Hoa Hồng Bạch điều Trị Ho Gà, Ho đờm, Viêm Họng ở Trẻ Nhỏ

Từ lâu đời, người Việt Nam vẫn có một sự kiêng dè nhất định đối với màu trắng và giữa muôn giống hoa hồng thì rõ ràng, các màu xanh, đỏ, hồng, vàng… vẫn thu hút ánh nhìn hơn.

Vậy mà, hoa hồng bạch (HHB) vẫn có những người say mê riêng của nó. Đó là tình yêu trung thành đối với loài hoa trắng bạch thuần khiết và nhẹ nhàng thơm. Với những người say mê hoa hồng, họ hiểu vì sao William Shakespeare – nhà văn vĩ đại nhất của nước Anh lại ví: “Hoa hồng kia, dẫu ta có gọi nó bằng một cái tên khác thì hương thơm cũng vẫn ngọt ngào.”

Sau tất cả, hoa hồng bạch không chỉ được dùng trang trí mà trong Đông y, nó còn được dùng làm thuốc.

Vài nét về hoa hồng bạch

Hoa hồng bạch (Rosa × alba) còn được gọi là hoa hồng trắng, hoa hường trắng, nguyệt quý hoa… (1). Nhắc đến HHB, có người nghĩ đến “hồng cổ Nam Định” truyền thống với sắc trắng tinh khôi, cánh xòe duyên dáng và cũng có người nghĩ đến cành hồng trong ngày lễ Vu Lan.

Có lẽ từ cái ngày thiền sư Thích Nhất Hạnh được người Nhật cài cho cành hoa hồng vào lễ báo hiếu ấy thì ở nước ta, hoa hồng đã bước ra khỏi ý niệm về tình yêu nam nữ để đến với một tình yêu cao cả hơn: tình yêu của con cái đối với đấng sinh thành.

Hoa hồng đỏ cho những ai vẫn còn cha mẹ và hoa hồng trắng cho những ai cha mẹ đã qua đời! Có lẽ, ít có loài hoa nào lại gắn liền với những giọt nước mắt chứa chan, vừa đau xót, tri ân, vừa buồn tủi, nhớ thương như hoa hồng bạch!

Phân biệt: Có nhiều loại hoa hồng bạch, trong đó, có hai loại dễ bị nhầm lẫn và thường được nhắc đến là hồng bạch xếp (màu lá đậm, nhiều cánh hơn, cánh dày, mép cánh nhọn) và hồng bạch ho (màu lá nhạt, cánh mỏng hơn, mép cánh cánh cúp cong tròn). Khi làm thuốc, người ta thường dùng hồng bạch ho và điều này có thể thấy từ tên gọi của nó.

Hồng bạch xếp
Hồng bạch xếp
Hồng bạch ho
Hồng bạch ho

So với các loại hoa hồng khác thì hồng bạch ít phổ biến hơn và hầu như chỉ dành cho những người say mê hoa hoặc những người thầy thuốc (loài này dễ trồng, nhiều cánh và cành rất mềm nên hoa rủ xuống). Ở các tỉnh phía Bắc nước ta, hoa hồng bạch là loài cây trồng có lịch sử lâu đời và ở Trung Quốc, Nhật Bản, HHB cũng khá được ưa chuộng.

Hoa hồng bạch – vị thuốc chuyên dùng cho trẻ em

Hoa hồng bạch (dân gian gọi là hồng bạch ho) là vị thuốc chuyên dùng cho trẻ em bởi tính dịu và vị ngọt nhẹ của nó. Sau khi thu hái các cánh hoa hồng bạch, người ta phơi trong chỗ râm mát, có gió lùa cho các cánh hoa khô tự nhiên. Theo y học cổ truyền, hoa hồng bạch có tính bình và có các tác dụng sau:

  • Làm săn se, sát khuẩn.
  • Giúp giảm ho, long đờm.
  • Giúp nhuận tràng.
  • Giúp an thần, dễ ngủ.

Cách dùng: Mỗi ngày, lấy 5 đến 10 g cánh hoa hồng bạch hãm lấy nước uống (nếu dùng tươi thì khoảng 20 g) (2).

Ngoài ra, khi bị mụn nhọt sưng tấy, nóng đỏ gây khó chịu, bạn có thể hái một ít cánh hoa hồng bạch rồi rửa nhẹ, giã nát và đắp lên da (vì HHB có tính sát khuẩn nên sẽ giúp giảm sưng viêm). Bên cạnh đó, trong trường hợp miệng và lưỡi bị lở loét, bạn cũng có thể hái vài cánh hoa hồng bạch giã nhuyễn rồi trộn với một ít mật ong và thoa lên (3).

cTham khảo: Khoản đông hoa điều trị ho, viêm họng và viêm phế quản
Cánh hoa hồng bạch
Cánh hồng bạch

Một số bài thuốc thường dùng

  • Điều trị ho và viêm họng ở trẻ em: Lấy 10 g cánh hoa hồng bạch và 20 g đường phèn (giã nhuyễn đường phèn), sau đó cho vào chén và hấp cơm. Nếu không hấp cơm, bạn có thể hấp cách thủy cũng được (hấp khoảng 15 phút). Nước chắt từ HHB chưng đường phèn rất dễ uống. Tuy nhiên, bạn nên chia thành nhiều lần uống trong ngày cho trẻ đỡ ngán nhé.
  • Điều trị ho đờm (nhiều đờm) và ho khò khè ở trẻ nhỏ: Bài thuốc này cũng làm y như trên nhưng các bạn cho thêm hai trái hạnh chín vào (trái tắc, trái quất chín). Khi hấp cơm hay chưng cách thủy xong, các bạn dầm nát trái hạnh rồi trộn đều, chắt lấy nước để trẻ uống nhiều lần trong ngày (2) (3).
  • Ho gà ở trẻ nhỏ: Với chứng ho gà, cách dùng sẽ hơi kỳ công một chút. Trước tiên, các bạn cần chuẩn bị thành phần như sau:
    • 5 bông hồng bạch, tách lấy cánh ra riêng.
    • 20 g mật ong.
    • 1 g bột phèn phi.
    • 5 ml nước ép lá hẹ tươi.
    • 1 ml nước ép chanh.

Cách dùng: Lấy hoa hồng bạch chưng cách thủy với một ít nước rồi nghiền nát, gạn và chắt lấy nước, sau đó trộn nước này với mật ong, phèn phi, nước ép hẹ và nước ép chanh, sau đó đem hấp cơm (hoặc chưng cách thủy) rồi chia thành nhiều lần uống trong ngày (3).

Lưu ý

  • Nếu không có đường phèn thì có thể thay bằng đường kính (tuy nhiên, dùng đường phèn vẫn tốt hơn vì đường phèn có tác dụng trừ đờm, nhuận phổi và đặc biệt là không gây nóng) (4).
  • Với lá cây hồng bạch, kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm cho thấy trong lá hồng bạch có chất gây sảy thai và để lại khuyết tật ở chuột con (3).

Tham khảo: Tinh dầu hoa hồng điều trị nám, tàn nhang, làm tráng da

Nguồn tham khảo

  1. Hoa hồng trắng, https://vi.wikipedia.org/wiki/Hoa_h%E1%BB%93ng_tr%E1%BA%AFng, ngày truy cập: 11/ 03/ 2020.
  2. Nguyễn Đức Đoàn (chủ biên), Cây hoa cây thuốc, NXB Y học, 2005, trang 25.
  3. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 921.
  4. Món ăn, bài thuốc từ đường phèn, https://suckhoedoisong.vn/mon-an-bai-thuoc-tu-duong-phen-n86649.html, ngày truy cập: 11/ 03/ 2020.

Từ khóa » Hoa Hồng Bạch Trị Ho