Hoa Mõm Sói (mõm Chó) – Loài Hoa đa Dạng Về Màu Sắc Và ý Nghĩa

Hoa mõm sói hay mõm chó là loài cây mang dáng vẻ khá độc đáo, nhưng hiện nay vẫn chưa nhiều người hiểu rõ về loài hoa này.

  • Hoa xuyến chi và những công dụng tuyệt vời bạn chưa biết

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn về đặc điểm, ý nghĩa và công dụng của hoa mõm sói, giúp bạn có thể trồng và chăm sóc cây hiệu quả hơn.

Tổng quan về hoa mõm sói

Mõm sói hay mõm chó có tên khoa học là Antirrhinum, đây là một chi thực vật có hoa trong họ Mã đề (Plantaginaceae), gồm hơn 40 loài với kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Cây có nguồn gốc từ nhiều châu lục như châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, hiện nay đã du nhập vào nhiều nước.

Hoa mõm sói
Hoa mõm sói

Về đặc điểm, mõm sói là loài thân thảo, mềm, ít cành nhưng phân nhiều nhánh từ gốc thành bụi, vươn thẳng đứng, chiều cao có thể đạt hơn 1m.

Lá cây có màu xanh thẫm, mọc nhiều ở gốc, mọc đối, dần lên phía ngọn thì lá thưa hơn và mọc so le. Lá có kích thước khá nhỏ, hình bầu dục, hơi nhọn ở đầu.

Hoa mõm sói nở thành chùm, tập trung dọc khắp phần phía trên của nhánh cây. Hoa có hình dáng khá độc đáo, giống như miệng của con thú đang mở rộng, bóp nhẹ 2 bên thì khép lại, bởi vậy mới có tên là hoa mõm sói hay mõm chó.

Mỗi khi nở, các chùm hoa phủ khắp phía trên bụi, với nhiều màu sắc sặc sỡ, mang lại vẻ đẹp cuốn hút. Nhìn sơ qua các chùm hoa khá giống với hoa tiên ông.

Hoa mõm sói có nhiều màu sắc đa dạng
Hoa mõm sói có nhiều màu sắc đa dạng

Sau khi hoa tàn, cây cho ra quả dạng nang không đều, bên trong có chứa nhiều hạt nhỏ có thể dùng để nhân giống.

Về đặc tính sinh trưởng, hoa mõm phát bụi nhanh, ưa khi hậu mát mẻ và nhiều ánh sáng, môi trường thông thoáng. Cây ưa ẩm, chịu hạn và chịu úng kém nên nhu cầu nước khá cao.

Hoa mõm sói có độc hay không?

Đây là một câu hỏi mà có khá nhiều người quan tâm. Xin thông tin đến bạn đọc, đã số các loài mõm sói đều không có độc và khá an toàn, không hề gây kích ứng hay các phản ứng khác.

Tuy vậy, vẫn có một vài loài được ghi nhận là có độc tính, được nhận diện dựa trên các hoạ tiết chấm đen loang lổ phía trong ống hoa. Loài mõm sói độc này có thể khiến bạn bị kích ứng da khi chạm phải, nếu ăn với số lượng nhiều có thể gây buồn nôn, tim đập nhanh, nặng có thể gây tử vong.

Do đó, hãy tham khảo kỹ lưỡng, chọn đúng loài an toàn nếu muốn trồng hoa mõm sói, tránh các sự cố đáng tiếc nhé.

Hãy cẩn thận khi chọn giống mõm sói để trồng
Hãy cẩn thận khi chọn giống mõm sói để trồng

Ý nghĩa hoa mõm sói (mõm chó)

Theo quan niệm từ xưa, hoa mõm sói là biểu tượng cho sự huyền bí, sự duyên dáng. Tại một vài nơi, loài hoa này còn tượng trưng cho tính xấu của con người, đó là sự bất chính.

Ngoài ra, hoa mói sói gồm nhiều loài với nhiều màu sắc khác nhau, mỗi màu hoa lại mang trong mình một ý nghĩa riêng biệt.

  • Hoa mõm sói trắng lại mang trong mình vẻ đẹp thuần khiết, thanh tao, tượng trưng cho sự trong trắng, tâm hồn ngây thơ hay tình yêu tuổi mới lớn.
  • Hoa mõm sói tím tượng trưng cho sự bí ẩn. Ngoài ra đây còn là màu sắc tượng trưng cho sự chung thuỷ, son sắt trong tình yêu.
  • Hoa mõm sói đỏ tượng trưng cho tình yêu đầy đam mê, nồng cháy. Loài hoa này còn có ý nghĩa mang lại sự may mắn, tốt lành.
  • Hoa mõm sói hồng tượng trưng cho sự lãng mạn, ngoài ra, màu hoa này còn mang đến cho bạn cảm giác an toàn, năng lượng tích cực trong cuộc sống.
  • Hoa mõm sói vàng mang đến sự ấm áp, là biểu tượng cho sự hạnh phúc, viên mãn và may mắn.
  • Hoa mõm sói màu cam thể hiện một sự đam mê, sôi nổi, sự cố gắng, thành công đến với mọi người.
Mỗi màu sắc lại mang một ý nghĩa khác nhau
Mỗi màu sắc lại mang một ý nghĩa khác nhau

Công dụng của hoa mõm sói

Là một loài hoa đẹp, nở quanh năm, mỗi khi nở là phủ lên bụi hoa một màu tươi sáng, cây mõm sói thường được trồng như một loại cây cảnh sân vườn, có thể trồng ở nơi công cộng, trong luống hoa, trang trí tiểu cảnh, trồng trong chậu trưng bày trong nhà, cửa sổ, ban công…

Với nhiều ý nghĩa đặc biệt, nhiều người cũng sử dụng hoa mõm sói như một loại quà tặng trong những dịp đặc biệt.

Người ta thường trồng hoa mõm sói làm cảnh
Người ta thường trồng hoa mõm sói làm cảnh

Ngoài ra, theo nhiều ghi chép Đông Y, cây mõm sói còn được biết đến như một loài dược liệu, có thể dùng để trị phù nề, giảm đau, sưng tấy toàn thân hay căng cơ. Hạt của hoa mõm sói còn có thể ứng dụng làm dầu ăn.

Tuy vậy, để sử dụng làm thuốc, bạn cần sự tư vấn từ các bác sĩ hay chuyên gia, không tự ý sử dụng.

Cách trồng và chăm sóc cây hoa móm sói

Nhìn chung, cây mõm sói có khả năng sinh trưởng tốt, thích nghi đa dạng nên quá trình trồng và chăm sóc không có gì quá phức tạp.

Trồng hoa mõm sói

Để nhân giống và trồng hoa mõm sói, đầu tiên ta cần chuẩn bị đất trồng. Đất không cần quá dinh dưỡng nhưng phải đảm bảo tơi xốp và thoát nước. Bạn nên pha đất với phân chuồng, xơ dừa, mùn trấu để đảm bảo các yếu tố.

Nếu trồng trong chậu thì chậu trồng phải có lỗ bên dưới để thoát nước.

Sau khi chuẩn bị đất trồng, bạn ngâm hạt giống trong nước ấm khoảng nửa tiếng, sau đó để ráo và gieo trực tiếp lên đất.

Phủ lên một lớp đất mỏng, tưới nước để duy trì độ ẩm, đặt bầu ươm, khay ươm ở nơi mát mẻ, nhiều ánh sáng nhẹ.

Chỉ sau khoảng 2 tuần là hạt sẽ nảy mầm, bạn tiếp tục chăm sóc tới khi cây đạt chiều cao khoảng 30cm thì có thể tách ra trồng riêng.

Nhân giống mõm sói bằng hạt
Nhân giống mõm sói bằng hạt

Chăm sóc hoa mõm sói

Sau khi nhân giống và trồng, bạn cũng cần lưu ý trong quá trình chăm sóc để cây sống tốt, ra hoa đẹp.

Quan trọng nhất vẫn là nước tưới, mõm sói là loài ưa ẩm nên bạn cần tưới nước cho cây đều đặn, ít nhất là 3 lần mỗi tuần. Khi tưới nhớ tưới nhẹ nhàng không làm cây gãy đổ, đất vừa đủ ẩm là dừng để tránh ngập úng.

Tiếp đến là ánh sáng, bạn nên trồng cây ở nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng cây sẽ vươn cao và khi nở hoa màu sắc sẽ rực rỡ hơn. Trong môi trường thiếu sáng cây vẫn sống được nhưng sẽ phát triển chậm và khó ra hoa.

Về phần dinh dưỡng, bạn có thể định kỳ bón phân NPK cho cây hàng tháng. Nến hoà phần vào nước rồi tưới để phân dễ thấm, cây dễ hấp thu.

Bón phân để bổ sung dinh dưỡng cho cây
Bón phân để bổ sung dinh dưỡng cho cây

Trong quá trình phát triển, cây mõm sói cũng có thể gặp phải các tình trạng bệnh như nấm, phấn trắng, sâu ăn lá, sâu cuốn lá… nếu nhẹ thì chỉ cần loại bỏ, nặng thì phải mua thuốc về phun để trừ tận gốc.

Vậy là ta đã tìm hiểu xong những thông tin thú vị về loài hoa mõm sói rồi. Hy vọng qua đó bạn đã có đủ kinh nghiệm để tự trồng và chăm sóc loài hoa này.

Từ khóa » Hoa Mõm Sói Tên Khoa Học