Hoa Phượng Tím - Cách Trồng Và Vùng Nào Có Thể Trồng được? - IuHoa

Phương tím cùng họ với hoa phượng vĩ ở các trường học nhưng loài hoa này lại tương đối hiếm và khó trồng tại Việt Nam. Hiện nay, chưa có nhiều thông tin nghiên cứu về giống cây này. Ở bài viết này, iuHoa sẽ lấy thông tin nhiều nguồn và chủ yếu ở nước ngoài.

Tên gọi, nguồn gốc của loài hoa phượng tím

Phượng tím có tên khoa học là Jacaranda mimosifolia. Đây là loài thực vật thuộc họ Chùm ớt (Bignoniaceae). 

Phượng tím có nguồn gốc từ Nam Mỹ, từ lâu đã được du nhập vào Ấn Độ, Nepan…, tức thích hợp với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Loài cây này du nhập vào Đà Lạt năm 1962. Kỹ sư Lương Văn Sáu (tốt nghiệp trường Canh nông Versailles – Pháp) là người đầu tiên ở Đà Lạt mang hạt về ươm, rồi trồng nhiều cây con 2 bên đường vào chợ, nhưng chỉ sống được một cây (trước khách sạn Golf 3 bây giờ). Cây phượng tím này hàng năm có ra hoa, nhưng không đậu quả.

Sau nhiều lần lai tạo và phát triển, hiện nay phượng tím cũng đã sống sót tốt ở Việt Nam, đặc biệt là Đà Lạt.

Phượng tím được ưa chuộng trồng ở nhiều nơi
Phượng tím được ưa chuộng trồng ở nhiều nơi

Đặc điểm của phượng tím

Thân cây

Đây là một loài cây thân gỗ lớn, có chiều cao trung bình từ 8 -12m, trong điều kiện phù hợp, cây có thể phát triển cao lên đến 15m trở lên, tán lá của cây trưởng thành trung bình tỏa rộng từ 7 – 10m. Vỏ cây mỏng và có màu nâu xám, nhẵn khi cây còn nhỏ, sau khi trưởng thành vỏ trở nên có vảy mịn. Cành cây mảnh khảnh và hơi ngoằn ngoèo, chúng có màu nâu đỏ nhạt hoặc nâu. Thân cây có độ rộng thân khá to, đường kính trung bình của cây trưởng thành khoảng 40 – 55cm. Cũng giống như phượng vĩ, thân phượng tím khá giòn và cành nhánh dễ gãy.

Hình ảnh cả cây hoa phượng tím
Hình ảnh cả cây hoa phượng tím

Cành, lá

Cành lá của cây phượng tím khá dài nhưng tán lá phân bố thưa thớt. Lá cây là lá phức bao gồm hai lần lá kép, nên khi không có hoa cây trông tương tự phượng vĩ, nhưng vào mùa nở hoa thì trổ nhiều hoa hơn. 

Quả, hạt

Các quả cứng có hình dạng bất thường, có chiều dài khoảng 4 – 8cm, thường được thu thập, làm sạch và sử dụng để trang trí. Hạt thẳng, tương đối mềm và không có nút.

Cành, lá và quả phượng tím
Cành, lá và quả phượng tím

Hoa

Hoa phượng tím có hình ống dài 4–5 cm, miệng hoa hơi xòe ra và trông giống như những chiếc chuông, có lông tơ mịn bao bọc, cánh hoa mềm mại, dễ bị dập nát, không hề giống hoa phượng. Khi nở, hoa nở thành chùm dài khoảng 20 – 30cm, đường kính chùm hoa khoảng 10 – 15cm.

Thời gian từ nụ hoa nở đến khi tàn rụng kéo dài 3-5 ngày, các hoa rụng đi thì những nụ nhỏ ở đầu cành lại tiếp tục nở ra nên cây có hoa nở thường xuyên. Hoa xuất hiện vào mùa xuân và đầu mùa hè, và kéo dài đến hai tháng.

Hoa phượng tím
Hoa phượng tím

Ý nghĩa của loài hoa phượng tím

Tượng trưng cho một tình yêu thủy chung

Hoa mang sắc tím nên tượng trưng cho một tình yêu thủy chung, son sắt. Mặc dù phải trải qua nhiều gian khổ, sóng gió vẫn nguyện hướng về nhau. Loài hoa này thường được các chàng trai hoặc cô gái kết thành bó để gửi tặng đến người mà mình yêu thương để gắn kết tình cảm thêm bền chặt.

Biểu tượng của sự nhẹ nhàng, tinh tế

Ý nghĩa hoa phượng tím không chỉ đặc biệt trong tình yêu mà còn thể hiện sự nhẹ nhàng và tinh tế của người thiếu nữ. Bởi vậy, những con đường rợp sắc tím ở Đà Lạt luôn hấp dẫn khách du lịch đến tham quan, đặc biệt là các bạn nữ.

Hoa tượng trưng cho sự bình yên

Phượng tím nổi bật với vẻ đẹp mong manh, nhẹ nhàng và đầy tinh tế. Do đó, khi sử dụng hoa để trang trí trong sân vườn hoặc cắm trong nhà sẽ mang lại sự hòa thuận và bình yên cho gia chủ. Đồng thời, hương thơm nhẹ nhàng của hoa cũng sẽ giúp tinh thần thư giãn và gắn kết các thành viên trong gia đình đến gần nhau hơn.

Hình ảnh hoa phượng tím thấp thoáng cùng phượng vĩ
Hình ảnh hoa phượng tím thấp thoáng cùng phượng vĩ

Công dụng của loài hoa phượng tím

Tạo vẻ đẹp cho khuôn viên

Công dụng nổi bật nhất của loài hoa phượng tím là mang đến vẻ đẹp đằm thắm, rực rỡ cho không gian. Khi trồng trước nhà hoặc trong sân vườn cây sẽ tạo nên điểm nhấn với sự kết hợp giữa lá xanh và hoa tím. Điều này tạo ấn tượng với bất kỳ ai khi ngắm nhìn loài hoa này.

Hơn nữa, cây còn tạo cảm giác thư thái, dễ chịu hơn khi cung cấp một vẻ đẹp xanh, và giúp không khí trở lên trong lành hơn. Ngoài ra, cây cũng tạo bóng mát để tạo điều kiện cho các hoạt động vui chơi, thư giãn của con người. 

Mang đến nguồn sinh khí tốt

Khi trồng cây trong sân vườn hoặc khuôn viên gia đình, gia chủ thường chú ý nhiều đến yếu tố phong thủy. Theo đó, khi trồng phượng tím trong nhà nó sẽ mang đến nguồn sinh khí rất tốt. Đặc biệt nếu gia chủ biết phối cảnh hợp lý và đúng quy tắc sẽ giúp đem lại sự giàu có, thịnh vượng.

Dùng để chắn gió và lấy gỗ

Phượng tím có thân gỗ, chiều cao trung bình lên đến 10m, tán lá xòe rộng giúp cây chắn được gió bão tốt.

Cây còn có thể cho gỗ, gỗ phượng vĩ dùng trong xây dựng, đóng đồ gia dụng,… và rất nhiều vật dụng khác.

Công dụng khác

Tinh dầu trong vỏ và hoa phượng còn được người ta bào chế. Sau đó sẽ được dùng để xoa bóp làm giảm căng thẳng cơ bắp. Tinh dầu này sẽ giúp bạn vô cùng thư giãn, tách rời khỏi những điều phiền toái cùng những căng thẳng thường ngày.

Hoa phượng tím được gieo trồng rất phổ biến
Hoa phượng tím được ưa chuộng gieo trồng tạo cảnh quan

Điều kiện thích hợp để hoa phượng tím sinh trưởng

Nhiệt độ

Khi cây còn nhỏ, nên nuôi trồng cây ở nhiệt độ từ 16 – 18 độ C, khi cây lớn hơn có thể phát triển tốt ở 27 – 30 độ C. Nhiệt độ cây hoa phượng tím có thể chịu được có thể lên tới 40 độ, nhưng riêng trong giai đoạn cây nghỉ đông thì nên có nhiệt độ thấp hơn để cây tích lũy dưỡng liệu cho mùa xuân đến, nở hoa và kết quả. 

Đất trồng

Nên trồng cây ở nơi có không khí thoáng sạch, mát mẻ và có ánh sáng tốt. Phượng tím không kén đất, kể cả đất kiềm, chua hoặc đất sỏi sạn. Nhưng với đất trồng có nhiều dinh dưỡng thì cây sẽ phát triển nhanh hơn, cành lá và nở hoa xum xuê hơn.

Ánh sáng

Giai đoạn cây con có thể trồng cây trong môi trường ánh nắng bán phần hoặc ánh nắng gián tiếp, khi cây trưởng thành cần trồng cây ở nơi có nhiều ánh sáng trực tiếp để tạo mầm hoa.

Tưới nước

Phượng tím có thể chịu được đất khô hạn, chỉ cần tưới nước cho cây khi thấy mặt đất đã se khô.

Bón phân

Nên bón phân cho cây định kỳ 1 -2 tháng/ lần. Vào giai đoạn đầu mùa mưa, nên bón phân cho cây vì giai đoạn này cây sẽ hấp thụ dưỡng chất tốt nhất để chuẩn bị ra hoa.

Cây trồng khoảng một năm, cao từ 2 – 4 m, sau đó đã có khả năng cho hoa. 

Hoa phượng tím nở rực rỡ
Hoa phượng tím nở rực rỡ

Cách nhân giống hoa phượng tím

Quá trình nhân giống phượng tím khá khó khăn vì không thể dùng phương pháp giâm cành, cây chỉ có thể được trồng bằng hạt, sau từ 2 đến 3 năm cây sẽ ra hoa.

Cách thực hiện

Đem hạt giống ngâm trong nước sạch trong khoảng thời gian trung bình từ 36 đến 40 giờ, tiếp sau đó vớt ra trộn vào cát ẩm rồi gieo xuống đất.

Hạt giống hoa phượng tím
Hạt giống hoa phượng tím

Sau khi gieo cần phủ một lớp đất hoặc cát nhuyễn mỏng lên mặt, sử dụng rơm rạ che lại để giữ ẩm và che nắng.

Tưới nước nhẹ hàng ngày trong khoảng thời gian tầm 15 – 30 ngày thì hạt sẽ nảy mầm. Khi cây nảy mầm, bạn lưu ý chăm sóc cây như những điều kiện chăm sóc cây con ở trên nhé!

Cây con phượng tím vừa nảy mầm
Cây con phượng tím vừa nảy mầm

Hy vọng thông qua bài viết này, chúng mình đã cung cấp được cho các bạn những thông tin cơ bản để có thể trồng và chăm sóc loài hoa này một cách tốt nhất nhé!

Một số hình ảnh đẹp khác của hoa phượng tím

Từ khóa » Cách ươm Hạt Giống Phượng Tím