HỎA HOÀNG – BÀI 41 – NGUYỄN NGỌC HÀ – DÂN CHƠI LAN
Có thể bạn quan tâm
Tuy không hương nhưng cực kỳ rực rỡ, tuy nhỏ nhưng rất đáng yêu, tuy rẻ tiền nhưng rất đáng sưu tầm, tuy dễ trồng nhưng không phải ai cũng biết.
Hỏa Hoàng – Lửa Vàng. Một vòi bông cũng như một đốm lửa nhỏ, trông có vẻ yếu đuối và leo lét, nhưng nếu chục vòi bông thì chẳng khác nào một đám cháy lớn, rực rỡ một góc vườn.
Nhìn cây có vẻ nhỏ bé nhưng cực kỳ mạnh mẽ cứng cáp với sức sống rất mãnh liệt. Nhìn hoa trông có vẻ mỏng manh, nhưng cực kỳ lâu tàn, nếu chăm sóc giữ gìn tốt, bạn sẽ có cả gần tháng trời để chiêm ngưỡng nét đẹp của ngọn lửa này.
Ngắm nhìn bông hoa và liên tưởng đến cái tên, ta lại nghĩ tới Hỏa Phượng Hoang trong truyền thuyết đang tung cánh bay lên trời để kết thúc một mùa xuân ấm áp và chào đón một mùa hè rực lửa.
Hỏa Hoàng chính là tên gọi chung của hai giống lan có tên khoa học là:
– Ascocentrum miniatum: cánh nhỏ hẹp dài, giữa các cánh hoa có khe hở, màu cam sáng có xu hướng vàng đôi khi có sọc trên cánh hoa, lưỡi hoa từ hơi cong tới cong quặp vào trong.
– Ascocentrum garayi: cánh tròn, các cánh xếp khít, cánh hoa có hình chiếc lá, màu cam đậm hơn và lưỡi thẳng.
Tôi khẳng định với các bạn, hiện nay trên 90% các trang web tiếng Việt dẫn chứng hình ảnh về hai giống này là sai. Hầu như toàn bộ là viết về cây Ascocentrum miniatum nhưng dẫn hình cây Ascocentrum garayi.
Nếu bạn có thể chứng minh được tôi sai với thông tin khoa học và nguồn đáng tin cậy, tôi xin tặng bạn 1 giò Hỏa Hoàng – Ascocentrum garayi trị giá trên dưới 500k. Lan thì tôi không thiếu, chỉ là tôi muốn đi tìm chân lý và sự thật. (https://www.orchidspecies.com/ascocminiatum.htm)
Hiện nay đa số Hỏa Hoàng tại Việt Nam là giống Ascocentrum garayi.
Vì giống lan này phân bố ở Đông Nam Á, cho nên giá tại các nước châu Âu, Mỹ, Nhật là rất đắt, 1 cây cao chừng 10cm có giá hàng trăm tới hàng triệu đồng. Còn ở Việt Nam đôi khi chỉ bằng 1/100 – 1/10. Đôi lúc chúng ta có báu vật nhưng lại không biết trân trọng.
KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ PHÂN THUỐC
1. THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP:
Trong nam thì lúc nào cũng hợp, ngoài bắc thì trừ mùa đông ra. Hỏa hoàng là một giống lan sống ở vùng nóng và ấm, phân bố ở độ cao 0m – 1000m.
Hỏa hoàng phải được trồng trong môi trường độ ẩm không khí phải thật cao, nhưng độ ẩm cục bộ trên giá thể hoặc trong chậu phải vừa phải, nghĩa là giá thể phải thoáng.
Cây tăng trưởng quanh năm không có mùa nghỉ vì thế không nên để cây bị khô bất cứ thời điểm nào trong năm. Khi bị khô hạn bất chợt sẽ dẫn tới sự mất ổn định trong chu trình sinh trưởng dẫn tới cây bị yếu đi và rụng lá chân. Vì thế bạn cần tưới nước đều đặn 2 lần trong ngày và giữ cho độ ẩm môi trường xung quanh cây phải cao.
Bí quyết của tôi đó là treo lan thật xa lưới, càng gần mặt đất càng tốt, chỉ cho ăn nắng 50% (ánh sáng gián tiếp) và giữ nền đất luôn ẩm ướt. Chính nền luôn ẩm ướt là bí quyết để các giống lan đơn thân giữ lá chân.
Trên các trang mạng tiếng Việt luôn khuyên là bạn nên ít tưới hoặc ngừng tưới vào khoảng tháng 12 đến tháng 2. Tôi chưa bao giờ làm theo như vậy. Tôi nhận thấy việc ngừng tưới nước (ép khô hạn) chính là con dao hai lưỡi. Việc ép khô hạn chính là 1 cách kích thích sự phân hóa mầm hoa nhưng cách này cũng làm cây yếu đi nhiều và rớt mất lá gốc.
Tôi biết sẽ có bạn nói rằng ở trên rừng nó cũng chịu khô hạn suốt mùa khô đấy thôi. Đúng! Nhưng bạn có thấy trên rừng có cây hỏa hoàng nào có bộ lá thật sự đẹp và giữ được nhiều lá gốc không? Nếu bạn mang về vườn mà vẫn muốn bắt chước như trong rừng thì tôi hỏi bạn người ta chế ra phân kích hoa để làm cái gì? Bạn trồng ở vườn mà cây còn xấu hơn cả trong rừng không ai chăm sóc thì liệu bạn có thực sự xứng đáng với hai từ YÊU LAN hay MÊ LAN.
2. GIÁ THỂ
Hỏa Hoàng là giống lan rất ghét thay giá thể, thực tế là rễ của nó có thể sống cả chục năm. Vì vậy bạn hãy chọn những giá thể mà bạn nghĩ là nó có thể chịu được nắng mưa và nước hàng chục năm.
Ví dụ như lũa, các loại gỗ cứng đến siêu cứng như vải, nhãn, vú sữa già, lõi mít, thanh mai, dẻ, nu bằng lăng, cột bê tông cốt thép….
Nếu trồng chậu bạn nên chọn chậu đất nung già hoặc sành và bỏ vào trong đó vỏ thông cỡ lớn hoặc than cục hoặc viên đất nung hoặc gạch non….
Cách xử lý giá thể mời bạn đọc lại các bài trước. Tôi chỉ nhắc lại tí xíu về lũa và vỏ thông.
– Lũa dùng bàn chải sắt chải sạch bóng bề mặt (nói chung gỗ và lũa càng bóng càng sạch thì càng tốt) rồi ngâm nước 1 tuần cho cục lũa no nước, sau đó ngâm nước vôi 1 tiếng rồi rửa lại thật sạch. Làm móc thật cứng và to. Khoan lỗ đóng đũa vào để lấy chỗ cột cây lan lên hoặc đóng đinh có bọc ống truyền nước (loại ống trong bệnh viện) hoặc ống hút nước ngọt hoặc ống căn nước của thợ xây.
– Chậu đất nhét vỏ thông: Vỏ thông ngâm nước một vài ngày rồi ngâm vôi 1 tiếng sau đó rửa sạch bỏ vào chậu.
3. XỬ LÝ GIỐNG
– Hàng bóc rừng: Cắt tỉa rễ chết, dập gãy, để lại khoảng 3-5cm rễ tươi là được.
– Cây thuần muốn thay giá thể: Cố giữ lại được rễ non và tơ khỏe mạnh bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Trước khi bóc ra khỏi giá thể cũ mục nát thì nên ngâm nước 30 phút cho dễ lấy lan ra. Tuy nhiên bạn muốn cây nhanh tự bám giá thể thì nên cắt bớt rễ đi để nó ra rễ mới.
– Ngâm vào dung dịch Physan 20 liều 1ml/1 lít nước trong 10 phút.
– Vớt ra để ráo sau đó ngâm vào chế phẩm Hùng Nguyễn liều 1ml pha 1 lít nước trong thời gian 1 – 2 tiếng. Bạn cũng có thể ngâm B1 pha chung chiết xuất tảo biển hoặc nhộng tằm hoặc chiết xuất rong biển…. Cây đơn thân không nên dùng Atonik, vì atonik hiệu quả trên lan đơn thân không cao.
– Ghép luôn nếu giá thể đã chuẩn bị xong. Nếu bạn có nhiều thời gian và muốn đùa vui với lan, hãy treo ngược gốc lên trời ở chỗ có ánh sáng 40-50%, gần mặt đất và đảm bảo độ ẩm không khí phải cao trên 85%, ngày phun sương 2 lần. Đảm bảo với bạn tốc độ ra rễ sẽ nhanh hơn nhiều so với ghép ngay và luôn. Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó, mặt trái như thế nào thì bạn tự động não nhé!
4. CÁCH GHÉP VÀ LƯU Ý SAU GHÉP
Dùng dây nilon hoặc dây nhôm bọc nhựa hoặc dây khâu bao hoặc sợi đan len cột chặt cây lan vào chiếc đũa. Tuyệt đối không dùng dây thép để buộc lan.
Nên trồng so le và xếp thẳng hàng để hoa trổ ra có thể phô bày hết tất cả các vòi hoa, tránh tình trạng cây này đè lên vòi hoa của cây kia và hạn chế tình trạng cây bên trên bị nhiễm bệnh sẽ chảy dịch khuẩn và nấm làm chết luôn cây bên dưới.
Nên trồng các cây cùng kích thước vào 1 giò để hoa ra đều và nâng cao giá trị thẩm mỹ cho giò lan.
Sau khi ghép, tốt nhất nên để cách mặt nền khoảng 10-50cm, ăn nắng 40% (có ánh sáng đọc được sách là được, không cần nắng cũng tốt). Đảm bảo nền luôn ẩm hoặc thậm chí là biến nền thành ao thì càng tuyệt vời. Ngày tưới 2 lần vào giá thể, thật đẫm giá thể. Hạn chế tưới vào ngọn tránh đọng nước trên ngọn.
Đợi khi bộ rễ mới ra bám chắc vào giá thể thì bạn có thể treo lên giàn với mức ánh nắng 50-60%.
Khi cây đã thuần 1 năm, khỏe mạnh với bộ rễ cực nhiều, độ ẩm không khí thực sự cao thì bạn có thể cho em nó ăn nắng 70% (tương đương 1 lớp lưới xanh đen của Thái).
Khi tôi nhập hàng bên Lào về, tất cả lá của Hỏa Hoàng đều tím và đốm tím, đó không phải bệnh mà là hiện tượng thừa nắng, thiếu đạm và thiếu Magie, trường hợp này chỉ cần để chỗ mát như trên và phun chế phẩm Hùng Nguyễn tuần 1 lần kết hợp phân NPK + TE thì sau 2 tháng lá sẽ xanh mướt trở lại.
5. PHÂN BÓN
Tôi luôn quan niệm về sự ổn định và bền vững hơn là tốc độ tăng trưởng, vì vậy quan điểm cá nhân tôi luôn là NPK+TE: 20-20-20+TE cho cây từ sau khi hết hoa cho tới hơn 8 tháng sau đó. Phun 7-15 ngày 1 lần.
Trong suốt quá trình này, giúp bộ rễ ra nhiều và sức đề kháng cây tốt, bạn nên dùng chế Phẩm Hùng Nguyễn 7-15 ngày 1 lần tùy độ siêng của bạn. Tới khi chuyển sang quá trình kích bông thì có thể ngừng dùng chế phẩm cũng được.
Thường thì Hỏa Hoàng nở vào tháng 2-4 âm lịch, nghĩa là cuối xuân đầu hè. Vì thế tháng 1 âm lịch là tôi chuyển từ 20-20-20+Te sang 6-30-30+Te hoặc 6-32-32+Te (loại này của Thái Lan) hoặc Siêu Lân 10-60-10+Te để kích thích quá trình phân hóa tạo mầm hoa. Phun 5-7 ngày 1 lần, phun khoảng 5-8 lần.
Khi cây lan nhú nụ thì phun phân vào rễ thôi, né nụ ra. Khi gần nở thì ngừng hẳn phân luôn. Phân nên phun sáng sớm hoặc chiều mát khi mà nhiệt độ trong ngày không quá 30 độ C.
Nếu bạn ở xứ nóng hoặc mùa hè miền bắc, bạn nên phun phân khoảng 6-7 giờ sáng, tới 10 giờ sáng nên tưới thật đẫm lại rửa phân đi tránh hiện tượng phân bị axít hóa làm cháy tế bào lá. Nếu phun chiều thì cũng nên phun lúc 16h. Trước khi phun phân, bạn nên tưới nhẹ lướt qua với lượng nước chỉ bằng 1/5 so với lượng nước tưới bình thường rồi đợi nửa tiếng cho ráo nước thì phun phân.
Không dùng phân sau những trận mưa dầm hoặc tưới đẫm vì như vậy chẳng khác gì bảo bạn uống 3 lon bia rồi ăn cơm.
Phân thì nên pha chung 1-3 loại với nhau cũng được nhưng không nên pha chung với thuốc bệnh và thuốc sâu vì sẽ giảm hiệu quả của tất cả.
Nếu bạn không có thời gian nhiều, bạn hoàn toàn có thể gắn phân tan chậm cho cây, quấn phân sao cho khi tưới nước phân chảy xuống rễ cây hút được nhiều nhất. Khi đã gắn tan chậm thì bạn không cần phun thêm NPK nữa.
Dù là phân bón lá, nhưng thực ra để hiệu quả nhất lại chính là phun đẫm vào giá thể và bộ rễ, sau đó mới là ướt đẫm mặt lá.
6. THUỐC PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH
A. Thuốc sâu bao gồm thuốc trị rệp, rầy, kiến và nhện đỏ. Như cá nhân tôi hay pha chung Movento với Pesieu phun định kỳ mỗi tháng 1 lần vào mùa mưa và 2 lần vào mùa khô. Vì mấy vị khách không mời này phát triển mạnh hơn vào mùa khô.
B. Thuốc bệnh:
Thuốc trị nấm và khuẩn Agrifos 400 nửa tháng phun 1 lần.
Nano Bạc nửa tháng 1 lần đan xen với Agrifos 400. Nghĩa là cứ 1 tuần phun phòng nấm khuẩn 1 lần.
Hai loại thuốc trên hầu như không độc, an toàn cho bà bầu và trẻ nhỏ. Thân thiện môi trường. Tuy nhiên hiện nay hàng giả hoặc không đạt yêu cầu chất lượng quá nhiều, nên bạn cần liên hệ chỗ có uy tín và thương hiệu có uy tín. Bạn phải hiểu là cái gì càng tốt thì càng nhiều đồ nhái và giả, không ai đi nhái theo cái không tốt cả.
Ngoài ra bạn nên phun Nano đồng 1-2 lần 1 tháng để phòng 1 số bệnh như thán thư và tăng sức đề kháng cho lan, tăng khả năng chịu rét và làm mướt lá lan.
Bên trên là phòng bệnh. Còn chữa bệnh muốn nhanh và hiệu quả thì vẫn nên dùng thuốc trị khuẩn như Kasumin, Starner, Poner. Thuốc trị nấm như Antracol, Metalaxyl, Aliette, hoặc TopsinM, Daconil…
Nói về thuốc và phòng chữa bệnh, bạn nên kéo lại bài 27, 28, 29 để ngâm cứu sâu hơn.
Bài nào của tôi cũng dài như sông Trường Giang, lòng vòng và chẳng phải bài viết khoa học. Bạn tưởng tôi không biết điều đó sao?
Tôi là người ham đọc, và tôi cực kỳ hận những bài viết chỉ chục dòng không có áp dụng được cái gì. Và hận hơn nữa là những người viết bài mà chỉ để thả thính, quăng ra 1 nửa bí kíp và giữ lại một nửa.
Nhưng không gì hận bằng những người đọc thì không thèm đọc, đã ngu lại còn lười chỉ muốn ngồi không ăn sẵn. Rõ ràng là văn hóa đọc quá kém cỏi. Nội dung trong bài thì viết rất chi tiết và rõ ràng vậy mà vẫn bình luận hỏi cho được, tôi hỏi sao bạn không chịu đọc đi, thì nhận được câu trả lời là hỏi anh luôn cho nhanh. Ờ! Thằng này khá!
Đêm đã khuya rồi, bạn đọc xong thì nhớ CHIA SẺ cho bạn bè cùng tham khảo, âu đó cũng là cách giúp văn hóa đọc của người Việt Nam ta sánh được với mấy nước xung quanh chứ chưa nói đến châu Âu hay Nhật, Mỹ.
Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng
Từ khóa » đặc điểm Lan Bạch Hỏa Hoàng
-
Hoa Lan Bạch Hỏa Hoàng – Cách Trồng Và Chăm Sóc - Hoa đẹp
-
Lan Bạch Hỏa Hoàng Là Lan Gì? Bí Quyết Trồng Và Chăm Sóc Lan Nở ...
-
Bạch Hỏa Hoàng - Dendrobium Bellatulum - Vườn Hoa Lan
-
Hoa Lan Bạch Hỏa Hoàng – Cách Trồng Và Chăm Sóc - Sachiomega369
-
Hoa Lan Bạch Hỏa Hoàng – Cách Trồng Và Chăm Sóc Cây Hoa ... - Hoa Tết
-
Lan Bạch Hỏa Hoàng | Dữ Liệu Xanh
-
Hoa Lan Bạch Hỏa Hoàng – Cách Trồng Và Chăm Sóc
-
Cách Trồng Và Chăm Sóc Cây Hoa Lan Bạch Hỏa Hoàng - Uct2
-
Rực Rỡ Sắc Hoa Bạch Hỏa Hoàng
-
Top 14 Cách Trồng Lan Bạch Hỏa Hoàng
-
Top #10 Cách Trồng Lan Bạch Hỏa Hoàng Xem Nhiều Nhất, Mới ...
-
Đề Xuất 8/2022 # Hoa Lan Bạch Hỏa Hoàng – Cách Trồng Và ...