Hỗ Trợ Tài Chính Cho Doanh Nghiệp Vượt Qua đại Dịch: Cần Những Cơ ...
Những phân tích, gợi mở đã được các nhà quản lý, chuyên gia cùng nhau nhìn nhận, chia sẻ trong buổi đối thoại chuyên đề “Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích”, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam -VnEconomy tổ chức ngày 25/9.
Tham dự đối thoại chuyên đề có: TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; TS. Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước; TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT); TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh; TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư Ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel).
Doanh nghiệp thực sự khó khăn
Phát biểu tại buổi đối thoại, TS. Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT cho biết trong 8 tháng đầu năm 2021, khu vực dịch vụ chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19, kinh doanh rất khó khăn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ giảm 4,7%. Khu vực sản xuất công nghiệp tăng thấp ở mức 5% chỉ bằng 50% tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm trước khi có dịch COVID-19.
Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 8% so với cùng kỳ. Có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Những điều này này cho thấy dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề, tiêu cực đến doanh nghiệp – nền tảng quan trọng để gia tăng năng lực của nền kinh tế.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết, dịch bệnh COVID-19 thật sự là cú đánh mạnh vào ngành du lịch, kéo ngành này thụt lùi trở về thời kỳ cách đây cả hơn chục năm. Riêng năm 2021, ngành du lịch thực chất chỉ hoạt động được trong 3 tháng và có thể coi như “mất trắng” năm nay bởi khả năng mở cửa trong quý IV/2021 là rất khó. Việc khởi động lại ngành du lịch có thể phải tính tới thời điểm tháng 1/2022. Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp du lịch nếu có hi vọng chỉ có thể trông chờ du lịch nội địa phục hồi với điều kiện tiêm chủng nhanh và áp dụng chính sách thẻ xanh. Tuy nhiên, hiện Chính phủ chưa có chỉ đạo chung về thẻ xanh, thẻ vàng. Mọi quy định vẫn mang tính địa phương, du khách khó đi xuyên vùng.
Do đó trước mắt theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, phải thống nhất chính sách về thẻ xanh, thẻ vàng mới khai thông được giao thông vận tải, du lịch.Về lâu dài, để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị, Chính phủ cần phải coi doanh nghiệp là "đối tác đồng hành, không nên coi là đối tượng". Những chính sách hỗ trợ cần thủ tục thông thoáng, không nên đòi hỏi nhiều giấy tờ, nếu không sẽ rất khó cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai các hoạt động; Cần phải tin tưởng vào doanh nghiệp và giao trực tiếp cho doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động, cách làm này giống chính phủ các nước vừa giúp hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời và không phức tạp về thủ tục.
TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho biết, đợt dịch bùng phát thứ 3, thứ 4 rơi vào mùa cao điểm du lịch, dẫn đến doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2021 của ngành hàng không giảm 90% so cùng kỳ. Trong năm 2020 doanh thu giảm 60%. Không chỉ các hãng bay mà những doanh nghiệp liên quan lĩnh vực hàng không trong Hiệp hội như dịch vụ mặt đất, cung cấp suất ăn, đào tạo,… đều chịu chung số phận.
Các hãng bay bằng mọi biện pháp đã cắt giảm chi phí tối đa. Năm 2019, chi phí bình quân của hai hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines, VietJet Air bình quân 396 tỷ đồng/ngày, tương ứng 12.000 tỷ đồng/tháng. Nhưng đến 6 tháng đầu năm 2021, đã cắt giảm chỉ còn 2.100 tỷ đồng/tháng. Bởi đặc thù riêng, doanh thu giảm nhưng chi phí thường xuyên như thuê mặt bằng, trả lương, bảo dưỡng phương tiện vẫn phải duy trì. Đối với hàng không, lực lượng lao động, thiết bị luôn phải duy trì trạng thái tốt nhất, luôn sẵn sàng khởi động lại ngay khi thị trường phục hồi.
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, TS. Bùi Doãn Nề cho biết, Hiệp hội đã đề nghị các doanh nghiệp trong ngành cần được vay vốn để nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn. Cần hỗ trợ thanh khoản, công nhận hộ chiếu vắc xin, mở lại bay nội địa, sớm cho phép người tiêm đủ 2 mũi 1 mũi đi làm cùng với việc tuân thủ 5K đảm bảo an toàn... tạo điều kiện cho hàng không phát triển, như vậy sẽ bảo toàn được nguồn vốn và cân đối ngân sách nhà nước trong tương lai.
Cũng theo TS. Bùi Doãn Nề, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không đã nhiều lần đề xuất gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không, mục đích phục vụ chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án để duy trì hoạt động trong thời gian dịch bệnh kéo dài. "Chính phủ và Quốc hội nên xem xét cho các hãng hàng không khác vay với mức lãi suất ưu đãi như gói vay của Vietnam Airlines, để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, giúp các hãng hàng không giải quyết vấn đề thanh khoản. Số vay căn cứ vào nhu cầu và quy mô thị phần, khả năng đóng góp ngân sách trong thời gian vừa qua và khả năng đáp ứng ngân sách thời gian tới", TS. Bùi Doãn Nề đề nghị.
Gói kích cầu là cần thiết
Tại cuộc họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội gần đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý kiến gợi mở về gói kích cầu hỗ trợ lãi suất với quy mô trên 2.000 tỷ đồng giải ngân qua hệ thống ngân hàng, kéo theo đó dư nợ tín dụng từ 60.000 – 65.000 tỷ đồng. Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng dịch bệnh COVID-19 khiến cho tổn thất tài chính là rất lớn và chưa từng có tiền lệ. Các chính phủ như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều có gói tài trợ lớn, hỗ trợ trực tiếp tiền cho doanh nghiệp, người lao động. Chưa có nước nào tài trợ qua ngân hàng.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhắc lại, ở Việt Nam, từng có gói hỗ trợ lãi suất vào năm 2009 trong bối cảnh GDP suy giảm mạnh. Tuy nhiên, kết quả mang lại vừa có lợi và vừa có hại. Sau năm 2009, là giai đoạn kinh tế nước ta liên tiếp bị lạm phát cao, thậm chí lên tới 18,58% vào năm 2011. Từ kinh nghiệm đã có, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh những bài học cần đảm bảo 3 trụ cột: tăng trưởng tín dụng, lạm phát và tỷ giá hối đoái. Về vi mô cần cân nhắc cách thức thực hiện nhằm ổn định thanh khoản, không gây nguy hiểm lên hệ thống ngân hàng, duy trì nợ xấu ở mức chấp nhận được.
TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, gợi ý của Chủ tịch Quốc hội nên được thảo luận một cách nghiêm túc. “Ủng hộ gói hỗ trợ nhưng cần làm một cách thông minh”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Theo đó, cần biện pháp mang tính chất vĩ mô từ phía ngân hàng trung ương, cộng với các biện pháp hỗ trợ từ ngân sách. Hai biện pháp này lại tạo nên một hiệu ứng giảm lãi suất tương đối rõ rệt cho các doanh nghiệp, có thể lên đến 4%. Đồng thời, không nên phân biệt đối tượng cho vay là doanh nghiệp lớn, vừa hay nhỏ cũng không nên phân biệt ngành nghề.
"Từ bài học của thế giới và bài học kinh nghiệm năm 2009, cần thực hiện gói kích thích về lãi suất nhanh, quy mô đủ rộng, đừng như muối bỏ biển. Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp thời điểm này", TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh. Diễn biến dịch COVID-19 có thể kéo dài hết năm 2022, chưa thể lường trước những nguy hiểm của các biến thể mới nên gói hỗ trợ cần đủ dài, tạo sức bật cho các doanh nghiệp phục hồi nhanh.
"Hiện tại, năng lực thể chế, năng lực của ngân hàng trung ương khác trước rất nhiều. Quốc hội, Chính phủ cũng hiểu rõ về các vấn đề kinh tế vĩ mô và những bài học để đời đã thấm thía, là nền tảng quan trọng để thực hiện gói hỗ trợ này", TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Ngành Ngân hàng đã chủ động, sớm vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, TS. Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước tham dự đối thoại tại đầu cầu Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam |
Chia sẻ tại buổi đối thoại, TS. Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng vào cuộc rất sớm trong việc tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 về cơ cấu nợ và 2 lần điều chỉnh bằng Thông tư 03, Thông tư 14 để phù hợp thực tiễn nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu nợ từ khi có dịch đến nay tính lũy kế khoảng 520.000 tỷ đồng. Thời gian tới sẽ còn tăng thêm do dịch bệnh đang diễn biến.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng tự dùng nguồn lực của mình để hạ lãi suất cho vay. Tính chung ngân hàng đã hạ lãi suất lũy kế trên 26.000 tỷ đồng, từ khi có dịch bệnh đến nay. Riêng từ ngày 15/7/2021, khi có đợt phát động của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng đã hỗ trợ giảm lãi suất khoảng 9.000 tỷ đồng. Đây là nguồn hỗ trợ từ việc cân đối lợi nhuận của các ngân hàng.
Đồng thời, lượng dư nợ cho vay mới khoảng 4,46 triệu tỷ đồng, tức gần 50% lượng dư nợ toàn nền kinh tế đã được áp dụng cơ chế mà ngành Ngân hàng đưa ra để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid. Như vậy, gần 50% dư nợ vay mới được áp dụng cơ chế hỗ trợ cả về lãi suất và các biện pháp khác. Ngân hàng đã nỗ lực hết mình để chia sẻ với doanh nghiệp và người dân.
Về gói kích cầu 2.000 tỷ đồng, tương đương dư nợ 60.000 – 65.000 tỷ đồng, được Chủ tịch Quốc hội đề cập, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, gói này theo ước tính có thể tăng lên 3.000 tỷ đồng, tức quy mô dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng.
TS. Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, từ kinh nghiệm thực hiện gói kích cầu năm 2009, tới đây, khi xây dựng chính sách, Chính phủ chắc chắn sẽ chú trọng yếu tố ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Không đảm bảo ổn định vĩ mô thì chính sách mất hiệu lực, thậm chí có thể gây ra tác dụng ngược.
"Còn về quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm này cũng cần có thêm những gói hỗ trợ để tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Và phải linh hoạt vận dụng từ chính sách tiền tệ cho đến chính sách tài khoá để làm sao đạt được ổn định kinh tế và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh", TS. Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Thông tin thêm về hỗ trợ của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp nhiệt tình thời gian qua. Các ngân hàng đã sử dụng gần 30.000 tỷ đồng lợi nhuận tích lũy từ trước tới nay để giảm lãi suất, giảm phí cho khách hàng.
Trước những thông tin cho rằng "ngân hàng lãi nghìn tỷ trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phải đóng cửa do đại dịch là phản cảm", TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần phải phân tích nhiều chiều, từ đó thấy rằng lợi nhuận tại thời điểm này của các ngân hàng là không bền vững. Khoảng 20% lợi nhuận của ngân hàng đang tính trên lãi dự thu, hiện nay ngân hàng cũng chưa phải trích lập dự phòng rủi ro cho nợ cơ cấu lại (cuối năm nay mới phải trích lập dự phòng 30% đối với dư nợ cơ cấu bởi dịch Covid).
Cần có những cơ chế đặc biệt
Về gói kích cầu, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, bối cảnh năm 2009 và năm 2021 có nhiều điểm khác nhau, tương ứng với những khó khăn thuận lợi khác nhau. Năm 2009, chúng ta đã sử dụng khoảng 1 tỷ USD, tương đương 17.000 tỷ đồng (thời điểm đó) để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay các ngân hàng thương mại vẫn chưa được quyết toán hết.
Mặt khác, sau gói kích cầu trên, thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp vấn đề lớn và nợ xấu liên tục tăng cao. Do đó, năm 2013, chúng ta phải thành lập công ty quản lý tài sản VAMC để giải quyết hệ quả.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng "Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, ngành Ngân hàng đã rất chủ động, thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hiện nay Quốc hội sử dụng ngân sách để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp là rất phù hợp, chúng ta nên ủng hộ".
TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng: “Thực hiện gói hỗ trợ được sử dụng từ nguồn ngân sách sẽ giúp khâu quyết toán đơn giản hơn rất nhiều, chỉ cần Bộ Tài chính quyết toán với ngân hàng giống như hàng năm làm với Ngân hàng Chính sách Xã hội”.
Tuy nhiên, hai câu hỏi lớn được TS. Nguyễn Quốc Hùng đặt ra là: Doanh nghiệp nào được hưởng và làm thế nào để tiếp cận gói hỗ trợ?. Hiện tại, do dịch bệnh nên tất cả các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, muốn phân loại rất khó. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp không có doanh thu trong khi ngân hàng không thể giảm chuẩn cho vay, muốn giảm chuẩn cũng cần phải có quy định, mà quy định phải tuân thủ theo luật, nếu linh hoạt, sẽ bị hệ lụy sau này. Do vậy, TS. Nguyễn Quốc Hùng gợi mở “Cần quy chế đặc biệt, dành cho gói hỗ trợ đặc biệt”.
Đồng tình với kiến nghị của TS. Lê Xuân Nghĩa, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, không nên phân biệt đối tượng được hưởng gói kích cầu. Các doanh nghiệp cần được hỗ trợ bình đẳng để đáp ứng được yêu cầu phục hồi kinh tế. Đồng thời đề nghị cân nhắc tính toán vấn đề quản trị, kiểm soát, kiểm tra rủi ro trước trong và sau cho vay.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho vay khi các doanh nghiệp không đủ điều kiện, ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị vận dụng Nghị định 55/2015/NĐ-CP (sau này là Nghị định 116/2018/NĐ-CP), trong đó có quy định trường hợp khoanh nợ khi có thiên tai dịch bệnh. Nếu Chính phủ cho phép khoanh nợ gốc trong 1- 2 năm, doanh nghiệp sẽ phải trả lãi với mức lãi suất hợp lý cho ngân hàng, lúc đó doanh nghiệp vay mới với lãi suất ưu đãi đươc chính phủ hỗ trợ. Như vậy, Chính phủ hỗ trợ một phần, doanh nghiệp và ngân hàng cùng chia sẻ.
“Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ ngành khác cần trao đổi, nghiên cứu, thống nhất quan điểm, có sự đồng thuận cao, cùng vào cuộc có trách nhiệm để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Từ khóa » F55 Hỗ Trợ Tài Chính
-
F55 - Hỗ Trợ Tài Chính - Home | Facebook
-
F55 - Hỗ Trợ Tài Chính - Inicio | Facebook
-
F55 - Tài Chính Cá Nhân, Hà Nội City (0917.928.356)
-
Học Phí, Hỗ Trợ Tài Chính - Sinh Viên
-
Bộ Tài Chính - Trang Chủ - Tổng Cục Thuế
-
Hỗ Trợ Tài Chính - Hyundai Lào Cai
-
FPT F55 Chính Hãng | .vn
-
Hỗ Trợ Tài Chính - Masterise Homes
-
DANH SÁCH CÁC CÔNG TY TÀI CHÍNH (Đến 30/6/2018)
-
Hỗ Trợ Tài Chính - Báo Tuổi Trẻ
-
Tìm Hiểu Về Hỗ Trợ Tài Chính Khi Du Học Mỹ - Everest Education
-
Các Chính Sách Hỗ Trợ Tài Chính Cho Sinh Viên Tại Trường ĐH Văn Lang