Họ Lều Gốc Mạc ở Thái Bình - Ban Quản Lý Di Tích

Họ Lều gốc Mạc ở Thái Bình

Tôi có may mắn được đọc tập sách chữ Hán cổ “Lều gia từ phụng tổ văn sử ký” và nhận thấy mình cần sớm tới thăm vùng đất này để có thể cảm nhận được những gì viết trong tập sách. Vâng, vùng đất yên bình và trù phú “Đa Cốc" thuộc xã Thái Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình ngày nay, họ Lều gốc Mạc là một trong số các dòng họ có số người đông nhất tại địa phương. Tại Thái Công hiện có các nhánh họ Lều Như Lều Bá, Lều Vũ, Lều Hữu, Lều Công, Lều Văn, Lều Doãn v.v... . Nằm ở giữa làng Thái Công có một ngôi mộ rất lớn. Đó là mộ bà Tổ cô của dòng họ Lều với biển đề “Mạc Thị Dĩ Sơn” và ngôi mộ Tổ đại tộc có khắc ba chữ Hán “Mạc Đại Yên”. Tại Thái Công cũng vẫn lưu truyền câu nói “Bá vi huynh, Vũ vi thứ, Văn vi đệ” tức là họ Lều tại Thái Công có Lều Bá là cành trưởng, Lều Vũ là cành thứ và Lều Văn là em”.

Năm 1995 một điều may mắn đã đến với họ Lều xã Thái Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Tình cờ một cụ thầy lang phát hiện thấy Tập sách cổ bằng chữ Hán viết trên giấy dó mỏng do bọn trẻ định dùng làm giấy phất diều. Đây chính là “Bài Văn tế cổ”, trong đó có “Lều gia từ phụng tổ văn sử ký” gồm 109 câu thơ thể Song thất lục bát nói về cội nguồn họ Lều xã Thái Công cũng như công sức của họ Lều đối với địa phương. Hiện chưa thể xác định chính xác Bài văn tế này được viết vào năm nào, nhưng chúng ta có thể khẳng định chắc chắn là: Bài Văn tế đã được viết vào thời nhà Nguyễn và được viết sau năm Kỷ Dậu 1909 đời vua Duy Tân. Khẳng định vấn đề trên là vì các câu thơ trong bài Văn tế có câu: “Duy Tân Kỷ Dậu tam niên, Sức bằng đôi nước tặng liền cả đôi”. Duy Tân làm vua từ năm 1907 đến 1916. Duy Tân tam niên là năm Kỷ Dậu 1909. Vậy tập sách này đã được viết sau năm 1909 và như vậy tính đến nay tập sách kể trên đã có khoảng gần 100 năm tuổi. Ngoài “Lều gia từ phụng tổ văn sử ký” cành Lều Hữu cũng sưu tầm được Phả họ Lều viết vào năm Bảo Đại thập tam niên, tức năm Mậu Dần 1938. Cả hai tập sách kể trên đều ghi chép Tổ tiên họ Lều là gốc Mạc.

Đi sâu vào việc nghiên cứu họ Lều trong toàn quốc thì chúng tôi thấy rằng: Ngay từ năm Quý Sửu 1853, tức năm Tự Đức thứ 6, tác giả Dương Bá Cung, tự Cấn Đình đã viết “Lều thị thế phả” trong đó ghi rõ: “Tổ tiên họ Mạc đến đầu thời Lê Trung Hưng đổi thành họ Lều, giữ lại bộ thảo đầu sợ lẫn với họ khác”. Cũng trong phả đó còn cho biết “Có họ Hoàng, họ Khương, họ Vũ, họ Phạm lưu lạc chuyển đổi không xét hết được”. Tại nhà thờ họ Lều ở Nhị Khê, xã Thượng Phúc, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (Nay là Hà Nội) ngoài Thế phả trên còn có Từ đường cất giữ nhiều hoành phi, câu đối. Một trong số các câu đối đó mà dòng họ này cho là lời tiên tri: “Tứ bách niên tiền chung phục thủy, Thập tam thế hậu dị nhi đồng”.

Nghĩa của câu đối tiên tri đó là: Dù có phải thay họ đổi tên, mai danh ẩn tích thì chỉ 400 năm, tức khoảng 13 đời người sau, các họ (gốc Mạc) sẽ lại tìm thấy nhau, vì những người này từ xa xưa đều thờ một Tổ là họ Mạc và đều từ một họ gốc mà ra.

Lời Tiên tri kể trên tôi xin dịch là: Bốn trăm năm trước cùng đồng lòng tôn thờ một Tổ, Mười ba đời sau tuy khác họ nhưng vẫn là một gốc một nguồn. Đúng như vậy, tính đến nay đã tròn 400 năm và cũng tương đương với 13 đời người, các dòng họ gốc Mạc trong toàn quốc lại có dịp tìm thấy nhau và gặp lại nhau. Trong bài viết này, chúng tôi xin phép trao đổi sâu về nhánh dòng họ Lều gốc Mạc tại xã Thái Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Trong bài Văn tế Lều gia xã Thái Công thuộc huyện Kiến Xương, ngay từ những câu đầu, bài Văn tế đã nói về họ Mạc rất cụ thể: “Khảo thế hệ kỳ tiên Mạc thị, Lịch kỷ truyền cơ chỉ tăng quang, Nguyên lai Lũng Động cổ hương, Chí Linh cổ huyện Hải Dương cổ thành”. Tiếp đó bài Văn tế đã nói về cụ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, rồi 5 đời vua nhà Mạc ở Thăng Long và 85 năm nhà Mạc ở Cao Bằng. Đặc biệt Bài Văn tế còn nói tới sự kiện sau năm Nhâm Thìn 1592 về việc nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long và con cháu nhà Mạc phải phân phương chuyển về đất Nhị Khê thuộc huyện Thường Tín, Hà Tây và đất Thái Công thuộc huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình ngày nay) rồi đổi sang họ Lều “Mai danh ẩn tích” mưu lập nghiệp lâu dài.

“Đồng thời BÁ TRỌNG phân phương,

Nhị Khê tập NHẠN, Kiến Xương yên HỒNG”.

Vậy là Bài văn tế đã dùng bút pháp miêu tả các hậu huệ BÁ TRỌNG họ Mạc như những cánh chim Nhạn, chim Hồng bay đi và Dừng TẬP kết hoặc YÊN vị tại các vùng đất như Nhị Khê và đất Thái Công. Trong thế giới loài chim thì chim Hồng hay chim Nhạn đều là những loài chim quý, nhưng chim Hồng lại lớn hơn chim Nhạn. Trong tiếng Hán, nếu nói về con người thì chữ Hồng cũng còn có nghĩa là Lớn hơn. Nhiều tư liệu lịch sử cho biết vào năm Nhâm Thìn 1592 sau khi nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long rồi sau đó cụ Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị hành quyết thì em của vua Mạc Mục tông (Mạc Mậu Hợp) là Mạc Mậu Yên phân phương về đất Thái Công và con cháu cụ Mạc Mậu Hợp là Mạc Phúc Trì phân phương về đất Nhị Khê. Cụ Mạc Mậu Yên là bậc cha chú (bậc bề trên) của cụ Mạc Phúc Trì nên phù hợp với chữ Hồng.

Cũng lưu ý thêm một điều nữa mà bài văn tế đã đề cập tới, đó là “Thiên giữ trạch Thái Công cư tụ, Cải tính Lều Triệu Tổ dĩ lai” tức là: Trời đã trao vùng đất Thái Công của Kiến Xương cho họ Mạc và Tổ họ Lều được bắt đầu từ đây. Hiện ở xã Thái Công, ngôi mộ bà Tổ cô của dòng họ Lều có biển đề “Mạc Thị dĩ sơn” và ngôi mộ Đại tộc cũng khắc ba chữ Hán “Mạc Đại Yên”. Như vậy, cái tên họ Lều bắt đầu có từ đất Thái Công mà ra và Cụ Mạc Đại Yên (Mạc Mậu Yên) là cụ Tổ đầu tiên của dòng họ Lều. Đem so sánh với các hậu duệ họ Lều ở Thái Công thì tới năm 1992, tức 400 năm sau ngày nhà Mạc thất thủ Thăng Long thì họ Lều Thái Công cũng là đời thứ 13. Tại Nhị Khê, tổ họ Lều cũng được xác định là cụ Mạc Phúc Trì. Như vậy có thể hiểu hai cụ Mạc Đại Yên và cụ Mạc Phúc Trì về đất Thái Công và đất Nhị Khê cùng một thời điểm: Đồng thời Bá Trọng phân phương, Nhị Khê tập NHẠN, Kiến Xương yên HỒNG nhưng “Thiên giữ trạch Thái Công cư tụ, Cải tính Lều Triệu Tổ dĩ lai”, tức là tại đất Thái Công, nơi cư tụ các thành viên họ Mạc đã đổi sang họ Lều trước và là Triệu Tổ, sau đó mới “Dĩ lai” đến nơi khác.

Để hiểu thêm về nghĩa của chữ “DĨ LAI” thì trong các Từ điển đều ghi Dĩ có nghĩa là Làm, là Dùng, là Sự đã qua còn nghĩa của chữ Lai là: Về sau, Sau này, Yên ủi vỗ về. Vậy Dĩ Lai ở đây là tại Thái Công “đã Làm, đã Dùng, đã Quyết định, đã Đổi” sang họ Lều và Triệu Tổ tức cụ Tổ họ Lều bắt đầu từ đây. Các nơi (Còn lại, Sau) làm theo tức là Dĩ Lai theo để bảo toàn dòng họ Mạc.

Có ý kiến cho rằng tại đất Thái Công trước đây họ Mạc đã từng về sinh sống. Tuy nhiên, chỉ sau năm 1592, khi nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long và bị truy lùng ráo riết thì con cháu nhà Mạc mới phải thay họ đổi tên. Tư liệu lịch sử cũng khẳng định vùng đất Thái Công từ trước năm 1540 đã được cấp cho Trưởng nữ của vua Mạc Đăng Doanh là công chúa Mạc Huệ Từ. Bà đã khai phá vùng đất này trở thành nơi giầu có, thóc lúa nhiều vô kể nên nới ấy được gọi là Đa Cốc (Đa là nhiều, Cốc là Lúa).

Năm Nhâm Thìn 1592 nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long, vua Mạc Mậu Hợp chạy về Gia Lâm rồi Hái Dương, sau đó bị bắt. Công chúa Huệ Từ cũng như một số con cháu khác của nhà Mạc ở đất Thái Công không theo kịp, đành trở về ấp cũ, trong đó có em của vua Mạc Mậu Hợp là Mạc Mậu Yên. Tuy nhiên, khi trở lại Kiến Xương thì nơi ấy quân Lê đã chiếm. Người dân nơi này vốn kính trọng bà Huệ Từ nên đã che chở.

Vài năm sau thế thời dịu đi. Năm Bính Thân 1596 đời vua Lê Duy Đàm (1573- 1599), miếu hiệu Thế Tông có lệnh đăng sổ quân dân. Quan nhà Lê vốn trước ăn lộc nhà Mạc biết chuyện nên mách bảo bà đổi sang họ khác. Bà công chúa Huệ Từ cho rằng Tổ tiên họ Mạc trước từng làm nghề chài lưới “Vó Lều” nên quyết định chọn chữ LỀU, trong đó: Lấy chữ LIỄU làm gốc, thể hiện sự hiểu đời, sự việc đã xong và có bộ Thảo ở trên, coi đó như sự gánh vác trọng trách lớn trên vai bà đối với dòng họ và cũng giống bộ Thảo của chữ Mạc để không lẫn với họ khác. Như vậy, việc đổi sang họ Lều bắt đầu từ Thái Công, sau đó Nhị Khê đặt theo là lô dích. Sách Kiến Xương xưa ay mục Sự hình thành khu dân cư và các dòng họ văn hiến đã ghi: Họ Lều Thái Công, Kiến Xương khởi từ công chúa Mạc Huệ Từ, trưởng nữ của vua Mạc Đăng Doanh.

Đôi lời suy ngẫm tỏ tường viết về họ Lều khi được đọc “Lều gia từ phụng tổ văn sử ký”. Bài viết này xin được coi là Nén nhang thơm dâng lên Tiên tổ họ Lều gốc Mạc xã Thái Công, đất Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Trong tập sách quý kể trên, ngoài “Lều gia từ phụng Tổ văn” còn có “Phụng Tổ văn quốc âm, Phụng Tổ cô văn Lều tộc và Phụng văn Mãnh tướng Binh Điệp” mà người xưa lưu lại cho Hậu duệ họ Lều gốc Mạc để chúng ta biết được Cội nguồn, biết được Tổ tiên, biết được Nguồn gốc của chính bản thân mình để rồi: Thập tam thế hậu dị nhi đồng.

Thật mừng là tại vùng đất Thái Công này, nơi mà cụ Tổ cô Mạc Huệ Từ đã từng khai phá đất đai để có những cánh đồng tươi tốt, thóc lúa nhiều vô kể, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của cụ Tổ cô Công chúa Mạc Huệ Từ và của cụ Tổ họ Lều Mạc Đại Yên, nơi bắt đầu dòng họ Lều gốc Mạc, nơi Mãnh tướng họ Lều từng hiên ngang chiến thắng quân thù và ngày nay những người họ Lều Thái Công vẫn luôn đi đầu trong mọi lĩnh vực và tiếp bước truyền thống tốt đẹp của ông cha.

Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, những đóng góp và mất mát của người dân Thái Công quả thực là không nhỏ. Thật tự hào vì họ Lều Thái Công đã có 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó mẹ Lều Thị Tân cả chồng và con đều là Liệt sỹ, có những người là Lão thành Cách mạng và là Tiền khởi nghĩa, có người là người là Anh hùng Lao động như Lều Vũ Điều. Họ Lều Thái Công đã, đang và còn làm được nhiều việc lớn hơn nữa, chắc chắn sẽ luôn làm rạng danh, vẻ vang dòng họ.

Vũ Tiến Thắng, Ban Liên lạc họ Mạc và gốc Mạc tỉnh Thái Bình.

Nguồn: mactoc.com

.

Từ khóa » Nguồn Gốc Họ Lều