HỎA LÒ | Hoàng Hải Thuỷ
Có thể bạn quan tâm
Từ năm 1980 một số người viết của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, quốc gia bị diệt năm 1975, thoát ra được nước ngoài — Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Anh, Đức — đã viết và ấn hành nhiều tác phẩm Hồi Ký tố cáo chính sách đàn áp, bỏ tù nhân dân tàn bạo của những người cộng sản Việt Nam; những hồi ký tù đày viết bằng máu và nước mắt từng làm xúc động người đọc, liên tiếp ra đời trong mười năm — 1980-1990 — Nhà Tù, Trại Tập Trung của Duyên Anh, Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh, Đáy Địa Ngục của Tạ Tỵ.. Thật nhiều, tôi không được đọc hết, không thể kể hết. Những hồi ký tù đày của những người viết Quốc Gia VNCH chỉ viết về những người tù VNCH.
Ngày tháng trôi đi, cuộc sống tiếp tục… Từ năm 1990 những người viết miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa thế chân những người viết VNCH viết chuyện ngục tù cộng sản, tố cáo tội ác cộng sản, đây là những tội ác cộng sản làm với những người dân miền Bắc XHCN: 1992 Bùi Tín, sau khi ra khỏi mước, viết Hoa Xuyên Tuyết, Mặt Thật, 1998 Vũ Thư Hiên xuất hiện ở hải ngoại với Đêm Giữa Ban Ngày, 2000 Bùi Ngọc Tấn từ Hà Nội gửi ra hải ngoại Chuyện Tình năm 2000; năm 2001 Nguyễn Chí Thiện cho ấn hành tập truyện Hỏa Lò.
Năm 1979 Nguyễn Chí Thiện, sau nhiều năm tù đầy ở miền Bắc XHCN, đã làm một hành động trước anh không một văn nghệ sĩ nào sống trong chế độ cộng sản — không phải chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới — dám làm hay nghĩ đến chuyện làm: chạy vào Tòa Đại Sứ Anh Quốc trao tập thơ, nhờ họ đưa ra nước ngoài. Đó là tập thơ Tù Cộng Sản giá trị nhất, tập thơ được ấn hành ở Hoa Kỳ có hai tên “Bản Chúc Thư của Một Người Việt Nam” và “Tiếng Vọng từ đáy vực.” Theo tôi, đây là những “tiếng kêu từ đáy vực,” không phải “tiếng vọng.”
Những năm 1976, 1977, ở Sài Gòn Cờ Máu, có lần tôi đọc một bài viết sau 1975 của Nguyễn Tuân. Bài viết nói đến cái đèn dầu của nông dân Nam Bộ, bầu đựng dầu có hình thù giống cái trứng vịt nên nhân dân gọi là “đèn hột vịt”, Nguyễn Tuân tấm tắc:
“Sao nhân dân ta giỏi đặt tên đồ vật đến như thế.. vv”
Nguyễn Tuân cũng như đa số những người viết miền Bắc XHCN thường ca tụng nhân dân, nông dân hết lời, họ luôn luôn nhận vơ — danh từ của họ là “vơ vào” — nhân dân là của họ, của Đảng, nhân dân đứng về phe họ. Tôi nghĩ:
“Dân thành thị đặt tên đồ vật còn hay hơn: đồng hồ quả quít, mũ nồi, mũ chào mào, mũ lưỡi trai, áo đuôi tôm, nhà Hỏa Lò.. vv..”
Những năm mới mười tuổi đời — 1940 – tôi đã nghe mấy tiếng “Nhà Hỏa Lò”, tôi đã biết “Nhà Hoả Lò” là “Nhà Tù”, rất ít người nói Nhà Tù, Nhà Pha Hà Nội, người ta chỉ nói Nhà Hỏa Lò. Và nói Nhà Hỏa Lò là ai cũng biết đó là nhà tù ở Hà Nội, dường như nơi chính quyền Thực Dân Pháp xây lên Nhà Tù Hỏa Lò trước đó là phố bán hỏa lò — bếp nấu ăn bằng đất — nên nhân dân gọi Nhà Tù đó là Nhà Hỏa Lò” Nhà Tù ở phố Hỏa Lò. Tôi, kẻ viết bài này thấy những góc tường của nhà tù có những vọng gác nhô lên, trông như cái hỏa lò, nên nhân dân gọi là Nhà Hỏa Lò, tất cả mọi người đều nhận cái tên đặt ấy. Nhưng có thuyết nói trướ đó khu ấy có những nhà bán hỏa lò — bếp bằng đất nung — nên có tên là phố Hỏa Lò. Về sau nhà tù được xây lên ở đó, tên Pháp là Maison Centrale — nhân dân gọi là Nhà Tù Hỏa Lò.
Nguyễn Chí Thiện đã sống trong Nhà Tù Hỏa Lò sáu năm trong lần bị bắt thứ hai của anh, ngay sau khi anh từ Tòa Đại Sứ Anh Quốc ở Hà Nội trở ra, sự việc xẩy ra năm 1979. Ba chìm, bẩy nổi, chín lênh đênh, mười mấy năm sau ngày sống sót ra khỏi Hỏa Lò, ở hải ngoại Nguyễn Chí Thiện nhớ lại và viết về cuộc sống cùng tâm trạng của một số tù nhân Hỏa Lò.
Tôi không viết bài này như một bài phê bình hay giới thiệu sách, vì Nguyễn Chí Thiện sống sáu năm trong Nhà Tù Hỏa Lò, tôi sống năm năm trong Nhà Tù Chí Hòa, nhân đọc Hỏa Lò của Nguyễn Chí Thiện, tôi so sánh Hỏa Lò Hà Nội với Chí Hòa Sài Gòn — so sánh từ hình thể đến những luật lệ áp dụng cho tù nhân trong hai nhà tù nổi tiếng nhất của đất nước, đối chiếu đời sống của tù nhân trong hai nhà tù.
Những chuyện rất thường trong nhà tù, quá thường với những người không bị tù, những người chưa từng sống ngày nào trong ngục tù cộng sản, nhưng lại rất quan trọng với người tù Việt Nam trong những nhà tù cộng sản, chẳng hạn như tù nhân Hỏa Lò bị cấm không được hút thuốc lào, thuốc lá, bị bắt có thuốc lào, thuốc lá là bị phạt nằm xà-lim, cùm chân, tù nhân Chí Hòa hút thuốc tự do, đồ căng-tin do cán bộ cai tù Chí Hòa bán cho tù để kiếm lời có thuốc lào, thuốc rê. Đây là một đoạn tả về chuyện thuốc lào ở Hỏa Lò:
Hỏa Lò, trg 49 — Trích:
Lão già đứng nhìn, lắc đầu. Tên quản giáo vẫn ngồi uống trà, phì phèo điếu thuốc trên miệng, chưa buồn ngó tới lão. Lão vứt cái bị cói xuống thềm, uể oải ngồi xuống. Mấy tên tự giác đứng canh bọn tù ngồi ăn, đợi lệnh. Lão già chẳng bao giờ để ý tới bọn quản giáo. Nhiều năm ở tù rồi, lão thấy bọn chúng: dù trẻ, dù trung niên, dù già, dù gầy, dù béo, dù cao, dù thấp, dù da trắng, da ngăm ngăm, dù mắt lồi, mắt sâu, mắt sếch, mắt lươn, mắt lé… đa số đều có một điểm chung là nhìn người tù lừ lừ, khinh miệt, thù hận, mê muội..
— Thằng nào vừa gặp gia đình?
Tiếng tên quản giáo, hỗng hách, đầy quyền uy.
— Thưa ông, cháu.
Một tên tù đương ăn vội vã đứng lên, lụng bụng đáp lại. Tên quản giáo hất hàm cho mấy tên tù tự giác:
— Khám.
Hai tên tự giác xăm xăm tới.
— Cởi áo ra!
Hai bàn tay gã tù lở loét, bê bết xôi, nhầy nhụa mỡ thịt, loay hoay cởi khuy. Một tên tự giác sờ nắn, rũ rũ cái áo. tên tự giác khác bắt tên tù dơ hai tay lên cao, quay trước, quay sau.
— Cởi quần ra!
Gã tù trút bỏ chiếc quân ni-lông ra. Lại sờ nắn, rũ rũ.
— Báo cáo ông, không có gì.
Tên quản giáo nhăn mặt, nhíu mũi khi nhìn thân hình ghẻ lở, loang lổ máu. Thấy dáng điệu gã tù có vẻ hồi hộp, hắn quát:
— Cởi quần đùi ra!
Gã tù lom khom cởi nốt cái quần đùi, mặt tái nhợt, hai tay úp che hạ bộ.
— Bắt nó chổng mông lên! Nhìn lỗ đít nó xem có cái gì không?
Hai tên tự giác ấn gã tù chổng mông. Rồi một tên ngồi xuống, lấy hai tay vạch hậu môn, nhìn vào. Phát hiện thấy có vật gì trong đó, hắn quát:
— Rặn mạnh ra!
Loay hoay một lúc, hắn lôi ra một cục ni-lông tròn, dài.
— Báo cáo ông.. thuốc lào.
Tên quản giáo đắc ý:
— Mày qua mắt ông nội mày thế nào được! Con muỗi bay qua, ông cũng phân biệt được con nào là con đực, con nào là con cái. Nhìn cái điệu của mày, ông đã biết thế nào cũng có vấn đề. Mày ở ngoài là nhà báo, mày không đọc được nội quy sao?
— Thưa ông, giải quyết thằng này thế nào?
Một tên tự giác khúm núm hỏi.
— Tịch thu toàn bộ quà. Bắt nó nuốt chỗ thuốc lào ấy! Mày nhét vào lỗ đít, tưởng qua mắt nổi ông. Bây giờ ông nhét vào lỗ mồm mày.
Chuyện kể tự nó nói lên những gì nó cần nói, nó mang trong nó, tôi sẽ không phụ đề Việt ngữ gì nhiều về những chuyện Hỏa Lò của Nguyễn Chí Thiện. Như chuyện trên đây, không cần tôi viết thêm: độc ác, thằng cai tù cộng sản không còn là người — đọc chuyện bạn cũng thấy tính cách ác độc khủng khiếp, ác độc đến không thể ngờ được, của bọn Cai Tù CS đối với đồng bào của chúng — đồng bào ruột thịt..! — nếu bạn may mắn chưa từng nếm mùi tù đầy cộng sản, tôi nghĩ đọc những hồi ký tù đày do chúng tôi viết bạn sẽ thông cảm và bạn sẽ biết vì sao những cựu tù nhân chính trị nạn nhân cộng sản chúng tôi không sao có thể nguôi được lòng căm thù chế độ cộng sản ở quê nhà, chúng tôi không sao có thể thỏa hiệp, dù là giai đoạn, với những người cộng sản.. Chúng tôi đã bị hành hạ tàn nhẫn, chúng tôi thoát chết nhưng anh em chúng tôi đã chết, thê thảm, oan ức, vô ích, chúng đã tàn ác giết anh em chúng tôi, chúng tôi đau, chúng tôi thù hận chúng. Chúng tôi không thể trả thù được chúng, chúng tôi không thể bắt chúng đền tội, trả nợ máu, chúng tôi chỉ có thể kể tội chúng. Không kể tội chúng với đồng bào là chúng tôi có tội.
Năm 1981, ba người chúng tôi cùng ở tù về gặp nhau: Dương Hùng Cường, Vương Quốc Cường và tôi. Cường Vương là thẩm phán, đi tù ở ngoài Bắc, Cường Dương và tôi tù ở trong Nam, tôi nghe Cường Vương kể:
— Bọn tù ngoài ấy phải gọi bọn cai tù là ông, bà, xưng con. Tôi thấy cảnh mấy con mụ cai tù nó trói các em tù vào cột, nó đánh bằng roi mây, các em lậy van thảm thiết: “Con lậy bà.. Con chừa rồi.. Bà tha cho con..”
Hai bạn tôi, Dương Hùng Cường, Vương Quốc Cường, đều đã qua đời, Dương Hùng Cường, sĩ quan, đi tù “ngụy quân”, trở về Sài Gòn năm 1980, bị bắt lần thứ hai năm 1984, chết thảm trong xà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, Vương Quốc Cường, chánh án Quảng Ngãi, đi tù “ngụy quyền”, trở về Sài Gòn năm 1980, mất tích trong một chuyến đi vượt biên; anh là người đi không đến đích, một ra đi là không trở về, tôi chắc anh đã chết trên biển. Có thể anh bị chết vì chính bọn công an CS nhận đưa anh đi, lấy vàng của anh và giết anh, vùi xác anh đâu đó.
Tù chính trị VNCH chúng tôi chỉ phải gọi cai tù là “cán bộ”, xưng tôi. Lên Trại Tù Khổ Sai Z 30 A tôi nghe tiếng: “Thưa ban..” lạ tai, “ban” đây là “ban lãnh đạo”, nếu nói cả câu là “Thưa cán bộ ban lãnh đạo..”, vắn tắt là: “Thưa ban..”, tiếng “ban” dùng để gọi mấy anh Trại Phó, Trại Trưởng, để phân biệt mấy anh với bọn cai tù tầm thường. Tiếng “..Thưa ban..” từ những ngục tù miền Bắc đi vào những ngục tù VNCH.
Năm 1973 khi dịch The First Circle của Alexandre Solzhenytsin — Tầng Đầu Địa Ngục — tôi đã thấy Solzhenytsin viết: “Tù cộng sản ghê sợ nhất là cái đói..” Tác giả kể có lần bọn tù khổ sai ở Sibéria đào được xác một con khủng long chết đã 5.000 năm nhưng nằm sâu trong tuyết nên thịt vẫn còn tươi. Chỉ một thoáng sau đám tù đói đã ăn hết thịt con khủng long, khoa học mất một dịp hiếm có để tìm hiểu về đời sống trên trái đất thời tiền sử.
Đó là chuyện CS Nga bỏ đói tù nhân Nga ở tận cuối trời xa, đây là chuyện CSVN bỏ đói tù nhân ở trong cái gọi là bệnh xá Nhà Hỏa Lò, thủ đô nước Việt Nam Cộng Sản:
Hỏa Lò. Trang 42. Trích:
— Cháu tới giường thằng đau tim. Định khuyên nó viết thư về nhờ bố mẹ bán cái xe đạp của nó đi, tiếp tế cho nó. Nó có cái đồng hồ, cái bút máy, lúc nhập trại phải gửi quản giáo. Coi như mất. Có ai lúc vội vã đi trại, đòi lại được những vật gửi. Nó nằm chùm chăn kín đầu. Cháu mở chăn ra. Nó đã chết. Mắt trợn trừng, trắng dã. Mồm méo sệch. Cháu toan gọi báo cáo cán bộ có người chết. Thằng bạn ho lao nhổm dậy, ngăn lại, thì thầm:
— Báo bây giờ, nhà bếp cắt cơm nó. Để chia cơm xong, hãy báo.
Cháu tán thành ý kiến của nó. Bọn kiết lỵ, tháo tỏng vẫn ngồi chùm chăn, ôm nhau, chưa biết gì. Như vậy, ba thằng ho lao chúng cháu sẽ được ăn bốn suất cơm…
… Ba thằng ho lao chúng cháu ngồi quây lấy xác chết. Bốn suất cơm để trước mặt. Cháu vốn tin con người có linh hồn, nên lâm râm khấn mời tên chết về dùng cơm, và tha tội cho chúng cháu. Suất cơm gian lận được chia đều. Ấm bụng hơn một chút. Ông chú chưa bị đói triền miên bao giờ, nên không thể hiểu nổi tầm quan trọng của thìa cơm trong cảnh tù tội. Phạng nhau vỡ sọ cũng vì nó. Đến trưa, cháu muốn gọi báo gã đau tim chết. Thằng bạn ho lao tham lam, muốn tối mới báo. Làm thêm một suất cơm chiều nữa. Cháu cương quyết không nghe. Cháu sợ nhỡ bị phát hiện, quản giáo mang cùm vào, cùm chân lại. Ở bệnh xá, mọi vi phạm nội quy, như hút thuốc lào chẳng hạn, đều bị cùm hàng tuần, kể cả đang ốm nặng. Có thằng đã chết trong cùm.
Nhà Tù Chí Hòa không cấm tù nhân hút thuốc nhưng chỉ cho hút trong giờ làm việc, tức từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, từ 2 giờ trưa đến 5 giờ chiều. Vào giờ này có tù ra làm lao động cho lửa cho tù trong phòng giam hút thuốc. Sự cho phép và cấm đoán ấy hết sức vô lý, ngớ ngẩn và độc ác với những người nghiện thuốc. Trên luật thì như thế nhưng thực tế Người Tù trong các phòng tù Chí Hòa vẫn tự chế lấy lửa hút thuốc. Cai Tù Chí Hòa cấm tù nhân giữ riêm, chế lửa, viện cớ ở những phòng tù hình sự thường xẩy ra chuyện những chú tù lép vế bị bọn đại bàng — ở Hỏa Lò là bọn đầu gấu — áp chế, bóc lột, đánh đập, lén bỏ những miếng ni-lông vào lon sữa bò, dùng ni-lông cuốn lại châm lửa đốt, nấu cho ni-lông trong lon chẩy ra thành nươc — gọi là “hỏa tốc” — cầm cả lon “hỏa tốc” hắt vào mặt đại bàng. Nhiều vụ trả thù như thế đã xẩy ra, thường là bọn đại bàng đang nằm phây phây ngủ, không đề phòng, bị tạt “hỏa tốc” vào mặt, la rú khủng khiếp. Cả Chí Hòa nghe tiếng la rú rợn người. Mặt người bị tạt “hỏa tốc” bị phỏng như mặt quỉ, đỏ loét, bị chất nylon lỏng, nóng, đốt cháy mũi, trơ xương má, mù mắt.. vv. Vì cái nạn tạt hỏa tốc Cai Tù Chí Hòa ra luật cấm tù nhân không được giữ riêm, tự chế lửa, ai tự chế lửa hay giữ riêm, giữ lon sữa bò, bị bắt, bị nằêm xà-lim, cùm chân bẩy ngày. Tù chính trị Chí Hòa ở riêng một khu, không bao giờ giết nhau, chỉ dùng hỏa tốc để nấu chút nước sôi pha trà, ăn mì, cũng bị cấm không được giữ riêm, tự chế lửa.
Tù Chí Hòa, tù Hỏa Lò cùng có cách tự chế lửa như nhau mà không cần riêm, không cần bật lửa. Năm 1985 tôi vào Nhà Tù Chí Hòa, thấy anh em dùng cái “chẹc” chế lửa, tôi thán phục quá xá. Ai là người nghĩ ra cách chế lửa tài tình như thế? Người dùng thấy đơn giản thôi, nhưng phải có người nghĩ ra. Tôi chắc người nghĩ ra cái “chẹc” để chế lửa trong nhà tù phải nhớ chuyện ông cha ta ngày xưa dùng hai cục đá đập mạnh vào nhau mà cũng chế được ra lửa. Ở ngoài, thông thường khi bật lửa hết xăng, người ta chịu không sao có lửa. Trong tù, tù nhân lấy cái cán bàn chải đánh răng cắt ngang, dùi một lỗ, nhét viên đá lửa vào đó, để sẵn miếng giấy kẹp dúm bông gòn ở đầu, dùng mảnh thủy tinh, xiết lên cái chẹc, lưỡi thủy tinh sắc xiết trên cục đá lửa, làm bắn ra đốm lửa, đốm lửa bắn vaò dúm bông gòn, dúm bông gòn bùng cháy, lửa bắt vào miếng giấy kẹp bông. Và thế là phòng tù có lửa hút thuốc lào. Hút thuốc lá dễ có lửa hơn, vì có thể truyền lửa từ điếu thuốc đang hút cho nhau, hút thuốc lào phải có lửa cháy. Không dùng chẹc người tù hút thuốc lào cũng dễ có lửa bằng cách vò nát tờ giấy, vo tròn, châm lửa thuốc lá, thổi vào chỗ bị cháy cho lửa bùng lên. Người tù khó dấu riêm, bật lửa nhưng dễ dấu những viên đá lửa. Khi bị xét phòng chỉ cần vứt cái “chẹc”, mảnh thủy tinh đi là xong, thiệt hại không bao nhiêu. Xét phòng xong chỉ năm phút sau là có cái chẹc khác. Chỉ cần 10 viên đá lửa là cả phòng có lửa thoải mái trong cả tháng. Những mảnh thủy tinh lấy từ những lọ chao. Bông gòn có thể do người nhà gửi vào, hay giặt thật sạch những miếng mền len, xé tơi, dùng làm bông. Bông tự chế phải thật sạch, thật khô, thật tơi mới dễ bắt lửa.
Hỏa Lò. Trg 56
— Trong phòng, vào giờ hành chính, mấy trăm tù ngồi bó gối, xếp hàng đầy cả hai bên sàn nằm.
Tù Hỏa Lò ở phòng tập thể phải mặc quần áo chỉnh tề, ngồi ngay ngắn trong giờ hành chính, tức tù Hỏa Lò phải ngồi xệp trên sàn xi-măng 8 tiếng một ngày. Tù Chí Hòa, Tù Số 4 Phan đăng Lưu, suốt ngày đêm ở trần, quần sà lỏn, nằm ngồi thoải mái, đánh đô-mi-nô, cờ tướng thả dàn. Cai tù đến cửa gọi anh nào “đi làm việc”, tức đi lấy khẩu cung, đi chịu thẩm vấn, anh ấy bận quần áo ra khỏi phòng, toàn phòng tỉnh bơ. Mức độ tàn ác của Việt Cộng giảm đi nhiều khi họ vào đến Quốc gia VNCH.
Đây là hình ảnh một Nàng Kiều XHCN trong Hỏa Lò Hà Nội:
Hỏa Lò. trg 56 — Trích:
Đột nhiên, “bóng hồng nhác thấy nẻo xa”. Những thằng tù no tiếp tế gia đình, ngừng ăn, trố mắt. Một cô gái tuổi chừng đôi mươi, đi tới. Theo sau cô mươi thước là một mụ quản giáo, dáng dấp như một tên du côn. Cô gái trông mảnh mai, nét mặt trái soan, xanh nhợt, ủ ê, nhưng khá đẹp. Một tên tự giác đứng cạnh đám tù ngồi ăn, khi cô gái đi tới gần, gã nhe răng, nhăn nhở:
— Em làm nghề “lấy lỗ làm lãi”, phải không?
Một tên tù khác, mắt hấp háy, toe toét:
— Trông thơm quá. Cho anh yêu một cái đi!
Cô gái đi ngang qua chỗ lão già ngồi ăn, làm lão ọe một cái, nôn ra một ít bánh mì. Một mùi tanh tưởi, tệ hơn mùi chuột chết, từ đũng quần cô gái, ập vào mũi lão.
Tên trực trong cười hềnh hệch:
— Loại “phò” này mà sốc nách, nhấc bổng lên, lắc mạnh mấy cái, là rơi xuống đầy một sọt “gậy gộc”!
Cô gái lẳng lặng đi. Thoáng thấy mấy lá bánh chưng còn dính vài cục bánh con con, cô nhào tới rãnh nước, nhặt lên, đưa vào mồm, liếm lấy, liếm để.
Mụ quản giáo the thé:
— Con nhà thổ. Bà sẽ cùm mày lại!
Mụ chạy xốc tới, nắm mớ tóc bù xù của cô gái, giật mạnh, tát tới tấp. Cô gái lí nhí kêu lậy.
Hỏa Lò. Trg 66.
Trưởng phòng lau mồ hôi nhễ nhại, nhìn chiếc quạt trần cao chót vót lừ đừ quay, như hết hơi.
— Treo cái quạt này làm đéo gì. Đù mẹ chúng nó, chơi khăm thật! Cùng ở Hỏa Lò cả, mà quạt ở các buồng quản giáo thì vù vù như vũ bão.
Phòng tù tập thể Hỏa Lò có gắn quạt trần? Không biết những quạt trần này được gắn ở đấy từ thời nào? Phòng tù Chí Hòa thoáng mát vì chỉ có ba bức tường, một mặt là song sắt nhìn ra hành lang, rồi một hàng song sắt nữa là tới trời. So với Hỏa Lò, kiến trúc Chí Hòa văn minh, hiện đại hơn rất nhiều. Không biết đích xác Hỏøa Lò được xây xong tháng nào, năm nào, cứ cho là Hỏa Lò có mặt ở Hà Nội năm 1900, Nhà Tù Chí Hòa ra đời sau Hỏa Lò năm mươi năm. Theo hiểu biết không được chính xác của tôi Nhà Tù Chí Hòa được người Pháp khởi xây vào khoảng năm 1942, 1943, được hoàn thành khoảng năm 1946, bắt đầu tiếp khách năm 1947. Từ 1985 đến 1989 tôi sống trong Nhà Tù Chí Hòa, nhiều lần tôi có ý định khi được ra khỏi Chí Hòa tôi sẽ viết về Nhà Tù Chí Hòa, tôi sẽ tìm tài liệu đích xác ai là kiến trúc sư vẽ kiểu Nhà Tù Chí Hòa, xây năm nào, năm nào hoàn thành, tốn phí bao nhiêu..?? Năm 1990 ra khỏi tù, tôi quên ý định viết về Chí Hòa. Ra ngoài tôi nghĩ những người từng ngồi tù Chí Hòa chẳng ai muốn đọc chuyện viết về Chí Hòa, nhiều người còn biết về Chí Hòa nhiều hơn tôi, những người chưa từng ở tù Chí Hòa chẳng ai đọc chuyện nhà tù Chí Hòa làm quái gì, ai théc méc chuyện nhà tù Chí Hòa do kiến trúc sư nào vẽ kiểu, được xây năm nào… vv
Tháng 5, 1975 tôi thấy anh Huỳnh tấn Phát trên màn ảnh TiVi. Lúc ấy anh là Thủ Tướng cái gọi là Chính phủ Lâm Thời Miền Nam VN. Anh được phỏng vấn. Rõ ràng là anh quá sướng, sướng vì không ngờ anh vào được Dinh Độc Lập. Mặt mũi anh phớn phở, anh không biết nói gì cả. Chưa đầy một năm sau, Lê Duẩn phóng tay dẹp Mặt Trận GPMN và chính phủ miền Nam. Huỳnh tấn Phát biến mất từ đó. Hai mươi mấy mùa lá rụng sau tôi gặp lại họ Huỳnh trong Hỏa Lò.
Hỏa Lò. Trg 127 — Trích:
Gã thanh niên cười:
— Mai em về rồi, cần gì quà.
— Mừng cho mày. Nhưng sao biết trước. Được báo à?
— Nói thật với ông anh. Ông anh biết nhà thơ Nguyễn xuân Sanh không?
— Ông ta, trước năm 45, ở trong nhóm Xuân Thu, cùng với Đoàn phú Tứ. Tao có đọc thơ ông ta, biết tiếng ông ta thôi, chưa gặp mặt bao giờ. Xem nào, tao còn nhớ câu thơ: “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”. Thơ ông ta đấy.
— Em là con ông ấy đấy.
— A, thế mày là con ông ấy à? Tiêu chuẩn mày là được đi Nga, đi Tiệp học. Sao lại vào nằm đây?
— Học hành quái gì! Máu em thích ăn chơi sả lán. Cách đây hai tháng, em “đánh quả” ở một sứ quán, bị chộp.
Gã giáo viên, vẻ nghi ngại:
— Tội này ít ra cũng mười năm tù. Mày có chắc mày về không?
— Chắc như đinh đóng cột. Ông cụ đã cứu em nhiều lần. Ông cụ bảo lần này là lần chót.
Gã thanh niên hạ giọng, nói nhỏ:
— Ông cụ làm việc cho công an đấy.
— À, tao hiểu. nhưng tao khuyên mày dừng lại ở đây. Ông cụ không xin mãi cho mày được đâu. Gia đình mày có túng thiếu gì mà phải…
— Ông anh không biết. Chúng em đập phá mạnh lắm. Gia đình nào cung cấp xuể. Ngay thằng con ông Huỳnh tấn Phát cũng phải xách súng đi ăn cướp. Bố nó xin cho nó nhiều lần rồi. Nó có chừa được đâu. Nó ở phòng 12…
Đây là một cảnh tù đói ở ngoài sân Nhà Tù Hỏa Lò:
Hỏa Lò. Trg 182. Trích:
Lão không nói gì, đứng dậy quay nhìn về phía bên kia sân. Lão kinh hoàng trố mắt. Cách lão chùng ba nươi thước thôi, một cảnh tượng suốt đời không thể phái mờ đối với lão. Trong nắng chiều vàng ủng như nghệ, hàng trăm tên tù trần truồng, sám xịt, lủng củng xương da, đứa nằm, đứa ngồi, đang bốc cơm ăn. Có những tên không còn cầm nổi cái bát, cơm rơi đổ cả xuống đất, lẩy bẩy bò xuống, vốc nhặt đưa lên miệng. Tất cả diễn ra im lìm, như một màn kịch câm. Như những bóng ma. Hai bóng ma, đầu trọc lốc, mắt sâu hoắm, đờ đẫn, ngồi đối diện nhau. Bốn bàn tay bám vào bát men đựng cơm, giơ lên, run run, từ từ đưa đi, đưa lại. Phải nhìn một lúc, lão mới hiểu là hai đứa đương giành nhau bát cơm của một tên nằm gục bên cạnh, không ăn nổi. Chúng không còn sức để nói, để chửi, để giằng mạnh. Một chiếc xe bò lọc cọc đi vào. Hai tên tù tự giác vào phòng, lần lượt khiêng năm xác chết trần truồng, đặt lên xe, kéo đi. Những tên tù ăn xong, đứng lên, máu mủ từ hậu môn rỏ xuống…
Nhạc Trịnh Công Sơn được nhắc đến trong Hỏa Lò,
Trang 243.Trích:
— Rận rệp là bạn đồng hành của tù. Không cách nào trừ nổi. Viết xong thư cho em chưa?
— Xong rồi. Yêu đương trong này chỉ để tiêu sầu thôi. Rồi ra, mỗi người một ngả.
Gã đầu gấu hát ong ỏng:
— Ngày chủ nhật buồn, còn ai, còn ai. Môi em nồng nàn..
Phó Nhòm chửi:
– Đù mẹ chúng nó. Đương lúc chiến tranh, chết chóc như thế mà lúc nào cũng môi em với vai em. Đúng là nhạc phản chiến. Không hiểu chúng nó là cái giống gì?
Hỏa Lò, trg 249. Trích:
Lão tới các buồng nữ, cảm ơn những người cho lão quà mừng sinh nhật. Lão cho cô ca sĩ, cô diễn viên kịch nói, gã đầu gấu mỗi người một bao thuốc lá. Tới buồng bà Sài Gòn, lão đưa cho bà một bao:
– Chị không nghiện. nhưng mỗi ngày, sau bữa cơm, hút một điếu cho thơm. Không hại gì đâu.
Có lần tôi nghe Nguyễn chí Thiện nói:
— Trong “Anh phải sống,” Khái Hưng cho chị vợ anh lái đò nói với chồng trước khi buông tay trôi theo giòng nước, để anh chồng có thể thoát chết chìm, sống mà nuôi đứa con của anh chị. Chị nói: “Anh phải sống..” Đấy là lời Khái Hưng nói chứ không phải lời chị lái đò. Chị lái đò không thể nói câu “Anh phải sống” đó..
Theo tôi câu nói của lão tù trong Khu xà lim Hỏa Lò Hà Nội: “Không nghiện.. Sau bữa cơm, hút một điếu cho thơm.. Không hại gì..” là lời Nguyễn chí Thiện. Anh hút thuốc lá khá nặng. Tôi từng hút mỗi ngày 60 điếu Lucky, Philip, Pall Mall ròng rã trong ba mươi năm, tôi bỏ hút đã được 10 năm; tôi thấy người hút Nguyễn chí Thiện đã rất chủ quan khi nói như thế về thuốc lá. Những người không nghiện thuốc không thú vị gì với khói thuốc lá. Khói thuốc chỉ làm họ khó chịu, nhức đầu, khản cổ, ho, hôi miệng. Ngày nào Nguyễn chí Thiện bỏ thuốc lá, có thể anh sẽ ngửi thấy mùi khói thiu thiu, tanh tanh, trong lỗ mũi của người đàn bà nào đó nghiện thuốc lá. Khi bỏ thuốc rồi, tôi mới biết trong ba mươi năm tôi đã can tội hành hạ vài ba người đàn bà bằng mùi khói thuốc thiu thiu, tanh tanh trong hai lỗ mũi tôi.
Tôi nói với tác giả Hỏa Lò sao anh không tả cho người đọc biết về đại thể kiến trúc Nhà Hỏa Lò ra sao, anh tả phòng tù tập thể giam 200 tù, mỗi bữa cơm tù ra sân ngồi ăn, tù ở những phòng khác thì sao? Vào giờ đó tù ở các phòng khác cũng ra hết ngoài sân ư? Cả ngàn tù ra sân cùng một lúc cai tù làm sao giữ được trật tự? Anh trả lời:
— Đây là truyện ngắn, tôi không viết chi tiết về Hỏa Lò, sợ làm loãng truyện. Hỏa Lò có 4 khu xà-lim, 14 phòng giam chung. Trước kia, thời Pháp sân nhà tù là sân chung, người đi trong sân có thể đi khắp các phòng, Việt Cộng xây tường ngăn riêng mỗi phòng. Tù mỗi phòng chỉ biết, chỉ được ra khoảng sân riêng của phòng mình. Vì có tường ngăn nên khi ra sân ăn cơm tù không nhìn thấy tù phòng bên. oảa Lò là sân chung, ra sân la dđi dđuược khăép các phòng,nhà tù là sân chung, có Tôi sẽ viết một tiểu thuyết về đời tù trong Hỏa Lò, dự định khoảng 600 trang; trong đó tôi sẽ viết chi tiết hơn về Hỏa Lò.
Nhà Tù Chí Hòa cũng bị Việt Cộng xây tường ngăn cách ra từng khu như Hỏa Lò. Điều khác là Nhà Tù Chí Hòa có lầu, một tầng duới đất, ba tầng lầu, trước 1975 mỗi tầng có hàng lang đi vòng tất cả các phòng, sân chung, phòng giam tập thể mở cửa từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, tù nhân ra sân chơi thong thả, tắm giặt, hớt tóc, mua đồ thực phẩm, đi gặp nhau, tối mới phải về phòng. Đại khái thế thôi, muốn tả Nhà Tù Chí Hòa một trăm trang chưa đủ.
Hỏa Lò. Trg 124 — Trích:
Một tên tự giác giơ chiếc áo sợi của một gã tù dở điên, dở dại, kêu lên, khiếp sợ:
— Toàn rận với trứng! Phải hàng nghìn con!
Tên quản giáo ngồi trong phòng uống trà, ra lệnh:
— Đốt nó đi!
Gã tâm thần dằng lại, rên rỉ:
— Rét lắm! Để chúng nó cắn tôi! Tôi thương chúng nó lắm! Tôi chỉ có cái áo đó. Không được đốt.
— Đốt! Cho nó một cáo áo “cung”!
Tên tự giác chạy vào kho, lấy ra một cái áo dù, quẳng cho gã thần kinh, rồi bật lửa châm đốt cái áo đầy rệp, rận ngay tại sân.
Trong những chuyện viết về cuộc sống của những quân nhân VNCH bị đưa ra những trại tù khổ sai miền Bắc XHCN thấy có trại VC dùng những bộ quân phục rằn ri của quân ta cho tù mặc. Đã thấy đau lòng. Đọc Hỏa Lò của Nguyễn Chí Thiện ta xót sa hơn khi thấy những bộ quân phục binh chủng Nhẩy Dù của quân đội ta bị VC dùng làm áo cho những tù nhân ở Hỏa Lò mặc khi đi chịu thẩm vấn.
Hỏa Lò. Trg 183. Trích:
Đột nhiên, bên kia đường, từ một căn nhà, the thé tiếng kêu la. Rồi cửa bật mở. Một người đàn bà chạy ra, đầu tóc rũ rượi. Một người đàn ông cầm một thanh củi đuổi theo, hầm hầm:
— Ông đập chết mẹ mày. Con ác phụ!
Mấy anh xích-lô ùa tới, giữ gã lại. Người đàn bà chạy sang quán nước bên kia đường, chu chéo:
— Thằng khốn nạn, mày bỏ vợ con, đi theo con đĩ đó. Bà không nhịn được nữa. Bà sẽ tố cáo cho mày mất chức hiệu trưởng, cho mày bị khai trừ khỏi Đảng!
Chị ta lấy tay vỗ bành bạch, hét lên:
— Thằng chó dái, cái này là cái gì! Nó không phải là “cái mả bố mày” sao, mà mày phải vục đầu vào cái của con nhà thổ?
Hoạt cảnh xã hội XHCN người tù thấy khi bị giải trên tù xa, xe ngừng ở thị trấn Văn Điển. Hai nhân vật trong hoạt cảnh là vợ chồng một nhà giáo XHCN, anh chồng là hiệu trưởng, chị vợ là giáo viên. Đàn bà nông thôn Bắc kỳ có đặc điểm là mặc váy — vừa mặc váy vừa mặc quần — đàn bà Trung kỳ, Nam kỳ chỉ mặc quần, không mặc váy. Đây là tình hình trước năm 1950, tôi nghĩ bây giờ, năm 2000, ở miền Bắc chỉ những bà già 90 là còn mặc váy. Vì mặc váy nên mới có chuyện sáng trăng suông em nghĩ tối trời, em ngồi em để cái sự đời em ra…” Nếu em mặc quần, em có ngồi hớ hênh đến mấy cái sự đời của em cũng không để ra được. Và đàn bà nông thôn Bắc kỳ còn một đặïc điểm nữa mà đàn bà nông thôn Trung kỳ, Nam kỳ không có là khi chửi nhau, lấy tay vỗ bem bép, bèm bẹp, bôm bốp, bành bạch vào cái “số ta “rồi tung bàn tay vừa vỗ về phía địch thủ, miệng nói lớn lời thuyết minh:
“Cả nhà mày chia nhau ăn cái này của bà này… Cha tiên nhân bố mày…Mang cái này của bà về bầy lên bàn thờ cho ông bà, ông vải nhà mày ăn..”
Trong Hỏa Lò, tác giả ghi sơ sài: “Chị ta lấy tay vỗ bành bạch, hét lên..” những người đọc Hỏa Lò năm nay tuổi đời bốn bó, kể cả năm bó, chưa từng sống ở miền quê Bắc Việt một ngày, có thể tưởng là chị giáo viên miền Bắc XHCN chỉ vỗ tay xuông, họ mất dịp được biết điệu múa độc đáo của đàn bà nông thôn miền Bắc. Nghe nói có phái đoàn nước bạn XHCN, Nga, Tiệp, Ba lan chi đó, thời những đảng viên cộng sản những nước ấy chưa bị nhân dân nước họ bợp tai, đá đít đuổi đi, đến tham quan miền Bắc XHCN, thấy bốn năm phụ nữ Việt đứng ở ngoài đồng, cứ vỗ tay bôm bốp vào bụng dưới rồi tung về phía nhau, miệng nói, các đồng chí bèn hỏi phụ nữ Việt Nam anh hùng, ba đảm đang.. làm cái gì thế, hướng dẫn viên Việt bèn trả lời:
“Đó là vũ điệu của dân nước tôi, phụ nữ nước tôi thường múa vũ điệu ấy trong khi lao động xã hội chủ nghĩa..”
Đoạn truyện “Vỗ bành bạch..” trong Hỏa Lò gợi tôi nhớ lại lời của nhà văn nữ Dương Thu Hương khi trả lời phỏng vấn của Đài Little Saigon; diễn tả bộ mặt của các lãnh tụ cộng sản Việt Nam, Nhà Văn Nữ ví chúng:
“..sằng sằng như.. cái gì của đàn bà bị nước sôi..”
Và tôi hiểu: phải là địa phương có nền văn hiến, văn hóa cao như xứ Bắc kỳ mới có thể sản xuất được vũ điệu đàn bà vỗ bèm bẹp rồi mời ông bà, ông vải nhau ăn của quí như vũ điệu độc đáo của phụ nữ nông thôn miền Bắc XHCN, và chỉ ở cái đất có vũ điệu bèm bẹp ấy mới có thể có Nhà Văn Nữ “sằng sằng..” như Nữ Văn sĩ Dương Thu Hương.
Đoạn truyện còn làm tôi nhớ lại một chuyện điển hình đàn bà Bắc kỳ nặc nô, đanh đá, chanh chua, ăn nói sống sượng, tục tĩu tôi nghe được khi tôi nằm trong Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu năm 1984-1985. Tháng 5 năm 1984 khi tôi xách túi đi vào biệt giam số 10 khu C Một Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, anh Vương văn Bách đã nằêm ở biệt giam số 11 ngay cạnh biệt giam 10. Rồi anh và tôi cùng sang phòng tập thể 6 khu này, chúng tôi ăn chung, nằm cạnh nhau.
Quản đốc Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu năm ấy là anh Năm Tốt. Anh này là dân kháng chiến Nam bộ tập kết ra Bắc năm 1954 khi anh còn trai tơ, anh lấy chị vợ Bắc kỳ tên là Thị Loan — chắc là tên rởm, mụ nặc nô đó mà Loan, mà Phượng ký gì — Thị Loan to béo, bụng to hơn ngực, mông đít một ề, mặt gẫy như mặt chó Fox. Vì chồng thị là quản đốc, thị giữ việc nhận thuốc và phát thuốc cho tù. Dịch vụ nhận thuốc Tây béo bở nhất nhà tù. Tù không được giữ thuốc gia đình gửi, Thị Loan thu giữ hết. Khi cần thuốc người tú có thuốc phải nhờ tù ra làm lao động báo với Thị Loan, xin dùm; thuốc gia đình gửi mười, người tù lấy được bốn, năm là may. Thị Loan ăn chặn thuốc của tù, bán cho các tay lái thuốc. Một tối tôi nghe anh Bách kể rất dí dỏm:
— Các cậu biết không, con mụ Loan nó đanh đá ghê lắm. Nó chửi Năm Tốt tối tăm mặt mũi. Năm Tốt sợ nó, nín khe. Nó nói: “Anh Năm à.. Anh gà kẹt giỏ, gà nuốt dây thung mà cũng đua đòi chơi bời.. Anh chơi tôi không cấm, tôi chỉ yêu cầu anh con nào hai l.., bốn vú thì anh hãy chơi, còn con nào chỉ một l.., hai vú thôi thì anh đừng chơi. Tôi cũng có..”
Nghe chuyện anh kể, théc méc, tôi hỏi anh:
— Con vợ Năm Tốt nó chửi thằng chồng nó ở nhà nó, anh nằm biệt giam, làm sao anh nghe được?
Anh tủm tỉm cười:
— Cậu tưởng tôi bịa ra chuyện đó à? Con vợ thằng Năm Tốt nó chửi thằng chồng nó công khai ở chỗ đông người, càng nhiều người nghe nó chửi chồng nó càng thích. Bọn công an nghe được đem ra nói với nhau, bọn tù ra làm lao động nghe được kể cho nhau nghe, tôi đứng ở cửa gió biệt giam, tôi nghe được chuyện bọn tù nói.
Tôi thấy anh nói có lý. Anh, hay bất cứ người viết truyện nào, cũng không có thể bịa ra được những chuyện đời linh động, sống thực, những ngôn ngữ đầy tính người như chuyện vợ Cai Tù VC Năm Tốt chửi chồng. Một trong những năng khiếu, và bổn phận, của người viết tiểu thuyết là ghi nhận những sự kiện đặc sắc, những mẫu người điển hình trong cuộc sống, để diễn tả trong tác phẩm. Tỷ dụ thành ngữ “lấy lỗ làm lãi” trong Hỏa Lò, như “hai l.., bốn vú” trong Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu. Người viết nghe, ghi nhận, và đưa vào tác phẩm của mình những ngôn ngữ của nhân dân, người viết không chế ra những câu ấy.
Tết năm 1985, Năm Tốt đi một vòng các phòng, gọi trưởng phòng ra cửa, ban lệnh:
— Ba ngày Tết tôi để các anh vui Tết thoải mái. Sau Tết anh nào đánh bạc bị bắt tôi phạt biệt giam bẩy ngày, trưởng phòng tôi cho đờ-mi tăng!
“Đờ-mi tăng” của Năm Tốt là tù phạm kỷ luật bị phạt 7 ngày nằm sà-lim, cùm một chân, trưởng phòng để tù đánh bạc bị phạt nằm biệt giam, còng chân ba ngày rưỡi. Tôi nghĩ không có nhà văn nào có thể tưởng tượng ra tiếng “đờ-mi tăng” của Năm Tốt, lại càng không có nhà văn nào, dù lớn đến đâu, đặt ra được câu “hai l.., bốn vú” như câu vợ Năm Tốt nói. Mụ vợ Năm Tốt không phải là người sáng tác ra bốn tiếng gợi hình ấy, tác giả câu ấy là nhân dân Việt Nam.
Hỏa Lò. Trg 196. Trích:
— Chuyện dân lái xe bọn tớ thì kể muôn đời không hết. Không phải vô cớ là nhân dân gọi bọn tài xế xe tải là giặc lái. Thời chiến, bọn tớ chỉ cần đi một chuyến vào Quảng Bình đất lửa, là được thưởng 300 đồng, bằng sáu tháng lương cán bộ. Chẳng thằng nào muốn vào chỗ chết đâu. Nhưng không đi cũng không được. Đoàn xe tải chúng tớ tới đậu ở đâu, là dân sợ như sợ dịch hạch. Họ thường xuyên bị chết oan, khi máy bay Mỹ tới bắn phá. Sợ thì sợ đấy, nhưng đêm đến, suốt tuyến đường từ Ninh Bình đến Quảng Bình, chị em nông dân vẫn kéo tới chỗ đoàn xe chúng tớ đậu. Bọn giặc lái chúng tớ chỉ cần chi ra ba, bốn cái tem gạo bộ đội 250 gam, là đưa các nàng vào gầm xe. Đủ kích, cỡ. Từ thiếu nữ dậy thì mười bốn, mười lăm, tới bà xồn xồn gần năm choạc. “Nhớn bùi, bé mềm”, bọn tớ sơi tái. Đúng là cái thời kỳ “Đường ra trận mùa này đẹp lắm..” Có điều cơ thể các nàng đói, còm quá, giảm mất hứng. Gặp em nào khéo chiều, tớ “nhân đạo” cho thêm gói kẹo, gói mì ăn liền. Em cảm động rưng rức…”
Bọn “giặc lái XHCN” là bọn tài xế lái quân xa, tôi hỏi tác giả Hỏa Lò về tem gạo, thường được người miền Bắc gọi là tem phiếu — chế độ tem phiếu không được VC áp dụng ở miền Nam — anh cho biết tem gạo của bộ đội có thể mua gạo ở bất cứ đâu, tất nhiên là mua ở cửa hàng lương thực Nhà nước XHCN, và ai cầm tem là được mua gạo, vì bộ đội thường đưa tem cho người nhà đi mua gạo.
Hỏa Lò. Trg 292. Trích:
— Xã hội đói, khó tránh khỏi những chuyện như vậy lắm. Bỏ tù bao nhiêu cũng vô ích. Từ mấy chục năm nay, các trại đầy ắp lưu manh. Lớp nọ kế tiếp lớp kia, ngày càng đông đảo. Thời Tây, ở Hà-Nội giỏi lắm đếm được gần trăm tên trộm cắp, tụ tập ở chợ mấy Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Đuổi. Phần lớn đều mồ côi, mồ cút. Con cái những nhà nghèo lắm mới phải đi bán kem, bán báo, đánh giầy, đánh mũ. Ở nông thôn, chỉ thỉnh thoảng xẩy ra chuyện ăn trộm con gà, con qué. Tôi chưa thấy một giáo viên, một học sinh nào đi ăn cắp cả. Bây giờ thì nhan nhản. Xã hội đã lưu manh hoá mất rồi. Vào rạp xi-nê mà bỏ dép, để chân lên ghế trước, là y như rằng mất biến. Mới tháng tám, mà số nhập Hỏa Lò của tôi đã là 4257. Như vậy hàng năm, Hỏa Lò phải bắt vào ít nhất là 6000 tù.
Chừng một tháng sau ngày tôi bị bắt lần đầu năm 1977, một sáng cai tù đập cửa phòng biệt giam, lần thứ nhất tôi nghe tiếng “danh chỉ bản”: bảng tên, tuổi và dấu chỉ tay.
— Đi làm danh chỉ bản.
Trong một khoảng sân hai cái bàn dài được đặt, toán làm danh chỉ bản từ Sở đến làm việc. Đến lượt tôi lăn tay, tôi nghe một em công an chừng hai mươi tuổi, em này là con nhà Việt Cộng, có bố, chú, bác là Việt Cộng nên em được vào làm công an, nhan sắc và học vấn em thuộc loại tôi vẫn gọi là “chuối chiên, vịt lộn”. Em théc méc nói với anh công an ngồi ở bàn :
— Sao người bị bắt nhiều quá? Mới tháng trước mình vào đây làm giấy cho bao nhiêu người, hôm nay lại bao nhiêu là người..
Gã công an đàn anh trạc ba mươi, có vẻ là công an Bắc kỳ vào Nam, bình thản nói một câu xanh rờn:
— Bị bắt thì mới từng này thôi, chưa bị bắt thì còn mấy triệu người nữa.
Tôi chịu câu “.. chưa bị bắt thì còn mấy triệu người nữa” của anh công an Thành Hồ quá xá. Anh ta nói câu đó không có ý mỉa mai hay cười cợt. Đúng vậy. Có thể nói toàn thể dân Sài Gòn không ưa Việt Cộng, viết “không ưa” là quá nhẹ, là viết bậy, viết đúng là “toàn dân Sài Gòn thù hận Việt Cộng, khinh ghét Việt Cộng” và trước mắt bọn Bắc Việt Cộng toàn thể dân Sài Gòn có tội với VC, nếu VC có thể làm như bọn Khờ Me Đỏ Pon Pot, ít nhất ba triệu dân Sài Gòn đã bị bỏ tù, hai triệu mạng đã chếtø. Từ lúc nghe câu nói ấy tôi vẫn định ngày nào viết được tôi sẽ viết một bài với đề tựa “Còn mấy triệu người nữa..” Thấm thoắt vậy mà đã hơn ba mươi năm vèo qua kể từ buổi sáng tù đầy tôi nghe ba tiếng “danh chỉ bản” lần thứ nhất ở Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu.
Đây là lời một đảng viên cộng sản tù nhân Hỏa Lò:
Hỏa Lò. Trg 204. Trích:
Đất nước thống nhất, tôi có dịp đi công tác vào Nam ngay. Qua vùng đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy tận mắt nông dân dùng cả gạo để nuôi lợn. Quá no đủ. Đầy tình người. Đặt chân tới thành phố Sàigòn, tôi giật mình. Phồn thịnh quá, hạnh phúc quá! Trẻ con ngoan ngoãn, lễ phép. Hóa ra tuyên truyền toàn bố láo. Cả một cuộc sống như vậy mà không biết giữ lấy. Thật đáng tiếc! Thật đáng trách!
Anh bạn tôi về thăm Hà Nội năm 1980, trở vào anh bảo tôi:
— Cậu phải về Hà Nội. Cậu phải về để thấy bọn miền Bắc chúng nó sống ra sao, về để cậu nghe những con vợ nó chửi thằng chồng, những thằng con nó chửi bố mẹ, những thằng trẻ nó đ.m. những ông bà già ở ngoài đường. Cậu phải về để thấy bọn chúng nó sa đọa, đốn mạt đến là chừng nào, để thấy bọn mình trong này mới là người, chúng nó ngoài ấy không phải là người.
Anh kể những chuyện linh tinh, những chuyện thật nhỏ, thật thường nhưng nói lên thật nhiều sự thật:
— Buổi sáng ở ngoài đường có những ông già tập thể dục, một ông hô.. một.. hai.. ba.. bốn. Bọn trẻ chúng nó la theo nhịp “Tham.. sống.. sợ.. chết..” Buổi trưa ăn xong, tôi nằm ngủ lơ mơ, thấy thằng nhỏ con chủ nhà thì thụt, sầm sì gì với mấy thằng bạn. Chúng nó chạy đi. Một lúc sau thấy chúng nó trở về, lại sầm sì. Tôi hỏi, chủ nhà nói: “Chúng nó đi làm kế hoạch nhỏ. Nhà trường ra chỉ tiêu mỗi thằng phải nộp 10 viên gạch để sửa trường. Gạch ở đâu chúng nó có? Có cái nhà đang sửa gần đây, chúng nó đến lấy trộm gạch, đem về dấu đi, mai nộp cho trường.”
– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
Bạn đã đọc đoạn Nguyễn Chí Thiện viết về một nàng Kiều người đầy chấy rận, liếm lá gói bánh vứt dưới cống ở Nhà Tù Hỏa Lò, Hà Nội, mời bạn đọc lại bài thơ cũng của Nguyễn Chí Thiện, làm ở Hỏa Lò năm 1983:
Những nàng Kiều…
Cộng sản kết tội phong kiến và xót thương Nàng Kiều ngày xưa trong văn chương! Còn những nàng Kiều ngày nay trong Hỏa Lò, ai thương? Ghẻ lở đầy, gầy giơ xương Vét ăn từ hạt cơm dưới rãnh Cũng cùm kẹp, đòn đánh Cũng lén hút thuốc lào như những ông mãnh lưu manh Gót sen lướt qua là sặc mùi tanh!
Bạn đã đọc truyện Nguyễn Chí Thiện viết về cái đói của người tù trong nhà Hỏa Lò, đây là Thơ Nguyễn Chí Thiện viết về cái đói của người tù miền Bắc XHCN:
Sự đày ải
Sự đày ải đã man gấp trăm lần đem bắn Có kẻ chết bụng mổ ra toàn vỏ sắn Có người ăn cả cỏ như trâu Dù họ làm ra đủ thứ hoa mầu Hoa mầu đó Đảng dùng nuôi lợn. (1979)
Xuất cơm tôi
Xuất cơm tôi một hôm đánh đổ Tôi còn đương đau khổ nhìn theo Thì nhanh như một đàn heo Bốn, năm đầu bạc dẫm trèo lên nhau Bốc ăn một lúc sạch lầu Miếng cơm, miếng đất, lầu bầu chửi nhau! (1966)
Lâu rồi tôi đã thấy Thơ là Tinh Hoa của Ngôn Ngữ, đọc Thơ và Truyện của Nguyễn Chí Thiện tôi lại càng thấy Thơ là Tinh Hoa của Ngôn Ngữ. Những ý tình, những chuyện đời mà hai người viết truyện Nguyễn Chí Thiện, Bùi Ngọc Tấn viết, kể trong năm bẩy trang sách, bằng ít nhất ba, bốn ngàn chữ viết, được chứa đựng đầy đủ, cô đọng, hàm súc trong một bài thơ 10 câu, 100 chữ của Nguyễn Chí Thiện. Truyện Nguyễn Chí Thiện làm tôi xúc động, Thơ Nguyễn Chí Thiện làm tôi xúc động hơn. Như:
Có phải em là
Có phải em là em bé Bố tập trung xa cách đã mười năm Bố dượng em là bác da ngăm ngăm Là đồng chí bí thư nơi mẹ em công tác? Anh là bạn tù của bố em, từ tỉnh khác Về tìm em để nhắn hộ tin Bố em giờ đau ốm cần xin Ít ký-ninh, ít đường đen bồi dưỡng Bố dặn mẹ hãy an lòng, đừng ngượng Bố hiểu cảnh tình, rất thương mẹ và em..*
Cả một truyện ngắn đau thương gói gọn trong 10 câu thơ lục bát. Viết đến đây nỗi buồn sầu làm tâm trí tôi rời rã. Từ 35 năm nay những tác phẩm văn chương sáng giá nhất của chúng tôi là những tác phẩm viết về tù đày, về thù hận, oan khiên, về chuyện người Việt hành hạ, giết tróc người Việt. Dân tộc chúng tôi còn đau khổ đến bao giờ?
Tôi buồn tôi viết không còn lửa. Xin tạm ngừng nơi đây.
Share this:
- X
Related
Filed under: Viết Ở Rừng Phong |
Từ khóa » Hỏa Lò Của Nguyễn Chí Thiện
-
Hỏa Lò - Nguyễn Chí Thiện - Một Lựa Chọn - Tập Truyện Ngắn
-
Hỏa Lò (Tập Truyện – Nguyễn Chí Thiện) Truyện 3: Tạc Tượng ...
-
Hỏa Lò 3 - Tạc Tượng - YouTube
-
Nguyễn Chí Thiện: Nhà Tù Cộng Sản Và Tác Phẩm “hỏa Lò” - Vietbao
-
NGUYỄN CHÍ THIỆN VÀ “HỎA LÒ”
-
HOẢ LÒ (Nguyễn Chí Thiện)
-
Nguyễn Chí Thiện – Wikipedia Tiếng Việt
-
Lời "TỰA" Tập Truyện Hỏa Lò Của Nguyễn Chí Thiện - Học Xá
-
Hỏa Lò, Nguyễn Chí Thiện, Nguyen Chi Thien, Hoa Lo
-
Who Is Nguyen Chi Thien? | Thơ Nguyễn Chí Thiện
-
Tác Giả: Nguyễn Chí Thiện
-
Hai Tập Thơ Tù: Nguyễn Chí Thiện & Hồ Chí Minh, Phan Thanh Tâm
-
Bản Dịch “Hỏa Lò” Của Nguyễn Chí Thiện được đại Học Yale Xuất ...