Họa Sĩ Nổi Tiếng ảnh Hưởng Nghệ Thuật Hội Họa Việt Nam

Tạp chí Heritage tổng hợp

Tái hiện lại vẻ đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam bằng cả trái tim, những người nghệ sĩ này đã tạo ra những bức tranh đầy tính nghệ thuật, nhưng vẫn mang đậm hồn cốt Việt. Dưới đây là những cái tên nổi bật đại diện cho tứ kiệt và tứ trụ thế hệ 2 của nền nghệ thuật hội họa Việt Nam. Cùng khám phá chân dung những nhân vật ghi dấu đậm nét trong “bản đồ hội họa” nước nhà nhé!

Nguyễn Gia Trí nâng tầm nghệ thuật hội họa Việt Nam

Nguyễn Gia Trí nâng tầm nghệ thuật hội họa Việt Nam, cụ thể là kỹ thuật sơn mài với bức Vườn Xuân (Nguồn: dainamax tribune – ảnh của Martin Muntzer)

1. Nguyễn Gia Trí (1908-1993)

Nguyễn Gia Trí là một trong những cây đại thụ của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ông đã mang đến một “cuộc cách mạng” cho sơn mài. Không ngoa khi khẳng định, ông chính là “cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam”.

Mặc dù ông có thể thực hiện vẽ các loại hình nghệ thuật khác nhau, nhưng chính những bức tranh sơn mài với những nét vẽ tinh tế, tả cảnh miền quê mộc mạc hay vẻ đẹp son sắt của người phụ nữ đã đem lại tên tuổi cho người họa sĩ này. Điển hình là bức “Thiếu nữ trong vườn”, “Lễ hội đầu năm” hay “Vườn xuân Trung Nam Bắc”…

nghệ thuật hội họa Việt Nam “Vườn Xuân Trung Nam Bắc"

Tác phẩm “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” được công nhận là bảo vật quốc gia của nghệ thuật hội họa Việt Nam (Nguồn: Reds.vn)

Đặc biệt, bức tranh “Phong cảnh” được sinh ra trong thời khói bụi bom đạn đã kích thích tình yêu nước của dân tộc Việt Nam. Một khung cảnh bình yên, mộc mạc, trù phú của sắc vàng óng ánh, không có dấu vết của chiến tranh chính là mong ước của người dân lúc bấy giờ. Không chỉ để lại những tuyệt tác trong nghệ thuật hội họa Việt Nam, ông còn góp phần thắp sáng tình yêu đất nước vô bờ bến.

2. Tô Ngọc Vân (1908-1954)

Cùng thời với họa sĩ Nguyễn Gia Trí, nhưng Tô Ngọc Vân đã chọn một lối đi riêng trong nghệ thuật hội họa để phát triển tài năng của mình. Ông được cho là người có công đầu tiên trong việc nghiên cứu kỹ lưỡng các kỹ thuật sơn dầu ở Việt Nam. Mong muốn của ông là “xây dựng một nền hội họa Việt Nam có tính chất dân tộc, phản ứng lại sự lan tràn của hội họa Pháp sang ta và để giành một địa vị mỹ thuật trọng yếu cho dân tộc trên thế giới…”

Chính từ tâm thế đó, những tác phẩm của ông đều truyền tải nét duyên dáng của người Việt Nam, điển hình là người phụ nữ đương thời. Tác phẩm tiêu biểu nhất phải kể đến chính là “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Hai thiếu nữ và em bé” (được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013). Đây là những kiệt tác gây tiếng vang trên cả trong và ngoài nước.

Tác phẩm “Bức thư” của Tô Ngọc Vân nghệ thuật hội họa Việt Nam

Tác phẩm “Bức thư” Tô Ngọc Vân chọn lối đi riêng trong nghệ thuật hội họa Việt Nam và được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Nguồn: danhhoa-tongocvan.blogspot.com)

Những bức tranh thể hiện sự tinh tế trong quan sát và sự tỉ mỉ trong kỹ thuật của ông mang tới vẻ đẹp thuần hậu, quyến rũ của phụ nữ Á Đông. Và đặc biệt, dù ở đỉnh cao, ông vẫn không ngừng trau dồi kiến thức cũng như kỹ thuật vẽ của phương Tây để cho ra những tác phẩm để đời cho nghệ thuật hội họa Việt Nam.

3. Nguyễn Tường Lân (1906-1946)

Thuần thục nhiều chất liệu được sử dụng trong các loại hình nghệ thuật hội họa, ông là số ít những họa sĩ thời bấy giờ có khả năng đưa các màu nguyên chất vào một sự hài hòa mang tính hư cấu, tượng trưng, giản dị và nhã nhặn, kể cả đối với tranh lụa. Hiện nay, các tác phẩm của ông còn sót lại rất ít. Tuy nhiên, thông qua những đường nét vẽ tinh tế, chúng ta vẫn thấy được tài năng nổi trội này.

Bằng bản năng hội họa, từ thập niên 1940, ông đã sớm thành thục phong cách nghệ thuật trừu tượng hóa. Tại Salon 1939 (SADEAI) có một bình luận đã nói nên cái tài của người họa sĩ kín tiếng: “…Nguyễn Tường Lân vẫn dí dỏm gẩy lên những nét vui tươi xinh xắn trên những đường toàn thể rất sơ sài”. Bức tranh “Hai thiếu nữ bên cửa sổ”, “Thiên nhiên”, “Trên đường Bắc Kạn”, “Chợ miền núi”, “Đôi bạn” gây tiếng vang lớn.

"Vầng trăng ai xẻ làm đôi” của Nguyễn Tường Lân nghệ thuật hội họa Việt Nam

Tác phẩm “Vầng trăng ai xẻ làm đôi” được lấy cảm hứng từ một câu thơ nổi tiếng (Nguồn: danhhoa-tongocvan)

4. Trần Văn Cẩn (1910 – 1994)

Xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương – cái nôi đào tạo danh họa lúc bấy giờ, ông là thủ khoa đầu ra của khóa VII (1931-1936) với bức sơn mài Tiễn anh khóa đi thi Hương. Dù theo học ngành sơn dầu, nhưng với niềm đam mê với tất cả loại hình nghệ thuật hội họa Việt Nam, ông đã không ngừng thử nghiệm nhiều chất liệu, thể loại khác nhau.

Với sự nghiên cứu đầu tư nghiêm túc, ở thể loại nào ông cũng có dấu ấn nhất định. Các tác phẩm “Em Thúy”, “Tát nước đồng chiêm”, “Gội đầu”… của ông được đánh giá rất cao.

Dù trước hay sau Cách mạng tháng 8, ông cũng đều thể hiện tinh thần yêu nước của mình qua các tác phẩm hội họa mang tính cổ động. Chính sự chân thực, không cường điệu hóa, mang đậm dấu ấn cá nhân trong phong cách hội họa của Trần Văn Cẩn đã đưa những tác phẩm của ông đến gần hơn với người dân cũng như gặt hái nhiều vinh quang.

“Tình yêu đầu tiên” của Trần Văn Cẩn nghệ thuật hội họa Việt Nam

Tác phẩm “Tình yêu đầu tiên” của Trần Văn Cẩn được đánh giá cao trong nghệ thuật hội họa Việt Nam (Nguồn: Thể thao Văn hóa)

5. Nguyễn Tư Nghiêm

Nếu nhắc đến những trụ cột của nghệ thuật hội họa Việt Nam mà bỏ qua Nguyễn Tư Nghiêm thì quả là một thiếu sót lớn. Với tình yêu dành cho mỹ thuật truyền thống phối hợp cùng kỹ thuật hội họa phương Tây, danh họa bậc thầy này đã góp phần định hình nền mỹ thuật Việt Nam.

Tại Hà Nội, cố họa sĩ có một bảo tàng riêng, trưng bày những bức tranh hội họa đặc sắc, là niềm tự hào của ông cho đến cuối đời. Tài năng của Nguyễn Tư Nghiêm thể hiện qua sự đặc trưng trong bút pháp hiện đại pha lẫn với tính cổ truyền, cũng như với văn hóa dân gian cội nguồn của ông.

Mặc dù rất thành công với sơn dầu, chì than, ông vẫn trung thành nhất với sơn mài, về sau là bột màu để thể hiện được nét tinh tế cũng như sự nhạy cảm của ông với những cảm hứng xung quanh. Tác phẩm để đời của ông trong nền nghệ thuật hội họa Việt Nam có thể kể đến: “Điệu múa cổ”, “Gióng”, “Xuân Hồ Gươm”… đều lấy giá trị văn hóa truyền thống làm gốc.

“Điệu múa cổ” của Nguyễn Tư Nghiêm nghệ thuật hội họa Việt Nam

Bức tranh “Điệu múa cổ” của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm góp phần định hình nền nghệ thuật hội họa Việt Nam (Nguồn: DCGallery)

Đến tận cuối đời, những cố họa sĩ này vẫn ngày đêm chuyên cần với các bản phác thảo. Không chỉ là những tác phẩm đáng giá, họ đã giúp định hình một nền nghệ thuật hội họa Việt Nam giàu tính dân tộc trong bản đồ nghệ thuật hội họa thế giới.

Bài viết liên quan:

  • Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình – người lính trẻ nổi tiếng với tranh về đề tài phụ nữ và trẻ em
  • Top 9 thể loại nghệ thuật đường phố đặc sắc tại Việt Nam
  • Tranh kính Nam Bộ

Từ khóa » Họa Sĩ Hiện đại Việt Nam