Hồ Sơ Hà Huy Sơn

Hà Huy Sơn sinh ngày 4 tháng 10 năm 1966 tại xã Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ông nhập học Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1983, và tốt nghiệp năm 1988. Từ năm 2008, ông Sơn làm việc trong Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (1). Nhắc lại, ngay sau khi Chu Hảo được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ vào năm 1996, ông Hảo đã giữ chức Giám đốc đầu tiên của Dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, và giữ chức này trong một thời gian khá dài (2). Đến năm 2011, Hà Huy Sơn mở Công ty Luật Hà Sơn. Đây cũng là năm ông Sơn nhận bào chữa cho một nhân vật đối lập nổi tiếng, là Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, con trai nhà thơ Cù Huy Cận. Có thể đây cũng là lần đầu ông Sơn bào chữa cho một người đối lập có danh.

Sau đó, Hà Huy Sơn trở thành một luật sư quen thuộc trong phong trào chính trị đối lập Việt Nam. Ông đã liên tục tham gia bào chữa cho khá nhiều gương mặt đối lập, bao gồm Cù Huy Hà Vũ, nhạc sĩ Việt Khang, nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, 14 thanh niên Công giáo và Tin lành bị xét xử hồi đầu năm 2013, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu, Phan Kim Khánh… Ông Sơn cũng giúp linh mục Đặng Hữu Nam của giáo phận Vinh soạn đơn kiện tập đoàn Formosa, không lâu sau vụ xả thải gây ô nhiễm của tập đoàn này hồi năm 2016. Ngoài ra, hồi tháng 9 năm 2015, ông cũng bào chữa cho ông Hà Huy Hoàng, một cựu phóng viên báo Thế giới & Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao, khi ông Hoàng bị xử vì tội làm gián điệp cho tình báo Trung Quốc (3).

I. Phạm vi quan hệ

Trong các vụ kiện tụng, bào chữa và trước dư luận, luật sư Hà Huy Sơn thường hiện diện như một cộng sự thân tín của luật sư Trần Vũ Hải. Qua những thông tin đã thu thập được, hiện chúng tôi chưa thể kết luận ông Sơn và ông Hải đã quen và cộng tác với nhau từ thời điểm nào. Tuy nhiên, sự cộng tác giữa hai ông đã bắt đầu được chính thức hóa vào ngày 24 tháng 12 năm 2015, khi Trần Vũ Hải dẫn đầu 26 luật sư, bao gồm Hà Huy Sơn, để cùng thành lập một nhóm luật sư mang tên “Dự án Vì Công lý” (4).

Tất cả các bài viết của Hà Huy Sơn đều được gửi cho trang Bauxite Việt Nam. Đây là trang web của nhóm trí thức từng giữ vai trò quan trọng trong các chiến dịch truyền thông để xây dựng hình tượng Cù Huy Hà Vũ trước và sau khi ông Vũ bị bắt. Vì vậy, có thể ông Sơn đã có quan hệ thân thiết với nhóm trí thức này từ thời điểm đó, hoặc trước đó, cho đến ngày nay.

Về thái độ và mối quan hệ với các lực lượng nước ngoài, đầu tháng 2 năm 2014, Hà Huy Sơn đã đến Geneve để tham dự phiên kiểm điểm UPR của Việt Nam theo lời mời của Đại học Oslo và Đoàn Luật sư Na Uy (5). Theo một bài tường thuật của trang BBC tiếng Việt (6), thì trừ các đại diện của chính quyền Việt Nam, có ba nhóm người Việt đến dự sự kiện đó. Nhóm đầu tiên là các đại diện của đảng Việt Tân và “Ủy ban Vận động Nhân quyền cho Việt Nam”, đến từ Mỹ. Trong đó, “Ủy ban Vận động Nhân quyền cho Việt Nam” bao gồm các thành viên của VOICE và ông Nguyễn Quang A. Nhóm thứ hai là ông Trần Quang Thành, đến từ Slovakia. Nhóm thứ ba là các khách mời trực tiếp xuất phát từ trong nước, trong đó chỉ có ông Hà Huy Sơn là không bị giữ lại và cấm xuất cảnh. Ông Sơn đã tham dự sự kiện dưới tư cách một thành viên của đoàn Na Uy, thay vì của hai đoàn Việt Nam nói trên, hoặc như một nhân vật độc lập.

Khi trả lời phỏng vấn đài RFA sau sự kiện, Hà Huy Sơn cho biết trong những người Việt Nam mà ông gặp trong kỳ UPR, ông chỉ nhớ mặt Trần Quang Thành. Những người còn lại ông mới gặp “lần đầu” nên “không nhớ được hết tên” (5).

Ngoài ra, ông Hà Huy Sơn cũng nằm trong số những “đại diện của xã hội dân sự Việt Nam” được mời gặp Tổng thống Mỹ Barrack Obama trong chuyến thăm Việt Nam của ông này hồi cuối tháng 5 năm 2016. Ông Sơn và một số “đại diện” khác, bao gồm Nguyễn Quang A, Phạm Đoan Trang, Hoàng Huy Vũ, Teresa Thảo, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Bá Vinh, đã bị cơ quan công an ngăn không cho đến gặp Tổng thống Mỹ. Những người bị chặn đều là các gương mặt trong phong trào chính trị đối lập ở Việt Nam. Trong khi đó, một số “đại diện của xã hội dân sự” khác, vốn là thành viên của các NGO hoặc tổ chức tôn giáo hợp pháp, thì lại không bị chặn. Nhóm này “gồm có ca sĩ Mai Khôi, bà Nguyễn Hồng Anh – đại diện của tổ chức bảo vệ quyền của người khuyết tật; Lê Quang Bình – đại diện của tổ chức ISEE chuyên về quyền LGBT; nhà báo Mai Phan Lợi – Chủ tịch Hội đồng khoa học MEC, Mục sư Nam Quốc Trung, Lê Quốc Huy” (7).

Trong khi phát ngôn viên của Nhà trắng tuyên bố họ “không tiết lộ tên của bất kỳ nhà hoạt động nào không thể đến dự” (8), các nhà hoạt động này đều dùng blog và trang Facebook cá nhân để thông báo việc họ được mời đến gặp Tổng thống Mỹ. Trong đó, ông Hà Huy Sơn còn viết trên Facebook một “lời nhắn khẩn” gửi Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, để than phiền về việc ông bị ngăn không cho đến gặp ông Obama (9).

II. Những nghi vấn về trình độ chuyên môn

Khi các blog ủng hộ chính quyền công kích Hà Huy Sơn, họ thường nhắm vào trình độ chuyên môn của ông. Các blog này thường mô tả ông là “dốt”, “đần”, “học luật mà không hiểu luật”, “không có uy tín và ảnh hưởng trong giới luật sư”, “trình độ pháp luật yếu kém”. Họ cũng đưa ra nhiều dẫn chứng cho những nhận định này.

Chẳng hạn, trong một bài công kích viết hồi cuối tháng 11 năm 2015, tác giả liệt kê một loạt các thân chủ cũ của Hà Huy Sơn, để khẳng định rằng cho đến thời điểm đó, ông Sơn đạt “tỉ lệ bào chữa thành công 0%, tỉ lệ giảm án 0%, tỉ lệ kháng án 0%”, trong khi ông nhận tiền của thân chủ trong 100% số vụ việc (19).

Ngày 1 tháng 6 năm 2012, khi Thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội mời ông Nguyễn Xuân Diện lên làm việc để trao đổi về nội dung blog của ông (11), luật sư Hà Huy Sơn cũng theo ông Diện lên Sở. Tuy nhiên, ông Sơn đã buộc phải ra về vì không thể chứng minh một điều kiện tối thiểu mang tính thủ tục, rằng ông Diện đã đề nghị ông tư vấn pháp luật (10). Thêm vào đó, ông Sơn còn nhầm lẫn giữa hai khái niệm “tư vấn pháp luật” và “trợ giúp pháp lý”, khi tuyên bố rằng mình là người “trợ giúp pháp lý” cho ông Diện. Trong khi đó, theo Điều 10 Luật Trợ giúp Pháp lý được ban hành vào năm 2006, thì các đối tượng được trợ giúp pháp lý bao gồm người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tât, trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số; và ông Nguyễn Xuân Diện không thuộc tất cả các diện này.

Ngày 5 tháng 7 năm 2016, ông Sơn đăng lên Internet một lá “đơn tố giác về tội phạm”, trong đó ông tố giác công ty Formosa về tội “chống lại loài người”, được quy định tại điều 342 Bộ Luật Hình sự năm 1999 (12). Không lâu sau đó, những người phê phán ông Sơn chỉ ra rằng lá đơn này không có giá trị, vì chủ thể của hành vi vi phạm điều 342 chỉ có thể là cá nhân, chứ không thể là pháp nhân thương mại. Thêm vào đó, ông Sơn đã viện dẫn một bộ luật cũ, trong khi Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã có những quy định mới về tội “chống loài người”.

Cần lưu ý rằng chỉ một ngày trước khi ông Sơn tung ra lá “đơn tố giác”, 24 tổ chức chính trị đối lập Việt Nam  – bao gồm đảng Việt Tân cùng các chi nhánh của đảng này, các nhóm tôn giáo chống chế độ, và các trí thức thân Viện IDS cũ – đã cùng ký tên vào một bản tuyên bố chung để lên án thái độ của chính quyền trong vụ Formosa. Như vậy, có lẽ lá đơn của ông Sơn nằm trong, hoặc phối hợp với chiến dịch truyền thông của ít nhất một trong số các nhóm vừa kể. Nhiều khả năng ông đã phối hợp với cánh trí thức, vì trang Bauxite Việt Nam mà ông thường xuyên gửi bài cũng nằm trong cánh này, và vào thời điểm đó, các cuộc biểu tình chống Formosa mà Việt Tân và Công giáo đồng tổ chức còn chưa nổ ra.

Trong năm 2016, Hà Huy Sơn cũng giúp linh mục Đặng Hữu Nam của Giáo phận Vinh soạn mẫu đơn kiện Formosa, để ông Nam phát cho giáo dân. Tuy nhiên, đơn kiện của họ bị Tòa án thị xã Kỳ Anh trả lại, vì không đảm bảo đúng thủ tục pháp luật (13).

Ngày 25 tháng 10 năm 2017, tòa án sơ thẩm đã tuyên 6 năm tù giam và 4 năm quản chế cho Phan Kim Khánh, một người đối lập là thân chủ của ông Sơn. Trong vụ này, ông Sơn cũng đã mắc ba sai lầm nghiêm trọng và khó hiểu (16).

Thứ nhất, theo gia đình Phan Kim Khánh, thì ông Khánh không “nhận tội và xin khoan hồng” như ông Hà Huy Sơn và các tờ báo chính thống đưa tin. Thay vào đó, ông Khánh thừa nhận mình đã mở các blog và trang Facebook mà cáo trạng đề cập, nhưng tuyên bố rằng đó là hành động “vì đất nước” chứ không vi phạm luật pháp. Trong khi đó, ông Hà Huy Sơn lại đưa tin như sau:

“Khánh sử dụng Internet để tuyên truyền tư tưởng đa nguyên, đa đảng, phi chính trị quân đội, bầu cử tự do, tự do báo chí …Giám định viên Bộ Thông tin truyền thông thì kết luận đó là tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN. Khánh có liên lạc với người của Việt Tân. Khánh thừa nhận các hành vi của mình và cho rằng nó là kết quả nhận thức”.

Tuyên bố của ông Sơn, nếu không được dùng làm bằng chứng để chống lại Phan Kim Khánh trước tòa, thì cũng gây bất lợi lớn cho thân chủ của ông trong việc lôi kéo sự ủng hộ của dư luận và quốc tế.

Thứ hai, ông Sơn đã không gửi bản cáo trạng của tòa án sau phiên sơ thẩm cho gia đình Phan Kim Khánh theo đúng lịch trình quy định.

Thứ ba, sau phiên sơ thẩm, ông Sơn đã không tiếp xúc với thân chủ để hỏi xem thân chủ có muốn kháng cáo hay không, để thông báo cho tòa được biết. Do lỗi này của ông, phiên xử phúc thẩm đã không diễn ra vì hết thời hạn kháng cáo.

Đây không phải là lần duy nhất ông Hà Huy Sơn hành xử theo hướng có hại cho uy tín của thân chủ. Theo lời ông Võ An Đôn, một cựu luật sư từng tham gia nhóm của ông Trần Vũ Hải, thì ông Sơn đã khuyên bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một thân chủ khác của ông, nhận tội và xin khoan hồng để được giảm án trong phiên phúc thẩm diễn ra vào ngày 30 tháng 11 năm 2017 (16).

Nhiều luật sư khác trong nhóm Trần Vũ Hải cũng có thành tích bào chữa kém tương tự ông Sơn. Chẳng hạn, trong vụ người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức bắt giữ công an làm con tin, diễn ra hồi tháng 4 năm 2017, bản thân ông Trần Vũ Hải cũng đã mắc phải một sai lầm ngớ ngẩn. Khi nhận bào chữa cho dân Đồng Tâm, ông Hải đòi hỏi phía quân đội giải trình xem họ định sử dụng đất quốc phòng cho mục đích gì, và đòi xem bản đồ quốc phòng, trong khi đây là những thông tin mật. Vì vậy, trong một bài viết hồi tháng 7 năm 2017, các blog ủng hộ chính quyền đã gọi nhóm luật sư của Trần Vũ Hải là “Hợp tác xã tổ Toàn thua” (15).

III. Quan điểm và bản lĩnh chính trị

 

1. Về vấn đề quyền lập hội và xây dựng xã hội dân sự

Trong các bài viết và phát ngôn của Hà Huy Sơn, vấn đề quyền lập hội và xây dựng xã hội dân sự có thể được xem là một trong những nhóm chủ đề nổi bật. Ông thường đăng trên Facebook những đoạn quan điểm ngắn của mình về cách thức xây dựng các phòng trào và tổ chức “dân sự” ở Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng có ba bài viết và trả lời phỏng vấn trong chủ đề này:

_ Bài “Hậu quả của việc không thừa nhận các hội đoàn, đảng phái  trong xã hội”, viết hồi tháng 10 năm 2013 (17)

_ Bài “Cơ sở pháp lý nào cho việc lập hội ở Việt Nam”, viết hồi tháng 1 năm 2014 (18)

_ Bài “Một số ý kiến bàn về xây dựng tổ chức xã hội dân sự”, viết hồi tháng 2 năm 2016 (19)

Trong bài cuối cùng vừa nêu, ông Sơn cho rằng để “chuyển hóa một xã hội từ toàn trị sang dân chủ bằng biện pháp hòa bình”, trước tiên phải xây dựng “các tổ chức xã hội dân sự”. Các tổ chức này không nên theo đuổi “những mục tiêu chính trị to tát”, mà nên “bình thường hóa mục tiêu, đời sống hóa hoạt động, dân sự hóa, hợp pháp hóa để phát triển”. Ông cho rằng các tổ chức này nên bắt đầu bằng việc đòi hỏi nhà nước và mọi công dân “phải thực thi Hiến pháp và pháp luật hiện hành”, trước khi đòi thay đổi Hiến pháp. Ngoài ra, ông cũng cho rằng các tổ chức này nên tự chủ về mặt tài chính, phân tán về mặt quyền lực để nhiều thành viên có thể trở thành người lãnh đạo thay thế khi cần, và nên hoạt động công khai thay vì bí mật.

Nhóm “Dự án Vì Công lý” của Trần Vũ Hải, mà Hà Huy Sơn tham gia, dường như cũng đang cố vận hành theo những đường lối mà ông Sơn mong muốn.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các “tổ chức dân sự” mà ông Sơn hình dung cũng chẳng khác gì các tổ chức chính trị. Chúng được thành lập không phải để thực hiện một công tác dân sự nào đó – như cung cấp phúc lợi, giải trí, trao đổi kinh nghiệm hay trao đổi học thuật… – nhằm khiến chính phủ không cần nhúng tay vào lĩnh vực dân sự mà chúng đã lo. Thay vào đó, chúng được thành lập để tác động đến các quyết định chính trị của chính quyền và của mọi người. Vì vậy, có thể khẳng định rằng Hà Huy Sơn không muốn phát triển các “tổ chức dân sự”, ông chỉ muốn thành lập các tổ chức chính trị đội lốt “tổ chức dân sự”, rồi dùng các tổ chức này để thay đổi thể chế.

2. Về nhân quyền và dân chủ

Trong bài “Hãy tuân theo quy luật để tồn tại và phát triển” (20), viết hồi tháng 8 năm 2013, luật sư Hà Huy Sơn tuyên bố như sau:

“Lịch sử đấu tranh của nhân loại không ngoài mục đích vì quyền con người, quyền ấy phải ngày càng được đáp ứng đầy đủ và thỏa mãn ở mức cao hơn”.

“Lịch sử phát triển của nhân loại là quá trình phát triển của đa nguyên, của tự do, đa dạng hệ ý thức, đa dạng tư tưởng”.

Như vậy, Hà Huy Sơn là người theo thuyết sử luận, khá giống các nhà tư tưởng theo chủ nghĩa Marx – Lenin. Trong khi chủ nghĩa Marx – Lenin cho rằng “toàn bộ lịch sử là lịch sử đấu tranh giai cấp”, ông Sơn cho rằng toàn bộ lịch sử là lịch sử của nhân quyền, và nhân quyền sẽ ngày càng được đáp ứng ở mức cao hơn theo quy luật tất yếu của lịch sử. Theo ý kiến riêng của chúng tôi, quan điểm của ông Sơn tự nó thiếu tính đa nguyên. Mặt khác, quan điểm này cũng cho thấy ông có hiểu biết hạn chế về lịch sử, vì khái niệm “nhân quyền” chưa xuất hiện trước thế kỷ 16, và chưa có định nghĩa chung trên phạm vi thế giới trước thế kỷ 20.

Đến tháng 5 năm 2014, Hà Huy Sơn viết một bài mang tên “Hãy sống và chết vì một khế ước xã hội tiến bộ thay vì bất kỳ một điều gì khác”. Nội dung bài viết tương ứng với nhan đề của bài, và nói lên cách ông Sơn định nghĩa nền dân chủ. Tuy nhiên, ông Sơn không cho biết nếu tất cả mọi người đều “sống và chết vì một khế ước xã hội tiến bộ”, thì khế ước này có phục vụ cái gì ngoài chính nó hay không, và khi “khế ước tiến bộ” đã hình thành rồi, thì mọi người còn lý do nào khác để sống và chết.

Trong các bài viết về mô hình thể chế, khi cần đưa ra định nghĩa cho các khái niệm, ông Sơn đều trích dẫn Wikipedia tiếng Việt, dù đây được xem là một nguồn không đáng tin cậy và không có giá trị học thuật. Qua chi tiết này, có thể thấy ông có vốn hiểu biết khá hạn chế về lý thuyết chính trị, và không quen đọc, viết các bài nghiên cứu.

Có lẽ vì lý do này, hoặc những lý do thực tiễn khác, mà các phát ngôn chính trị của ông Sơn thường không nhất quán với nhau. Chẳng hạn, sau vụ ca sĩ Mai Khôi chăng biểu ngữ “Piss on you Trump” hồi tháng 11 năm 2017, ông Sơn bình luận rằng “Lợi ích của dân tộc cao hơn mọi quyền biểu đạt cá nhân. Quan trọng hơn là nội dung biểu đạt lại đi ngược với lợi ích đất nước”.

3. Về cách thức hoạt động của phong trào chính trị đối lập Việt Nam

Trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Sơn thường phê bình cách hoạt động của các nhân vật trong phong trào chính trị đối lập, trong đó có các thân chủ của ông. Chẳng hạn, trong một bài post (21), ông đưa ra năm lý do khiến họ thất bại, bao gồm:

“_ Các bạn dựng lên tổ chức, đặt ra tôn chỉ quá hoành tráng nhưng thực tế chỉ là hình thức. Khi bị bắt các bạn phải chịu trách nhiệm chung. Những tôn chỉ đó thành “gậy ông đập lưng ông”.

_ Một số coi Internet và máy tính như trợ lý của mình nhưng khi bị bắt chính người trợ lý này thành kẻ phản bội lại bạn.

_ Một số khác dựa vào Internet để hoạt động bí mật nên chủ quan. Nhưng khi bị phát hiện thì không thể đỡ được.

_ Không tìm hiểu pháp luật hiện hành ở mức cần thiết.

_ Thực hiện minh bạch ở môi trường ko minh bạch. Tự rắc lông ngỗng”.

Năm dòng trên cho thấy lối suy nghĩ và cách hoạt động của Hà Huy Sơn. Ông Sơn không dám làm bất cứ điều gì nằm ngoài sự cho phép của chính quyền, và sẵn sàng cắt gọt mọi thứ của bản thân, kể cả tôn chỉ của tổ chức và sự minh bạch, sao cho ông chui vừa khoảng cho phép đó.

Tác phong chính trị vừa nêu của ông Sơn đã bộc lộ trong đợt bầu cử Quốc hội đầu năm 2016. Khi nhiều gương mặt của phong trào đối lập Việt Nam đồng loạt tự ứng cử làm Đại biểu Quốc hội theo lời kêu gọi của ông Nguyễn Quang A, luật sư Hà Huy Sơn không tham gia cùng họ, dù đã được ông Mai Xuân Dũng tế nhị viết bài nhắc nhở. Quyết định của ông Sơn được các blog ủng hộ chính quyền giải thích như sau:

“Luật sư Sơn có thể là một người biết sử dụng nghề nghiệp của mình để kiếm tiền, song nhãn quan nghề nghiệp, cùng việc nhận thức rõ chức trách, nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội, đã chỉ cho ông biết điểm dừng, biết đâu là giới hạn nên tới và đâu là nơi không nên nhúng tay vào! Cho nên, thật dễ hiểu tại sao cũng là luật sư, song luật sư Sơn chưa bao giờ dính vào các vụ án liên quan đến bản thân, trong khi đó những cái tên như Trần Vũ Hải, Trần Thu Nam và Lê Văn Luân thì hoàn toàn khác”.

Giả Nhân

Chú thích:

(1) https://www.facebook.com/huyson.ha.3/about

(2) https://lichsuxahoidansuvietnam.wordpress.com/2018/01/16/ho-so-chu-hao/

(3) http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/09/150930_espionage_trial

(4) https://lichsuxahoidansuvietnam.wordpress.com/2017/12/05/du-an-phuc-vu-cong-ly/

(5) http://diendanctm.blogspot.com/2014/02/phong-van-ls-ha-huy-son-tu-geneve_6.html

(6) http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/02/140203_upr_preview

(7) https://www.danluan.org/tin-tuc/20160524/tong-thong-obama-nhieu-nha-hoat-dong-bi-ngan-can-tham-du-cuoc-hop-voi-ong

(8) http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/05/160525_vn_activists_integrity

(9) https://xuandienhannom.blogspot.com/2016/05/loi-nhan-khan-cua-ls-ha-huy-son.html

(10) http://www.molang0205.com/2015/11/chan-dung-luat-su-ha-huy-son-e-ruot.html

(11)  http://nguyentandung.org/ban-chat-vu-viec-ba-le-hien-duc-tai-so-tt-tt-ha-noi.html

(12) http://nguoinhaqueblog.blogspot.com/2016/07/ha-huy-son-mot-luat-su-ngu-dot.html

(13) http://www.gocnhinthoidai.org/2016/10/a-lo-chan-tuong-luat-su-ha-huy-son-vo.html#.Wn2CA7MxXIV

(14) http://www.danoan.net/2016/07/luat-su-ha-huy-son-thang-an.html

(15) http://hoangthinhatle.com/bai-noi-bat/chien-cong-moi-cua-htx-to-toan-thua/

(16) http://thongluan2016.blogspot.com/2017/11/vai-ieu-trao-oi-cung-luat-su-ha-huy-son.html

(17) https://www.danluan.org/tin-tuc/20131007/ha-huy-son-hau-qua-cua-viec-khong-thua-nhan-cac-hoi-doan-dang-phai-trong-xa-hoi

(18) https://www.danluan.org/tin-tuc/20140121/co-so-phap-ly-nao-cho-viec-lap-hoi-o-viet-nam

(19) https://www.danluan.org/tin-tuc/20160203/mot-so-y-kien-ban-ve-xay-dung-to-chuc-xa-hoi-dan-su

(20) https://www.danluan.org/tin-tuc/20130829/ha-huy-son-hay-tuan-theo-quy-luat-de-ton-tai-va-phat-trien

(21) http://www.danquyen.net/2017/11/luat-su-ha-huy-son-tiet-lo-li-do-toan.html

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading...

Related

Từ khóa » Tiểu Sử Luật Sư Hà Huy Sơn