Hộ Kinh Doanh Có Cần Hoá đơn đầu Vào Không? - LuatVietnam

Trả lời:

Tại Điều 5 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/06/2021 quy định như sau:

“Điều 5. Phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai

1. Phương pháp kê khai áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.

2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới ra kinh doanh và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

3. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu xác định doanh thu tính thuế không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế theo quy định tại Điều 50 Luật Quản lý thuế.

4. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không phải thực hiện chế độ kế toán.

5. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai không phải quyết toán thuế.”

Như vậy, nếu hộ kinh doanh của bạn kinh doanh với quy mô lớn thì áp dụng phương pháp kê khai khi nộp thuế thì thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trong trường hợp này bạn phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ hóa đơn bao gồm Hóa đơn đầu ra và Hóa đơn đầu vào.

Căn cứ vào quy định tại Thông tư 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể không cần hóa đơn đầu vào để kê khai thuế trong hai trường hợp sau:

Thứ nhất, các hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm sản phẩm không cần hóa đơn đầu vào.

Hộ kinh doanh cá thể sẽ không cần lấy hóa đơn đầu vào khi mua sản phẩm, hàng hóa thuộc các mặt hàng sau: nông sản, thủy hải sản từ người bán đánh bắt trực tiếp, sản xuất trực tiếp bán ra, người nuôi dưỡng; sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm bằng tay từ: đay, cói, tre, mây, rơm, lá,…. hoặc các nguyên liệu khác được tận dụng sử dụng từ sản phẩm nông nghiệp cũng không cần lấy hóa đơn khi mua hàng; sản phẩm do người sản xuất thủ công không thực hiện trực tiếp kinh doanh bán ra như: đất, đá, cát sỏi được cá nhân, hộ gia đình tự thực hiện khai thác không vi phạm pháp luật cũng không cần có hóa đơn đầu vào; tài nguyên trực tiếp bán ra như phế liệu, đồ dùng, tài sản hoặc dịch vụ do cá nhân, hộ gia đình không kinh doanh trực tiếp bán ra có mức doanh thu một năm dưới 100 triệu đồng (mức doanh thu quy định hiện nay bắt đầu phát sinh thuế giá trị gia tăng) không cần có hóa đơn đầu vào, đối với trường hợp này hộ kinh doanh cá thể bắt buộc cần phải lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ.

Thứ hai, khi mua hàng hóa, dịch vụ có giá trị đơn hàng nhỏ hơn 200.000 đồng

Khi hộ kinh doanh cá thể mua hàng hóa, dịch vụ từ đơn vị khác có giá trị nhỏ hơn 200.000 đồng thì không cần có hóa đơn đầu vào.

Loại trừ hai trường hợp trên thì việc hộ kinh doanh mua hay nhập vào hàng hóa, dịch vụ thì bắt buộc phải có hóa đơn. Nếu hộ kinh doanh không có hóa đơn đầu vào khi cơ quan chức năng kiểm tra hàng hóa về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng mà hộ kinh doanh không chứng minh được xuất xứ hàng hóa thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp hộ kinh doanh không có hóa đơn đầu vào, không giải trình được và bị xử phạt vi phạm hành chính, thì mức phạt sẽ tuân thủ quy định tại khoản 5 Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP

“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định, trừ hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.”

Ngoài ra, hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế nếu bị Cơ quan Thuế kết luận là hành vi trốn thuế thì bị xử lý theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

“1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định này;

b) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định này;

c) Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;

d) Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;

đ) Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;

e) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế;

g) Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định này.

2. Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

3. Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.

4. Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.

5. Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.”

Xem thêm: 6 quy định mới về hóa đơn từ 01/01/2022 mọi kế toán cần biết

Trên đây là nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà luật sư đã nhận được. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ kịp thời. Xin cảm ơn!

Từ khóa » Kê Khai Hóa đơn đầu Vào Không Chịu Thuế