Tự tôi bước qua cổng theo cảm giác trong ánh sáng đèn dầu hắt ra soi con đường nhỏ. Đêm tối như bưng. Đèn ngoài đường cũng lom đom vàng vọt. Ngôi nhà hắn như một con tàu ba tầng dựng đứng trước mặt. Phía trước có một bóng con gái mặc áo trắng bất ngờ hiện ra. Trái tim tôi đập nhanh nhưng vẫn lờ mờ nhận ra đây là người dẫn đường vào lối cửa "Nhà tù".
Tôi vội bước theo trong tiếng nhạc ri rỉ vọng từ góc tối nào đó. Tôi đã đứng trước cửa căn phòng. Cô gái áo trắng mất hút sau cột đá. Tôi ngần ngừ chưa dám bước qua vì thấy một bóng người đàn ông sẫm đen đứng tựa vào một khung gỗ bên phải như một bức tranh bất động. Lát sau người đàn ông ấy bước ra từ khung tranh nói oang oang mời tôi vào. Hóa ra đó chính là hắn vừa ôm mấy chai bia về từ cổng sau.
Một ánh sáng nửa vàng nửa xanh được bật lên. Cặp kính cận cũng long lanh lộ rõ cặp mắt hắn sáng như mắt mèo rình mồi trong đêm tối. Rõ là nom hắn hiền lành lắm khi mới gặp hồi chiều. Hắn đặt mạnh mấy chai bia trên chiếc bàn dài và thấp vuông như chiếc quan tài. Tôi ngờ ngợ hình dung. Nhưng đó chính là chiếc quan tài thật. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ đây. Hắn kể hồi nhỏ chơi trò trốn tìm đã nấp trong chiếc quan tài của ông dưới bàn thờ.
Ai ngờ một cảm giác bấn loạn ập đến khi nắp chiếc quan tài sập xuống. Không gian u tối cho dù có những khe hở lấp lóe tia sáng. Hắn nói ký ức đó chỉ là dấu ấn tuổi thơ nhưng sự ám ảnh của những chiếc quan tài sau này còn đọng lại dữ dội khi cái chết luôn rình rập. Đó là những ngày hắn cầm súng chiến đấu trên biên giới giữa thập niên 80. Hắn suýt chết tới bốn lần và khênh những chiếc quan tài chôn đồng đội đã hy sinh vì tổ quốc.
Giải ngũ (1986) hắn căng mình thực hiện bức tranh khắc "Biên giới" khổng lồ dài 3 mét để triển lãm. Sau đó rời quê Phú Thọ hắn cắp sách đi học Đại học Mỹ thuật (tốt nghiệp năm 1992). Hình ảnh chiếc quan tài vẫn còn ám ảnh hắn đã dẫn đến tác phẩm điêu khắc và sắp đặt "Đồng đội". Cảm giác ngột ngạt gần kề với cái chết đã mang theo suốt cuộc đời hắn. Cuối cùng trong một đêm điên rồ hắn bắt đầu khai mở cuộc chơi sắp đặt đầy ám ảnh mới lạ. Đó chính là "Những chiếc thùng rỗng" với 5 tấn gỗ được lắp ghép và bài trí tạo nên tác phẩm chiếm cả một căn phòng trong cuộc viễn du Hà Nội (Triển lãm "Hợp thể" ba tác giả trẻ-2011).
Ngay sau đó hắn dẫn tôi vào một phòng trưng bày bên cạnh. Ở đó những chiếc thùng rỗng sắp đặt tự nhiên và gác lên nhau như những dấu chấm than khổng lồ. Những con mắt tròn lấp ló bên thành thùng rỗng giống như quan tài đã cất lên tiếng nói. Chúng hỏi rằng niềm hy vọng của con người bắt đầu từ đâu?. Tôi mụ mị với những con mắt rỗng và tưởng tượng như đang nằm trong chiếc quan tài. Giọng nói hắn lại rè rè rầm rì nửa nói nửa hát. Từng âm sắc rít lên rằng sự hiện hữu của cái "Không".
Còn ánh sáng hy vọng lại lom đom qua lỗ thủng. Cái sắc sắc không không đây ư? Một không gian rỗng mà lại đặc quánh triết lý phật pháp ngân lên trong tiếng mõ: "Một phen gió nghiệp dừng/ Thân này như khúc gỗ". Thì ra hắn đã thiền sau những năm tháng bay ngang qua cái chết. "Những chiếc thùng rỗng" của hắn đã gây sửng sốt bao người về sinh tử: "Bao nỗi buồn vui, sinh, tử, mộng/ Tan biến trong sương ngọn gió lùa".
Cai ngục
Thực ra cuộc chơi nghệ thuật sắp đặt của hắn bắt đầu khá sớm. Khi gia đình dắt díu vào Vũng Tàu mưu sinh mua được mảnh đất từ năm 1995 thì hắn mới dần phát hiện ra mình sẽ dậy sóng ở trò chơi bày đặt kỳ thú. Hắn nhớ mảnh đất mua được vẫn còn lưu giữ mấy cột đèn trong vườn. Tiện treo hay gá tranh lên thấy hay và gợi chút thú vị. Sự sắp đặt hồn nhiên mách bảo những ẩn số đang dần được giải mã trong trò chơi nghệ thuật hiện đại.
Cảnh bên ngoài “nhà tù Văn Ngọc”. Hắn lần mò đi kiếm các khúc gỗ trôi dạt ngoài biển đem về bày đặt. Không ngờ cái gồ ghề góc cạnh và sần sùi của gỗ đã đem lại cảm giác về cái đẹp của sự đổ vỡ. Và hắn sớm nghĩ tới xử lý chúng vào tác phẩm sắp đặt của mình. S
ân vườn và khu đất chừng 300 mét vuông bắt đầu đầy gỗ, sắt như một nhà buôn đồng nát. Những bộ hình đã dựng lên với những cách thể hiện đầy mỹ cảm với chất liệu đã tàn phai theo thời gian. Sự bất ngờ với chính hắn vì sự tìm ra ngôn ngữ hội họa mới. Hắn biến ngôi nhà đang ở thành "Prison Văn Ngọc", vừa là cai ngục vừa là tù nhân, một mình mỗi cõi cô đơn.
Rồi bất ngờ hắn làm xôn xao giới mỹ thuật qua tác phẩm "Dư chấn" (2005). Một cuộc chơi khổng lồ tạo một không gian âm vang tiếng gào thét của con người. Hắn muốn chia sẻ tâm cảm đầy đau xót với hàng trăm ngàn người bị chết trong cơn động đất và sóng thần kinh hoàng ở Ấn Độ dương (2004). Bố cục tác phẩm sắp đặt "Dư chấn" tập trung trong một khung gỗ với kích cỡ (7mx12m). Bên trong có 40 tấm gỗ (40cmx50cm) được dán đính lên những mẩu xương hay khắc họa những con mắt hoặc bao bố được xé phủ lên khung gỗ. Hàng trăm thân phận và nỗi đau con người được kể lại trên mỗi tấm gỗ được treo lên. Chúng tạo nên những con mắt vuông bày tỏ sự chia sẻ với nỗi đau của nhân loại. Bên ngoài khung gỗ còn có 1000 bông hoa hồng xếp xung quanh bảy tỏ sự tiếc thương khôn nguôi.
Ngay lập tức "Dư chấn" gây tranh cãi bùng nổ. Bởi từ xưa đến nay chưa có một tác phẩm mỹ thuật nào tổng hợp như thế. Ở thời điểm này nghệ thuật sắp đặt vẫn còn mới mẻ ở nước ta. Nhưng cuối cùng hội đồng nghệ thuật bất ngờ trao giải A (Triển lãm khu vực miền Đông Nam Bộ). Sau đó tác phẩm còn được Hội Mỹ thuật trao giải B cùng năm. Lần đầu tiên nghệ thuật sắp đặt được vinh danh ở nước ta. Đó là cuộc chơi nghệ thuật sắp đặt kết hợp điêu khắc và hội họa gắn với cái tên Văn Ngọc.
Từ đó hắn cứ lầm lũi một mình với những bố cục làm mê hoặc lòng người. Hàng chục tác phẩm mới ra đời gấy ấn tượng khó quên. Hắn kể tôi nghe, nào là sắp đặt "Vũ Trụ" (bày ở TP HCM), "Rằm" bày ba đêm ở Hội An, "Đêm thánh" (Vũng Tàu); hay đó còn là "Trôi" bày tại Bình Dương, "Đảo" (Vũng Tàu); hoặc "Sự bất đồng" sắp đặt ở Toulouse (Pháp). Trong đó có "Những chiếc thùng rỗng" (Hà Nội-2011)...Hắn thui thủi chơi một thứ nghệ thuật giàu tưởng tượng và rất thâm sâu mỹ lệ.
Đó là sự ám ảnh của những vật liệu bị bỏ rơi hoen mốc theo thời gian. Nhưng hắn đã làm chúng có những thân phận mới đầy ắp nỗi niềm nhân gian và thời cuộc. Giờ đây tất cả hiện diện ngạo nghễ trong mỗi căn phòng của "Nhà tù Văn Ngọc". Tôi dò dẫm trong hồn vía của hắn kỳ dị và đầy mơ mộng qua từng góc nhỏ. Ở mỗi phòng giam hắt lên tiếng thở dài cùng những con mắt rỗng ngơ ngác ánh lên từ khối gỗ. Bất chợt đâu đó vang lên giai điệu trễ nải của cuộc viễn du trong ca khúc Trịnh Công Sơn.
Xin trả nợ người
Chúng tôi cùng đi vào một "phòng giam" những bảng gỗ treo bằng dây thừng từ trên cao. Đó là hình bàn chân được sơn khắc trên mỗi phiến gỗ cũ. Bốn mươi bàn chân từ to đến nhỏ dần đung đưa trước mặt tôi. Ngoái lại hắn lặn đâu mất tăm.
Giọng hát của Khánh Ly trầm ấm vang lên trong sự mệt mỏi hoài vọng: "Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt... Rọi suốt trăm năm một cõi đi về..." (“Một cõi đi vê”-Trịnh Công Sơn). Chung quanh phía dưới là những cột gỗ dựng đứng như muốn chao đảo cùng những bàn chân. Hắn có biệt tài biến hóa những mảnh gỗ hay cọc sắt ngấm nước biển thành những linh hồn.
Đúng như có người nói gỗ cũ là mối duyên nợ của hắn. Nhất là sự nứt nẻ, cong vênh, gãy vỡ của gỗ luôn đem lại một đời sống mới qua con mắt cú vọ của hắn. "Nhà tù" chính là nơi giam hãm hắn để được tự do sáng tạo làm nghệ thuật sắp đặt. Hắn là người số một nếu không nói là người đầu tiên đi tiên phong và thành tựu ở bộ môn này. Ai nhắc đến điều đó hắn cười khảy và nhấc cặp kính cận lên nhìn về phía biển rất xa. Lòng hắn chỉ một bề muốn bù đắp cho những gì đã bị chôn vùi và lãng quên.