Hoa Sò Huyết Nhuận Phế - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Hoa sò huyết thuộc họ thài lài, còn có tên khác là lẻ bạn, bạng hoa, là một cây thảo, sống nhiều năm, cao 30 - 40cm, phủ bởi bẹ lá, không phân nhánh. Lá dài 18 - 28cm, rộng 3 - 5cm, không cuống, có bẹ; mặt trên lá màu lục, mặt dưới có màu tía. Cụm hoa hình tán dựng trong 2 cái mo úp vào nhau, nom như sò. Hoa có lá đài, 3 cánh hoa màu trắng vàng, quả nang dài 3 - 4mm, 3 ô, mở thành 3 mảnh vỏ, chứa một hạt có góc và cứng. Cây ra hoa vào mùa hè. Được trồng làm cảnh ở nhiều nơi, nhất là các thành phố, trong công viên, vườn gia đình.

Bộ phận được sử dụng làm thuốc là hoa dùng tươi hoặc phơi khô. Theo y học cổ truyền hoa sò huyết có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, cầm máu, nhuận phế, giảm ho, giải độc.

Cây hoa sò huyết.

Sau đây là một số bài thuốc đơn giản

Bài 1: Hỗ trợ điều trị viêm khí quản: Hoa sò huyết 15g, rửa sạch, thái nhỏ, trộn với đường phèn hoặc mật ong 10g. Đem hấp cách thủy trong 15-20 phút. Để nguội, uống làm 2-3 lần trong ngày.

Hoặc có thể áp dụng cách sau: Hoa sò huyết 15g, vỏ núc nác 5g, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Bài 2: Chữa ho do phế nhiệt, đờm vàng, đặc khó khạc ra: Hoa sò huyết 30-40g, để tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống hoặc phơi khô, sắc lấy nước đặc uống làm một lần trong ngày, dùng liền 3 ngày.

Bài 3: Chữa cảm sốt, ho, đau đầu: Hoa sò huyết 15g, rễ cây chòi mòi 10g, vỏ cây kim phượng hoa vàng 10g, phơi khô, thái nhỏ, sắc sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Uống 3-5 ngày.

Bài 4: Chữa tiểu tiện không thông: Hoa sò huyết 15g, diếp cá 15g, rau má 20g, rễ cỏ tranh 10g, râu ngô 10g. Tất cả dùng tươi, rửa sạch, sắc uống ngày một thang, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 7 ngày.

Bác sĩ Nguyễn Huyền

Từ khóa » Tác Dụng Của Cây Sò Huyết