Hỗ Trợ Các Chủ Thể Phát Triển Sản Phẩm OCOP - Báo KonTum Online

Cuối năm 2019, với kinh phí 500 triệu đồng (nguồn Chương trình xây dựng nông thôn mới), Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần VietNamtrade (thành phố Đà Nẵng) để triển khai tư vấn, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP cho 4 chủ thể là hộ cá nhân trên địa bàn huyện. Đó là hộ kinh doanh Ngô Thị Ly (thôn 4, xã Đăk Tơ Lung) với sản phẩm Chuối sấy giòn Bà già đeo; hộ kinh doanh Y Thời (thôn 7, xã Đăk Tơ Lung) với sản phẩm Rượu cần Y Thời; hộ kinh doanh Út Sáng (thôn 8, xã Đăk Kôi) với sản phẩm Măng le và hộ kinh doanh A Rênh (thôn 7, xã Đăk Tờ Re) với sản phẩm Rượu cần Ông già Rênh.

Theo hợp đồng ký kết, đơn vị tư vấn VietNamtrade hỗ trợ các chủ thể xây dựng hồ sơ chất lượng sản phẩm; phân tích chỉ tiêu chất lượng an toàn thực phẩm sản phẩm; xây dựng hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận an toàn thực phẩm; tổng hợp bản mô tả sản phẩm, xây dựng bộ tiêu chuẩn (tiêu chuẩn cơ sở/hợp quy/hợp chuẩn) sản phẩm; xây dựng tài liệu quản lý chất lượng nội bộ (tài liệu hướng dẫn, hệ thống bản biểu, sổ sách ghi chép) và vận dụng quy trình, biểu mẫu quản lý chất lượng; đăng lý mã vạch sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu và xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm; thiết kế bao bì sản phẩm; xây dựng câu chuyện sản phẩm; đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu hàng hóa; tem truy xuất nguồn gốc; xây dựng Website/Hồ sơ năng lực trực tuyến và đăng ký tên miền, thuê hosting trong thời gian 1 năm.

Các công nhân của trang trại Groupfram chăm sóc cây dưa lưới. Ảnh: Đ.T

Đến nay, 4 chủ thể đang gấp rút hoàn thành khâu cuối cùng hoàn tất hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Khi hoàn thành sẽ tham gia đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện (dự kiến sẽ tổ chức vào cuối tháng 10).

Theo ông Đinh Hồng Thắng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh việc ký kết với đơn vị tư vấn hỗ trợ 4 chủ thể phát triển sản phẩm OCOP trong năm 2019, ngay từ đầu năm 2020, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai việc đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2020 cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất, hộ kinh doanh cá thể khác trên địa bàn.

Sau khi có danh sách đăng ký sản phẩm tham gia chương trình, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức rà soát, kiểm tra thực tế để đánh giá tính khả thi của các sản phẩm. Qua đánh giá, có nhiều sản phẩm đủ tiêu chuẩn để tham gia như: Sản phẩm Dưa lưới của trang trại Groupfram ở thôn Đăk Pủi (xã Đăk Tờ Re); sản phẩm Chuối ép dẻo Vinh Sơn của hộ kinh doanh Y Dung ở thôn 8 (xã Đăk Tờ Re); sản phẩm Gạo sạch Thái Hiền của cơ sở sản xuất kinh doanh Thái Hiền ở thôn 3 (xã Tân Lập); sản phẩm Gà đồi của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xanh ở thôn 9 (xã Đăk Ruồng)…

“Với kinh phí 1 tỷ đồng từ nguồn Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2020, chúng tôi đang phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP cho các chủ thể có sản phẩm có tính khả thi cao này để tham gia đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện trong năm 2021”, ông Thắng nói.

Bà Ngô Thị Ly - 1 trong 4 chủ thể được hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trong năm 2019 - chia sẻ: Thông qua việc hỗ trợ, sản phẩm Chuối sấy giòn thương hiệu Bà già đeo được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Trong thời gian tới, gia đình của bà sẽ tiếp tục đầu tư máy móc, hoàn thiện dây chuyền sản xuất khép kín, đồng thời sẽ phát triển thêm các dòng sản phẩm mới là rượu cần, măng rừng sấy khô và dược liệu sấy khô (như đinh lăng, sơn tra).

Còn với ông Trần Văn Phương, thành viên sáng lập trang trại Groupfram với sản phẩm dưa lưới (giống Nhật Bản, trồng theo công nghệ tiên tiến Israel) thì lại phấn khởi cho biết, từ khi đăng ký tham gia chương trình OCOP, trang trại Groupfram không chỉ được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tích cực giúp đỡ làm các thủ tục, hồ sơ OCOP mà còn được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, kết nối và làm việc với nhiều nhà phân phối uy tín đến từ thành phố Đà Nẵng, qua đó giúp sản phẩm dưa lưới của trang trại được tiêu thụ tốt hơn.

Được biết, ngoài hỗ trợ phát triển sản phẩm, trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy còn hỗ trợ các chủ thể đang tham gia chương trình OCOP xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm, tham gia các hội chợ thương mại, xúc tiến đầu tư. Có thể nói, đây chính là việc làm tích cực để ngày càng có thêm nhiều chủ thể tham gia chương trình OCOP và góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm của địa phương.

Đức Thành

Từ khóa » Chuối Sấy Giòn Bà Già đeo