Hoa Sen - Gần Gũi Và Thanh Cao Trong đời Sống Người Việt
Có thể bạn quan tâm
Khi nói đến hoa là nói đến vẻ đẹp, là nét văn hóa. Bởi thế, cũng không lấy làm lạ khi nhiều nước trên thế giới có quy định quốc hoa-loài hoa biểu trưng cho đất nước. Cách đây vài năm, việc chọn quốc hoa Việt Nam đã được đưa ra bàn thảo, việc ấy lại càng được cho là cần thiết trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế về mọi mặt. Trong các cuộc bàn thảo, nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến chọn hoa sen là quốc hoa của Việt Nam. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hoa sen có ở nhiều nước châu Á, vậy hoa sen Việt Nam có gì riêng, đặc biệt để trở thành quốc hoa? Cho đến nay, vẫn chưa có văn bản chính thức nào quy định hoa sen là quốc hoa, nhưng trong tâm thức và suy nghĩ của hầu hết người dân Việt Nam thì hoa sen luôn được coi là quốc hoa, bởi biểu tượng thanh cao, vẻ đẹp tao nhã và sự gần gũi, phổ biến trong đời sống người Việt từ bao đời nay.
Nếu so với nhiều loài hoa khác, hoa sen không phải loài hoa rực rỡ về màu sắc nhưng lại mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, duyên dáng, thanh cao. Đặc biệt, sen trở nên thân thuộc, đi sâu vào hầu khắp các lĩnh vực của đời sống con người, gắn với lịch sử truyền thống của dân tộc. Hoa sen có từ khi nào, không ai xác định chính xác được, nhưng theo PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: Có thể hoa sen và hình tượng sen phổ biến ở Việt Nam gắn với quá trình Phật giáo du nhập vào Việt Nam, qua hình ảnh, hình tượng hoa sen được tìm thấy từ những công trình Phật giáo trong các chùa chiền. Trong các công trình Phật giáo, sen được trồng ở hồ, hình tượng sen có ở những tòa sen của các vị chư Phật, chư thần, trong các bức tranh hay hoa văn trên phù điêu... Trong Phật giáo, hoa sen tượng trưng cho sự thuần khiết. Hoa sen mọc lên từ bùn lầy nhưng không bị hôi tanh mùi bùn, giống như tâm hồn con người vậy. Mỗi màu hoa sen khác nhau lại mang những ý nghĩa biểu tượng riêng.
Thả đèn hoa sen dịp lễ Phật đản ở Thừa Thiên Huế. Ảnh: ĐÌNH HOÀNG |
Thế rồi, qua hàng trăm năm, hoa sen dần thân quen trong đời sống thường nhật của người Việt. Khắp các vùng miền, từ Bắc tới Nam, nơi đâu cũng có sen. Cây sen được trồng trong hồ, ao, sen mọc lên trên ruộng lúa, sen có ở chậu cảnh trong sân nhà... Một loài cây có sức sống mãnh liệt khi củ sen dưới lớp bùn, nước hàng mét, qua năm này tháng khác vẫn đâm chồi vươn lên để bung nở, tỏa hương sắc. Khi cây sen vươn lên, bùn lầy lắng xuống làm cho mặt nước bỗng trở nên trong hơn. Sức sống mãnh liệt và vẻ đẹp của sen được xem như tượng trưng cho cốt cách con người và dân tộc Việt Nam, luôn giữ mình trong sạch giữa chốn bùn nhơ để “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Với những ý nghĩa như thế, hoa sen đi vào tâm thức người dân, gần gũi trong cuộc sống, đa dạng trong ẩm thực; hình tượng sen đi vào trong ca dao, văn học, nghệ thuật, thấm sâu vào đời sống văn hóa, tâm linh.
Hoa sen là đề tài được thể hiện phong phú trong nghệ thuật tạo hình của người Việt từ xưa đến nay, có thể kể đến qua hình hoa sen nhiều loại trên những viên gạch lát đền Vua Đinh, Vua Lê; trên các công trình Phật giáo, đồ gốm thời Lý... Nhiều công trình kiến trúc nổi bật qua các thời kỳ cũng mang cảm hứng từ hoa sen như: Chùa Một Cột hình búp sen vươn lên khỏi mặt nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh được thiết kế mang biểu tượng bông sen trắng...
Hoa sen từ lâu cũng đi vào thơ ca, văn học Việt Nam. Trong "Truyện Kiều", đại thi hào Nguyễn Du đã nhiều lần nhắc đến hình ảnh hoa sen: “Đào đà phai thắm, sen vừa nẩy xanh”; “Sen tàn cúc lại nở hoa”... Người Việt cũng nằm lòng câu ca dao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng, bông trắng, lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”; “Nhân tài như thể bách hoa/ Hoa sen thơm ngát, hoa trà đẹp tươi”.
Ẩm thực sen. Ảnh: ĐÌNH HOÀNG |
Trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, hiếm có loài cây hoa nào mà tất cả bộ phận đều trở nên hữu dụng với người Việt như sen. Mùa này, nếu tới vùng sen Đồng Tháp Mười hay xứ Huế, một mâm cỗ với các món được làm từ sen sẽ làm nhiều thực khách thích thú. Ngoài hoa sen dùng để cắm thưởng ngoạn; hạt sen, củ sen là những thực phẩm có thể chế biến thành những món ăn giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe; món nộm ngó sen khiến người ăn khó cưỡng lại được sự hấp dẫn; cánh hoa sen tẩm bột chiên giòn thơm thơm cũng là một hương vị mới lạ. Ở Hà Nội, thưởng thức trà được ướp từ hoa, nhị sen là thức uống đặc sản mang hương vị đặc trưng; còn lá sen tươi theo các thúng cốm, thúng xôi của các bà, các chị gói cốm, gói xôi làm cho món ăn thơm ngon hơn... Cuối mùa, lá sen phơi khô lại là một dược liệu quý; hạt sen khô để dành cả năm nấu chè, hầm, làm mứt... Mỗi vùng, miền, bằng những biến tấu riêng lại làm cho các món ăn từ sen trở nên đa dạng, hấp dẫn, mang hương vị riêng.
Ấy là nói về những tác dụng ẩm thực, hơn thế, cây sen còn được sáng tạo để trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ giàu tính nghệ thuật như nón lá sen, tranh từ sen hay lụa sen được dệt bằng tơ lấy từ thân cây sen... Sen là nguồn cảm hứng cho thời trang để ra đời những bộ sưu tập, trang phục đẹp. Hình ảnh đẹp nao lòng của những bông sen cũng tạo cảm hứng cho những trái tim yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật không chỉ sáng tạo mà còn sưu tầm, lưu giữ, quảng bá các tác phẩm về sen. Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thanh Tâm với một tình yêu và niềm đam mê đặc biệt với hoa sen đã dành nhiều tâm sức trong hơn 20 năm để sở hữu hơn 500 bức ảnh sen nghệ thuật, 50 bức tranh sen và gần 100 hiện vật liên quan tới hoa sen, gắn liền với đời sống văn hóa Việt Nam. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận bà là “Người sở hữu bộ sưu tập đa dạng các tác phẩm có hình tượng sen với chủ đề “Sen trong đời sống văn hóa Việt” nhiều nhất được trưng bày tại nhiều cuộc triển lãm ở trong nước".
Nón làm từ lá sen. Ảnh: NGUYỄN THẢO |
Hoa sen càng đẹp và gần gũi với mỗi người Việt khi hình tượng hoa sen được gắn với Bác Hồ. Câu thơ nổi tiếng: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” của nhà thơ Bảo Định Giang từ lâu cũng được người dân cả nước thuộc lòng, trở thành câu ca dao nói về vẻ đẹp của hoa sen vùng Tháp Mười, và càng đẹp hơn với cảm hứng tôn vinh, ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Những ngày cuối tháng 5, khi những búp sen đầu tiên trong hồ vươn lên khỏi mặt nước, cũng là dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác. Bác sinh ra ở làng Sen, xã Kim Liên (có nghĩa là sen vàng), vào mùa sen nở. Cuộc đời cách mạng, cốt cách cao đẹp của Người như đóa sen thanh cao. Thấy hoa sen, người ta thường nghĩ đến Bác Hồ. Điều ấy càng làm cho hoa sen gần gũi, đẹp đẽ hơn trong suy nghĩ, đời sống mỗi người Việt.
HOÀNG DƯƠNG
Từ khóa » Hoa Sen Trong Văn Hóa Nhật Bản
-
5 Kiêng Kỵ Trong Văn Hóa Nhật Bản Mà Bạn Không Nên Phạm Phải
-
5 điều Tối Kỵ Trong Văn Hóa Nhật Bản Không Nên Mắc Phải
-
Ý Nghĩa Của 17 Loài Hoa ở đất Nước Nhật Bản - .vn
-
Hoa Sen Trong đời Sống Và Văn Hóa Người Việt
-
Biểu Tượng Nhật Bản Và Những Bí Mật ẩn Chứa Bên Trong
-
Một Số Bài Học Về Con Người Nhật Bản Dành Cho Sinh Viên Hoa Sen
-
Những địa điểm Nổi Tiếng để Ngắm Hoa Sen (Toàn Quốc) | Kokoro VJ
-
Một Số điều Kiêng Kỵ Trong Văn Hóa Tặng Hoa Người Nhật
-
TÍN NGƯỠNG THẦN ĐẠO GẮN LIỀN VỚI VĂN HÓA NHẬT BẢN
-
Hình Tượng Hoa Sen Trong Văn Hóa – Nghệ Thuật Việt Nam
-
Ý Nghĩa 22 Loài Hoa Nổi Tiếng ở Nhật Và điểm Danh Một Số địa điểm ...
-
Ý Nghĩa Của Hoa Sen Trong đời Sống Văn Hóa Việt Nam
-
Giao Lưu Hoa Sen Việt Nam - Nhật Bản