Hoa Lăng Tiêu Làm Thuốc

Một giàn hoa lăng tiêu trên đường Trường Chinh, Đà Nẵng (Ảnh: P.C.T)

Lăng tiêu (có khi bị gọi chệch Đăng tiêu hay Lan tiêu), tên khoa học là Campsis grandiflora, thuộc họ Núc nác – Bignoniaceae. Là cây nhỡ rụng lá, mọc leo cao đến 10m, với ít rễ bám. Lá mọc đối, kép lông chim lẻ, có 7-9 lá chét xoan ngọn giáo, dài 3-7cm, rộng 1,5-3cm, nhọn mũi, có răng nhọn. Chùy hoa ở ngọn cành. Hao màu đỏ hồng điều, có ống hình chuông hơi dài hơn đài và các thùy rộng 4-5cm. Quả nang dài cỡ 20cm; hạt có cánh.

Theo Đông y, hoa lăng tiêu có vị chua, tính lạnh, nhập kinh can, có công năng làm mát huyết, khử ứ, chủ trị huyết trệ, kinh bế, huyết nhiệt phong ngứa, chứng trừng hà (nổi u cục di động trong bụng), mũi sùi đỏ. Rễ và thân cành có tác dụng mát huyết, làm tan máu ứ, tiêu sưng phù, chữa phế ung (áp-xe phổi), viêm khớp, lưng chân đau mỏi tê liệt, thống phong (bệnh gout), mày đay, phong ngứa, sưng đau cổ họng. Lá có tác dụng tiêu thũng giải độc, chữa nhọt sảy.

Liều dùng hoa 3-9g; rễ, thân 9-15g, sắc uống hoặc tán bột hòa rượu uống.

Đơn thuốc:

- Viêm dạ dày ruột cấp tính: Hoa lăng tiêu 20g, Gừng tươi 3 lát. Sắc uống.

- Trẻ em đi lỏng: Rễ hoặc lá Lăng tiêu tươi 9- 15g, Vỏ gừng 1,5g, sắc uống.

- Lỵ cấp tính, viêm gan vàng da: Rễ và lá Lăng tiêu mỗi thứ 15g, sắc uống.

- Phế ung (áp-xe phổi): Rễ lăng tiêu 9-15g, sao đen, thêm 1 chén rượu, sắc uống.

- Kinh bế hoặc băng lậu: Rễ lăng tiêu sấy khô, nghiền bột, mỗi lần uống 6g với chút rượu gạo, ngày 2 lần. Hoặc dùng Hoa lăng tiêu 12g sắc kỹ lấy nước bỏ bã, hoà thêm 12g bột A giao nướng phồng, uống cùng với một chút rượu vang.

- Kinh nguyệt không đều: Hoa lăng tiêu 9g, Hoa hồng 9g, Ích mẫu thảo 15g, Đan sâm 15g, Hồng hoa 6g. Sắc uống.

- Khí hư (huyết trắng): Rễ lăng tiêu tươi 30g, Đại kế tươi 15g, Trứng gà 1 quả. Sắc kỹ, uống nước ăn trứng.

- Viêm loét âm đạo: Hoa lăng tiêu lượng vừa đủ, sắc lấy nước ngâm rửa.

- Xuất huyết sau khi đại tiện: Hoa lăng tiêu 5g, hãm nước sôi uống.

- Ngứa ngoài da, gặp nóng càng ngứa: Hoa lăng tiêu 20g, sắc uống. Hoặc nghiền bột hoa khô, uống mỗi lần 3g với nước ấm hoặc rượu vang.

- Mày đay: Dùng hoa Lăng tiêu 9g, sắc uống và 30g nấu nước ngâm rửa.

- Thấp chẩn (eczema): Hoa lăng tiêu 50g, Rễ chút chít 50g, Phèn chua 15g, nghiền bột rắc lên chỗ đau hoặc trộn dầu mè bôi.

- Nấm da: Hoa lăng tiêu tươi 60g, Rễ tươi 30g, Lá tươi 15g. Tất cả giã nát đắp lên vùng da bị nấm.

- Mũi sùi đỏ (tửu tra tỵ): Hoa lăng tiêu và Quả dành dành núi, lượng bằng nhau, sao tán bột, uống mỗi lần 6g sau bữa ăn. Đồng thời dùng bột hoa lăng tiêu trộn với bột Mật đà tăng bôi lên vùng da tổn thương.

- Đòn ngã tổn thương: Rễ Lăng tiêu tươi 60g sắc kỹ, hoà một chút dấm chua rồi chia uống 2 lần trong ngày.

- Gãy xương: Vỏ rễ Lăng tiêu tươi và và vỏ rễ Thanh táo (Tiếp cốt thảo nam) lượng bằng nhau, giã nát, sao nóng với rượu, để nguội bớt rồi bó vào chỗ xương gãy.

- Bong gân: Dùng lá hoặc hoa Lăng tiêu tươi 2 phần, tôm đồng tươi một phần. Hai thứ giã nát, sao nóng, đắp vào nơi tổn thương.

- Viêm khớpdạng thấp, thống phong (bệnh gout), tê bại nửa người: Rễ Lăng tiêu tươi 30g, Ngũ gia bì tươi 30g, Ngưu tất 9g, Quế chi 9g. Sắc uống. Hoặc dùng độc vị Lăng tiêu theo các cách sau:

* Rễ lăng tiêu 9- 15g, sắc kỹ hoà với đường đỏ và một chút rượu rồi uống.

* Hoa lăng tiêu 9- 30g, sắc uống.

* Rễ lăng tiêu 500g ngâm với 2,5 lít rượu, sau 20 ngày thì dùng được, uống mỗi ngày 2 lần mỗi lần 20 ml.

Từ khóa » Hoa Lăng Tiêu