Họa Sĩ Gió: Nỗi Khát Khao Mong được Nói Thành Lời - 9 Penguins
Có thể bạn quan tâm
Có những cảm nhận chất chứa trong lòng, muốn nói ra mà không biết phải nói làm sao. Có lúc mình đã thử viết chúng ra thì lại thấy nhạt nhẽo, vụng về, không thể hiện hết cảm xúc cứ loanh quanh trong tâm trí, cuối cùng đành im lặng mà tự thưởng cảm mãi thôi. “Họa sĩ gió” chính là cho mình cảm giác ấy.
Đắm chìm trong đó, mãi rồi cũng phải viết ra thế này.
Mình nhớ trong phim có đoạn hỏi rằng hội họa dùng để làm gì. Và câu trả lời của Yun Bok là “chẳng phải để bộc lộ khát khao của người vẽ đó sao?”. Giây phút ấy, ánh mắt Yun Bok mông lung, tha thiết, như đang nói lên những suy tư nghiền ngẫm từ tận sâu trong tâm khảm. Trong suốt cả bộ phim, những tác phẩm của Shin Yun Bok và Kim Hong Do không chỉ cho thấy những góc nhìn tài tình mà còn ẩn chứa những thông điệp sinh động và nhiều niềm mong mỏi sâu xa.
Mình nghĩ nhân vật Shin Yun Bok được đặt vào một hoàn cảnh thật đặc biệt, được thể nghiệm một tình huống khó có thể xảy ra trong đời: được nuôi dạy như một nam nhi từ khi còn bé. Dù vẫn ý thức bản thân là cải nam trang (nên phải che giấu cơ thể đặc biệt của mình) nhưng mọi cử chỉ, ánh nhìn, suy nghĩ của Yun Bok đều được tôi rèn như một cậu bé đúng hiệu. Một tâm hồn nam nhi trong một cơ thể nữ nhi, số phận éo le này đã cho Yun Bok một cảm xúc rất riêng trong tư tưởng, góc nhìn và phong cách vẽ.
Người tình của họa công này vì thế cũng thật đặc biệt. Jeong Hyang, nàng ca kỹ chỉ bán nghệ mà không bán thân, có thể để lại cho bất cứ người xem nào cảm giác thương yêu, ngưỡng mộ mà cũng không kém xót xa. Ánh nhìn của cô cao cao, kiêu kỳ, không chút kiêng dè nể nang. Cô luôn ý thức rõ giá trị, tài năng của bản thân và tuyệt đối giữ vững nguyên tắc của mình. Mình rất thích cách cô đối đáp trong buổi tiệc sinh nhật của trưởng lớp họa Jang Hyo-won hay khi gặp ông chủ giàu có Kim Jo-nyun. Cô phớt lờ tất cả sự mời mọc, tán tỉnh nhưng lại rung động trước người họa công chỉ có 5 lượng tiền, người đã đưa cô vào những bức họa quý giá nhất.
Trong cảnh Yun Bok tâm sự về tình cảm của mình dành cho Jeong Hyang, người họa sĩ đã nói rằng nghĩ đến Jeong Hyang thì như nhìn thấy mình. Mình tự hỏi phải chăng Yun Bok đang nghĩ đến thân phận nữ nhi của bản thân? Đều là những con người tài hoa, nhưng Yun Bok nhờ giả trai mà có thể trở thành họa viên cung đình, còn Jeong Hyang chỉ có thể bán nghệ ở lầu xanh, cuối cùng bị mua bán như món hàng, dù được chiều chuộng song cũng chỉ là món đồ để người chủ đem ra khoe khi cần.
Những diễn biến tình cảm sau đó giữa 2 người thật không thể nào có thể lý giải về phương diện giới tính. Nhưng diễn xuất tuyệt vời của 2 diễn viên đã khiến mình bỏ qua mọi sự vô lý nhất trần đời này trong mối quan hệ lạ lùng ấy. Một tình yêu thuần khiết đẹp đến nao lòng. Tất cả nỗi nhớ nhung, yêu thương, trân trọng của Yun Bok dành cho Jeong Hyang đều được thể hiện qua tranh, dưới nhiều góc độ khác nhau: Jeong Hyang đánh đàn, Jeong Hyang trong bộ y phục đi đường, chiếc nón che nghiêng kiêu sa, Jeong Hyang bên trò chơi đánh đu, Jeong Hyang trong điệu múa kiếm, dáng vẻ tự tin chiến thắng. Dù trong bất kỳ hành động, trạng thái nào, cô cũng hiện lên thật đẹp. Còn với Jeong Hyang, dù Yun Bok mang thân phận nữ hay nam, thì đó vẫn là người họa công duy nhất trong lòng cô.
Nhân vật thứ 3 cũng khiến mình yêu thích trong phim là họa sĩ Kim Hong Do. Nói yêu thích thì có vài phần là do mình thích diễn viên thể hiện vai này, Park Shin Yang, từ phim “Chuyện tình Paris” rồi. Anh chàng mà xét về mức độ điển trai thì cũng bình thường thôi nhưng phong thái lại rất cuốn hút. Trong phim, anh hóa thân thành một Kim Hong Do lập dị mà tài năng, người thầy luôn giúp đỡ và bảo vệ cho Yun Bok. Trong tất cả những lần ra mặt cho Yun Bok, mình đặc biệt ấn tượng với cảnh Hong Do đến chất vất Shin đại nhân, cha nuôi của Yun Bok, rằng vì sao có thể làm một việc khủng khiếp đến như vậy, nuôi dạy một đứa trẻ lớn lên mà để nó sống cuộc đời nam không ra nam, nữ không ra nữ. Câu nói đó của Hong Do cho mình vỡ lẽ ra một điều thật tàn nhẫn: Yun Bok mãi mãi chỉ có thể mang thân phận nam nhi, vì Yunni đã không còn tồn tại. Hoặc giả có trở lại là Yunni, thì mình đoán là cũng phải sống cuộc đời tha hương, không gia đình.
Suốt 20 tập phim này, mình có thể xem liên tục mà không nhảy cóc bất kỳ chi tiết nào. Hai diễn viên nữ thể hiện vai diễn Shin Yun Bok và Jeong Hyang thì thật sự diễn quá giỏi. Làm sao có thể diễn vai nữ giả nam đạt đến vậy, đến mức khi Moon Geun Young mặc lại đồ nữ, mình lại nghĩ là nam đang giả nữ nữa cơ? Làm sao Moon Chae Won có thể hóa thân thành cô kĩ nữ xinh đẹp và mạnh mẽ, với những diễn biến tâm lý phức tạp đến thắt lòng, mà đây lại là một trong những vai diễn đầu tiên của cô?
Khi mình xem xong phim rồi, có một lần khi vừa dọn dẹp nhà cửa, vừa nhớ lại phim, cái cảnh mà Yun Bok ra đi một mình ấy, nhớ cả sự tức giận của Hong Do và lời nói của Vương đại phi, rằng một bức chân dung do một nữ nhân vẽ ra thì không xứng là họa chân của vua, tự nhiên lại rơi nước mắt. Cảm giác bi thương ấy, liệu có ai xem phim rồi chia sẻ với mình không?
Ảnh: Lấy từ trang: http://outsideseoul.blogspot.com
Chia sẻ:
- X
Từ khóa » Hoạ Sĩ Gió Review
-
[Review] Phim Truyền Hình “Painter Of The Wind”- “Họa Sĩ Gió”
-
Painter Of The Wind – Họa Sĩ Gió – Tóm Tắt | Hội Vũ Đường
-
Cảm Nhận Phim HỌA SĨ GIÓ (2008) Bộ... - Pansexual In Vietnam
-
[Lưu Trữ DienAnh.Net ][SBS 2008] The Painter Of The Wind – Họa Sĩ ...
-
Họa Sĩ Gió Là Gì? Chi Tiết Về Họa Sĩ Gió Mới Nhất 2021
-
Ta Phải Sống Bao Lâu Nữa để Có Thể Gọi Tên Nàng?
-
Moon Geun-young đóng 'les'? - Phim ảnh - Zing
-
[PHIM] Họa Sĩ Gió/ Painter Of The Wind (YB X JH Cut) - KIÊU DƯƠNG
-
Họa Sĩ Gió – Wikipedia Tiếng Việt
-
The Painter Of The Wind - Họa Sĩ Gió - 千里独行
-
LGBT Việt: Họa Sĩ Gió [FMV] Hình Dáng Của Nàng. - YouTube
-
[PHIM] Họa Sĩ Gió/ Painter Of The Wind (YB X JH Cut) - Bách Gia Trang