Hoa Văn Trang Trí Của Người HMÔNG - MyThuatMS
Có thể bạn quan tâm
Hoa văn trang trí trên vải của người HMÔNG
Để tô điểm cho những sản phẩm dệt truyền thống của mình, người Hmông kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau bao gồm vẽ sáp ong nhuộm chàm, thêu và chắp vải để tạo thành các mẫu hoa văn đa dạng.
Có vòng bạc, có hoa tai là niềm mơ ước của bao cô gái Hmông khi đến tuổi dậy thì. Khi đi lấy chồng, vòng bạc hoa tai là những món hồi môn không thể thiếu của bố mẹ tặng cho cô dâu, chú rể. Không có khuyên tai mất đi sự duyên dáng của người phụ nữ Hmông. Các họa tiết này đều được thể hiện trên trang phục của phụ nữ, còn thể hiện trên các tấm khăn treo tường.
Người mẹ dạy cho con gái phải tự làm tốt các công việc trong gia đình, tự tay vẽ các hoa văn trên trang phục, để thể hiện sự sáng tạo, khéo tay, kiên trì của người phụ nữ Hmông. Khác với hoa văn khuyên tai, hoa văn này được vẽ một mình chứ không vẽ ở dạng đối xứng. Họa tiết này thường được thể hiện trên trang phục của người phụ nữ Hmông.
Thể hiện 4 cột trong gian nhà chính của người Hmông tượng trưng sức mạnh của người đàn ông trong gia đình. Họ luôn là người trụ cột trong các công việc lớn, như thể hiện sức mạnh vào rừng lấy gỗ làm nhà, dựng vợ, gả chồng cho con…
Hàng ngày cả gia đình người Hmông phải lên làm nương rẫy, khi mặt trời lặn trở về nhà người phụ nữ lại phải vất vả chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình. Trước đây còn có sự phân biệt trong gia đình: khi bữa cơm được dọn ra thì người bố và con trai ăn riêng một mâm trước, sau đó vợ, con dâu và những người phụ nữ trong gia đình mới được ăn ở mâm riêng. Cái sâu xa của hình vẽ này là ước muốn không có sự phân biệt trong bữa cơm và trong gia đình nói chung. Ngày nay, tục lệ ăn riêng này không còn nhưng phụ nữ Hmông vẫn vẽ họa tiết này như một biểu tượng cho sự đoàn kết vui vẻ trong mâm cơm gia đình.
Ngày xưa con dâu của bà chúa Mèo (Hmông) mang thai đứa con đầu lòng. Một hôm cô ra suối giặt áo, thấy có con nhện nằm trên cái mạng rất đẹp; bóng nhện che cho cô khỏi ánh nắng chói chang. Về nhà, cô nhớ lại hình ảnh tổ nhện và vẽ lên cái địu con. Họa tiết này vừa thể hiện ước muốn của người mẹ mong tổ nhện che nắng che mưa cho đứa con bé bỏng, vừa thể hiện ao ước cho các con của mình lớn lên khỏe mạnh, có thể sống trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như con nhện. Các cô gái Hmông ngày nay tiếp tục truyền thống này và vẽ hoa văn tổ nhện lên cái địu con.
Hoa văn này thể hiện phần tay cầm của cối đá xay ngô của người Hmông. Thường được làm bằng gỗ theo hình chữ thập, phần tay cầm này thấm mồ hồi của bàn tay người phụ nữ Hmông qua năm tháng và trở nên nhẵn bóng. Hoa văn này thể hiện sự vất vả và cần cù lao động của người phụ nữ Hmông để giữ cho gia đình được no ấm.
Hoa văn được thể hiện trên váy, áo, khăn trên trang phục của phụ nữ.
Hoa văn này ca ngợi sự vất vả, kiên trì, dẻo dai của người phụ nữ Hmông. Do vị trí của bản làng, loại lương thực chính của người Hmông là ngô. Khi xay ngô, người phụ nữ phải bỏ từng nắm hạt ngô vào cối đá để xay nghiền thành thức ăn cho gia đình. Công việc nặng nhọc này luôn được chị em phụ nữ đảm trách. Mặc dù vất vả nhưng người phụ nữ luôn mong muốn sự che chở, bao dung cho cả gia đình.
Người phụ nữ Hmông lên rừng làm nương, làm rẫy luôn được ngắm nhìn các cảnh đẹp của thiên nhiên ban tặng cho dân tộc mình, như các dòng suối trong vắt và các loại cây rừng phủ kín triền núi. Họ thấy cây dương xỉ dù mọc trên các khe đá, bờ suối nhưng sức sống luôn mãnh liệt; lá cây dương xỉ luôn xanh tươi bất chấp điều kiện sống khắc nghiệt. Phụ nữ Hmông vẽ và thêu họa tiết Dương xỉ lên bộ váy chuẩn bị đi làm dâu để cầu mong hạnh phúc của hai vợ chồng trường tồn qua mọi khó khăn như cây dương xỉ.
Hoa văn này vừa thể hiện cách nhìn thế giới hồn nhiên và lạc quan, vừa là minh chứng cho sự quan sát tinh tế và trí tưởng tượng của người Hmông.
Sự đảm đang của cô gái Hmông thể hiện qua các công việc thường nhật để chăm lo cho gia đình của mình, như sàng gạo thổi cơm. Hoa văn này có ý nghĩa sâu xa là ca ngợi sự khéo léo, cần mẫn trong công việc gia đình của người phụ nữ Hmông. Hoa văn thường được thể hiện trên váy, áo của phụ nữ.
Hoa văn mâm cơm thể hiện chỗ ngồi của ông bà, bố mẹ, con cái trong mâm cơm của người Hmông. Với bố cục đan xen chắc chắn và nhiều tầng từ trong ra ngoài, họa tiết này mang trong nó sự gắn kết chặt chẽ như ước muốn của người phụ nữ Hmông cho gia đình luôn hòa hợp, vững chắc.
Mô típ quả trám với bốn hình xoắn ốc có thể được hiểu rộng từ ý nghĩa “mâm cơm” để bao hàm tình đoàn kết trong một gia đình hoặc cộng đồng. Trong hoa văn này, người vẽ thêm một tầng hoa văn Pòng Xua, một loài dương xỉ mọc nhiều tại bản của người Hmông, bên trong lớp tường rào. Nhà truyền thống của người Hmông thường có bức tường bằng đá làm hàng rào bao quanh. Các tầng họa tiết này vừa tô điểm cho cả hoa văn, vừa tái hiện cách người Hmông tạo các tầng bao bọc để bảo vệ gia đình và cộng đồng của họ.
Có người thợ vẽ sáp ong lại cho rằng hoa văn này bao gồm mô típ khuyên tai ở bốn góc và đồng xu ở chính giữa. Mối liên hệ rõ nét nhất giữa hoa văn này và đời sống của người Hmông có thể được nhìn thấy thông qua trang phục của cô gái Hmông – khuyên tai bạc và đồng xu xòe đính vào gấu áo. Tuy nhiên, khuyên tai và đồng xu đều mang giá trị tinh thần riêng. Ví dụ, đôi khuyên tai là của hồi môn không thể thiếu cho con gái về nhà chồng; còn đồng xu xòe được người Hmông tin rằng sẽ bảo vệ nó khỏi gió độc khi đi nương.
Hoa văn này phần nào mang tính tâm linh, bởi khi gia đình có người ốm phải đón thầy mo đến cúng, thầy mo thường yêu cầu treo lá thuốc trước cửa để không cho người lạ vào nhà. Bốn chiếc lá ở bốn góc được người vẽ lấy cảm hứng từ đó mà ra. Sự kết hợp của yếu tố tròn và vuông phản ánh cách người Hmông quan niệm về trời đất, vũ trụ và âm dương trong văn hóa Hmông.
Hoa văn này mô phỏng cái cồng của thầy mo. Người Hmông quan niệm rằng mỗi thầy mo có một cái cồng riêng và thầy mo đó có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ cái cồng ở nơi trang trọng nhất nhà – thường ở bàn thờ trong gian giữa. Cổng chỉ được mang ra dùng mỗi khi cúng lễ; nếu thầy mo để người lạ đánh cồng của mình thì sẽ bị phạt, phải làm lễ cúng tổ tiên xin tạ lỗi. Cồng của thầy mo thường do cha truyền con nối; nếu con trai không theo nghiệp cha thì người thầy mo đó phải tự tìm người kế nghiệp và trao chiếc cồng lại cho người đó, hoặc bán cho thầy mo khác. Thầy mo nào muốn mua lại chiếc cồng này, sau khi mua phải mang đi đúc lại để tiếng kêu khác đi.
Với các chi tiết đặc trưng như cột nhà hướng ra bốn phương, tụ lại mặt trời ở chính giữa, có người cho rằng đây là hoa văn trên mặt cái cồng được thể hiện với một bố cục khác. Có người lại cho rằng hoa văn này mô phỏng họa tiết trên cái trống bằng da mà người Hmông đặt tại nhà của một người có uy tín trong bản, chỉ mang ra dùng trong lễ cúng ông bà ở dưới âm.
Về mặt bố cục, hoa văn này là sự kết hợp giữa hoa văn mâm cơm với mô típ xoắn ốc trên bốn cạnh của hình quả trám và hoa văn mặt cồng với mặt trời chính tâm và bốn cột tỏa ra bốn hướng. Hoa văn này thuộc nhóm các hoa văn đối xứng tuyệt đối thường gặp trên thổ cẩm của người Hmông.
Hoa văn này lấy cảm hứng từ bầu trời trăng sao khi tình yêu của đôi trai gái nảy nở.
Hình tượng cây dương xỉ (pòng xua) và hàng rào đặt cạnh nhau để thể hiện cách bố trí không gian sống của người Hmông với tường đá bao quanh khuôn viên nhà ở và dương xỉ mọc bờ rào. Ở giữa là hình tượng mặt trăng. Theo lời người vẽ, thuở 14-15 tuổi, những đêm trăng sáng cô ngồi tước lanh sân nhà mình và nhìn lên mặt trăng, trong lòng tin rằng ánh trăng ngả về hướng nào ắt người chồng tương lai của mình sẽ đến từ hướng đó.
Với cùng mô típ lá dương xỉ ở bốn góc và mặt trăng ở chính giữa, có người thợ vẽ sáp ong người Hmông khác lại giải thích rằng hoa văn này tượng trưng cho những đêm trăng sáng, chàng trai muốn rủ cô gái đi chơi thường cài cái lá ở trước cửa nhà. Cô gái trông thấy cái lá cài trước cửa, biết là người yêu đã đến. Đôi khi chàng trai đặt thêm cái lá ở ngoài đường để dẫn đường cho cô gái đi về phía mình.
Một biến thể của hoa văn đồng bạc xòe với phần trung tâm được thay bằng hoa văn mặt trời. Đồng bạc xòe của người Hmông có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc từ đồng tiền thời Pháp thuộc. Ngày nay, do loại đồng bạc này không còn lưu hành, chỉ có những người già mới có, họ khâu lên quần áo hoặc cất đi để phòng khi gia đình có ai cần đánh gió hay cúng vía. Đồng bạc này được truyền lại cho con cháu như một vật quý trong nhà.
Vẫn là đồng bạc xòe, nhưng hoa văn này đáng nói ở sự kết hợp độc đáo giữa hai biến thể của cùng một hoa văn. Các yếu tố như mặt trời, hình xoắn ốc đối xứng, hình vuông và hình quả trám được đặt một cách hài hòa, tạo nên một tổng thể tưởng như cầu kỳ nhưng lại vô cùng rõ ràng. Dị bản này được vẽ bởi một thợ vẽ sáp ong có kinh nghiệm trong bản.
Họa tiết con ốc sên nói riêng và đồ án hai con ốc sên đối xứng qua đường chéo là những họa tiết vẽ sáp ong rất phổ biến trên thổ cẩm của người Hmông. Ai từng gặp người Hmông có lẽ sẽ nhận thấy sự tương quan giữa tính cách của họ và con ốc sên, từ sự chậm rãi nhưng chắc chắn đến sự cần mẫn và khả năng chống chọi với thiên nhiên.
Ngoài việc thể hiện đức tính chậm rãi mà chắc chắn của người Hmông, người thợ vẽ sáp ong còn thể hiện họa tiết con ốc đi thành từng đôi lặp đi lặp lại trên cùng một hoa văn, dụng ý cầu cho sự sinh sôi nảy nở của gia đình và cộng đồng của họ. Một lần nữa, người phụ nữ Hmông lại cho thấy khiếu nghệ thuật và cách nhìn họa tiết, kết hợp hài hòa đường thẳng với đường cong cũng như các hình học cơ bản như vuông, tam giác, đường thẳng.
Mô típ hai vòng xoắn đối xứng gương là một trong những họa tiết thường gặp nhất và cũng khó lý giải nhất trong các hoa văn trang trí vải của người Hmông. Có người coi đó là ngọn dương xỉ non, đôi ốc, có người lại cho đó là khuyên tai của người phụ nữ. Mô típ này được sử dụng nhiều trong các hoa văn đối xứng tâm, với bốn đường xoắn đôi tạo thành khung tôn lên một hoa văn khác ở chính tâm.
Sống gần gũi với thiên nhiên núi rừng, người Hmông chuyển thể những chi tiết tưởng như nhỏ nhặt, tầm thường thành các họa tiết trang trí vải tinh tế. Hình ảnh chiếc lá là một ví dụ. Người Hmông mượn hình ảnh cái lá để chia cắt không gian thành những mảng nổi chìm đầy cân đối và uyển chuyển.
Bản của người Hmông thường được bao bọc bởi rừng mơ, rừng đào, rừng mận. Mỗi khi xuân về, hoa của những cây này nở đồng loạt. Ở Pà Cò, cây mận mọc dọc triền núi, mọc kín cả vườn nhà; cứ độ xuân về lại nở hoa trắng cả bản Hmông. Cô gái Hmông thấy hoa đẹp nên đã khéo léo vẽ lại bông hoa trắng tinh khiết ấy lên váy.
Hoa văn này thuộc nhóm hoa văn tả thực, mô tả đàn gà. Với người Hmông, con gà không chỉ là một loại gia cầm chăn nuôi mà còn đóng vai trò trong đời sống tâm linh. Thầy mo xem bói bằng chân gà. Năm hết tết đến các nhà mời thầy mo về cúng để thay giấy dán trên bàn thờ, khi dán tấm giấy mới lên, thầy mo phải chấm sợi lông gà vào tiết tươi và dính sợi lông đó vào tờ giấy. Khi ấy mới có thể coi như tổ tiên đã nhập vào tờ giấy mới.
Sống trong bản trên vùng cao, người Hmông đi nương đi rẫy trẻ ngô vừa để nuôi sống gia đình, vừa làm thức ăn cho gia súc gia cầm. Từ bắp ngô, người Hmông làm ra rất nhiều món ăn truyền thông cũng như đa dạng các loại rượu.
Giống như phong lan, nhiều loại dương xỉ trong rừng quanh bản của người Hmông sống gửi (mà không ký sinh) trên thân cây gỗ. Người vẽ hoa ăn này mong muốn tái hiện lại những ngọn dương xỉ non cuốn tròn trên thân gỗ rừng to khỏe, vững chãi.
Lấy cảm hứng từ hoa văn cối đá xay ngô, người vẽ hoa văn này khéo léo thêm các chi tiết như đường viền dương xỉ, tâm hình mâm cơm, bốn cột chống và bốn góc là bốn hình mặt trời. Vẫn cách bố trí quen thuộc – hàng rào, rặng dương xỉ, bốn cột chống để bảo vệ mâm cơm biểu tượng của gia đình ở chính tâm, nhưng bàn tay khéo léo và bộ óc sáng tạo của người thợ vẽ sáp ong đã phối hợp hài hòa các yếu tố và sử dụng bố cục chặt chẽ để tạo nên một hoa văn hết sức tinh xảo nhưng cũng gần gũi với đời sống hàng ngày của người Hmông.
Hoa văn này mô phỏng cấu trúc ngôi nhà của người Hmông với bốn cây cột nhà có các ngọn cây Pòng Xua (dương xỉ) để trừ tà ma. Người Hmông rất coi trọng việc xây nhà và chọn cột nhà. Người đàn ông trong gia đình phải chọn ngày tốt để vào rừng tìm thân gỗ to, chắc, không bị mối mọt; trước khi đốn cây phải thắp hương khấn xin thần rừng. Cây cột đưa từ rừng về không được đặt xuống đất mà phải đưa lên nóc luôn. Với người Hmông, cây cột vững chắc vừa thể hiện sự vững vàng của người chủ nhà, vừa mang ý nghĩa tâm linh giúp bảo vệ cả gia đình. Bên trong cùng hình quả trám nhiều tầng bao bọc họa tiết mâm cơm, như bức tường nhà bảo vệ cả gia đình.
Người vẽ hoa văn gọi đây là họa tiết ngọn Pòng xua (dương xỉ) non bao quanh mặt trời, mô phỏng khái quát phong cảnh tự nhiên trên vùng cao. Mặt trời tỏa ánh sáng chói chang là biểu tượng của sức mạnh lớn lao nhất trong vũ trụ, còn ngọn dương xỉ vươn lên xanh tốt dù mọc trên khe đá, sườn núi. Đặt hai họa tiết này cạnh nhau, người vẽ có dụng ý thể hiện sức mạnh, sức sống mãnh liệt của thiên nhiên và có lẽ của cả người Hmông.
Hoa văn vẫn là những chi tiết được lấy từ hình ảnh quen thuộc: cây Pòng Xua, được sắp xếp thật hài hòa nhưng cũng rất mạnh mẽ nhờ họa tiết gốc cây nằm ở trung tâm. Cách sắp xếp bố cục này vừa thể hiện sức sống vươn lên mãnh liệt của từng cá thể người Hmông, vừa thể hiện sự đoàn kết từ tận gốc rễ của cộng đồng người Hmông.
Người vẽ khéo léo sắp xếp những chiếc lá và ngọn cây Pòng Xua (dương xỉ) theo cấu trúc đối xứng để tạo thành hoa văn từ một loại cây quen thuộc. Với người Hmông, cây dương xỉ còn được dùng làm thuốc chữa bệnh và để trừ tà ma. Điều đặc biệt trong cách xây dựng không gian sống của người Hmông là họ không có tập quán trồng cây ăn quả hay cây gia vị trong vườn mà chủ yếu trồng các cây như dương xỉ để tránh tà ma vào trong nhà.
Hoa văn này mô phỏng cái sa quay sợi lanh của người Hmông. Làm vải lanh là một quá trình lao động vất vả, đòi hỏi sự cần cù tỉ mỉ của người phụ nữ, từ trồng cây đến tước vỏ, luộc nước tro và lăn bằng cối đá nhiều lần cho mềm, sau đó xoắn thành sợi, xe sợi và dệt thành vải. Vất vả là vậy nên dệt ra được tấm vải lanh là một điều đáng quý mà chỉ những người phụ nữ Hmông mới thấu hiểu. Mẹ dạy cho con gái, bà truyền cho cháu gái, để dệt ra vải may quần áo cho gia đình và làm tang ma cho cha mẹ.
Hoa văn này thuộc nhóm hoa văn đối xứng tâm, bố cục quyết định bởi các đường cắt ngang, dọc và chéo giữa hoa văn. Trên các đường cắt thường điểm hoa văn xoắn ốc. Tính thẩm mỹ của sự đan xen đường thẳng với đường cong, đường cắt lớn với chi tiết trang trí nhỏ, là không thể phủ nhận.
Người vẽ sử dụng mô típ hai đường chéo cắt nhau chính tâm, bao bên ngoài bởi một đường cong liền mạch uốn theo chữ nhân bên trong của họa tiết tổ nhện. Người Hmông cũng là bậc thầy trong việc điểm xuyết thêm các mô típ hoa văn khác như quả núi, con ốc để tăng độ tinh xảo và tính hài hòa cho hoa văn.
Hoa văn được thể hiện theo cách bố trí quen thuộc với bốn góc hình xoắn ốc, ở giữa là hình mặt trời với ánh sáng rực rỡ giúp vạn vật có thể sinh trưởng, với dụng ý thể hiện lòng biết ơn với mặt trời. Người Hmông tin rằng, cũng như vạn vật quanh mình, nhờ có ánh sáng mặt trời mà họ mới có thể tồn tại và phát triển. Hoa văn này thường được vẽ ở chân váy; không chỉ mang tính nghệ thuật cao mà còn thể hiện thế giới quan của người Hmông.
Với bố cục bốn góc hình xoắn ốc, ở giữa hình quả trám, hoa văn này mô phỏng đồng bạc xòe mà gia đình Hmông nào cũng có. Người Hmông dùng đồng bạc xòe vừa để cúng vía (“pía”) cho cả gia đình, vừa để giữ nhà và phòng khi trong gia đình có ai bị cảm gió thì mang ra “đánh gió”. Người Hmông cho rằng khi họ đi rừng, đi nương, nếu gió độc thấm vào người, chỉ cần chà đồng bạc là mọi khí độc, khí lạnh sẽ thoát ra ngoài, giúp người đó khỏi ốm. Cũng vì lý do này, người Hmông thêu một dải đồng bạc xòe và vẽ hoa văn đồng bạc xòe lên bộ quần áo truyền thống để bảo vệ mình khỏi gió độc.
Với mô típ bốn góc hình xoắn ốc, ở giữa hình quả trám, hoa văn này mô phỏng đồng bạc xòe mà gia đình Hmông nào cũng có. Người Hmông dùng đồng bạc xòe vừa dùng để cúng vía (“pía”) cho cả gia đình, vừa để giữ nhà và phòng khi trong gia đình có ai bị cảm gió thì mang ra “đánh gió”. Người Hmông cho rằng khi họ đi rừng, đi nương, nếu gió độc thấm vào người, chỉ cần chà đồng bạc là mọi khí độc, khí lạnh sẽ thoát ra ngoài, giúp người đó khỏi ốm. Cũng vì lý do này, người Hmông thêu một dải đồng bạc xòe vào gấu áo.
Đây là một kiểu hoa văn thường gặp trên thắt lưng mà cô gái Hmông làm để tặng người yêu làm tin. Lý do vì sao không ai lý giải được, chỉ biết đời này qua đời khác mẹ truyền cho con, bà truyền cho cháu, các cô gái Hmông gửi gắm lòng mình vào hoa văn này để làm thành chiếc thắt lưng tặng người yêu.
Hoa văn này bao gồm ngọn cây Pòng Xua (fern) và mặt trời, thường được vẽ và thêu lên cái địu con. Người Hmông quan niệm rằng trẻ con yếu vía nên dễ bị ma rừng, ma núi bắt đi. Khi người mẹ Hmông địu con lên nương, họ thường vẽ và thêu lên cái địu các hoa văn có tác dụng giấu đứa trẻ khỏi sự nhòm ngó của ma hoặc các hoa văn có sức mạnh bảo vệ. Dương xỉ và mặt trời đều là những hoa văn có sức mạnh trừ tà ma, vì vậy hoa văn này xuất hiện rất phổ biến trên địu con của người Hmông.
>>> Hoa văn thời Sơ sử (Phần 1)
>>> Hoa văn cung đình Huế (Phần 1 - Đồ vật)
>>> Kỹ thuật tạo hoa văn trên đồ gốm Phùng Nguyên
Từ khóa » Hình ảnh Hmoob
-
Ghim Trên H'mông - Pinterest
-
Nkauj Hmoob Zoo Nkauj - Pinterest
-
Khaub Ncaws Hmoob – Hmong Fashion 11/2021
-
Bé Gái Hmong - Bức ảnh đẹp Nhất Của National Geographic
-
HMOOB COJ NEEG NCIG TEBCHAWS - Bài Viết | Facebook
-
Tiab Hmoob - Trang Chủ | Facebook
-
H'Mông – Wikipedia Tiếng Việt
-
Khaub Ncaws Hmoob | Shopee Việt Nam
-
'Cô Gái H'Mông' Dương Yến Nhung Gây Thương Nhớ Trong Bộ ảnh Mới
-
Bộ Trang Phục Hmong Trắng Ngắn Dài, Khaub Ncaws Hmoob - Shopee
-
Khám Phá Video Phổ Biến Của Nkuaj Hmoob Koo K8 | TikTok
-
Khách Sạn Hmong Sapa