HOA QUỲNH - BIỂU TƯỢNG Ý NGHĨA VÀ TRUYỀN THUYẾT
Có thể bạn quan tâm
Tác giả: Nguyên Lạc
I. HAI BÀI THƠ HAY
1. NHƯ HẠT MƯA TAN
Bây giờ tôi với một tôi Một chân dưới mộ. Một đời phong ba Thưa em, tình đã nhạt nhòa Ngõ xưa mù hạt mưa sa giữa trời. Hạt mưa…sa giữa cõi người Mỏi chân phiêu dạt giữa đời trầm luân Bến xưa dù chỉ một lần Lòng nhau sao vẫn âm thầm xót nhau? Ngõ Xuân hoa đã bạc màu Chút hương quỳnh cũng tan theo bóng chiều Thưa em, đời đã tiêu điều Bóng tôi xiêu đổ cõi người lẻ loi Một mình tôi héo úa tôi Đã nghe gai lạnh tiếng cười vọng theo Trong tôi vọng tiếng kinh chiều, Thơ tôi như nỗi quạnh hiu gởi người (NHƯ HẠT MƯA TAN - Như Không)
Và đây bài thứ hai
2. ANH MƠ. CỞI ÁO CHE QUỲNH YÊU EM
Ngày em. mặc áo hai dây Tóc thơm lơ lửng. bờ vai trắng ngần Vói tay anh. hái tầm xuân Biếc xanh mà giữ. giòn tan nụ cười Tương tư. từ lúc em ngồi Ngực hoa lụa mỏng. ơ hờ cau non Thẫn thờ. anh khẽ môi hôn Đất trời đảo lộn. càn khôn quay cuồng Anh về. giữ lấy mười thương Câu ca dao cũ. ngàn năm nhớ hoài Hớp hồn anh. chạm bờ vai Ngày em mặc áo. hai dây gọi tình Thu chưa tím ngõ. nhà mình Anh mơ cởi áo. che quỳnh yêu em (Linh Phương)
2+. Và ba câu thơ:
Uống cà phê nhớ Sài Gòn Mùi của em...hay mùi chồn...ủ hương Nẩy mầm trong nụ quỳnh thơm? (Linh Phương)
Trong thơ, chúng ta thấy có chữ QUỲNH chứa trong những câu
- Chút hương QUỲNH cũng tan theo bóng chiều (bài 1)
- Anh mơ cởi áo. che QUỲNH yêu em (bài 2)
- Nẩy mầm trong nụ QUỲNH thơm? (bài 2+)
Để các bạn trẻ biết rõ về HOA QUỲNH, từ đó thấm thêm cái hay của những bài thơ, tôi xin được giải thích thêm về HOA QUỲNH qua biểu tượng, ý nghĩa và truyền thuyết của nó.
II. GIẢI THÍCH VỀ HOA QUỲNH
1. Chi Quỳnh Cây Quỳnh (Epiphyllum) nguyên gốc từ tiếng Hy Lạp, gồm chữ Epi là "trên" và phyllum là "lá". Như vậy epiphyllum là "trên lá": hoa, trái và hạt, cành của cây quỳnh đều bắt đầu ngay ở lá. Tuy nhiên gọi là lá cũng không đúng vì quỳnh chỉ có cành, và cành biến thể trông giống như lá vậy. Cây Quỳnh nguyên thuỷ chính là cây dại, mọc bám vào các thân cây ở các khu rừng nhiệt đới tại vùng Trung và Nam Mỹ (Tuy nhiên Quỳnh sống cộng sinh chứ không phải sống ký sinh).
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Chi Quỳnh (danh pháp khoa học: Epiphyllum), là một chi thực vật gồm khoảng 19 loài, thuộc họ Xương rồng (Cactaceae), có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Tên gọi chung của chúng trong tiếng Việt là Quỳnh, hoa được gọi là hoa quỳnh. Các loài Quỳnh thường là hoa dại hoặc được trồng để làm cảnh và hoa nở về đêm nên được mệnh danh là nữ hoàng của bóng đêm.
2. Các loại hoa Quỳnh ở VN
Ở Việt Nam, có thể thấy một số loài quỳnh sau:
a. Quỳnh trắng (Epiphyllum oxypetalum) là một loài Quỳnh được nhiều người biết đến. Hoa Quỳnh trắng này còn có tên gọi khác, xuất phát từ chữ Hán là "Đàm Hoa Nhất Hiện" nghĩa là hoa chỉ nở thoáng qua. Hoa có dạng hình giống kèn Trumpet, cuống phủ một màu đỏ cam, với những chiếc gai nhỏ, ngắn. Quỳnh trắng thường nở vào khoảng tháng 6, tháng 7 và chỉ nở duy nhất một đêm, từ 3-4 tháng sau có thể ra hoa một đợt nữa. Cánh hoa mỏng, mềm mại, bề mặt như phủ sáp trong sắc trắng với nhị vàng và hương thơm nhẹ nhàng. Khi hoa nở, cánh từ từ hé mở cho đến khi đạt kích thước tối đa (đường kính khoảng 10–20 cm), rồi cụp dần và tàn đi nhanh chóng (trong khoảng 1-2 giờ).
b. Quỳnh đỏ (Epiphyllum ackermannii), cây nhỏ hơn Quỳnh trắng, hoa màu đỏ hoặc đỏ pha da cam, hoa cũng nhỏ hơn và không nhiều cánh bằng Quỳnh trắng.
c. Quỳnh Epiphyllum Hybrids là kết quả của quá trình lai tạo, cấy ghép từ Quỳnh nguyên thuỷ với các loài Xương Rồng khác tạo ra những loại hoa Quỳnh có rất nhiều màu : hồng, da cam, tím, vàng ... với kích thước hoa rất thay đổi.
Ở Đà Lạt, sau 5 năm công phu lai ghép giữa Quỳnh với thanh long và dùng đèn điện thắp sáng, năm 2004, ông Mười Lới, một người trồng hoa đã tạo ra được loài Quỳnh hoa nở ban ngày, gọi là Nhật Quỳnh. Hiện Nhật Quỳnh đã phát triển thêm được nhiều loại có màu sắc phong phú.
Nhìn cây hoa Quỳnh người ta khó phân biệt đâu là lá, đâu là thân. Cây có bộ phận thân giống như phiến lá, bản rộng, dẹp, màu xanh và có gân ở giữạ. Hoa mọc ở kẽ những vết khía của thân (phần dẹp và rộng bản).
Theo quyển "Epiphyllum" của tác giả người Đức Marga Leue thì hoa Quỳnh được các thủy thủ người châu Âu khám phá lần đầu tiên tại Nam Mỹ cách nay 250 năm, nhưng mãi đến một thế kỷ sau hoa Quỳnh mới được biết nhiều tại Anh, rồi sau đó lan tràn sang Pháp, Đức và toàn Châu Âu. Đến thập niên 1920 hoa Quỳnh mới sang tới Mỹ và nơi đây trở thành lò sản xuất hoa Quỳnh lai giống (hybrid) hàng đầu thế giới.(Chữ Hybrid dùng chỉ các loại cây hoa lai giống)
Phần lớn cây Quỳnh thường thấy ngày nay là Quỳnh hybrid, tiến triển qua nhiều năm ghép phấn của các loại hoa Quỳnh.
3. Biểu tượng của hoa Quỳnh
Người Tây phương đã nói hoa Quỳnh tượng trưng cho "sắc đẹp phù du" (transient beauty), nở đó để rồi tàn đó. Thật là tiếc cho thoáng hương Quỳnh trong đêm, một thoáng phù du, đã vội cùng cánh gió bay xa!
Hoa Quỳnh tượng trưng cho cái "vẻ đẹp chung thủy" (loyal beauty), vì hoa chỉ nở một lần rồi tàn tạ; cũng như một tình yêu đầu tiên và duy nhất dâng hiến cho người tình.
Vì kiếp hoa sớm nở chóng tàn, Quỳnh Hoa đã được ví như một cuộc tình mong manh. Nhưng đó là cuộc tình đẹp và thanh tao.
Hoa Quỳnh cũng là biểu tượng của kiếp hồng nhan bạc mệnh. Hoa vội tàn làm thổn thức người xem, thấm thía bùi ngùi nhớ lời Mẹ ru:
Bông ngâu rụng xuống cội ngâu Em còn phụ mẫu dám đâu tự mình Bông quỳnh rụng xuống cội quỳnh Dù ai ngậm ngọc dỗ mình đừng xiêu (ca dao)
4. Thú ngắm hoa Quỳnh nở
Theo thông tin trên báo Kiến Thức, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Lý, Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết: Hoa quỳnh nở vào cuối hè và đầu thu, thời gian hoa nở thường vào khoảng 8 - 9 giờ tối. Khi hoa nở, cánh hoa trắng như tuyết và có mùi thơm tao nhã, hương thơm lan tỏa rộng. Hoa chỉ tồn tại 3 - 4 tiếng là héo ngay.
Hoa Quỳnh nở vào buổi tối là để tránh ánh nắng gay gắt của mặt trời. Thời gian tồn tại ngắn ngủi do cần giảm sự bốc hơi nước. Vì vậy, chúng ta thường thấy hoa nở rồi lại tàn ngay, đó cũng là đặc tính thích nghi với điều kiện sống của chúng.
Thưởng thức hoa Quỳnh là một thú vui tao nhã. Các cụ ngày xưa mỗi lần biết hoa sắp nở, mời thêm vài người bạn thân đến chơi, trong khi chờ ngắm thưởng ngọan hoa nở, cụ thường hay trịnh trọng pha một ấm trà ngon, khói bốc thơm nghi ngút, vừa nhấm nháp trong khi chờ khai hoa nở nhụy, ngắm từng cánh hoa từ từ bung mở, khoe sắc tuyệt vời như dung nhan của giai nhân. Cánh hoa Quỳnh mỏng như lụa, màu trắng ngà. Có lẽ không có màu trắng nào sánh được với màu trắng cánh hoa Quỳnh (dường như có một chút gì đó rất mơ màng liêu trai). Nhị màu vàng, đẹp lộng lẫy. Hoa toả hương thơm ngát, nhẹ nhàng, thanh tao.
Ngồi ngắm hoa Quỳnh nở, người ta có thể quan sát bằng mắt thường các cánh hoa từ từ hé nở. Sau khi nở hết cỡ là hoa cụp trở lại, héo và tàn dần. Người chơi hoa Quỳnh phải chờ đợi công phu, kiên nhẫn mới có dịp được tận mắt ngắm hoa nở. Thường những người đã có tuổi hoặc từng trải mới dám trồng hoa Quỳnh. Có người trồng cả đời nhưng Quỳnh không chịu nở hoa. Hoa Quỳnh kén người trồng như kén bạn tâm giao. Cần sự TƯƠNG THÔNG giữa HOA và NGƯỜI. Phải có DUYÊN!
Đó là thế giới của loài hoa diễm lệ chỉ nở về đêm, cùng ánh trăng rạng rỡ trên cao. Những loài hoa nầy nhờ những côn trùng sống đêm mà thụ phấn, kết bông và nở hoa. Thế giới ban đêm của loài hoa kỳ diệu là thế đó. Thi nhau đua nở, tỏa hương thơm ngát, trong lúc phần đông chúng ta đang chìm đắm trong giấc ngủ chập chờn mộng ảo.
Trong hết thảy các loài hoa trên mặt đất, có lẽ hoa Quỳnh là một trong những loài hoa đặc biệt nhất. Cây hoa giản dị, ban ngày trông xoàng xĩnh tầm thường, nhưng về đêm lại là nữ hoàng của muôn hoa.
Có thể nói hoa Quỳnh là nữ hoàng kiều diễm lộng lẫy của thế giới về đêm!
III.TRUYỀN THUYẾT VỀ HOA QUỲNH.
1. TỪ DÂN GIAN.
Có những người thắc mắc vì sao đóa quỳnh chỉ nở về đêm? Các nhà sinh vật học đã lý giải: do nhịp sinh học. Nhưng dân gian thì khác. Đây là truyền thuyết giải thích sao đóa hoa quỳnh chỉ nở về đêm:
"Đời nhà Tùy (587‐617), ở Dương Châu thuộc huyện Giang Ninh, một phồn hoa đô hội Trung Quốc, có ngôi chùa tên Dương Ly. Một đêm giữa lúc canh ba, ngoài chùa bỗng có ánh sáng lòe như lửa dậy. Trên không lại có tiếng nổ vang, rồi có một vật gì sa xuống như sao rơi và hương thơm sực nức lạ lùng, khiến dân chúng đổ xô đến xem. Gần bên giếng của chùa bỗng mọc lên một cây hoa lạ, trên ngọn trổ một đóa hoa ngũ sắc cực kỳ tươi đẹp. Trên hoa chia làm 18 cánh lớn, dưới có 24 cánh nhỏ. Dân chúng đặt tên là hoa Quỳnh.
Lúc bấy giờ có người tên Vương Thế Sung ở thành Lạc Dương, nguyên trước can án giết người nên chạy trốn đến chùa trú ngụ. Vương vốn biết vẽ, thấy thế mới lấy bút mực ra vẽ đóa hoa ấy.
Vua nhà Tùy là Dạng Đế (ông vua hôn quân vô đạo, chơi bời trác táng, xa hoa, phung phí) nhân một đêm nằm mộng thấy hoa, nay được tin có hoa lạ trổ tại Dương Châu, mới yết bảng, ai vẽ được đóa hoa ấy đem dâng cho nhà vua sẽ được trọng thưởng. Vương Thế Sung mang bức tranh ấy đến dâng, được nhà vua tha tội giết người, lại được phong chức Quỳnh Hoa Thái thú. Chùa Dương Ly đổi thành chùa Quỳnh Hoa.
Hoa trong tranh nhìn đẹp lộng lẫy, cố nhiên hoa thực còn đẹp gấp ngàn lần. Vì lòng tò mò, ham thích nên nhà vua nhất định ngự giá ra Dương Châu xem hoa.
Vốn đường đất từ Lạc Dương (kinh đô nhà Tùy) đến Dương Châu ở Giang Nam rất xa xôi, khó đi cho xe giá nên nhà vua truyền lệnh cho người đốc xuất dân chúng lao dịch khai đào kinh từ Long Trì thẳng qua Trường Bình, thông với sông Huỳnh Hà, cho đến Dương Châu để ngự thuyền rồng cho tiện. Đồng thời lại truyền cho người xây cất cung điện nơi ấy để nghỉ ngơi.
Việc lực dịch quá gian lao, bọn quan lại tham tàn, thừa nước đục thả câu, bóc lột nhũng nhiễu dân chúng. Nhân dân cực khổ chết chóc, tiếng thán oán kêu khóc ngập trời. Vì dục vọng xem hoa mà làm khổ trăm họ.
Nhưng nhà vua không nghĩ đến, lại ra lịnh cấp tốc hoàn thành công việc đào kinh trong vòng một tháng. Chậm trễ hoa sẽ tàn mất. Đàn ông cung cấp không đủ thì đàn bà cũng bị bắt đi làm. Sử chép: đào con kinh ấy lao dịch có đến một triệu dân phu. Cung phi, mỹ nữ, ngự binh, cước điện (người kéo thuyền) có đến 80 ngàn người. Dân chúng, trong vòng 500 dặm dọc theo kinh, phải mang thức ăn cung phụng cho đoàn du hành quý phái ấy. Hàng chục triệu ngày công lao động phải bỏ ra, hàng vạn con người phải vất vả bỏ mình.
Kinh rộng cả chục trượng (1 trượng = 3,33 m ), sâu đủ cho thuyền rồng di chuyển. Hai bên bờ kênh được trồng toàn lệ liễu, đều đặn cách nhau 10 mét một cây (Cụm từ "dặm liễu" xuất phát từ đó, điển hình câu thơ: "Dặm liễu sương sa khách bước dồn" của Bà Huyện Thanh Quan).
Trong số quan quân hộ giá có cha con Lý Uyên và Lý Thế Dân. Qua thời gian hơn 90 ngày, đoàn tuần du đến đất Dương Châu. Thuyền vừa cặp bến, Lý Thế Dân cùng bằng hữu rủ nhau lén đi xem hoa ngay trong đêm, vì sợ sáng hôm sau khó chen chân lọt vào vườn hoa. Lý Thế Dân là người có chân mạng đế vương (về sau trở thành vua Đường Thái Tông) nên hoa nhún mình ba lần nghinh đón. Cánh hoa trắng như ngọc, nhụy điểm xuyết màu vàng, hương tỏa ngọt ngào dưới ánh trăng. Lý Thế Dân vừa xem xong, một cơn mưa to đổ xuống khiến hoa rụng hết. [(*) so sánh việc hoa Quỳnh rụng cánh với phần 2 bên dưới]
Vì đây là thần hoa, hiện ra không phải để cho bạo chúa, mà là để cho nhân dân và chơn chúa xem; đồng thời để chỉ rõ sự diệt vong của nhà Tùy. Mười tám cánh trên của hoa biểu hiệu 18 vị phản vương, 24 cánh nhỏ dưới biểu hiệu 24 trấn khởi loạn chống lại Tùy đế. Và cơ nghiệp nhà Tùy sẽ chuyển sang nhà Đường, do con của vị đại thần Lý Uyên là Lý Thế Dân khai sáng, đánh bại 18 phản vương và dẹp yên 24 trấn, thống nhứt lãnh thổ. Đó là một chân chúa.
Mộng xem hoa của tên bạo chúa tan vỡ. Dục vọng ngông cuồng của nhà vua đã làm cho hàng vạn sinh linh điêu đứng, chết chóc, lầm than!
Sáng hôm sau, Tùy Dạng Đế xa giá đến xem hoa, chỉ còn thấy cánh hoa úa rũ, tan tác. Vua tức giận, tiếc công đi nghìn dặm không được xem hoa, ra lệnh nhổ bỏ, vứt đi.
Từ đó hoa Quỳnh chỉ nở trong một thoáng về đêm, không nở ngày và không tỏa hương thơm cho khắp thế gian nữa. Nó chỉ khiêm nhường nở về đêm và chỉ dành cho những tâm hồn thanh tao biết đợi chờ."
2. TỪ SỬ LIỆU
(*) Một DỊ BẢN về việc HOA QUỲNH RỤNG CÁNH
Hoa Quỳnh gập mình RỤNG CÁNH và tàn ngay khi gặp Lý Thế Dân (Đường Thái Tông) người lập nên vương triều Đường bên Tàu.
Theo Laiquangnam: Chuyện Lý Thế Dân giết em ruột để đoạt vợ của em mình vô cùng lưu manh và dã man. Ai có vợ đẹp, mà mình đang là kẻ yếu thế, thì dấu ngay người lưu manh cở Vua Đường đó. Vợ bạn sẽ là hoa Quỳnh tàn rã ngay trong đêm sau ba lần gập mình trước Lý Thế Dân.
@. BÀI HỌC LỊCH SỬ QUA MỘT KINH NGHIỆM SỐNG Nguyễn Du ngầm nhắc SỰ BIẾN HUYỀN VŨ MÔN: Câu chuyện Lý Thế Dân hạ độc thủ tàn sát anh và em ruột của mình.
Nguyễn Du kín đáo chèn một sự thật lịch sử Trung Quốc vào bản đàn: THÁI BÌNH MẠI CA GIẢ, từ câu 13 đến câu 18.
13-Thanh âm thù dị bất đắc biện, Ðãn giác liêu lượng thù khả thính, Chu tử tả tự vị dư đạo
16-Thử khúc Thế Dân dữ Kiến Thành Quan giả thập số tịnh vô ngữ 18-Ðãn kiến giang phong tiêu tiêu giang nguyệt minh.
Dịch quốc âm:
13-Tiếng “người lạ”, nhíu mày, chả hiểu, Lanh lãnh hàn thanh điệu, kỳ thay?. Nhà thuyền tinh ý thảo ngay,
16-“Thế Dân đòn độc, bằm thây Kiến Thành” Chừng mươi người vây quanh nín lặng,
18-Gió sông trăng vằng vặc… hiu hiu…
Ông thầy mù, trong vai người hát rong, đã vừa đánh đàn vừa hát tường thuật trong chừng một trống canh (tức chừng 120 phút), trong đó có nhắc hai nhân vật Thế Dân và Kiến Thành. Thế Dân là ai? và Kiến Thành là ai?. Nội dung bản đàn?.
@. Lịch sử Tàu viết về SỰ BIẾN HUYỀN VŨ MÔN như sau:
Họ là hai anh em ruột. Đều là con của Lý Uyên, người lập ra nhà Đường bên Trung hoa. Kiến Thành là con cả, Thế Dân là con thứ.
Nguyên Lý Uyên là một viên quan thời nhà Tùy. Ông được giao cai quản địa phận thuộc tỉnh Sơn Tây ngày nay. Nhà Tùy mang quân xâm lược Cao Ly một cách dai dẳng, nhưng họ đã bị người Cao ly phản công quyết liệt, dần dần họ tơi tả. Nhà Tùy tổn thất vô cùng nghiêm trọng, họ đã thấm đòn “Cao Ly sâm”, họ thật sự kiệt quệ. Lý Thế Dân kịp khôn nhận ra cơ hội ngàn năm một thủa, bèn khuyên cha mình nên nhân cơ hội này tiến hành cướp ngôi ngay (ngày nay gọi là đảo chính). Họ đã thành công. Lý Uyên lập nên nhà Đường.
Sau khi lên ngôi, Lý Uyên trở thành Đường Cao Tổ. Ông phong cho người con trưởng nam là Lý Kiến Thành làm thái tử, người sẽ giữ ngai vàng sau này, người con thứ tên là Lý Thế Dân làm Tần Vương, và con út Lý Nguyên Cát làm Tề Vương.
Trong khi các anh mình được phân công cầm quân đánh giặc thì người con trai út cưng Lý Nguyên Cát hiền lành được sống tại kinh thành cùng với vua cha. Ông “cù “được người đẹp nổi tiếng sắc nước hương trời tại Kinh Thành Trường An, có tên là Dương Khuê My và sau cùng đã rước nàng về làm cung Tề vương. Lý Thế Dân sau mấy lần chạm mặt em dâu y rất thèm muốn, mong sẽ ngày nào đó mình thực sự ôm ấp cô ta, nàng phải là của riêng chỉ dành cho mình. Vua cha Lý Uyên đâu hay lòng dạ ông con này, với ông sự vun bồi uy quyền cho người con trưởng, nay đang là thái tử, là nỗi lo chính. Chính ông dắn dắt, tạo điều kiện cho Kiến Thành tham gia chiến dịch và chỉ huy các trận đánh lớn. Thế Dân so bì,; là tướng tài quá nhiều tham vọng, vả lại dưới tay có nhiều danh tướng dày dặn trận mạc như Tần Thúc Bảo và Uất Trì Cung, Trình giảo Kim; khiến ông càng nung nấu chiếm đoạt ngôi vua. Ông luôn nghĩ đến công lao mình hãn mã của mình mà quên đi các chiến công của cha mình, anh mình. Ông luôn nghĩ, rằng lý ra mình phải làm vua mới đúng.
Nghi ngờ điều biến xảy ra, vào những năm 625, 626, Lý Uyên quyết định cắt giảm quyền lực của Lý Thế Dân, thuyên chuyển Trình giảo Kim, củng cố thêm sức mạnh cho Thái tử, người con trưởng nam thương yêu của mình. Ông nghĩ, phải như thế thì mới mong sau này khi chính thức lên ngôi, Kiến Thành đủ oai phong để trị vì thiên hạ và sai khiến các em. Ông đã chậm tay, lầm rồi!.
Lý Thế Dân đâu chịu yên phận với tước Tần vương. Ông quyết định dành lấy ngai vàng một cách gấp rút. Nghĩ nát nước không một kế hoạch nào khả thi. Lý Thế Dân có người anh vợ tên là Trưởng Tôn Vô Kỵ. Ông anh này rất muốn em gái mình sớm trở thành mẫu nghi thiên hạ. Ông hiến cho Thế Dân một kế rất độc. Ông tâm tình với Thế Dân rằng:” Cha em đồn sức lo cho anh cả và rất cưng chú út; Em khó mong đạt mộng ước, càng để lâu càng khó cho em; nay binh quyền lớn lại ở trong tay Kiến Thành; làm sao mà em lên ngôi thiên tử cho đặng!”. Nhanh tay lên, người anh vợ lại dạy thêm rằng, Cha em hiện đang có hai người thiếp yêu, một là Doãn Đức phi và hai là Trương Tiệp dư. Em cứ nhắm vào họ mà lập kế ly gián. Thế Dân vỡ lẽ. Ông tiến hành ngay.
Bước một, ông làm cho cha ông cho dù không muốn vẫn không sao không hành động, buộc phải dứt bỏ lòng tin yêu với hai người con kia, không như trước nữa. Độc thiệt!. Đích thân ông đứng ra thưa với cha mình một chuyện mà không một người đàn ông trên thế gian này khi nghe qua mà không tức điên lên. Ghen tuông và bị cặm sừng! Ai cắm? đó là hai con trai cưng của mình. Lý Thế Dân tố rằng anh mình và em mình hè nhau “tù ti“ với hai thiếp yêu của vua cha khi ông đau ốm hay khi đi vắng. Lý Uyên bị chạm nọc. Tức điên lên. Vừa ghen với hai con trai mình, vừa vô cùng xấu hổ. Giận run. Lập tức ra lệnh triệu hồi khẩn cấp Kiến Thành đang ở mặt trận về cung gấp. Bốn bên một lời. Từ chiến trường trở về, Kiến Thành ghé lại thăm em mình. Và Nguyên Các cũng cho ông hay rằng chính ông (NC) cũng nhận được lệnh triệu tập như thế. Họ hoàn toàn không biết lành dữ?.
Khi cá đã cắn câu, bước hai được Lý Thế Dân thực hiện chu đáo. Ngay khi biết Kiến Thành hiện đang có mặt tại kinh thành, ông liên lạc chặt chẻ với vua cha, ngày đêm thăm viếng ra chiều chia sẻ sự nhục nhã này cùng với “ông già”. Vào ngày thứ tư của tháng thứ sáu hiệu Vũ Đức, tức ngày mồng 2 tháng 7 năm 626, Lý Thế Dân bèn kín đáo tự tay bố trí trận địa phục binh với dàn cung thủ sừng sỏ, trong đó có chính ông cũng là cung thủ, cùng với sự hổ trợ của hai tướng giỏi là Tần Thúc Bảo và Uất Trì Cung, họ phục binh tại ngay cửa Huyền Vũ, cửa ngõ dẫn vào cung cấm. Khi thái tử Lý Kiến Thành cùng em ung dung bước qua cửa này để vào bệ kiến vua cha, nào hay mình đang bước vào cửa tử. Lý Thế Dân đang chờ sẳn con mồi tại đó từ lâu, bèn dương cung bắn chết ngay Lý Kiến Thành tại chỗ. Lý Nguyên Các chạy thoát chạy được một lúc. Cận vệ của Kiến Thành là hai tướng Phùng Dực, Phùng Lập xông vào nhưng đã trễ và cùng lúc bộ hạ của Nguyên Các là Tiết Vạn Triệt túa ra đánh trả. Trong lúc hỗn chiến thì tướng Uất trì Cung (tức là Uất Trì Kính Đức) của Thế Dân kịp chặt được đầu của Nguyên Các. Biết hai nhân vật chủ chốt đã bị diệt, cả mừng, ngay lập tức Lý Thế Dân vội vã chạy vào cung bẩm báo với vua cha rằng, hai người kia sợ bị trừng phạt vì trong tội khi quân, cả hai đã ra tay manh động. Ông xin vua cha ra quân lệnh hỏa tốc buộc các binh sĩ của hai người này phải lập tức lui quân để không gây xôn xao trong lòng quân sĩ. Trong lúc quá bối rối, Lý Uyên răm rắp làm theo trước sự hối thúc và áp lực của các tướng lãnh, người của Thế Dân đang vây kín quanh ông. Quân lệnh được giao ngay cho Uất Trì Cung, ông này liền gom cùng lúc, hai tay xách hai cái đầu lâu đầy máu của hai anh em này và giơ cao cùng quân lệnh của nhà vua, truyền lui binh, nói to trước các bộ hạ của hai người. Thấy chủ tướng mình đã bị chết và có lệnh vua họ lui binh ngay lập tức.
Mãi mấy ngày sau, Lý Uyên mới biết rõ sự thật. Hối hận thì đã muộn. Vua vừa tự xấu hổ, vừa ân hận bởi chung quy cũng vì hai cái “?” mà ra cả. Ông tự hài lòng với “trí khôn “ của mình, giết nó (Lý Thế Dân) đi thì lấy ai nối dõi tông đường. Dòng họ Lý nhà ta sẽ không người kế nghiệp!. Bối rối tính hơn thiệt, hai tháng sau, Lý Uyên lặng lẽ bấm bụng và lòng đầy chán nản, ông rút lui vào hậu trường. Sống an phận cùng sự hài lòng với chức Thái thượng hoàng, cùng miếng ngon và gái đẹp cung phụng cho ông không hề suy giảm, ông cho thế _ Cũng được!. “Khôn!” . Ông truyền ngôi lại cho Lý Thế Dân.
Đạt sở nguyện, Lý Thế Dân liền ra tay cực kỳ tàn bạo ngay lập tức. Để trừ hậu hoạn, tránh trả thù về sau, ông ra lệnh hành quyết cả nhà Kiến Thành và Nguyên Cát không chừa một ai. Già trẻ, lớn bé, trong số đó có 5 người con trai của mỗi người, có cả cháu đích tôn của Lý Uyên. Lý Uyên ở đâu mà nín khe vậy?. Ông già “khôn!”. “?” . Tụi nó chính là cháu ruột vô tội của ông mà. Thây Kệ.
Lý Thế Dân không quên dặn dò thủ hạ kín đáo bảo vệ chiến lợi phẩm mà ông hằng mơ ước ngày đêm, người đẹp nổi tiếng tại thành Trừơng An ngày trước. Nàng Dương Khuê My, là vợ của em ruột mình, Lý Nguyên Cát, được mang về dinh Tần vương cho ông lập tức. Không chút chậm trễ, vậy là ngay cả khi chưa nhậm chức hoàng đế, ngay khi đang còn là Tần vương, ngay khi em ruột mình còn chưa khô nấm đất trên mồ, Lý Thế Dân đưa ngay bà này vào cung để được sớm tối “hủ hỉ “. Với thần kinh thép, cả hai người vui vẻ ngay trong đêm ấy. Lập tức bà trở thành là thiếp yêu của ông khi mà tang chồng chưa hết thời gian để nắng gió kịp làm khô đất trên mồ chồng. Không lâu sau đó, bà vợ lớn của Lý Thế Dân buồn rầu sinh bệnh mà chết. Sau khi em gái mình chết, ông anh vợ của Lý Thế Dân, Trưởng Tôn Vô Kỵ, cho dù là một trong ba đại thần của Đường Thái Tông (Lý Thế Dân) cũng bị buộc tội thắt cổ.
Gần cuối đời, Lý Thế Dân trực tiếp nhận quả báo, chính con trai ông là thái tử Lý Thừa Càn cũng muốn giết ông để mau được làm vua, sống theo ý mình. Làm vua Tàu thích thật!. Ngẫm nghĩ mình đã bị trời quả báo, nên ông không nỡ giết Càn, đày Càn đi Tứ Xuyên. Năm sau thì Càn chết.
Năm 649, Đường Thái Tông (Lý Thế Dân) mất hưởng dương 51 tuổi. Cha ông sống trong nỗi đau vì “?” mà ra cả. Chịu đựng dằn vặt lương tâm trong ròng rã mười năm (từ năm 626) đến năm 635 thì ông mất. Sức chịu đựng “đau đớn?” của “ông già khôn” Lý Uyên trước ông con quá quắt trong thời gian 10 năm khá dài thật đáng nể. Không biết trong giấc ngủ của mình, ông có mơ thấy mười đứa cháu nội ông kêu khóc ra sao?, vợ ông héo úa ra sao?. Mỗi ngày ông có nghe tiếng khóc rấm rức khi bà nhang đèn cho bầy con cháu, không thấy sử Tàu viết. Giá mà!.
Đời Đường còn lắm chuyện dành gái. Bắt chước ông tổ mình, cháu chắt của Lý Thế Dân là Đường Minh Hoàng còn cướp vợ của con nữa là. Kinh thiệt!. Dương Quý Phi nguyên là nàng Thái Chân, vợ của con trai mình. Chuyện nước Tàu Nguyễn Du nhắc cho chúng ta nhớ và thuộc lòng hai câu:
Trung Hoa, cực ấm!, khoa lời,
Trung Hoa người ngợm ngời ngời, thế đây!.
(Laiquangnam -THÁI BÌNH MẠI CA GIẢ - Nguyễn Du)(@.xem Link bên dưới)
@. NHẬN XÉT THÊM.
@1. Mộng xâm lược (ĐẠI HÁN) là muôn đời của Trung Hoa đối với các tiểu quốc lân bang (Cao Ly, Việt Nam...)
a. Nhà Tùy tấn công xâm lược Cao Ly (Korea), bị thua tơi tả mới dẫn đến việc cướp ngôi của Lý Uyên, Lý Thế Dân lập nên nhà Đường
b. Đối với Việt Nam:
- Đông Hán (năm 41) với Mã Viện tấn công xâm lược, đánh bại Hai Bà Trưng, đô hộ VN!
- Tống (1076) với Quách Quỳ tấn công xâm lược VN bị Lý Thuờng Kiệt đánh cho tơi tả.
- Nguyên-Mông (1258-1288) bị Trần Hưng Đạo đập cho tơi bời, đến nỗi Thoát Hoan phải chui ống đồng thoát chạy về nước.
- Vua Càn Long (nhà Thanh)(1789) sai Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân sang xâm lăng Đại Việt. Nguyễn Huệ (Hoàng đế Quang Trung) đập tan quân xâm lược ngay trước ngày chúng động binh, đó chính là chiến thắng Đống Đa ngày 5 Tết Kỷ Dậu.
@2. Sự tàn ác của các vương triều Trung Hoa (Tần với Tần Thủy Hoàng, Đường với Lý Thế Dân, Minh với Chu Nguyên Chương, Cộng Sản với Mao Trạch Đông...) đối với anh em, dân tộc mình như thế, huống hồ gì các dân tộc khác, các nước lân bang. Hãy cẩn trọng! (Nguyên Lạc)
Đó là truyền thuyết và sự thật liên quan đến hoa Quỳnh, bây giờ chúng ta hãy trở lại với thơ văn.
IV . NHẠC THƠ VĂN CÓ BIỂU TƯỢNG QUỲNH
Trong TRUYỆN KIỀU của cụ Nguyễn Du có nói đến thú xem hoa Quỳnh nở trong lúc cho trăng lên.
Hài văn lần bước dặm xanh Một vùng như thể cây quỳnh cành dao* Khi chén rượu, lúc cuộc cờ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên (Truyện Kiều - Nguyễn Du)
(* Bên cạnh cây hoa Quỳnh, người ta thường trồng cây giao (hay dao). Cây giao là một loại cây chỉ có cành mà lại không có lá. Khi cây giao trồng cạnh cây quỳnh thì cây quỳnh sớm có hoa và ra hoa ra nhiều hơn.) NL
Bài hát Quỳnh Hương của nhạc sĩ tài hoaTrịnh Công Sơn cũng có nhắc đến loài hoa danh tiếng này.
Ta mang cho em một đoá quỳnh Quỳnh thơm hay môi em thơm Em mang cho ta một chút tình Miệng cười khúc khích trên lưng
Đêm này đêm Buồn bã với những môi hôn Trong vườn trăng Vừa khép những đóa mong manh... (Bài hát Quỳnh Hương -Trịnh Công Sơn)
Với thi sĩ Linh Phuơng, đây là biểu tượng của Quỳnh.
Búp sen hai đóa nằm trên ngực Quỳnh hương em ẩm ướt đợi chờ Vạt cỏ non tơ mùa hạnh phúc Thất tiết đêm nằm ủ giấc mơ (Về Trường An gặp Đoàn Phu Nhơn- Linh Phương)
Về Sài Gòn gặp mỹ nhơn Chiêm bao tìm giọt quỳnh thơm hôm nào (Đêm ấy là đêm…gì hè - Linh Phương)
V. KẾT
Vì hoa Quỳnh tượng trưng cho cái "vẻ đẹp thủy chung ", hoa chỉ nở một lần rồi tàn tạ. Cũng như một tình yêu đầu tiên nguyên thủy và duy nhất dâng hiến cho người tình.
Vì kiếp hoa sớm nở chóng tàn, Quỳnh Hoa đã được ví như một cuộc tình mong manh, nhưng đó là cuộc tình đẹp và thanh tao.
Vì hoa Quỳnh là biểu tượng của kiếp hồng nhan bạc mệnh.
Và sau cùng, biểu tượng QUỲNH thăng hoa thành PHẦN ĐẸP NHẤT của NGƯỜI NỮ: CÕI TỒN SINH.
Đó những lý do các thi nhân thường dùng hình ảnh hoa Quỳnh trong các bài thơ của mình.
"Chút hương QUỲNH cũng tan theo bóng chiều" "Anh mơ cởi áo. che QUỲNH yêu em" "Nẩy mầm trong nụ QUỲNH thơm ?" " Quỳnh hương em ẩm ướt đợi chờ" và "Chiêm bao tìm giọt quỳnh thơm hôm nào" của các bài thơ trên cũng không ngoài ngoại lệ đó.
Qua trên là những lời Nguyên Lạc viết thêm, để giúp cho các bạn thấy được cái hay của các bài thơ có BÓNG DÁNG HOA QUỲNH.
Nguyên Lạc 2017
Từ khóa » Hoa Tiểu Quỳnh Wikipedia
-
Schlumbergera Truncata – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chi Quỳnh – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hoa Càng Cua (hoa Nhật Quỳnh) | Cây Cảnh - Hoa Cảnh - Bonsai
-
File:Hoa Tieu Quynh Ghep Thanh g - Wikimedia Commons
-
Schlumbergera Truncata: Loài Thực Vật - .vn
-
Văn Tiểu Quỳnh - Wiki Dịch Tiếng Hoa
-
Cách Làm Cho Tiểu Quỳnh Ra Hoa?
-
Hoa Càng Cua (hoa Nhật Quỳnh) - 1 Phút Tiết Kiệm Triệu Niềm Vui
-
Schlumbergera Truncata: Loài Thực Vật - Wiki
-
Cách Trồng Hoa Tiểu Quỳnh - Wiki Phununet
-
Hoa Tiểu Quỳnh - Đà Lạt Hasfarm, đặc điểm, Giá Bán, Cách Trồng Và ...