Họa Sĩ Bùi Duy Khánh “không Cho Qua Vụ Chép Tranh“
Có thể bạn quan tâm
Bức tranh của họa sĩ Bùi Duy Khánh bị Lân Vũ Gallery sao chép
Nhập nhèm đổi trắng, thay đen
Ngày 20/5, cửa hàng Lân Vũ Gallery (11 Xã Đàn, Hà Nội) bị phát hiện chép tranh của họa sĩ Bùi Duy Khánh. Khi họa sĩ lên tiếng tố cáo thì sáng 21/5, chủ phòng tranh lập tức xin lỗi. Toàn bộ các tin nhắn xin lỗi và chứng cứ hủy tranh đã được gửi tới họa sĩ Bùi Duy Khánh vào tối ngày 21/5. Khi được hỏi về việc đền bù cho họa sĩ, Lân Vũ Gallery nói sẽ trao đổi cụ thể với họa sĩ Bùi Duy Khánh.
Tuy nhiên, đến sáng 23/5, Lân Vũ Gallery bỗng xóa lời xin lỗi công khai đã viết lên hôm 21/5, bao gồm cả phần hứa sẽ trao đổi về việc đền bù với họa sĩ. Rất may là nhiều họa sĩ đã cùng chụp lại được lời hứa hẹn này làm bằng chứng.
Chiều 23/5, Lân Vũ viết một status khác, với nội dung: “Quan điểm của tôi là khi chép tranh bán tôi đều bắt nhân viên ghi rõ tranh chép (nếu chép), bức tranh này do nhân viên download trên mạng nên không rõ tác giả, Thay mặt gallery một lần nữa tôi thành xin lỗi tác giả của tác phẩm! (Nguyên văn các lỗi sai), nhưng vì bị các họa sĩ vào mắng mỏ quá nhiều nên sau đó Lanvu Gallery lại xóa đi.
Tối 23/5, Lân Vũ Galery viết một thông báo mới, nội dung khác hẳn so với trước đó: “Đây là toàn bộ cuộc hội thoại giữa Lanvu Gallery và hs Bùi Duy Khánh, cam ơn a đã bỏ qua cho đơn vị Lanvu Gallery ạ!” – Dẫn nguyên văn lời của Lanvu Gallery (bao gồm cả lỗi chính tả), được post lên nhóm công khai Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa lúc chiều tối ngày 23/5, không đề cập gì đến chuyện đền bù.
Lân Vũ Gallery xóa 2 lời xin lỗi, không thừa nhận sai phạm và chỉ viết "cảm ơn họa sĩ đã bỏ qua" |
Qua lời xin lỗi ngọt ngào hôm 21/5, ai cũng tưởng rằng đối tượng vi phạm đã biết lỗi. Lợi dụng sự nhân văn và đồng ý bỏ qua của họa sĩ, Lân Vũ Galery lắt léo, đổi trắng thay đen, “phản pháo” cho rằng mình không sai.
Sự việc khiến rất nhiều họa sĩ bức xúc. Họa sĩ, nhà điêu khắc Đỗ Hồng Hạnh ngạc nhiên: “Làm sai còn lấp liếm thế này mà bảo chân thành xin lỗi á? Theo tôi là nên xử lý”. Họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng bức xúc cho rằng: “Chỉ là những lời quanh co, bao biện, lộ rõ bản chất…”
Họa sĩ Đỗ Hồng Hạnh cung cấp thêm các chứng cứ phía Lân Vũ Gallery cho rằng mình chép tranh của các họa sĩ là bình thường, và “cũng có những họa sĩ lớn đi lên từ chép tranh cả đấy”.
Là người sáng lập ra nhóm Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa (chính thức lập ra từ ngày 3/5/2019, sau khi phát hiện ra bức tranh Ao sen bị xâm phạm bản quyền quá nhiều lần), họa sĩ Bùi Trọng Dư miệt mài kêu gọi các họa sĩ và luật sư, nhà báo cùng chung tay trong công cuộc chống vi phạm tác quyền, tố cáo những hành vi sai trái.
Họa sĩ Bùi Trọng Dư gửi gắm tâm nguyện: “Vì một nền Mỹ thuật Việt phát triển lành mạnh, xóa bỏ đi thói quen xấu “dùng chùa”, xâm phạm bản quyền, “ăn cắp” chất xám”.
Cần xử lý mạnh tay những “con sâu…”
Họa sĩ Đặng Việt Long từng bị xâm phạm bản quyền quyết liệt đưa ý kiến: “Vấn nạn này là vấn nạn chung, chống xâm phạm bản quyền là mục đích để trang này được lập nên thì hãy làm đúng như vậy và đi đến cùng. Và nữa, vì người khác cũng là ngăn ngừa cho chính mình. Cuộc đấu tranh vẫn còn gian nan, cần chung tay và quyết tâm của tất cả. Nếu chỉ là đấu tranh nửa vời, dễ dàng buông xuôi mà cho qua thì mãi mãi không bao giờ có kết quả. Khi đó điệp khúc đạo - tố - xin lỗi - cho qua vẫn tiếp diễn chưa biết đến khi nào”.
Trao đổi mới nhất với VietTimes, họa sĩ Bùi Duy Khánh tuyên bố “không cho qua” vụ việc vi phạm bản quyền tranh của anh đã bị Lân Vũ Gallery sao chép. Họa sĩ Bùi Duy Khánh đang làm việc với luật sư để gửi văn bản chính thức tới Lân Vũ Gallery, đồng thời gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng, yêu cầu làm rõ những vi phạm tại Lân Vũ Gallery.
Bức tranh nguyên gốc của họa sĩ Bùi Duy Khánh bị sao chép |
Các họa sĩ càng bức xúc hơn khi chủ cửa hàng Lân Vũ Gallery tự nhận là có vẽ tranh. Nhiều họa sĩ nhận xét đó là "nỗi xấu hổ cho những người làm nghề".
Trả lời phỏng vấn của VietTimes, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi hy vọng: “Các trường Đại học Mỹ thuật nên đưa vào giảng dạy môn Đạo đức, để các sinh viên hiểu thêm rằng muốn trở thành người sáng tác nghệ thuật phải có đạo đức tốt để thực hiện cái Đẹp trong sáng. Ra trường, mở phòng tranh, “ăn cắp” sự sáng tạo của người khác làm của riêng, còn lật lọng, tráo trở thì những tâm hồn tàn tật ấy không xứng đáng làm mỹ thuật”.
Họa sĩ Đinh Thanh Vân (Vân Hoa) bày tỏ sự ủng hộ khi cuộc đấu tranh sẽ còn kéo rất dài, cần mọi người chung tay với các họa sĩ có tranh bị vi phạm. Theo họa sĩ Đinh Thanh Vân: “Càng ngày càng phát hiện ra nhiều vụ việc xâm phạm bản quyền các tác phẩm nghệ thuật, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh vài vụ để răn đe những người còn có ý đồ tương tự”.
Trả lời VietTimes, họa sĩ-nhà điêu khắc Đỗ Hồng Hạnh khẳng định các họa sĩ không nản lòng trong cuộc đấu tranh với những vi phạm tác quyền: “Cần có chế tài xử phạt và thực thi pháp luật sẽ hạn chế việc sao chép hỗn loạn thế này” – Họa sĩ Đỗ Hồng Hạnh nói.
Theo Viettimes
Từ khóa » Họa Sĩ Chép Tranh
-
Vấn Nạn Sao Chép Tranh: Các Họa Sĩ Hãy Khởi Kiện! | VOV.VN
-
Nghề Chép Tranh | Talent Community - CareerBuilder
-
Đạo Tranh, Chép Tranh: Vấn đề Nhức Nhối Trong Giới Mỹ Thuật Việt
-
Sao Chép Trong Hội Họa: Ăn Cắp Hay Công Cụ Học Tập? - IDesign
-
Có Một "đại Công Xưởng" Sao Chép Tranh Tại Trung Quốc - VnEconomy
-
Hoạ Sĩ đa Tài Suýt Bị Tử Hình Vì Tranh Giả - VnExpress
-
Tranh Giả, Sao Chép Tranh Vẫn Phổ Biến - Báo Thanh Niên
-
Chép Tranh Là Không Biết Vẽ
-
TUYỂN HỌA SĨ CHÉP TRANH SƠN... - Tranh Sơn Dầu Thế Kỷ 21
-
Trần Anh Trụ - "Vua" Chép Tranh Tại Thành Phố Hồ Chí Minh
-
Tranh Chép, Tranh Giả: Vẫn Chưa Có Lời Giải - Tiền Phong
-
Vấn Nạn Tranh Giả, Tranh Chép - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
Tranh Nhái, Tranh Chép Ngày Càng Ngang Nhiên