Hòa Bình: Phát Triển Nghề Nuôi Cá Dầm Xanh ở Xã Vạn Mai

Cá dầm xanh có vị thơm ngon, độc đáo, hương vị hấp dẫn dù chế biến bất cứ món gì, được nhiều nhà hàng niêm yết trên thực đơn, tư thương săn đón. Cá dầm xanh được nuôi nhiều ở xóm Nghẹ, Lọng, Củm… với trên 80% hộ nuôi cá, tổng diện tích ao cá toàn xã 6,2 ha. Chất lượng cá nhận được nhiều phản hồi, đánh giá tích cực từ thị trường trong và ngoài tỉnh bởi thịt cá đậm đà, hương vị thơm ngon, mặc dù cá nuôi trong ao nhưng thịt chắc không kém gì cá đánh bắt ở sông, suối. Cá nuôi lâu, trọng lượng lớn giá càng cao, con từ 3 – 3,5 kg giá dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/kg. Mô hình nuôi cá dầm xanh ở xã đã có từ lâu, hộ nuôi ít từ 100 – 200 m2, hộ nhiều 500 – 1.000 m2 ao cá, đầu ra và giá ổn định, đầu vụ đã có nhiều tư thương đặt mua. Sản phẩm được tiêu thụ trong huyện và nhiều khách sạn, nhà hàng ở các thành phố lớn.

Một hộ nuôi cá lâu năm – ông Lường Văn An, xóm Củm cho biết, ông có 350 m2 ao cá. Giống cá này thích nghi tốt với môi trường nên sinh trưởng, phát triển mạnh, 3 năm xuất bán 1 lần, trung bình mỗi con từ 1,5 – 2 kg, giá bán từ 200 – 250.000 đồng/kg tùy trọng lượng, mỗi năm ao cá đem lại cho gia đình tôi thu nhập 60 – 70 triệu đồng.

Theo UBND xã Vạn Mai, việc duy trì, mở rộng diện tích, phát triển, nâng cao chất lượng cá được xã đưa vào nghị quyết phát triển kinh tế, hướng tới xây dựng thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương. Hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xã đã triển khai các chương trình tín dụng, hỗ trợ vốn vay, mở lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về nuôi cá dầm xanh cho người dân, nhiều hộ có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Từ đó, nhân rộng mô hình một cách hiệu quả, tìm kiếm thị trường ổn định, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP, từng bước đưa cá dầm xanh trở thành đặc sản nổi bật của xã, huyện. Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 32 triệu đồng/người/năm.

Từ khóa » Cách Nuôi Cá Dầm Xanh