Hoa Muống Biển Trường Sa

Chúng tôi đến với Trường Sa vào những ngày cuối Hạ nhưng nắng vẫn chang chang, Những bờ cát thoai thoải biếc lên một màu tím của hoa muống biển. Đây cũng là thời điểm trời yên biển lặng nhất, những con sóng dường như thôi dữ dội, êm ả dưới thân tàu đưa đồng bào cả nước và kiều bào ra với Trường Sa thân yêu. Con sóng nhè nhẹ va vào bờ cát, mơn man những dây hoa muống biển nơi đảo xa. Sóng xanh, thảm dây muống biển xanh với những bông hoa tím biếc cùng các loài hoa đặc trưng ở Trường Sa như: Hoa bàng quả vuông, hoa phong ba, hoa trinh nữ, hoa tra… đã vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp về Trường Sa, trái tim của biển đảo quê hương.

Hoa muống biển vươn mình giữa nắng gió Trường Sa.

Cây muống biển mọc như vòng tay ôm lấy đảo từ ngoài cầu cảng đến những dải cát ven bờ. Cây bò trên mặt sỏi làm êm bước chân chiến sĩ. Cây cho màu hoa tím thẫm như màu tím thủy chung của chiến sĩ đảo và như tên gọi “hoa thủy chung” trong câu chuyện cổ tích mà các anh kể cho tôi nghe. Chuyện kể rằng, có một đôi nam nữ yêu nhau tha thiết nhưng gia đình nhà gái không đồng ý vì chàng trai quá nghèo. Để lấy được vợ, chàng trai đã ra khơi đánh bắt cá kiếm tiền. Nơi quê nhà, hàng ngày cô gái ra bờ biển ngóng trông người yêu của mình, nhưng chờ mãi, chờ mãi mà chẳng thấy đâu. Cô kiệt sức và ngã xuống, biến thành cây muống biển. Cây ra hoa có màu tím thủy chung...

Những ngọn muống mảnh mai bất chấp nắng gió mặn mòi, mạnh mẽ vươn mình trên cát bỏng.

Trường Sa bây giờ đã khác ngày xưa. Thay vào những triền cát trắng, khô cằn sỏi đá là thảm muống biển trải dài vỗ về ôm lấy bờ cát. Cùng với các loài hoa đặc trưng nơi đây, hoa muống biển Trường Sa có sức sống mãnh liệt. Nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, mùa biển lặng cũng như mùa bão tố, hoa muống biển vẫn kiêu hãnh vươn mình bò trên sỏi đá, đội cát đâm chồi, leo kín chạy dài ôm lấy đảo.

Muống biển Trường Sa trở thành người bạn tâm tình chứng kiến bao nhọc nhằn vất vả, buồn vui nhung nhớ của những người chiến sĩ xa quê. Những đêm thanh gió mát, cánh lính trẻ ôm đàn ghi-ta, ngồi cạnh triền hoa muống biển hát về quê mẹ. Khi có văn công ra biểu diễn, hoa muống biển là món quà không thể thiếu để tặng ca sĩ sau những lời ca, điệu múa. Những ca gác trong gió gào, sương lạnh, hoa muống biển như người bạn tâm tình để các chiến sĩ vơi bớt nỗi nhớ nhà. Đã biết bao câu chuyện, bài thơ ra đời, bao mối tình đẹp đẽ, bao gia đình người lính được vun đắp nên bởi chùm hoa muống biển lung linh màu tím nhiệm màu này. Đã biết bao nhành hoa muống biển được ép khô trong sổ tay chiến sĩ gửi về đất liền tặng người yêu.

Rau muống biển có một sức sống kỳ lạ, giữa hanh khô cát bỏng vẫn vươn mình dài trên cát tạo thảm xanh mát rượi.

Chiều buông, đi dọc bờ đảo, tôi gặp các chiến sĩ dắt các em nhỏ dạo chơi, những dây muống biển vướng vào chân lũ trẻ, các em nhẹ nhàng gỡ rồi đặt lại chỗ cũ.

Một chiến sĩ nói với tôi: “Tình yêu với cây cỏ thiên thiên đã thấm vào máu thịt của mỗi người nơi đây. Cây muống biển là người bạn đồng hành cùng chung gian khổ nhọc nhằn của khí hậu Trường Sa khắc nghiệt; cùng chứng kiến niềm vui ở chân cầu cảng khi có người từ đất liền ra. Mỗi dịp có đoàn ra biểu diễn văn nghệ, chúng tôi lại hái hoa muống biển tặng các ca sĩ. Ai cũng như bị níu chân bởi muống biển thân thương".

Tạm biệt Trường Sa, trong điện thoại hay trong máy ảnh của đồng bào đều có nụ cười của các chiến sĩ cùng với màu tím của hoa muống biển. Loài cây minh chứng hùng hồn cho khát vọng sống mãnh liệt trước khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết nắng gió bốn mùa, cũng như người chiến sĩ Trường Sa bất chấp khó khăn gian khổ hiểm nguy, vẫn yêu đời thiết tha, vững vàng tay súng, canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Muống biển còn có tên là rau muống biển, mã an đằng, nhị diệp hồng thự,... Tên khoa học là Ipomoea pescarpae (L.) thuộc họ khoai lang - Convolvulaceae.

Cây thảo mọc bò dài, không cuống, có thân dày, phân nhánh, hầu như có rãnh, nhẵn, thường đo đỏ, ngọn hướng lên. Cây mọc bò lan trên mặt đất, lan đến đâu rễ mọc đến đấy, thân như thân rau muống nhưng không rỗng mà đặc và phân rất nhiều nhánh. Lá mọc so le, hình móng ngựa, lá non có 2 mảnh cụp vào nhau. Lá và dây đều có nhựa; khi ngắt có nhựa đục trắng chảy ra giống như nhựa khoai lang. Loài cây này có tác dụng giữ cho cát khỏi bị trôi đi và giữ cho bờ biển đỡ bị sạt lở. Muống biển còn là một vị thuốc chữa được nhiều bệnh.

Từ khóa » Hoa Muống Biển Là Gì