Hoa Hậu & Hoa Khôi: Ai Hơn Ai? - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
Có thể bạn quan tâm
Có một thực tế rất dễ nhận ra là các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam, đặc biệt là HHVN, thường có xu hướng chọn những cô gái "sẽ đẹp", tức là ở thời điểm đăng quang họ chưa phải thời kì rực rỡ và toả sáng nhất của nhan sắc mà thường là vài năm sau đó. Những ví dụ như Mai Phương Thuý, Ngọc Hân, Đặng Thu Thảo hoặc mới đây nhất là Kỳ Duyên. Thường thì độ tuổi của những cô gái khi đăng quang rơi vào khoảng 18-20 mà ở độ tuổi đó thường thì nét đẹp mới chỉ ở mức "he hé nụ" chứ chưa thể là "Hoa" được. Bởi vậy, qua rất nhiều kì khán giả cảm thấy tiếc cho những Á hậu với những nhan sắc rực rỡ hơn Hoa hậu, ví dụ như Trịnh Chân Trân năm 2004, Lưu Bảo Anh năm 2008, Huyền My năm 2014. Thế nhưng, tiếc cũng chẳng thể làm gì được bởi đó là gu chấm giải của BTC cũng như BGK cuộc thi.
Hoa hậu Kỳ Duyên. |
Ngược lại với HHVN, HKAD lại chọn người đăng quang ở thời điểm rực rỡ nhất, tức là "Hoa" chứ không còn là "Nụ" nữa. Nhìn vào danh sách 18 thí sinh bước vào Lâu đài sắc đẹp, khán giả dễ dàng nhận thấy có một sự khác biệt về gu chấm giải giữa hai cuộc thi. Nếu như HHVN thiên về vẻ đẹp e ấp thì HKAD lại có xu hướng chọn nhan sắc đăng quang là sự tổng hợp của phong cách + thần thái + nhan sắc. Bởi vậy khi Lan Khuê đăng quang HKAD thì gần như ngay lập tức trên tất cả các trang báo, mạng xã hội đồng loạt xuất hiện hàng ngàn lời chê bai nhan sắc tân hoa khôi không "thuần Việt" và "không đẹp bằng Kỳ Duyên", dù trước đó, cũng chính "cộng đồng mạng" chê bai, chửi bới cô tân HHVN không tiếc lời. Họ mắng nhiếc, ném đá nhiều đến độ có một khán giả phải lên tiếng rằng: Ai mấy người cũng chê chắc tiên nữ giáng trần cũng không vừa mắt mấy người!
Nói gì thì nói, cho dù có khác nhau về bản chất về cách thức tổ chức lẫn chấm giải, thì về cơ bản đây vẫn chỉ là những hoạt động - cuộc thi mang nặng tính giải trí, một hoạt động văn hoá mà số đông không có quyền can dự vào kết quả (HKAD thì có tính 30% số lượng tin nhắn bầu chọn) vậy thì việc công chúng chê xấu - đẹp cũng chẳng thay đổi được gì vì vương miện đã được trao kèm theo những trách nhiệm đi theo cả danh hiệu. Điều đáng quan tâm là họ - những cô gái đại diện cho sắc đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam - sẽ làm gì trong nhiệm kì của họ và những việc họ làm có hướng đến các hoạt động xã hội không hay chỉ chú trọng vào việc phát triển thương hiệu và túi tiền cá nhân.
Vẻ đẹp Tây hay thuần Việt?
Bên cạnh chuyện so sánh thì nhan sắc của hai cô gái cũng được dịp mang ra "mổ xẻ" để thấy được danh hiệu nào mới xứng đáng hơn.
Có đọc hết tất cả các bình luận trên các trang báo hoặc diễn đàn mới thấy đa phần những người lên tiếng là những người không có một quá trình theo dõi các cuộc thi một cách nghiêm túc. Ví dụ như rất nhiều khán giả hỏi rằng tại sao đi thi Hoa hậu Thế Giới (HHTG) lại là HKAD mà không phải HHVN? Rằng, tại sao HKAD mà không mặc áo dài? Tại sao lại mời HHTG 2011 sang chấm HKAD vì cô đó có biết gì về áo dài đâu mà chấm? v.v...
Ít người biết rằng cái tên HKAD chỉ là một "cái cớ" để BTC có thể cử người đi thi HHTG và việc năm qua có tới hai cuộc thi hoa hậu được tổ chức nên đã hết suất để tổ chức cuộc thi hoa hậu nên họ buộc lòng phải tổ chức một cuộc thi có tên "không liên quan" tới mục đích cuối cùng. Bởi vậy, tên tiếng Anh của chương trình là Miss World Vietnam, một chức danh chỉ rõ rằng người chiến thắng sẽ đại diện đến với HHTG 2015. Sẽ không ngạc nhiên nếu năm 2015 chương trình được tổ chức với tên mới "Hoa hậu Thế giới Việt Nam", điều này gần như là chắc chắn bởi sự khẳng định của bà Thuý Nga - đại diện của Công ty Elite Việt Nam - đơn vị đang giữ bản quyền gửi thí sinh tham dự 3 cuộc thi nhan sắc lớn của thế giới, bao gồm: HHTG, Hoa hậu Quốc tế và Hoa hậu Siêu quốc gia.
Trở lại với sự so sánh giữa nhan sắc Tây và nhan sắc "thuần Việt", rõ ràng có thể thấy rằng Lan Khuê và Kỳ Duyên mang hai sắc thái khác hẳn nhau. Một bên trắng ngà, xinh xắn, dễ thương như một búp sen mới nhú theo đúng chuẩn nhan sắc Việt, có phần e dè, ngại ngần và hay thẹn.
Ngược lại, Lan Khuê khoẻ khắn, cá tính, năng động với một đôi mắt sắc, gò má cao, miệng rộng và làn da ngăm ngăm bánh mật. Ở đây có thể thấy rằng HHVN đúng chuẩn để người Việt ngắm còn HKAD đúng chuẩn để Tây ngắm và chấm điểm. Bởi vậy mà đêm chung kết, theo như tiết lộ của một người trong BTC thì các thành viên BGK và những người tổ chức họ phân vân rất nhiều giữa HKAD và Á Khôi sau khi Thuý Vân có phần trả lời bằng tiếng Anh quá tự tin, quá xuất sắc.
Lan Khuê đăng quang Hoa khôi áo dài. |
Sau một hồi lựa chọn thì Lan Khuê chiến thắng với "100% chuyên gia nước ngoài chọn". Từ đó có thể thấy, HKAD là cuộc thi duy nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm này có tính mục tiêu rất rõ ràng cho thí sinh ngay từ khi tuyển sinh với phần thưởng lớn nhất là được đại diện Việt Nam đến với các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Điều này là hơn hẳn các cuộc thi nhan sắc trước đó khi luôn mập mờ về chuyện này, chỉ duy nhất có Hoa hậu Đại dương Việt Nam là khẳng định được người chiến thắng sẽ tham dự Hoa hậu Trái Đất, để dẫn đến trường hợp mỗi năm cử thí sinh đi thi là đơn vị giữ bản quyền chạy đôn chạy đáo để tìm ứng cử viên.
Áp lực bên nào nặng hơn?
Ngay khi đăng quang HHVN, Kỳ Duyên đã vướng phải làn sóng dư luận chỉ trích về nhan sắc chưa được rực rỡ nhưng cũng chỉ vài ngày sau, cũng lại chính công chúng thay đổi và khen nhan sắc cô đẹp. Thế nhưng, tuyệt nhiên trong tất cả những lời khen chê đó không có ai nhắc tới chuyện cô sẽ đại diện cho Việt Nam tham gia các cuộc thi quốc tế. Chỉ có vài ý kiến thắc mắc về chuyện tại sao các HHVN thường từ chối đi thi quốc tế và đương nhiên cho rằng quyền đó thuộc về HHVN cho đến khi HKAD ra đời.
Giờ đây, khi Lan Khuê đăng quang HKAD và mang trên mình trọng trách tham gia HHTG 2015 thì công chúng bắt đầu đặt trách nhiệm lên vai của cô gái 22 tuổi này. Khẳng định lại trong 18 thí sinh cuối cùng của HKAD, không ai xứng đáng hơn Lan Khuê cho ngôi vị cao nhất nhưng cũng vì ngôi vị cao nhất đó mà Lan Khuê phải có một trách nhiệm nặng nề cho việc "viết tên" trên bản đồ nhan sắc thế giới.
Giây phút đăng quang của Lan Khuê. |
Điều này là không thoả đáng bởi sau khi được rèn luyện 75 ngày, được chuẩn bị mọi kĩ năng, mọi kiến thức cần thiết không có nghĩa là Lan Khuê sẽ nghiễm nhiên có cơ hội lớn để chiến thắng lần nữa ở cuộc thi HHTG. Chẳng có ai đủ tự tin để khẳng định điều đó, kể cả BTC và Elite Việt Nam. Chỉ có điều, với sự rèn luyện và chuẩn bị kĩ càng về mọi mặt, thí sinh Việt Nam có nhiều cơ hội để toả sáng hơn bởi các chuyên gia đào tạo đã nghiên cứu kĩ mô hình cuộc thi để hướng dẫn thí sinh sao cho phù hợp với các tiêu chí của cuộc thi. Tương tự như vậy là với Á khôi 1 và Á khôi 2 khi họ đang giữ quyền tham gia hai cuộc thi nhan sắc khác.
Bỏ qua những áp lực đặt lên thí sinh, có một áp lực khác lớn hơn rất nhiều dành cho BTC cuộc thi HHVN bởi khi chương trình HKAD kết thúc, phần đông công chúng cho rằng công tác tổ chức, chuẩn bị của cuộc thi đã làm tốt hơn rất nhiều, đặc biệt là phần thi ứng xử khi có khán giả còn thẳng thắn nhận xét rằng: Không hề có cảm giác hồi hộp đau tim như xem phần thi ứng xử của các cuộc thi khác. Điều dễ nhận ra là các thi sinh tham gia phần thi ứng xử của HKAD có sự tự tin, bình tĩnh và bản lĩnh hơn rất nhiều so với các thí sinh ở các cuộc thi khác. Điều này là đương nhiên bởi họ được chuẩn bị và học tập kĩ càng. Thế nhưng, với cuộc thi HHVN điều này hình như không có trong lịch trình đào tạo? Vậy nên, một cuộc đua bắt đầu giữa những cuộc thi nhan sắc được tổ chức tại Việt Nam sắp tới. Đua từ việc tổ chức sao cho chuyên nghiệp cho đến việc... nộp hồ sơ sớm để lấy được chức danh "Hoa hậu" chứ không phải Hoa khôi.
Hoa hậu không có lương - đó là lời khẳng định của bà Thuý Nga - đại diện của Elite Việt Nam - đơn vị giữ quyền cử thí sinh tham gia HHTG. Bà Nga cho biết các thí sinh sau khi đoạt giải sẽ do Elite quản lí và họ vẫn phải đi làm những công việc họ đã làm trước đây như người mẫu, diễn viên để duy trì nguồn thu. Những hợp đồng quảng cáo nếu có, sẽ có những tỉ lệ quản lí nhất định. Danh hiệu: Hoa hậu Thế giới Việt Nam - Hoa hậu Quốc tế Việt Nam - Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam là chức danh mà bà Thuý Nga cho rằng hoàn toàn có thể dùng cho cả 3 người đoạt giải cao nhất của HKAD. "Ngay cả như Nguyễn Thị Loan bây giờ cũng có thể được gọi là Hoa hậu Thế giới Việt Nam" bởi cô vừa là thí sinh trở về từ cuộc thi HHTG. |
Từ khóa » Hoa Khôi Là Giải Gì
-
Từ điển Tiếng Việt - Từ Hoa Khôi Là Gì
-
Hoa Khôi Áo Dài Việt Nam – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hoa Hậu Và Hoa Khôi Khác Nhau Như Thế Nào
-
Hoa Khôi Nam Bộ 2022 Sẽ Có Một Hoa Khôi Và Bốn Á Khôi - Vietnamnet
-
Loạn Danh Hiệu Hoa Hậu, Hoa Khôi - Báo Nhân Dân
-
Thi Hoa Khôi Không Có Giải Cao Nhất Là Bình Thường? - PLO
-
Thể Lệ Cuộc Thi Hoa Khôi Sinh Viên Việt Nam 2020
-
Chọn Hoa Khôi Bằng Mọi Giá Làm Gì để Bị Chê Là Sắc đẹp “ao Làng”!
-
Hoa Khôi - Báo Tuổi Trẻ
-
Hoa Khôi Nam Bộ 2022: Mời 5 Hoa Hậu, á Hậu Quốc Tế Làm Giám Khảo
-
Cuộc Thi Hoa Khôi Du Lịch Đà Nẵng 2021: Tìm Kiếm đại Diện Quảng ...
-
Chuyện Lạ: Không Có Danh Hiệu Hoa Khôi Du Lịch Việt Nam 2020, Chỉ ...
-
Tái Khởi động Cuộc Thi Hoa Khôi Hòa Bình Việt Nam | VOV.VN