song song: Chân Nho (căn cứ theo sách mới tìm lại được) và Tống Nho (căn cứ theo những sách chú giải của nho gia đời Tống như Trình Di, Trình Họa, Chu Hi) và người học rộng là kẻ tiếp thu cả hai luồng Khổng Mạnh và Trình Chu, và được gọi một cách biểu tượng là kẻ theo nghiệp "cửa Khổng sân Trình". Có một chi tiết ngộ nghĩnh là Khổng Ðức Thành được tập phong lúc mới 100 ngày tuổi, sau mấy tháng ngôi Diễn Thánh Công bị bỏ trống vì đích tôn đời 76 (Khổng Lệnh Di) từ trần nhưng đời 77 (Khổng Ðức Thành) thì còn là di phúc tử (con "sót" trong bụng). Ðến thời điểm này (2006) Khổng Ðức Thành hiện còn sống ở Ðài Loan, đã 87 tuổi, nhiệm vụ "phụng tứ quan" từ đã được truyền lại cho con là Khổng Duy Ích. C- Vài hậu duệ họ Khổng hiện được dư luận quan tâm. - Ðích tôn đời thứ 77 là Khổng Ðức Thành từng làm Tư Vấn phủ Tổng Thống Ðài Loan. Năm 1935 ông được suy tôn làm Phó Chủ Tịch danh dự Hội Dân quốc đồng minh (tương đương Mặt Trận Tổ Quốc ở ta). Ðịa vị chính thức của ông là Ðại Thành Chí Thánh Tiên Sư Phụng Tự Quan (quan thờ phụng Khổng Tử) và được ưu đãi hơn các Diễn Thánh Công những đời trước. - Em cùng hệ với Khổng Ðức Thành là Khổng Ðức Dung đang sống ở Hongkong, được Khổng Ðức Thành ủy nhiệm làm Hội trưởng hội Tục tu gia phả họ Khổng. - Ðích tôn đời thứ 79 là Khổng Thùy Trường hiện đã 31 tuổi, sống ở Ðài Loan. Ông được nối chức của cha là đích tôn đời 78 Khổng Duy Ích (ông Ích từ trần năm 1989, tang lễ cử hành ở Tang nghi quán, nhà lễ tang của chính phủ Ðài Loan). Lúc nhận chức, Thùy Trường mới là cậu bé 14 tuổi. - Cháu bàng hệ cao đời nhất (đời 72?) là Khổng Hiếu Ðạc, chuyên gia sinh vật học, hiện 72 tuổi, tức sinh năm 1934. (Ðiều này đáng nghi ngờ triệt để vì tính bình quân thì mỗi thế hệ họ Khổng cách nhau gần 32 năm, do đó cháu đời thứ 72 lẽ ra phải sinh vào khoảng xê xích năm 1753, tức lớn hơn Hiến Ðạc đến... 181 tuổi. Vậy rất có thể chữ Hiến của ông này được đặt ngẫu nhiên (tức vi phạm tộc quy!) chứ không phải đặt theo Khổng Hệ Thi. Dựa vào chữ Hiến ngẫu nhiên này để tính ra số đời một cách máy móc là không phù hợp, bởi lẽ không thể có chuyện phản lôgich là người cùng một thời với nhau như Khổng Thùy Trường lại phải gọi Khổng Hiến Ðạc bằng... cao cao cao cao tổ được (4 chữ cao!). Ðiều như thế tuyệt đối không thể xảy ra trên đời, mặc dầu trên báo điện tử có giới thiệu chân dung Hiến Ðạc, lại còn kèm cả một cuộc phỏng vấn về đời tư của nhân vật này. (Ý kiến của Ngô Văn Lại) - Cháu cao đời nhất hiện còn sống là đời 76 Khổng Lệnh Nhân (Khổng Ðức Thành gọi bằng cô họ) hiện 82 tuổi, từng là giáo sư đại học Sơn Ðông, là ủy viên Thường Vụ Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc, là Phó Chủ Tịch Trung Ương hội Phụ nữ Trung Quốc. Tuy bà ta trẻ hơn Khổng Ðức Thành 4 tuổi nhưng trường hợp như thế khá phổ biến trong xã hội Trung Quốc (do hậu quả tục đa thê). D- Những trở ngại khó vượt trong công cuộc Tục tu gia phả họ Khổng. Trong việc tục tu gia phả, hiện họ Khổng đã gặp những trở ngại: 1- Hậu duệ họ Khổng sống khắp thế giới, chịu ảnh hưởng nếp sống bản địa từ nhiều đời, không thường xuyên dùng đến họ của mình trong sinh hoạt hằng ngày lẫn trong sinh hoạt tế tự nên không mấy mặn mà với gia phả. 2- Việc điều tra đòi hỏi lực lượng đông đảo, có khả năng xử lý tư liệu ở trình độ chuyên nghiệp cao, phải có khả năng phân biệt những văn kiện ngụy tạo, vì vậy rất thiếu cán bộ đạt chuẩn. (đây chính là lý do thất bại của công ty Nhất Gia ở Tế Nam, tuy công ty này hoạt đông ngay tại nguyên quán). 3- Một bộ phận hậu duệ sinh sống bên ngoài đại lục, đang có ý đồ ky khai, nhất là việc Tục Tu buộc họ phải kê khai phiền toái, đóng góp lệ phí tốn kém, do đó chính lực lượng này cũng làm trì trệ cho công việc. Vì những trở ngại trên, Hội Tục tu gia phả họ Khổng chỉ mới thu thập được 800 ngàn hồ sơ đăng ký hợp lệ (tức mới đạt 20%). Tuy nhiên, từ thành tích này, người ta cũng đã tìm ra được đời cháu bàng hệ thứ 82 (tức hệ mang chữ Hiệu. Riêng cháu đích tôn hệ chữ Hiệu phải mất khoảng 70 năm nữa mới ra đời). E- Khổng hệ thi. Gia phả họ Khổng quy định mọi thành viên phải đặt tên theo hệ (ai không theo hệ sẽ bị loại khỏi gia phả), đồng thời lệ định cứ 30 năm một lần tiểu tu, 60 năm một lần đại tu, thế nhưng thời cuộc luôn gây trắc trở cho điều quy định này. Khổng hệ thi được lập ra từ đời Tống và bắt đầu áp dụng từ đời 56 trở đi. Mười đời đầu tiên (56 - 65) cho Chu Nguyên Chương (Tống Thái Tổ 1368 - 1398) quy định là: HI - NGÔN - CUNG - NGẠN - THỪA.HOÀNH - VĂN - TRINH - THƯỢNG - DIỄN. Ðến đời Sùng Trinh nhà Minh (Minh Tư Tông 1628 - 1661) quy định thêm mười hệ nối tiếp (66 - 75) là: HƯNG - DỤC - TRUYỀN - KẾ - QUẢNG.TRIỀU - HIẾN - KHÁNH - PHỒN - TƯỜNG. (Như vậy Khổng Tường Hi, chồng Tống Ái Linh, làm Viện trưởng Viện Hành chánh trong chính phủ Tưởng Giới Thạch là hậu duệ đời 75 của Khổng Tử). Ðến đời Càn Long nhà Thanh (Thanh Cao Tông 1736 - 1795) quy định thêm mười hệ (76 -85) là: LỆNH - ÐỨC - DUY - THÙY - HƯU.KHÂM - THIỆU - NIỆM - HIỂN - DƯƠNG. Ðến đích tôn đời 76 là Khổng Lệnh Di quy định thêm hai mươi hệ (86 - 105) là: KIẾN - ÐẠO - ÐÔN - AN - ÐÍNHMẬU - TU - TRIỆU - ÍCH - THƯỜNGDŨ - VĂN - HOÁN - CẢNH - THỤYVĨNH - TÍCH - TỰ - THẾ - XƯƠNG Khổng hệ thi đã được chính quyền Dân quốc phương Bắc (chính phủ Lê Nguyên Hồng) phê chuẩn và công bố rộng rãi khoảng đầu thế kỷ trước. Bấy giờ, Trung Quốc đang lâm cảnh quân phiệt các cứ (tương tự loạn sứ quân thời Ngô - Ðịnh ở nước ta). Theo tư liệu điều tra năm ngoái thì Khổng hệ thi đã áp dụng đến đời chữ THIỆU, tức còn sử dụng được 23 đời nữa. Nếu không có ai quy định tiếp thì Khổng hệ thi hiện lưu hành chỉ có thể vận dụng đến khoảng năm xấp xỉ 2700. Chú ý: Chữ VĂN (聞) của Chu Nguyên Chương đặt cho đời thứ 62 của Khổng hệ thi thì có nghĩa là NGHE, còn chữ VĂN (文) của Khổng Lệnh Di đặt cho đời thứ 97 có nghĩa là VĂN MINH, VĂN HÓA .v.v.. Do tự dạng khác nhau nên trường hợp này không bị coi là trùng lặp. Các gia phả ở Việt Nam cũng theo đúng tinh thần ấy.(Viết theo kết quả điều tra của hai ký giả thực tập Hách Hồng Tiệp và Văn Tịnh Nhiếp - Tư liệu do Tiểu Tuyết và Châu Quân Vũ sưu cấp). Giáo Sư Ngô Văn Lại 吳文赖老师 <photo> Việt Nam, 2006 |