Hồ Sơ Xin Việc Gồm Những Giấy Tờ Gì? Cách Viết Hồ Sơ Xin Việc Chi Tiết!

Một hồ sơ xin việc hoàn chỉnh và đầy đủ thông tin sẽ là yếu tố đầu tiên giúp nhà tuyển dụng có những đánh giá sơ bộ, có những nhận xét ban đầu về trình độ, sự phù hợp của ứng viên đối với vị trí tuyển dụng.

Thế nhưng, đối với sinh viên mới ra trường hay những người chưa có kinh nghiệm xin việc, việc tạo nên một bộ hồ sơ xin việc vừa đầy đủ và vừa đúng thông tin vẫn còn rất khó khăn. Vậy hãy cùng chúng tôi đọc bài viết này để chuẩn bị một bộ hồ sơ thật ấn tượng với nhà tuyển dụng nhé!

» Có thể bạn quan tâm: Cách viết mail xin việc

1. Hồ sơ xin việc gồm những giấy tờ gì?

Hiện nay để thuận tiện hơn trong thời kỳ dịch bệnh, một số doanh nghiệp đã đưa ra nhiều hình thức nộp hồ sơ xin việc khác nhau như hồ sơ xin việc online, hồ sơ xin việc qua gmail,...nhưng vẫn còn nhiều nơi ưu tiên sử dụng bộ hồ sơ chuẩn đã được sử dụng từ trước đến nay.

Mỗi công ty sẽ có những yêu cầu khác nhau về các giấy tờ cần có trong hồ sơ xin việc, tuy nhiên về cơ bản sẽ bao gồm:

1.1. Đơn xin việc

Trong một bộ hồ sơ xin việc, đơn xin việc không chỉ là một yếu tố quan trọng mà nó còn là điểm khác biệt giúp ứng viên ghi điểm đối với nhà tuyển dụng bằng cách trình bày của mình. Tuỳ theo yêu cầu của mỗi công ty mà người ứng tuyển có thể viết tay hay đánh máy đơn xin việc. Ngoài ra cũng có thể mua một bộ hồ sơ đã in bán ở ngoài các cửa hàng và viết thông tin cần có vào là được.

Đơn xin việc của bạn phải thể hiện được mong muốn làm việc, khát khao cống hiến khả năng của bản thân cho công ty và vừa phải thể hiện sự chuyên nghiệp, tiềm năng của bạn đối với vị trí mà bạn ứng tuyển. Bên cạnh đó, không quên ghi đầy đủ ngày tháng viết, có chữ ký và ghi rõ họ tên của người viết đơn xin việc và không cần công chứng.

1.2. CV xin việc

CV xin việc là một loại hồ sơ mà ứng viên cần thể hiện năng lực, trình độ, kinh nghiệm của mỗi cá nhân. CV thường được đánh máy bằng word, hoặc một số khác thể hiện sự chuyên nghiệp hơn bằng cách thiết kế CV trên các phần mềm viết CV.

CV cũng có thể được tạo từ các mẫu có sẵn trên các trang web làm CV online, vừa đa dạng về hình thức mà cũng rất tiện lợi. Bạn nên chú ý thiết kế CV không chỉ về nội dung mà muốn có cơ hội phỏng vấn cao hơn người khác, bạn còn cần chú ý đến hình thức trình bày sao cho khoa học và phù hợp.

» Xem chi tiết trong bài: Cách viết CV

1.3. Sơ yếu lý lịch tự thuật đã được đóng dấu xác nhận của địa phương

Dù ứng tuyển vào bất kì một công việc, vị trí trong doanh nghiệp nào đều cần phải có sơ yếu lý lịch. Đây là loại văn bản trình bày hầu hết mọi thông tin của các ứng viên như tên tuổi, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình, các loại khen thưởng, chứng chỉ,... giúp các nhà tuyển dụng dễ dàng nắm được các thông tin cơ bản của ứng viên, bước đầu chọn lọc được các ứng viên có thể được gọi phỏng vấn.

Bản sơ yếu lý lịch có một mẫu quy định chung, thường được bán kèm trong một bộ hồ sơ xin việc. Trước khi nộp hồ sơ đến nơi bạn chuẩn bị xin việc, chỉ cần mang bản sơ yếu lý lịch đến Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi bạn cư trú để xin công chứng là có thể yên tâm nộp rồi.

1.4. Giấy khám sức khỏe

Tuỳ từng vị trí làm việc và yêu cầu riêng trong mỗi công việc mà công ty sẽ có những yêu cầu khác nhau về giấy khám. Giấy khám sức khỏe cần có dấu xác nhận bệnh viện hay trạm y tế mà bạn thực hiện khám sức khỏe. Dựa vào giấy này, nhà tuyển dụng có thể biết được tình trạng sức khoẻ của các ứng viên có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không, từ đó tạo ra sự tin tưởng cho nhà tuyển dụng.

Cần lưu ý rằng giấy này chỉ có hiệu lực trong vòng 06 tháng nên bạn cần sắp xếp gửi hồ sơ xin việc nhanh chóng để đảm bảo giấy khám sức khoẻ vẫn còn hiệu lực.

1.5. Bằng cấp, chứng chỉ liên quan

Các loại bằng cấp và chứng chỉ cần được photo và công chứng để chứng minh những điều bạn kê khai trong sơ yếu lý lịch là đúng sự thật.

1.6. Ảnh chân dung 3x4 hoặc 4x6

Ảnh chân dung được dán ở bìa của hồ sơ xin việc và trong bản sơ yếu lý lịch. Ảnh này giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quan và nhận biết đầu tiên về bạn. Ảnh chân dung cần nghiêm túc và phù hợp. Phụ thuộc vào vị trí công việc mà nhà tuyển dụng có thể yếu ầu bạn nộp kèm 2-3 ảnh chân dung 3x4 hoặc 4x6 để làm ảnh thẻ nhân viên, bảo hiểm sức khỏe,...

1.7. Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh

Các loại giấy tờ này cần photo, sau đó công chứng để nộp để chứng minh được lý lịch của ứng viên.

Lưu ý:

Muốn thu hút nhà tuyển dụng, bạn cần khéo léo và chuyên nghiệp trong cách sắp xếp thứ tự của các loại giấy tờ trên. Các nhà tuyển dụng sẽ không có thời gian để xem xét và đọc kỹ toàn bộ giấy tờ có trong bộ hồ sơ xin việc của các ứng viên.

Cụ thể, hãy đặt CV và đơn xin việc lên đầu tiên để giúp các nhà tuyển dụng nắm bắt thông tin cá nhân của bạn nhanh chóng. Sau đó, đặt các giấy tờ photo đã công chứng về văn bằng, chứng chỉ và các thành tích nổi bật của bạn. Nhớ đính kèm các hình ảnh chân dung của bạn.

Hãy chứng tỏ bản thân đã chuẩn bị cẩn thận và rất khao khát với vị trí, công việc này, việc tiếp theo của bạn là gửi bản hồ sơ xin việc và chờ đợi để nhận email thông báo phỏng vấn nữa thôi.

» Tham khảo: Cách viết mục tiêu nghề nghiệp

2. Cách viết hồ sơ xin việc chi tiết nhất

Một bản hồ sơ xin việc được trình bày khoa học, chỉn chu sẽ tạo được ấn tượng tốt với các nhà tuyển dụng. Dưới đây chúng tôi sẽ gửi đến các bạn cách viết hồ sơ xin việc chi tiết và đầy đủ nhất nhé!

2.1. Cách viết Sơ yếu lý lịch

Sơ yếu lý lịch giúp nhà tuyển dụng nắm bắt được toàn bộ thông tin cá nhân như tên tuổi, nguyên quán, số điện thoại,.., thông tin gia đình của ứng viên. Ứng viên cũng cần nêu sơ lược quá trình đào tạo và nơi làm việc trước đó của bản thân. Mọi thông tin được nêu trong sơ yếu lý lịch cần đầy đủ, chính xác và cần có xác nhận từ địa phương.

Mỗi sơ yếu lý lịch gồm các mục sau:

  • Thông tin cá nhân: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính. Các thông tin này cần đúng với những gì có trên căn cước công dân của ứng viên.

  • Địa chỉ: Nơi ở hiện tại và nơi đăng ký hộ khẩu thường trú;

  • Dân tộc: Ví dụ như dân tộc Kinh, dân tộc Mường,... Trường hợp con lai cần ghi rõ quốc tịch của bố và mẹ;

  • Tôn giáo: Ví dụ như đạo Phật, đạo Công Giáo, đạo Cao Đài,... Nếu không theo đạo nào thì ghi “Không”;

  • Thành phần gia đình sau cải cách ruộng đất: Ví dụ như công chức, viên chức, bần nông,...

  • Thành phần bản thân gia đình hiện nay: Ví dụ như công nhân, nông dân,...

  • Trình độ văn hoá: Trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc sau đại học;

  • Trình độ ngoại ngữ: chứng chỉ IELTS, TOEIC,...kèm theo số điểm (nếu có). Ví dụ: TOEIC 450;

  • Ngày kết nạp Đảng (ghi rõ ngày tháng năm và nơi kết nạp Đảng CSVN);

  • Tình hình sức khoẻ;

  • Nghề nghiệp hoặc trình độ chuyên môn: liệt kê các bằng cấp mà bản thân đã đạt được;

  • Hoàn cảnh gia đình: Trong phần này cần ghi đầy đủ các thông tin về tên, tuổi, quê quán, nơi ở, nghề nghiệp của bố mẹ đẻ, anh chị em ruột, con cái (nếu có),...

  • Quá trình hoạt động của bản thân: Ghi đầy đủ các hoạt động đi học, đi làm và các hoạt động xã hội của bản thân;

  • Khen thưởng và kỷ luật (nếu có): Ghi rõ ngày tháng năm, hình thức khen thưởng hoặc kỷ luật của bản thân.

2.2. Cách viết Đơn xin việc

Trước khi các ứng viên được thông báo để gặp gỡ và phỏng vấn, đơn xin việc chính là yếu tố đầu tiên khiến nhà tuyển dụng chú ý và quyết định cho việc có tuyển dụng vào công ty hay không. Đơn xin việc là phương tiện để bày tỏ nguyện vọng và sự quan tâm tới vị trí công việc của ứng viên để thuyết phục nhà tuyển dụng.

Đơn xin việc viết tay hay đánh máy đều có những ưu - nhược điểm riêng. Đối với viết tay, tuy phải bỏ nhiều thời gian, công sức hơn nhưng lại có thể thể hiện được bản sắc riêng của người ứng tuyển. Đơn xin việc đánh máy có thể sửa trực tiếp trên máy và in rồi nộp cho nhà tuyển dụng bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp đều được nên tiện lợi hơn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tải đơn mẫu trên mạng và điền thông tin đầy đủ hoặc tự gõ theo mẫu sẵn đều được.

Đơn xin việc gồm các phần sau:

  • Quốc hiệu, tiêu ngữ:

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

  • Tiêu đề của đơn (viết in hoa): “ĐƠN XIN VIỆC” hay “THƯ XIN VIỆC”;

  • Phần mở đầu: Kính gửi (nêu rõ tên người nhận, giữ chức vụ gì, ở công ty nào?); Giới thiệu bản thân (tên, tuổi, địa chỉ...) và vị trí mình muốn ứng tuyển.

  • Phần thân: Nêu điểm mạnh, kinh nghiệm, khả năng, các kỹ năng phù hợp với công việc ứng tuyển. Đồng thời nêu được lý do tại sao công ty nên lựa chọn bạn (quan trọng, cần thể hiện khát khao được làm việc với công ty);

  • Phần kết: Đưa ra yêu cầu lịch hẹn phỏng vấn với nhà tuyển dụng, lời cảm ơn, ký và ghi rõ họ tên.

2.3. Cách viết CV

Một CV thường có các nội dung cơ bản sau:

  • Thông tin cá nhân: Họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, email, nơi ở,...

  • Học vấn;

  • Mục tiêu sự nghiệp;

  • Kinh nghiệm làm việc;

  • Kỹ năng;

  • Chứng chỉ;

  • Giải thưởng;

  • Sở thích.

Ngày nay bạn hoàn toàn có thể sử dụng các mẫu CV được thiết kế theo nhiều hình thức đơn giản hay cầu kỳ, thanh lịch, màu sắc sinh động,...

3. Những lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ xin việc

  • Các thông tin trong hồ sơ xin việc phải đầy đủ, chính xác. Tránh nói không đúng sự thật, nói phóng đại các khả năng của bản thân;

  • Nội dung trình bày ngắn gọn, rõ ý, dễ hiểu, dễ đọc;

  • Kiểm tra cẩn thận, tránh các lỗi sai chính tả, tránh thiếu các loại giấy tờ bắt buộc hay sai thông tin;

  • Đối với các đơn viết tay cần sử dụng một loại mực, không cần gạch chân hay viết hoa để làm nổi bật. Không trang trí hoa văn lòe loẹt;

  • Đừng quên công chứng các loại giấy tờ bắt buộc.

Một bộ hồ sơ xin việc chỉn chu, đầy đủ và khoa học không chỉ giúp bạn tự tin khi xin việc mà còn khiến nhà tuyển dụng có ấn tượng tốt về bạn. Trên đây chúng tôi đã gửi đến bạn những hướng dẫn chi tiết nhất về bộ hồ sơ xin việc, hi vọng sẽ giúp bạn có một bộ hồ sơ hoàn hảo và ấn tượng để chinh phục các nhà tuyển dụng.

» Đọc ngay: Cách viết thư cảm ơn sau phỏng vấn

KFC đang tuyển dụng nhiều vị trí, xem ngay » TẠI ĐÂY

Từ khóa » đơn Xin Việc Làm Cần Những Gì