Hoa Huỳnh Anh Vàng đứng 02 - MỘC NHIÊN FARM
Bên cổng, hàng loạt chiếc kèn vàng chúm chím. Ah, là hoa huỳnh anh đấy. Màu vàng nắng tinh tươm như thắp lên ánh sáng và mang lại niềm vui cho khu vườn. Vô vàn đóa hoa như chiếc kèn xinh xắn, đung đưa trong gió. Loài hoa vàng rực rỡ này đã rất phổ biến bên hiên nhà, bên cổng rào, nơi công cộng. Chúng dễ trồng, lớn nhanh, cho hoa rực rỡ quanh năm. Thật là một loài hoa xứng đáng có mặt ở mọi khu vườn!
- Tên khoa học: Allamanda Cathartica L.
- Tên tiếng Anh: Golden trumpet
- Tên gọi khác: hoa hoàng anh, dây huỳnh
Cây hoa huỳnh anh – nguồn gốc và phân bố
Được tìm thấy tại các đất nước Brazil, Suriname, Venezuela, French Guyana. Đây là loài cây nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hiện nay chúng phổ biến ở nhiều đất nước, đặc biệt là các nước Úc, Trung Quốc, Việt Nam, Tây Ấn và ở các đảo Thái Bình Dương.
Chữ Allamanda trong tên chi loài này lấy theo tên tiến sĩ Frederick Allamand – nhà thực vật học người Thụy Sỹ. Cathartica gắn liền với ý nghĩa “làm sạch” – một trong những ứng dụng y học của nó.
Đặc điểm của cây hoa huỳnh anh
- Hoa huỳnh anh đứng là cây thân gỗ. Chúng có thể được trồng trong chậu nhỏ để giới hạn chiều cao, hoặc thả đất nhưng thường xuyên cắt thành bụi thấp. Nếu để cây phát triển tự do, chúng có thể cao trên 2m.
- Chúng phân nhiều nhánh ra các phía, tạo thành bụi xum xuê cành lá. Cây có nhựa màu trắng.
- Lá nhỏ, hình bầu dục, nhọn ở hai đầu. Kích thước lá nhỏ, phiến lá trơn nhẵn, màu xanh sáng và rất bóng.
- Hoa huỳnh anh có màu vàng với 5 cánh mỏng uốn nhẹ về phía sau. Trông chúng như chiếc kèn với đầu kèn tròn trĩnh. Cây cho hoa quanh năm và thường nở rộ nên nhìn rất bắt mắt. Đối với loại thân leo, những dải hoa đong đưa ánh lên lấp lánh trong nắng.
- Cây có cho quả, bên trong có hạt. Tuy nhiên, hạt thường không dùng để nhân giống. Chúng thường được nhân giống bằng phương pháp giâm cành.
Các loại hoa huỳnh anh
- Có hai loại: huỳnh anh đứng và huỳnh anh leo. Chúng còn có thể được gọi là huỳnh anh lá nhỏ và huỳnh anh lá lớn.
- Huỳnh anh đứng: lá nhỏ hơn so với huỳnh anh leo. Loại leo thường được trồng để leo thành giàn ở cổng. Thay vì vươn nhánh lên cao, các cành mềm và rủ xuống hoặc quấn lấy điểm tựa.
Công dụng của hoa huỳnh anh
Hoa huỳnh anh dùng để trang trí
Đa số người ta trồng loại hoa vàng xinh đẹp này là để tô điểm cho không gian thêm rạng rỡ. Hoa huỳnh anh đặt ở cổng nhà rất đẹp mắt. Khi nở hoa, những đóa chuông vàng chúm chím khoe sắc, màu hoa như màu nắng, làm sáng bừng ngôi nhà. Đối với loại cây leo, chúng làm cho những cánh cổng thêm dịu dàng và lãng mạn.
Huỳnh anh leo rất dễ uốn. Loại thân đứng thì phát triển rất mạnh mẽ thành những bụi rậm rạp rợp sắc vàng. Đặc biệt, cây này có thể được cắt tỉa hoặc giới hạn chiều cao như mong muốn mà vẫn ra hoa rất nhiều. Khi đặt chúng vào giữa các loại cây khác thì ngay lập tức khu vườn đẹp lên hẳn.
Không chỉ làm đẹp mà cây hoa huỳnh anh còn đem lại không gian mát rượi cho những ngày nắng nóng.
Ứng dụng trong y học cổ truyền
Tuy không phổ biến lắm về ứng dụng trong y học nhưng thực tế, thành phần của cây hoa huỳnh anh có tác dụng chữa một số bệnh như: cảm sốt, đau đầu. Chúng hỗ trợ giấc ngủ, có tác dụng an thần. Nó có lịch sử điều trị các tình trạng khác nhau như nhiễm trùng gây sốt như lậu, kiết lỵ và viêm gan. Trong các phân tích, một số loài đã cho thấy một số hoạt động chống lại tế bào ung thư biểu mô, nấm gây bệnh và HIV. Ở các nước khác, chúng được ứng dụng như sau:
- Ở Trinidad, nó được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét và bệnh vàng da.
- Ở Guiana, nhựa mủ được dùng làm thuốc tẩy và trị đau bụng.
- Trong y học Ayurvedic và Unani, nó được sử dụng để chữa lành vết thương và vết loét.
- Khắp Đông Nam Á, nước sắc của lá được dùng làm thuốc xổ hoặc gây nôn.
- Ở Philippines, nước sắc của cây được dùng làm thuốc giải độc.
- Ở Java, dịch truyền hơi nóng được dùng để giảm ho và nhức đầu.
- Ở Nam Mỹ, lá hoặc mủ được dùng làm thuốc tẩy.
- Ở Peru, vỏ cây được dùng làm thuốc giải nhiệt.
- Ở Suriname, nước sắc rễ được dùng làm thuốc chữa bệnh vàng da và lách to do sốt rét.
- Nó cũng được sử dụng bên ngoài, ví dụ như vết thương, bệnh ngoài da, bệnh đậu mùa và như một loại thuốc giải độc cho vết cắn của bọ cạp hoặc tiếp xúc với cây độc.
Lưu ý khi sử dụng hoa huỳnh anh
Bên cạnh những tác dụng kể , có một số thông tin cho thấy nhựa của cây có thể gây rối loạn tiêu hóa ở một số trẻ em mẫn cảm nếu ăn phải. Tại Việt Nam, chúng không được dùng làm thuốc. Vì thế, các thông tin y học chỉ là để tham khảo. Tuyệt đối không sử dụng nếu không có sự đồng ý của bác sĩ.
Cách trồng và chăm sóc cây hoa huỳnh anh
Nhân giống cây hoa huỳnh anh
Hoa huỳnh anh cho năng suất cao nhất khi nhân giống bằng cách giâm cành. Cách thực hiện như sau:
- Chọn cành khỏe mạnh, cứng cáp, không sâu bệnh. Vát chéo một đoạn khoảng 15 – 20cm. Ngâm cành giâm vào dung dịch kích rễ để nhanh ra rễ. Nếu không ngâm, tỷ lệ thành công vẫn cao nhưng thời gian lâu hơn một chút.
- Giá thể cần tơi, thoáng, đủ ẩm và thoát nước tốt.
- Cắm cành giâm vào giá thể đã chuẩn bị. Trong thời gian chờ cành giâm nảy mầm, cần giữ cho giá thể và cành giâm luôn ẩm bằng cách phun sương hoặc tưới thật nhẹ.
- Khi cành giâm nảy mầm là rễ bắt đầu ra. Không nên chuyển chậu liền vì lúc này rễ ra chưa nhiều. Khi cành giâm đã ra nhiều lá mới, kiểm tra bầu rễ đã kín rễ thì đây là thời điểm thích hợp để chuyển chậu.
- Cây con mới chuyển chậu cần được đặt ở nơi thoáng mát, gió và ánh sáng nhẹ. Khoảng 1 tuần có thể đưa ra ánh nắng bình thường.
Chăm sóc hoa huỳnh anh
Đất trồng
Hoa huỳnh anh phù hợp nhất với đất thoáng và giàu dinh dưỡng, khả năng thoát nước tốt. Vì thế, giá thể cần có các thành phần tạo độ thoáng như xơ dừa, trấu hun, đá pumice hoặc than tổ ong đã qua xử lý. Các thành phần giá thể cần được xử lý, đối với phân bón nên ưu tiên phân hữu cơ hoặc phân chuồng hoai mục.
Nước tưới
Hoa huỳnh anh sẽ phát triển tốt nhất khi giá thể đủ ẩm và không bị ngập úng. Cần tưới nước hàng ngày cho giá thể và phun nhẹ lên lá.
Ánh sáng
Huỳnh anh cho hoa nhiều nhất khi đủ nắng. Vì vậy, thường thấy loại hoa vàng này ở các cổng rào hoặc các nơi công cộng nhiều nắng và thoáng gió.
Bón phân
Cần bón phân định kỳ để cây có đủ dinh dưỡng và cho hoa đẹp nhất. Ngoài ra, nên sử dụng phân hữu cơ khi cây chuẩn bị ra nụ và sau mỗi đợt cắt tỉa.
Cắt tỉa
Hoa huỳnh anh leo có thể được cắt tỉa để tạo vòm hoặc leo theo ý muốn. Đối với loại thân đứng, có thể cắt tỉa cho phù hợp không gian trồng. Sau mỗi đợt hoa, cả 2 loại đều cần cắt tỉa bớt những cành cũ, già hoặc loại bỏ các lá vàng. Việc cắt tỉa này giúp cây ra nhánh mới chuẩn bị cho mùa hoa kế tiếp.
Sâu bệnh
Nếu đủ nắng và được tưới đủ nước, hoa huỳnh anh ít bị bệnh. Tuy nhiên, chúng có thể bị vàng lá rồi tự rụng. Đây không phải hiện tượng bất thường nên không cần lo lắng quá. Chúng sẽ sớm nảy lá mới. Cây cũng có thể bị rệp hoặc sâu ăn lá. Cần phun mạnh mặt dưới lá để hạn chế tình trạng này.
Tổng kết
Đứng dưới giàn hoa huỳnh anh xanh mát rực rỡ, cái nóng mùa hè dịu lại. Nét duyên dáng của hoa vàng làm không gian thêm xôn xao và sinh động. Vì những điều đó, giống hoa này bao nhiêu năm vẫn có vị trí đặc biệt trong lòng những người yêu mến hoa vàng.
©Copyright by Moc Nhien Farm
Từ khóa » Hoa Huỳnh Anh Màu Hồng
-
Phân Biệt Cây Huỳnh Anh Tím Và Cây Hồng Anh - YouTube
-
Cây Hoa Hồng Anh – Nàng Thiếu Nữ đáng Yêu Với Sắc Hồng Nổi Bật
-
Cây Huỳnh Anh Hoa Tím - Green Sculpture
-
Cây Hoa Hồng Anh Cánh Kép Và Màu Trắng + đỏ đơn
-
Hoa Huỳnh Anh - Đặc điểm, ý Nghĩa, Cách Trồng Và Chăm Sóc
-
Cây Leo Huỳnh Anh - Hoa đẹp
-
Hoa Huỳnh Anh Đỏ Xuống Đất
-
Hoa Huỳnh Anh Hồng - BeeCost
-
Hoa Huỳnh Anh - Cây Cảnh Hà Nội
-
Bán Cây Hoa Huỳnh Anh Đỏ Leo Giàn Nở Đỏ Rực Ở Hà Nội
-
Hoa Huỳnh Anh – Hướng Dẫn Chăm Sóc, Tạo Dáng Và ý Nghĩa
-
Cây Huỳnh Anh đỏ - Vườn Vân Loan
-
Dây Hồng Anh • Sài Gòn Hoa Cây Hồng Anh Hoa Hồng