Hoa Hồng Bị Rụng Lá: Nguyên Nhân Và Cách Chữa Trị

HOA HỒNG BỊ RỤNG LÁ VÀ VÀNG LÁ

Hoa hồng bị rụng lá có thể xuất hiện rất phổ biên và hầu hết các thời gian sinh trưởng của hoa hồng trong năm. Hiện có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng hoa hồng bị rụng lá, trong đó nổi bật nhất và xuất hiện nhiều nhất xoay quanh vấn đề về dinh dưỡng, ánh sáng, nước tưới, nấm bệnhhiện tượng sinh lý của cây.

Để có thể khắc phục (chữa trị) hiện tượng rụng lá trên hoa hồng, chúng ta cần tìm rõ nguyên nhân để có hướng khắc phục một cách chính xác nhất giúp hoa hồng sinh trưởng và phát triển tốt nhất.

#01 Hoa Hồng Rụng Lá Do Chuyển Chậu, Thay Chậu Trồng

Hiện tượng rụng lá hoa hồng ở trường hợp này thấy rõ nhất là lúc cây mới thay chậu trồng mới hoặc đất trồng mới. Ít hay nhiều, khi tiến hành đổi chậu trồng hay đất trồng đều có thể làm tổn thương đến bộ rễ của hoa hồng, làm chúng khó hút được nước và dinh dưỡng một cách hiệu quả. Thêm vào đó, cây phải trải qua giai đoạn căng thẳng (stress), cây bị thiếu nước tạm thời sẽ làm cành lá hép rũ và rụng sau đó.

Để khắc phục tình trạng này, bạn nên thay đất và chậu trồng ở giai đoạn "nghỉ ngơi" của cây (giai đoạn ít sinh trưởng) và nên thay đất - chậu trồng vào lúc trời mát để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời. Thêm vào đó, khi thay chậu nên hạn chế làm tổn thương bộ rễ một cách tối thiểu nhất.

#02 Hoa Hồng Rụng Lá Do Chế Độ Tưới Nước Không Hợp Lý

Chế độ nước tưới ngoài ảnh hưởng đến sự ra hoa của hoa hồng còn ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng và gây hiện tượng rụng lá trên hoa hồng. Nhu cầu nước của cây càng nhiều khi cây đang sinh trưởng mạnh và ra hoa.

Chỉ cần bạn tưới ít nước hoặc đất trồng không đủ ẩm (đủ nước), sẽ làm cho rễ thoi thóp, không vận chuyển nước lên cây sẽ làm cho cành lá hoa hồng héo rũ, rụng lá nhanh chóng và làm cây mất sức sống.

Để đảm bảo chế độ tưới hợp lý cho hoa hồng, bạn nên xem xét các yếu tố như: Giai đoạn sinh trưởng của cây, loại đất và giá thể trồng có giữ ẩm không?, khu vực trồng có khí hậu như thế nào?. Những yếu tố này ảnh hưởng tới độ ẩm của đất, ảnh hưởng tới khả năng hút nước của rễ.

#03 Rụng Lá Hoa Hồng Do Cây Thiếu Ánh Sáng

Ánh sáng là một trong bốn yếu tố rất cần thiết cho sự phát triển của hoa hồng, thiếu ánh sáng đồng nghĩa với việc cây thiếu năng lượng do khả năng quang hợp bị kém đi không thể tích lũy năng lượng cho cây. Hiểu được điểm này, chúng ta nên có chế độ ánh sáng phù hợp ở từng loại cây khác nhau.

Với hoa hồng, nhu cầu ánh sáng đạt tối thiểu nhất phải từ 6 tiếng/ngày. Khi thiếu ánh sáng hoặc ánh sáng chiếu quá nhiều sẽ làm cây bị mất cân bằng bên trong và dẫn tới tình trạng rụng lá, thiếu sức sống và suy cây nghiệm trọng.

#04 Nấm Bệnh Gây Ra Hiện Tượng Rụng Lá Trên Hoa Hồng

Biểu hiện rụng lá trên hoa hồng do nấm bệnh rất dễ thấy rõ, lá hoa hồng dù là lá non hay lá già đều rụng và rụng một cách rất nhanh. Các bệnh nấm lá xuất hiện trên hoa hồng rất nhiều, chủ yếu và phổ biến nhất chính là: Đốm đen, rỉ sát, thán thư, phấn trắng,...

Một khi có sự xuất hiện của nấm bệnh trên lá hoa hồng, tùy vào mức độ mà hiện tượng hư hại và rụng lá đi kèm. Để đảm bảo cho hoa hồng sinh trưởng tốt, bạn nên kiểm soát các bệnh nấm lá bằng cách phun phòng các loại chế phẩm phòng trừ nấm bệnh hiệu quả hiện nay đang bán trên thị trường.

#05 Rụng Lá Trên Hoa Hồng Do Hiện Tượng Sinh Lý Của Cây

Nếu bạn không gặp 01 trong 04 nguyên nhân trên thì chắc chắn bạn nên đọc rõ nguyên nhân thứ 05 này- Rụng lá do hiện tượng sinh lý. Như các bạn quan sát, lá hoa hồng chia rõ 03 tầng: tầng dưới tán (gần gốc), tầng giữa và tầng ngọn. Một khi bộ lá của cây sinh trưởng và phát triển cực mạnh,thì phần lá dưới cùng sẽ hầu như không đảm bảo được vai trò hấp thụ ánh sáng và quang hợp.

Cơ chế của cây nói chung, sẽ đào thải các bộ phận không thật sự cần thiết. Trong trường hợp này, hoa hồng sẽ tự làm rụng lá các lá ở tầng dưới để đảm bảo tập trung dinh dưỡng nuôi lá ở tầng giữa và tầng ngọn. Chính nhờ cơ chế này mà dinh dưỡng được điều tiết một cách hợp lý.

Bạn có thể cắt tỉa bỏ các lá ở tầng dưới vừa giúp cây thông thoáng và tập trung dinh dưỡng cho tầng trên. Bên cạnh đó, còn giúp cây hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của nấm bệnh và các loại côn trùng gây hại cho hoa hồng.

Trên đây là 05 lý do giải thích hiện tượng hoa hồng bị rụng lá. Mình mong rằng, bài viết này sẽ giúp ít được cho bạn nhiều hơn trong việc trồng và chăm sóc hoa hồng để có những nụ hoa đẹp nhất và thơm nhất bạn nhé!.

Từ khóa » Cây Hoa Hồng Bị Vàng Lá Rụng Lá