Họa Từ Tiêm Thuốc Tan Mỡ - VnExpress Sức Khỏe

Cơ thể vẫn còn những vết sẹo rất lớn, thỉnh thoảng rỉ dịch, cô "chỉ mong thời gian quay trở lại để không tiêm thứ khủng khiếp này vào người".

Năm ngoái, Thanh bị thu hút bởi quảng cáo "giảm mỡ từ trong nội tạng" của một "thẩm mỹ viện quốc tế" tại quận 1. Cơ sở này giới thiệu chỉ với một liệu trình tiêm duy nhất, "một giấc ngủ say, đánh bay rổ mỡ", không cần phẫu thuật, không ăn kiêng, không tập luyện, không nghỉ dưỡng, không tăng cân trở lại. Nhân viên tư vấn sẽ dùng thuốc tan mỡ nhập từ Anh, tiêm một đợt, ba tháng sẽ có vòng eo đẹp.

"Cơ sở thẩm mỹ viện rất khang trang ở ngay quận trung tâm thành phố nên tôi rất tin tưởng, nghĩ là nơi này làm ăn đàng hoàng", Thanh nói. Cô mua gói dịch vụ hơn 13 triệu đồng, được tiêm dung dịch pha loãng vào bốn vị trí ở bụng, hông, không rõ liều lượng và loại dung dịch gì.

Sau khoảng 10 ngày, vùng tiêm bắt đầu sưng tấy. Theo liệu trình, cô trở lại cơ sở thẩm mỹ để massage bụng "giúp tăng hiệu quả". Sau đó, tình trạng nặng dần, đơn vị này đưa Thanh đến bệnh viện khác điều trị. Trong hai tháng, cô phải phẫu thuật 5 lần ở 3 bệnh viện. Lần mổ thứ 5, bệnh nhân mất máu quá nhiều, nguy kịch, các bác sĩ chỉ khâu vết thương. "Tôi tuyệt vọng, cứ nghĩ không sống được", Thanh chia sẻ.

Cô được gia đình đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, đầu tháng 7/2021, với những vết thương tạo thành các ổ áp xe rất lớn, chảy mủ và máu liên tục. Khi ấy, Thanh là một trong ba bệnh nhân bị biến chứng rất nặng đến điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau tiêm thuốc tan mỡ. Ngoài một cuộc đại phẫu, các bác sĩ nơi đây thực hiện vô số lần tiểu phẫu, rạch mủ cho đến khi hết dịch, dùng các loại gạc tiên tiến để thấm hút. Cô nhiễm trùng nặng, sức khỏe suy kiệt, mất máu nhiều.

Minh Thanh khi điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tháng 11/2021. Ảnh: Lê Phương

Minh Thanh khi điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tháng 11/2021. Ảnh: Lê Phương

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, đánh giá trường hợp hoại tử của Thanh là "khủng khiếp chưa từng thấy". Thông thường, vết thương khâu một tuần sẽ lành, trong khi vết thương của cô liên tục bung ra, không thể lành lặn. Thuốc không chỉ làm tan tế bào mỡ mà còn phá hủy luôn màng tế bào của các tổ chức mạch máu, thần kinh nằm trong vùng ảnh hưởng của thuốc, bao gồm các chất giúp lành thương nên vết thương rất chậm hồi phục, hoại tử lan rộng, ăn sâu như "đào hầm" vào bên trong, sức tàn phá hơn cả silicone. Thuốc ban đầu được tiêm ở hông và bụng, sau đó lan ra cả phần lưng, lấn vào cơ quan sinh dục.

"Thuốc tàn phá, làm mất mô rất nhiều nên dự kiến Thanh phải trải qua 2-3 lần mổ tạo hình, giải quyết các vết lõm sâu", bác sĩ Hiệp nói. Tuy nhiên, Thanh chưa đủ can đảm để thực hiện vì "vẫn còn sợ dao kéo, sợ cảm giác đau đớn tột cùng khi tỉnh dậy sau mỗi cuộc mổ trước đây".

Chị Huyền Thu, 38, ngụ tỉnh Bình Phước, tiêm tan mỡ khắp cơ thể sau khi được nhân viên một spa tư vấn "tiêm tới đâu sẽ thon tới đó". Vừa tiêm xong, cơ thể chị có dấu hiệu đau nhức và sưng tấy ở những vị trí tiêm. Uống kháng sinh liên tục nhưng tình trạng nặng dần, chị vào bệnh viện địa phương rạch nạo hút áp xe vẫn không đỡ.

Khi đến Bệnh viện JW tại TP HCM, khắp người chị đã chi chít khoảng 30 chục ổ áp xe lớn nhỏ, tập trung nhiều ở vùng hai cánh tay và vùng bụng, tạo thành những lỗ thủng với những đường khâu sẹo nham nhở. Bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung đang lên kế hoạch phẫu thuật điều trị để nạo vét sạch dịch mủ và ổ áp xe, tránh nguy cơ nhiễm trùng tái phát.

Theo bác sĩ Dung, gần một tháng qua, bệnh viện tiếp nhận ba trường hợp hoại tử nghiêm trọng do tiêm thuốc tan mỡ. Trước chị Thu, một bệnh nhân bị thủng 15 lỗ to ở bụng, người còn lại bị áp xe ăn sâu vào vùng khí quản và mạch máu lớn, hình thành vết cắt dài khoảng 15 cm do tiêm thuốc tan mỡ nọng cằm.

Bác sĩ phẫu thuật nạo áp xe cho bệnh nhân bị biến chứng tiêm thuốc tan mỡ. Ảnh: Bệnh viện JW

Bác sĩ phẫu thuật nạo áp xe cho bệnh nhân bị biến chứng tiêm thuốc tan mỡ. Ảnh: Bệnh viện JW

Đến nay, Việt Nam chưa cấp phép tiêm giảm béo cho bất kỳ thuốc nào. Thuốc tan mỡ như Lipostabil, Dermaheal LL, Liponsaure được lưu hành tại một số nước châu Âu để chữa thuyên tắc mạch máu phổi do mỡ, rối loạn lipid máu nhưng nhiều nghiên cứu khẳng định tính thiếu an toàn, thiếu hiệu quả của nó. Tháng 4/2010, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Bộ Y tế các nước như Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Italy, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch, Australia... cảnh báo và cấm sử dụng Lipostabil với mục đích làm tan mỡ. Theo FDA, mọi hành vi quảng cáo, mua bán, lưu hành Lipostabil trên lãnh thổ Mỹ đều bị coi là chống lại luật pháp nước này.

Các bác sĩ khuyến cáo không nên dùng chất tiêm tan mỡ để làm đẹp vì còn thiếu căn cứ khoa học. Theo bác sĩ Hiệp, nếu chẳng may đã tiêm thuốc tan mỡ gây tai biến, cần phải đến viện để lấy chất này ra càng sớm càng tốt, để lâu sẽ gây hoại tử lan rộng khó cứu chữa.

Để giảm béo, bác sĩ Trần Nguyên Giáp, giảng viên bộ môn Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khuyến khích mọi người tăng cường vận động và thay đổi chế độ ăn. Sau khi giảm cân, phần da dư thừa có thể can thiệp phẫu thuật bởi những bác sĩ uy tín, có chứng chỉ hành nghề, tại những cơ sở được cấp phép.

Người có nhu cầu can thiệp giảm béo, giảm lượng mỡ để thay đổi vóc dáng, phải được thăm khám trực tiếp bởi bác sĩ thẩm mỹ để bác sĩ tư vấn, đưa ra những lựa chọn phù hợp. Chẳng hạn, với những mỡ nọng cằm nhỏ, có thể điều trị thẩm mỹ nội khoa, hủy mỡ bằng máy móc như máy Hifu (sóng siêu âm hội tụ), máy giảm mỡ bằng quang nhiệt... Riêng những vùng mỡ lớn như bụng, mông, đùi, phải phẫu thuật hút mỡ, với liều lượng không vượt quá 10% trọng lượng cơ thể, tối đa hút 5-6 lít mỡ lẫn dịch.

Lê Phương

  • Áp xe cổ sau tiêm thuốc tan mỡ nọng cằm
  • Thủng 15 lỗ ở bụng sau tiêm chất tan mỡ
  • Tai biến sau tiêm thuốc tan mỡ vào mặt

Từ khóa » Tiêm Filler Tan Mỡ Có Tốt Không