Hỏa Lựu Di Tích Tội ác Mỹ Diệm Tàn Sát đồng Bào

Di tích lịch sử Mỹ - Diệm tàn sát đồng bào khi lập khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu. Tọa lạc tại đường HỒ Xuân Hương, khu vực 4, phường, 1, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Hiệp định Genève được ký kết ngày 20/7/1954 chưa ráo mực, Mỹ Diệm đã ngang nhiên phá hoại. Ở Cần Thơ, địch tràn vào vùng giải phóng của ta sớm nhất để đánh phá cơ sở cách mạng, khủng bố nhân dân chiếm ngay Long Mỹ - Vị Thanh. Do vị trí chiến lược quan trọng nơi đây, nên cả ta và địch đều xem trọng địa bàn đặc biệt này, là vùng đất nông nghiệp trù phú, dân cư đông đúc, vùng ruột khu căn cứ giải phóng của ta, liên hoàn các tỉnh Cần Thơ - Rạch Giá - Cà Mau trong kháng chiến chống Pháp. Nếu cách mạng giữ được Long Mỹ - Vị Thanh là bảo vệ được cửa ngõ của căn cứ U Minh, vừa tạo được bàn đạp tấn công ra thị xã Cần Thơ. Về phía địch, nếu thực hiện được âm mưu gom dân lập khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, chiếm được Long Mỹ - Vị Thanh sẽ làm chỗ dựa để đánh phá, bình định vào vùng căn cứ U Minh, mà địch gọi là: “Đại bản doanh của Cộng Sản”; đồng thời ngăn chặn từ xa lực lượng cách mạng tấn công vào cơ quan đầu não Vùng 4 chiến thuật của chúng tại thị xã Cần Thơ.

Nhà trưng bày Di tích Khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu

Để thực hiện âm mưu trên, Mỹ - Diệm đã tập trung những tên tay sai ác ôn, đầu hàng phản bội hận thù cách mạng như: Trần Tử Oai, Trần Cửu Thiên, Trần Hoàng Quân, Minh Thành, Đường Lương, Lê Ba, Chín Nhỏ v.v… và huy động hàng ngàn quân mở nhiều cuộc càn quét, đánh phá, đuổi nhà, gom dân.

Chỉ trong tháng 5/1959 địch mở 800 cuộc càn quét lớn nhỏ và trên 100 cuộc biệt kích, tiến hành đuổi nhà trong 16 xã của Long Mỹ gồm 11.876 gia đình, có 86 ấp bị đuổi sạch. Cùng lúc đó, Diệm ban hành Luật 10/59, với phương châm “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”, lê máy chém về Long Mỹ để chém giết đồng bào ta. Chính Trần Lệ Xuân đích thân về đây động viên, khích lệ bọn tay sai thẳng tay chém những người bị tình nghi và ra giá mua một mật người từ 500 đến 700 đồng. Chúng giết người bằng nhiều hình thức dã man: moi gan lấy mật, chặt đầu, khoét hậu môn rút ruột rồi xô cho chạy, mổ bụng lấy thai để diệt cộng sản từ trong trứng, xâu tay hằng chục người xô xuống sông. Ba điểm chúng giết người nhiều nhất là: sân banh Long Mỹ, cua quẹo Vị Thanh, chợ Nàng Mau, cầu Long Mỹ (trong một đêm) chúng giết 173 người, ở Vị Thanh giết chết 84 người (hiện nay còn có 45 gia đình tổ chức giỗ người thân trong một ngày), ở chợ Nàng Mau, xã Vị Thủy có hố chôn tập thể 60 người, tại Voi Bần (ngang chợ Hỏa Lựu) có hố chôn tập thể 9 người …

Song song đó, Mỹ Diệm ra sức tuyên truyền chế độ “Cộng hòa”, “Đảng Cần Lao nhân vị”, sức mạnh Hoa Kỳ, gây tâm lý sợ Mỹ, làm tê liệt ý chí đấu tranh cách mạng, tạo ra tâm lý cầu an, yên phận, qui thuận “Quốc gia” v.v… chúng hòng biến khu trù mật thành “Thị Tứ” phồn hoa giả tạo. Phổ biến sách báo, phim ảnh đồi trụy, phản động biến nơi này thành nơi ăn chơi, sa đọa, rượu chè, xì ke, ma túy, mãi dâm v.v… để lung lạc về tư tưởng, đạo đức, thuần phong mỹ tục … Chạy theo lối sống lai căng kiểu Mỹ; đưa bọn tay sai phản động chui vào các tôn giáo để gây chia rẽ, mê hoặc quần chúng.

Máy chém hiện vật phục chế trưng bày tại Di tích

Khi các bước tiến hành đã được chuẩn bị xong, ngày 12/9/1959 Mỹ - Diệm khởi công xây dựng khu trù mật, trung bình mỗi ngày chúng huy động từ 10.000 đến 12.000 dân công, có lúc cao điểm lên đến 20.000 người. Diệm ra lệnh huy động số thanh niên, trung niên từ 18 đến 45 tuổi của các tỉnh miền Tây để đi xây dựng khu trù mật này, bất kể người ốm đau, tàn tật cũng phải lao động mỗi người 15 ngày công, ai không đi thì phải đóng tiền từ 10.000 đến 15.000 đồng. Khối lượng công việc được giao khoán theo định mức. Dân công hoàn toàn tự túc về ăn, ở và phương tiện lao động. Trên một phạm vi nhỏ hẹp hằng vạn người sống chen chúc, khát không đủ nước uống, lại phải lao động vất vả trong mùa nắng nóng bức nên nhiều người bị bệnh dịch tả, ngất xỉu. Tại khu Hồ Sen có gần 80 đồng bào bị chết, ốm đau, kiệt sức. Hằng trăm công vườn cây ăn trái, ruộng lúa sắp đến ngày thu hoạch bị chặt phá, hằng ngàn mồ mã bị đào xới. Mỹ - Diệm huy động hơn 1 triệu ngày công để lấy 2.600.000m3 đất san lấp mặt bằng và đắp mở rộng con đường từ Vị Thanh - Hỏa Lựu. Tội ác Mỹ - Diệm chồng chất, nên thời gian này nhân dân Long Mỹ uất hận truyền miệng bài ca dao:

“Ai về Long Mỹ - Vị Thanh

Nhìn nhà, nhìn cửa tan tành mà đau

Mã mồ bị cuốc, bị đào

Vườn hoang nhà trống đượm màu tóc tang

Đầy đường ngập tiếng oán than

Mỹ - Ngô gieo họa, xóm làng tả tơi

Gió đưa uất hận ngút trời

Thổi cao ngọn lửa, đốt loài gian manh”.

Theo đồ án thiết kế, khu trù mật có chiều dài 7 km, chiều ngang lấy kinh Xà No làm trung tâm, mỗi bên rộng 2 km, có diện tích chung 28 km vuông, chia làm 4 khu chính: j Khu Vị Thanh, k Khu Hỏa Lựu, l Khu Giữa, m Khu Bắc Xà No.

Mỗi khu chia thành 4 tiểu khu: j Tiểu khu hành chánh (nơi đóng cơ quan của địch), kTiểu khu công thương (gồm: chợ, các cửa hàng, đại lý hàng Âu Mỹ, trạm xăng dầu, đại lý sách báo, lữ quán, vũ trường, bến xe v.v…),l Tiểu khu xã hội (gồm: bệnh xá, nhà bảo sanh, trường học, sân vận động, chùa, nhà thờ, hồ thủy tạ v.v…), m Tiểu khu gia cư (vườn trại là nơi chúng dồn dân).

Tiểu khu chia ra nhiều lô, mỗi lô chia ra nhiều ô, mỗi ô chia ra nhiều khoảnh đất nhỏ, mỗi khoảnh dài 90 mét, rộng 45 mét (diện tích bằng 4 công đất) cho mỗi gia đình, ngăn cách nhau bằng một con mương rộng … mét, sâu 1,5 mét. Các lô cách nhau bằng một con kênh rộng từ 3 đến 4 mét, sâu 2 mét, ngoài ra còn có hàng rào, dây thép gai bao bọc. Địch kiểm soát rất chặt, cứ 5 gia đình tổ chức thành “ngũ gia liên bảo”, chỉ 1 cửa ra vào, đi phải thưa, về phải trình với liên gia trưởng, trưởng ấp. Ngoài cùng toàn khu trù mật còn bao bọc một con kênh rộng 6 mét, sâu 3 mét. Ở khu trù mật chúng quản lý hàng hóa, lương thực của nhân dân rát chặt chẽ, xây dựng một kho lúa công cộng, mỗi gia đình chỉ nhận đủ lúa ăn trong tháng, còn lại phải nhập vào kho. Người dân sống trong khu trù mật bị theo dõi, kiểm soát 5 khâu: ra vào, đi lại, ăn ở, thu nhập, …

Về quân sự, chúng có một đại đội biệt kích thuộc biệt khu U Minh đóng ở đầu cầu chợ Cái Nhum, một đại đội dân vệ canh gác vòng ngoài, bên trong chúng trang bị cho các cụm thanh niên Cộng hòa, phối hợp với cơ quan mật vụ lùn sục suốt ngày đêm; ngoài ra chúng còn tổ chức Đảng Cần Lao nhân vị, Thanh niên Cộng hòa, Phụ nữ Liên đới, cuộc sống của người dân bị kiềm kẹp gắt gao, vì vậy bà con thường mỉa mai gọi là khu “trào mật”.

Sau sáu tháng ráo riết thi công, tuy mới xây dựng được một phần ba công trình, nhưng ngày 12/3/1960 chúng vội vã tổ chức khánh thành khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu. Vì Ngô Đình Diệm đã thấy tình thế khu trù mật bị nguy cơ sụp đổ và để trấn an bọn tay sai đang hoang mang trước cuộc nổi dậy của gần 40 gia đình ở khu Hồ Sen đêm 23/02/1960 đòi trở về ruộng vườn cũ. Để khoa trương khu trù mật, Diệm ra lệnh cho các tỉnh miền Tây phải cử đại diện chính quyền tỉnh, quận, tề xã, ấp, đi dự đầy đủ và ép buộc lùa dân các xã lân cận đến dự. Lễ khánh thành khu trù mật. Ngô Đình Diệm đích thân về đây cắt băng khánh thành và đăng đàn thuyết pháp, đề cao “quốc sách số 1” này. Đầu năm 1957, Tỉnh ủy cử đồng chí Nguyễn Truyền Thanh (Bảy Lý) Phó Bí thư tỉnh ủy đến Long Mỹ chỉ đạo chống phá khu trù mật. Tháng 7/1958, Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp Huyện ủy để vạch rõ âm mưu thâm độc và đề ra chủ trương, phương châm, phương pháp đấu tranh, đẩy mạnh 3 mũi giáp công đánh địch hỗ trợ đắc lực cho phong trào quần chúng đấu tranh chống địch gôm dân vào khu trù mật.

Ngày 20/5/1959, ngay sau khi Diệm ra lệnh đuổi nhà thờ Ba Voi (Vị Thanh), được cơ sở ta hướng dẫn, 80 giáo dân có cả linh mục kéo đến trụ sở tề xã đòi hủy bỏ lệnh và nếu không được giải quyết, sẽ kéo lên Sài Gòn đấu tranh. Tháng 9/1959, Ban trị sự Cao Đài (chi phái Bến Tre) và hằng trăm tín đồ kéo đến tề xã Vị Thanh đấu tranh chống địch cuốc phá mồ mả của đồng bào. Hằng ngàn người đấu tranh chống cào nhà, đốn cây phá vườn, chống đi xâu. Nhiều chị em phụ nữ đấu tranh đòi chồng con em không đi lính trở về với gia đình. Hằng trăm phụ nữ chặn, bao vây các chiếc tàu ở Phụng Hiệp, Châu Thành chở dân công bị bắt đi làm khu trù mật. Thời gian này, lực lượng vũ trang cũng ngăn chặn, giải tán nhiều đoàn ghe xuồng chở dân công từ các nơi đến Vị Thanh. Ta rải truyền đơn ngay chỗ dân làm và liên tục thả các bè chuối căng biểu ngữ, khẩu hiệu chống Mỹ Diệm bắt xâu, chống phá ruộng vườn, cảnh cáo những tên ác ôn v.v… Để hỗ trợ cho các cuộc đấu tranh quần chúng, ta diệt những tên ác ôn như: cảnh sát Trọng, tên Quang liên toán trưởng thanh niên cộng hòa ở Hỏa Lựu. Vào tháng 4/1960 lực lượng vũ trang tỉnh kết hợp với huyện Long Mỹ đánh chiếc xáng thổi, diệt gần 1 trung đội địch, phá hủy nặng chiếc xáng tại Rạch Gốc (Hỏa Lựu) làm thối động địch.

Các cuộc đấu tranh của quần chúng chống địch dỡ nhà, gom dân diễn ra quyết liệt, chúng kéo sập nhà lấy lý do còn phải thu dọn nên không chịu đi, nhiều gia đình chạy vào sâu trong đồng dựng chòi ở, địch đốt nhà này dân dựng nhà khác hằng chục lần, có gia đình xuống ghe sống lênh đênh trên sông nước, kiên quyết không vào khu trù mật. Nhiều gia đình như: ông Bốn Trễ, bà Chín Bông, Hai Vui, Chín Thu, Tám Trăm, Hai lùng, Bảy Mướp, Út Tiết, (Vị Thanh - Hỏa Lựu) … bị địch bắt ép vào khu trù mật đã đào hầm bí mật làm vách đôi trong nhà để nuôi chứa cán bộ hoạt động: nhân dân còn tích cực vận động binh sĩ nới lỏng sự kềm kẹp, tuyên truyền lôi kéo xây dựng cơ sở nội tuyến trong binh sĩ địch, như: anh Châu Kên, Hai Bé, Ba Phương (Ba Còi) v.v…

Một góc trưng bày tại di tích Khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu

Vào tháng 12/1959 Đảng bộ, quân dân Long Mỹ tiếp nhận Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng như “nắng hạn gặp mưa” là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào đấu tranh trong huyện càng quyết liệt hơn. Tháng 02/1960, lực lượng vũ trang được nhân dân hướng dẫn đã tập kích vào Hồ Sen (Hỏa Lựu) trung tâm khu trù mật đã gây tác động trong binh sĩ địch và tạo ra tiếng vang lớn trong nhân dân. Lấy cớ không đảm bảo an ninh, đồng bào kiên quyết đấu tranh đòi trở về ruộng vườn cũ làm ăn, bất chấp sự ngăn cản của địch.

Tiếp theo, nhân sự kiện địch bắn pháo vào cụm dân cư ở Tràm Cửa, làm chết và bị thương 24 người, được cơ sở ta hướng dẫn, 192 gia đình chở xác chết và số người bị thương đấu tranh quyết liệt, bọn tề Vị Thanh phải nhận tội và bồi thường nhân mạng. Nhân dân đấu tranh kiên quyết đòi trở về quê cũ.

Đêm 25/12/1960, lực lượng vũ trang tuyên truyền của ta luồn sâu vào khu tập trung dân ven sông Nước Đục (giáp Vĩnh Viễn - Hỏa Lựu) diệt ác, phá tề, phát động trên 200 quần chúng nổi dậy phá khu dồn dân của địch trở về quê cũ sinh sống.

Các hoạt động vũ trang diệt ác đã hỗ trợ nhân dân nhiều nơi trong huyện nổi dậy phá kềm, phá khu tập trung dân trở về quê cũ mạnh mẽ, đã làm thối động tinh thần ngụy quân, ngụy quyền trong khu trù mật hoang mang, phân hóa.

Đêm 14/9/1960 lệnh Đồng Khởi được phát ra, lực lượng vũ trang của ta tập kích đánh chiếm nhiều nơi. Phối hợp với nhân dân và binh sĩ yêu nước trong khu trù mật và 12 điểm tập trung đã nhất tề nổi dậy lùng sục bắt bọn tay sai ác ôn giao cho cách mạng, đốt cờ, xé ảnh Diệm, lột bảng khẩu hiệu, phá rào, phá cổng trở về xóm ấp cũ. Tiếng reo hò, tiếng mõ, tiếng súng vang động, tạo nên một khí thế cách mạng, sức mạnh “tức nước vỡ bờ”. Ngoài đánh vào, trong nổi dậy làm cho kẻ thù ở khu trù mật bị tê liệt.

Cao trào Đồng Khởi phát triển mạnh mẽ, chỉ trong 25 ngày đêm (từ 14/9 đến 08/10/1960) với 2 cao điểm, bằng 3 mũi giáp công đã bao vây, tiêu diệt, bức hàng, bức rút hàng chục đồn bót địch, thu trên 150 súng các loại và nhiều quân trang quân dụng, giải tán hàng trăm tên thanh niên cộng hòa, thanh niên bảo vệ nông thôn, phụ nữ liên đới, bắt, diệt, trấn áp hàng trăm tên tề điệp, làm tan rã hệ thống kềm kẹp của Mỹ Diệm, ta giải phóng hoàn toàn 05 xã (Vĩnh Viễn, Xà Phiên, Long Bình, Vĩnh Tường, Long Phú) trên 2/3 đất đai và 4/5 dân số trong huyện được giải phóng. Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu của Mỹ Diệm bị phá cơ bản “quốc sách số 1” của chúng đã bị thất bại thảm hại. Tạp chí Quê hương số 18, tháng 7/1970 ở Sài Gòn đẽ kêu than một cách tuyệt vọng: “dân chúng đã ngã theo cộng sản”. Tên Kê - Me một chuyên gia về bình định nông thôn của Mỹ cũng thốt lên: “chính sách bình định đầy hứa hẹn đó đã tan biến đi cùng với sự mất an ninh ở nông thôn”.

Sau thắng lợi Đồng Khởi 1960, quân dân Long Mỹ đã trưởng thành về nhiều mặt, có một dũng khí mới, quyết tâm mới, sẵn sàng bước vào trận chiến mới đầy gian khổ, hy sinh.

Để khắc sâu tội ác và giáo dục nhân dân ta nhất là thế hệ trẻ về lòng căm thù đối với Mỹ - Diệm lập khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, nên Bộ Văn hóa thông tin ra quyết định số 2327/QĐ/VH, ngày 02/8/1997 công nhận “khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu di tích tội ác Mỹ - Diệm tàn sát đồng bào” là di tích Quốc gia./.

Từ khóa » Bọn ác ôn Côn đồ Của Tú Gàn