Hoa Sở - Nét đặc Trưng Miền Biên Viễn Quảng Ninh

Hoa sở là loài hoa đặc trưng của núi rừng biên giới Đông Bắc

“Chiều biên giới, khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây”, “Lối đèo xưa hoa sở trắng bên đồi”, loài hoa của núi rừng biên giới đã đi vào nhiều câu thơ bài hát với những hình ảnh đẹp. Với nhiều đồng bào Dao, Tày, Sán Chỉ ở huyện Bình Liêu, cuộc sống thường ngày gắn bó mật thiết với tán rừng sở. Cây sở (hay còn gọi là cây dầu chè, trà mai hoa) có giá trị sử dụng đa dạng, rễ cây dùng trị đau dạ dày; rễ và vỏ dùng để trị gãy xương, bong gân; vỏ phơi khô được dùng làm chất đốt, thuốc nhuộm.

Với quả sở, các gia đình bản địa vẫn truyền nhau bí quyết ép hạt lấy dầu, thường dùng làm dầu ăn hay thuốc y dược. Đây cũng là giá trị lớn nhất của cây, bởi dầu sở được coi là có giá trị dinh dưỡng không thua kém dầu oliu, có chứa nhiều omega 3, 6, 9, có thể tăng cường sức đề kháng, chống ung thư, giảm béo,... Thậm chí, bã sở sau khi ép dầu vẫn được dùng để làm sạch đầm tôm, làm phân bón nông nghiệp chất lượng cao.

Mặc dù có giá trị lớn như vậy nhưng trong một thời gian dài, diện tích rừng sở ở Bình Liêu đã bị suy giảm mạnh. Đất rừng phần lớn nhường chỗ cho cây keo hay hồi, quế. Bà Lê Thị Thu Hương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Liêu cho biết: "Hiện nay sau khi xác định được các giá trị của cây sở đem lại thì huyện Bình Liêu đã có những chính sách để khuyến khích khôi phục phát triển lại cây sở. Đặc biệt là từ năm 2014 huyện đã thực hiện dự án Khôi phục phát triển cây sở trên địa bàn huyện đến năm 2020 với quy hoạch diện tích trồng khoảng 1.700ha, trồng mới 1.500ha."

Hỗ trợ đến 70% giá cây giống, hỗ trợ phát triển sản xuất theo các chương trình xây dựng Nông thôn mới và chương trình 135, huyện Bình Liêu đã thu hút được sự vào cuộc của đồng bào. Rừng sở dần phủ xanh lại núi rừng, đến nay đã có tới hơn 400ha tập trung tại xã Đồng Tâm. Cùng với đó, huyện cũng khuyến khích các hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm từ cây sở, thu mua và tiêu thụ quả sở tại chỗ. Hiện giá bán dầu sở trên thị trường khá cao, khoảng 400 nghìn đồng/lít, ngày càng được người tiêu dùng biết đến và phản hồi khá tích cực.

Hoa sở gắn bó với cuộc sống của đồng bào các dân tộc Bình Liêu từ lâu

Sản phẩm dầu sở đang được biết đến ngày càng rộng rãi hơn

Bên trong xưởng sản xuất tuy nhỏ nhưng máy móc hoạt động liên tục hết công suất, ông Hoàng Tiến Thắng, HTX Phát triển xanh - 1 trong 2 cơ sở duy nhất ép dầu sở tại Bình Liêu hồ hởi: "Giờ Hợp tác xã mới chỉ sản xuất đủ bán, 2.000 - 3.000 lít 1 năm. Sản phẩm dầu sở hiện chủ yếu là bán lẻ tại các cửa hàng OCOP, đi hội chợ nhiều nơi. Dầu này rất tốt, các cụ đã dùng từ lâu đời rồi."

Năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được một doanh nghiệp của Pháp tới nghiên cứu đầu tư. Công ty TNHH Nor - Feed tại Việt Nam đề xuất xây dựng nhà máy chế biến dầu sở và sản xuất dược liệu tại Bình Liêu với công suất 30-50 nghìn tấn hạt sở/năm, vốn đầu tư 1,2 triệu USD. Để đáp ứng cho nhà máy, 3.000ha cây sở đang được tích cực triển khai. Dầu sở miền biên giới Quảng Ninh sẽ sang Pháp, thị trường châu Âu trong tương lai gần.

Hiện nay Bình Liêu chỉ có 2 cơ sở sản xuất dầu sở, quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng

Hoa sở nở trắng rừng mỗi dịp tháng 12 là cơ sở để Bình Liêu tổ chức Hội hoa thu hút hàng vạn khách du lịch

Sau nhiều năm chìm giữa những tán rừng, người ta ngỡ ngàng nhận ra những giá trị lớn của cây sở, cũng như ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của hoa sở bạt ngàn nở trắng rừng mỗi khi đông về. Hoa sở tựa như hoa chè nhưng lớn hơn nhiều, màu trắng muốt, nhụy vàng ươm, hương thơm man mác. Hoa nở kín cành, phủ lên núi đồi một màu trắng tinh khôi, mộc mạc. Đây là cơ sở để Bình Liêu tổ chức Hội hoa sở từ năm 2015, vừa tôn vinh loại cây trồng bản địa, vừa kết hợp giao lưu văn hóa các dân tộc, giới thiệu các sản phẩm độc đáo của địa phương. Dưới tán rừng sở, những cô gái Tày gảy đàn tính hát điệu then, trai gái Sán Chỉ gọi nhau hát soóng cọ mời khách phương xa.

Ông Đặng Bá Bắc, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết: "Hội hoa Sở tạo ra một hiệu ứng rất cao cho việc phát triển du lịch, đem lại giá trị về thương mại dịch vụ cho Bình Liêu trong những năm vừa qua. Từ chỗ chưa ai biết đến Bình Liêu thì mỗi năm đã đón 5 vạn, năm nay là 6 vạn du khách. Đặc biệt năm 2018 là Năm du lịch Quốc gia do Quảng Ninh đăng cai, tôi tin chắc rằng khách đến với Bình Liêu sẽ đông hơn nữa."

Theo ước tính, có khoảng 1 vạn khách đến với Bình Liêu dịp Hội hoa sở 2017 vừa qua. Hội hoa sở đang dần trở thành thương hiệu của Bình Liêu, một sản phẩm du lịch mới thu hút du khách đến với vùng cao. Cùng với những loại nông sản độc đáo khác, cây sở sẽ góp phần mở rộng vùng dược liệu trên địa bàn Quảng Ninh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, từ đó nâng cao đời sống đồng bào nơi biên cương xa xôi.

Từ khóa » Hoa Sỡ