Hổ Quyền Và Những Trận đấu Sinh Tử Giữa Hổ Và Voi - VnEconomy

Những trận đấu giữa voi và hổ sớm nhất được các tư liệu ghi chép lại là vào thời các chúa Nguyễn (1558-1775). Vào thế kỷ 18, Pierre Poivre - một học giả người Pháp, đã từng viết về những trận đấu giữa voi và hổ do chúa Nguyễn tổ chức ở đảo Dã Viên trên sông Hương. Vị học giả này từng sống ở Việt Nam nhiều năm nên được tận mắt chứng kiến những trận đấu thú ấy.

Theo Pierre Poivre, vào năm 1750, một lần chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với triều thần đi trên 12 chiếc thuyền đến hòn Dã Viên để xem một cuộc đấu giữa voi và hổ. Đây có lẽ là trận đấu khủng khiếp và đẫm máu nhất, khi 40 con voi đã tàn sát đến con hổ cuối cùng trong số 18 con được thả ra làm vật tế thần trong ngày hội.

TỪ TRONG SỬ SÁCH

Từ khi vua Gia Long thống nhất giang sơn, triều đình các đời vua Nguyễn hàng năm cũng thường tổ chức những cuộc đấu giữa voi và hổ, coi đó là những ngày hội lớn ở kinh thành, cho cả giới quan lại và dân chúng cùng xem. Tuy nhiên, giai đoạn đầu vì chưa có đấu trường để đảm bảo an toàn cho người dân, nên nhiều lần xảy ra sự cố như hổ cắn người, hoặc voi dẫm chết người.

Ông Phạm Khắc Hòe, Quan Đổng lý ngự tiền Triều đình vua Bảo Đại, trong cuốn sách “Kể chuyện vua quan Nhà Nguyễn” đã kể lại nhiều trận đấu giữa voi và hổ ở kinh thành Huế. Theo sách này, cuối thời Gia Long, một trận đấu voi với hổ đã được tổ chức trên tả ngạn sông Hương tại dải đất giữa Phu Văn Lâu và chợ Đông Ba ngày nay. Người ta dùng dây thừng buộc một con hổ rất lớn vào gốc cây to bên cạnh một lùm cây thấp hơn và rậm. Con hổ vùng vằng hết sức mạnh cố dứt ra cho kỳ được, nhưng dứt mãi vẫn không ra, nó bèn chui vào núp trong lùm cây.

Không nhìn thấy hổ nữa, hai người nài ngồi trên một con voi dẫn nó tới sát lùm cây ấy. Nhanh như chớp, hổ nhảy lên đầu voi, lấy bàn chân trước quật vào một người nài làm anh này ngã lăn xuống đất và bị con voi chạy trốn đạp lên chết ngay. Người nài thứ hai dẫn một con voi khác đến đấu với hổ, nhưng chú ý không đến gần hổ quá để nó có thể nhảy lên lần nữa. Tuy vậy, khi hổ thấy voi đi về phía mình, nó liền nổi cơn thịnh nộ, lồng lộn nhảy ra giật đứt sợi dây buộc nó. Quần chúng sợ khiếp chạy dày xéo lên nhau. Voi cũng chạy trốn, hổ cũng bỏ rơi voi, kiếm cách phá vây để chạy về rừng. Hổ chạy quanh cả đấu trường, nhưng ở đâu cũng có quân lính cầm vũ khí chặn lại. Con hổ bất chấp, nhảy xổ vào hàng rào binh lính và làm một số bị thương.

Viên chỉ huy quân lính hô to: “Nếu chúng bay không bắt sống được nó, ta sẽ chém đầu hết cả!”. Quân lính liền đua nhau đổ xô vào bắt hổ. Lần đầu hổ thoát, lần thứ hai hổ thoát, lần thứ ba hổ thoát, và mỗi lần nó thoát là mỗi lần có người bị thương. Nên người chỉ huy phải ra lệnh giết hổ không cần phải bắt sống cho được nữa. Thế là cả một rừng giáo mác tập trung vào đâm hổ chết. Sau đó, cả đàn voi đến luân phiên nhau lấy vòi tung xác hổ lên cao rồi cho rơi xuống đất, cuối cùng một con voi đã dùng chân chà đạp nát xác con hổ ra.

Vào thời Minh Mạng, nhân ngày lễ Tứ Tuần Đại Khánh năm 1829, vua ngự thuyền rồng xem một trận đấu giữa voi và hổ ở bên bờ Bắc sông Hương. Trong khi giao đấu, hổ đã lao ra và bơi về phía thuyền rồng. Vua Minh Mạng kịp dùng con sào đẩy lùi được con hổ và nhờ vậy, quan quân mới kịp chèo thuyền đến giết chết hổ giữa dòng sông cứu vua kịp thời. Do những sự cố này, năm Minh Mạng thứ 11 (1830), vua đã chọn vùng đất ở thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, nằm về phía Tây Kinh Thành để xây dựng một đấu trường kiên cố nhằm tổ chức những cuộc đấu voi – hổ được an toàn.

Trong những ngày thi đấu voi – hổ, người dân nô nức kéo nhau đi xem, dân chúng và hương chức quanh vùng đặt hương án, lễ vật trên đoạn đường vua đi qua. Vua đi thuyền trên sông Hương lên bờ, lên kiệu che bốn lọng vàng và bốn tàn vàng để đến đấu trường. Đi trước là lính Ngự lâm quân, rồi Thị vệ cầm cờ Tam tài, cờ Ngũ hành, cờ Nhị thập bát tú, gươm tuốt trần; tiếp theo là đội nhạc cung đình. Các quan quỳ nghênh đón ở chiếu hoa trải trên đường rồi theo vua vào cổng giữa lên khán đài.

Theo ông Phạm Khắc Hòe, trận đấu voi - hổ diễn ra lần cuối cùng vào năm 1904, dưới triều vua Thành Thái. Trận ấy, quan quân lần lượt đưa 5 con voi đực vào đấu trường. Con voi nào thấy hổ cũng đều sợ bỏ chạy. “Cuối cùng người ta dẫn ra một con voi cái. “Bà” này có vẻ hiên ngang, đi qua đi lại trước mặt hổ không chút sợ sệt. Vua Thành Thái liền khen “Con này can đảm lắm”. Nhà vua vừa dứt lời, thì hổ nhanh như chớp nhảy phốc lên trán voi, bị voi hất rất mạnh, hổ rơi xuống, nhưng lại nhảy lên bám chặt vào đầu voi. Voi vừa rống lên một tiếng rất to vừa vụt chạy đến thành Hổ Quyền, dùng đầu thúc ép hổ vào thành cho đến lúc hổ nghẹt thở rơi xuống, voi lập tức lấy chân chà đạp cho chết”, Phạm Khắc Hòe viết.

TRIỂN KHAI DỰ ÁN CHỈNH TRANG DI TÍCH HỔ QUYỀN

Ngày nay, di tích Hổ Quyền - Điện Voi Ré tọa lạc tại thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, Thành phố Huế. Nơi đây là một đấu trường độc đáo, mà có thể không hề có ở bất cứ nơi đâu trên thế giới về một đấu trường riêng cho voi và hổ như vậy. Hổ Quyền được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Quyết định công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1998.

Di tích Hổ Quyền khi chưa trùng tu
Di tích Hổ Quyền khi chưa trùng tu

Về kiến trúc, Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn có vòng thành trong cao 5,90m; vòng thành ngoài cao 4,75m. Thành ngoài nghiêng một góc khoảng 10-15 độ tạo thế vững chãi kiểu chân đê. Chu vi tường ngoài Hổ Quyền lên tới 145m, đường kính lòng chảo 44m.

Trên di tích Hổ Quyền, khán đài vua ngồi ở mặt Bắc của đấu trường, được xây cao hơn so với các vị trí xung quanh. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và các đại thần cùng hoàng thân quốc thích.

Hai bên có hai hệ thống bậc cấp chỗ ngồi dành cho Hoàng hậu và các cung nữ, tường xây bằng gạch hoa đúc rỗng. Bên phải khán đài có hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho quan chức và binh lính. Từ khán đài này nhìn qua phía đối diện, sẽ nhìn thấy 5 chuồng nhốt hổ nằm ngay trong lòng đấu trường. Người xưa lợi dụng hai vòng tường trong và ngoài, xây thêm các bức vách bằng gạch để tạo 5 cái chuồng riêng biệt. Hệ thống cửa ở các chuồng hổ là các cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây từ trên xuống.

Ngoài thành có một cửa cao 8 thước 7 tấc, rộng 4 thước 5 tấc có hai cánh cửa bằng gỗ mà đế làm bằng phiến đá thanh, trên cửa có ghi chữ “Hổ Quyền”, voi được đưa vào sân đấu bằng lối cửa này. Vòng tường thành bên ngoài có hệ thống thoát nước với hoa văn hình mặt hổ, có tất cả là 2 lối dẫn lên khán đài bằng các bậc đá, một lối dành riêng cho vua và quốc thích đại thần, một lối dành cho dành cho quan chức và binh lính.

Gần Hổ Quyền có Điện Voi Ré là chứng tích một thời của đội Kinh tượng nhà Nguyễn. Công trình được sử dụng để thờ những con voi trung nghĩa. Sau khi điện Voi Ré xây xong, triều đình đã ban cấp thêm nhiều tiền bạc để tổ chức tế lễ hai lần trong mỗi năm vào mùa xuân và mùa thu. Kiến trúc điện theo kiểu chữ “môn”, bên ngoài có vòng la thành xây bằng gạch. Phía trước cổng tam quan có hệ thống bậc cấp đi lên gồm 17 bậc.

Sau 191 năm xây dựng và hơn 1 thế kỷ bỏ không hoang phế, ngày nay Hổ Quyền đã xuống cấp. Dự án chỉnh trang Di tích Hổ Quyền đã được Hội đồng Nhân dân Thành phố Huế phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2020 với tổng kinh phí hơn 94 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 54 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng hơn 40 tỷ đồng. Hiện công trình Hổ Quyền đang được trùng tu chỉnh trang lại.

Năm 2021, Ủy ban Nhân dân Thành phố Huế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã tiến hành khảo sát đi đến thống nhất phạm vi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án chỉnh trang đến khoanh vùng 2 bảo vệ di tích; tập trung ưu tiên khẩn trương tổ chức giải tỏa nhà dân nằm tiếp giáp vị trí Hổ Quyền, dự án hạ tầng kĩ thuật khu dân cư phục vụ chỉnh trang cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré (thuộc phường Phường Đúc và phường Thủy Biều) bao gồm các hạng mục: đất ở, đất cây xanh, đất thương mại, bãi đỗ xe, đất giao thông và hạ tầng kĩ thuật với tổng diện tích gần 5 ha.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng giao Ủy ban Nhân dân Thành phố Huế phối hợp Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành và chỉnh trang khu vực trước Festival. Ngoài ra, xây dựng phương án nghiên cứu tái tạo hình ảnh đấu trường bằng giải pháp công nghệ để phục vụ du khách.

Từ khóa » điện Voi Ré Và Hổ Quyền