Hoa Xuyến Chi: Ý Nghĩa, Cách Trồng, Cách Chăm Sóc Và Những Công ...

Hoa xuyến chi xuất hiện khá nhiều ở những vùng nông thôn. Vì là loài hoa dại nên bạn có thể bắt gặp chúng ở bất cứ đâu trên đường. Dù có thể bạn đã từng gặp qua nhưng có chắc chắn là bạn đã biết hết được ý nghĩa cũng như những công dụng của hoa xuyến chi chưa?

Hoa Xuyến Chi là hoa gì?

Hoa Xuyến Chi có tên khoa học là Bidens Pilosa, thuộc họ Cúc. Chúng cũng thường được gọi là hoa Đơn buốt, quỷ châm, hoa cúc áo, cỏ xuyến, hoa đơn kim, hay hoa cứt lợn.... Đây là loài hoa mọc hoang dã nhưng lại vô cùng nổi tiếng bởi chúng gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều người, đặc biệt là với lứa tuổi học sinh ở các vùng quê.

Hoa Xuyến Chi là cây thân thảo, có chiều cao thân trung bình từ 40cm - 100cm, đôi khi cao hơn 1m. Cây Đơn buốt thường mọc thành từng bụi. Thân cây có một lớp lông bao phủ bên ngoài, lá cây mọc đơn và có răng cưa tại mép.

Hoa Xuyến Chi có màu trắng với nhụy vàng ở giữa, thường có khoảng 5 - 7 cánh mỗi bông. Nhuỵ hoa sẽ phát triển thành hạt dạng quả bế, đầu hạt có gai. Vì thế nên cơ chế phát tán của hoa xuyến chi là hạt cây thường bám dính vào quần áo con người, lông của những loài động vật khi đi qua bụi cây. Từ đó hạt của cây sẽ được phát tán đi rất nhiều nơi.

Hoa Xuyến Chi: Ý nghĩa, cách trồng, cách chăm sóc và những công dụng - 1

Hình ảnh của hoa Xuyến Chi

Nhiều website cung cấp thông tin Xuyến Chi có nguồn gốc từ Ấn Độ, châu Âu hay địa trung hải. Tuy nhiên, theo Wikipedia, hoa xuyến chi có nguồn gốc từ châu Mỹ sau đó phổ biến trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, Đơn buốt thường phân bố ở khu vực các tỉnh phía Bắc và một phần khu vực Tây Nguyên, khu vực Nam Trung Bộ. Đơn buốt vô cùng dễ trồng và sinh trưởng, mùa hoa thường bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 10.

Các thành phần hoạt chất có trong cây xuyến chi bao gồm: Nước 9.8%, Acetone 2.8%, Methanol: 8.6%, Magie 2.3%, Mangan 2.2%, Photpho 1.6%, Crom 1.2%, Canxi 1.1%, Kẽm 0.03%, và Sắt 0.02%.

Sự tích về hoa Xuyến Chi

Hoa Xuyến Chi là loài hoa gắn với rất nhiều kỷ niệm, ít ai biết được đến sự tích về loài hoa hoang dại này. Chuyện kể rằng, xưa kia có một cô gái sở hữu trong mình một giọng hát có thể làm xuyến xao lòng người, từ đó có rất nhiều chàng trai đã đem lòng yêu mến giọng hát của cô. Tuy nhiên, do nàng sở hữu nhan sắc vô cùng hời hợt, thậm chí có phần xấu xí cho nên không dám gặp mặt ai. Ngày qua ngày nàng luôn phải sống cô độc và lặng lẽ.

Đến một ngày, nàng cất giọng hát như thường lệ, có một vị khách nam đi ngang qua và nghe được giọng hát của nàng, vị khách đó đã đem lòng yêu giọng hát của nàng. Hai người đã cùng nhau trò chuyện, tâm sự hàng ngày, thế nhưng cả hai người lại chưa hề gặp mặt nhau lần nào. Cuối cùng vị khách đó cũng phải lên đường trở về nhà, điều đó khiến nàng vô cùng đau buồn, ngày ngày ngóng trông vị khách quay trở lại đến héo mòn.

Cuối cùng, không thể chờ đợi được lâu nữa nên nàng đã kiệt sức và gục xuống tại nơi hàng ngày nàng vẫn đứng chờ chàng trai ấy. Tại nơi mà nàng đã mất bỗng mọc lên một loài hoa kỳ lạ, có 5 - 7 cánh màu trắng và nhụy vàng vô cùng đẹp đẽ. Người dân đặt tên cho loài hoa đó là hoa Xuyến Chi có ý nghĩa là “bên nhau mãi mãi”, giống như ước nguyện cuối cùng của nàng đó là được ở bên vị khách nam kia.

Hoa Xuyến Chi: Ý nghĩa, cách trồng, cách chăm sóc và những công dụng - 2

Hoa Xuyến Chi mang ý nghĩa “bên nhau mãi mãi”

Theo thần thoại La Mã, hoa xuyến chi là hiện thân của nàng Belides - nữ thần chăm sóc các khu rừng. Truyện kể rằng, một hôm, nàng Belides đang nhảy múa cùng người yêu là Ephigeus, nàng đã lọt vào mắt xanh của vị thần cai quản các vườn cây Vertumnus. Để bảo vệ nàng Belides khỏi sự theo đuổi của Vertumnus, Flora - nữ hoàng của các loài hoa đã biến cô thành đoá hoa xuyến chi.

Theo truyền thuyết của người Ailen cổ, hoa xuyến chi là hiện thân linh hồn của những hài nhi đã chết khi vừa sinh ra. Vì quá thương xót cho sự mất mát này, chúa đã rải khắp các núi đồi và thảo nguyên loài hoa xuyến chi. Để giúp bậc làm cha mẹ vơi bớt đi nỗi đau của sự mất mát này.

Ý nghĩa hoa Xuyến Chi

Hoa Xuyến Chi là loài hoa có vẻ đẹp đơn giản, bình dị được xem như là biểu tượng cho một tình yêu trường tồn, bền vững, luôn thủy chung, chờ đợi và yêu thương lẫn nhau.

Hoa xuyến chi cũng mang ý nghĩa của sự cô đơn, lạnh lẽo và sự chờ đợi, lạc lõng giữa dòng đời tấp nập và luôn chờ đợi những người quan tâm đến mình.

Hoa xuyến chi là loài hoa hoang dại, dù bao phong ba bão táp, sống trong điều kiện đất đai khô cằn. Dù vậy, cây xuyến chi vẫn vươn mình sinh trưởng và phát triển giữa những vùng đất hoang vu. Chính vì vậy, Đơn buốt còn mang ý nghĩa của sự kiên cường và mạnh mẽ.

Ngoài ra, trong truyền thuyết của Ailen thì hoa Xuyến Chi còn tượng trưng cho những linh hồn trẻ sơ sinh đã qua đời, chúng được Chúa rải khắp các vùng đồi núi và cao nguyên như một sự an ủi đối với những người làm cha mẹ có con mất sớm.

Cuối cùng, hoa Xuyến Chi còn mang ý nghĩa trong sạch, cao quý, thanh khiết.

Tác dụng của hoa Xuyến Chi trong y học

Ngoài vẻ đẹp và những giá trị ý nghĩa mà hoa Xuyến Chi mang lại, đây là loài hoa có thể được sử dụng để làm thuốc, phục vụ mục đích chữa bệnh.

Theo như Đông Y, hoa Xuyến Chi có tính mát, vị đắng nhẹ và hơi cay nên nên có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể. Khi dùng cây xuyến chi đắp trực tiếp lên vết côn trùng cắn giúp sát trùng và chống viêm cho các vết thương.

Trong cây Đơn buốt có chứa hoạt chất flavones và polyynes có tác dụng chống lại những khối u trên cơ thể bệnh nhân ung thư.

Bên cạnh đó, trong cây quỷ châm còn có chứa cytopolyne, kết hợp cùng polyynes còn giúp giảm các triệu chứng của bệnh đái tháo đường.

Tinh dầu có trong lá cây Đơn buốt có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm do đây là một hợp chất oxi hoá mạnh.

Ngoài ra, cây hoa xuyến chi còn có rất nhiều tác dụng khác như: Chữa viêm họng, đau nhức răng, viêm lợi, nhiệt miệng, chữa các bệnh về da như viêm da dị ứng, lở loét, mề đay mẩn ngứa, đánh tan vết máu bầm do chấn thương gây nên, điều trị đau nhức xương do thoái hóa hoặc do tai nạn.

Hoa Xuyến Chi: Ý nghĩa, cách trồng, cách chăm sóc và những công dụng - 3

Hoa Xuyến Chi có nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe

Mặc dù Đơn buốt có nhiều công dụng đối với sức khỏe, thế nhưng chúng có khả năng hấp thụ rất mạnh các yếu tố từ thiên nhiên như kim loại, khí độc,... Vì vậy, bạn tuyệt đối không được hái loài hoa này xung quanh những nhà máy, khu công nghiệp, bệnh viện,... mà chỉ nên hái tại những vùng núi cao có khí hậu trong lành và sạch sẽ.

Hướng dẫn sử dụng cây hoa xuyến chi để có hiệu quả cao

Cây hoa xuyến chi là một vị thuốc dân gian có rất nhiều tác dụng, sau đây là một vài cách sử dụng Đơn buốt để điều trị bệnh:

- Điều trị bệnh về tiêu hoá: bạn nên cắt cả cây, sau đó cắt thành từng khúc ngắn rồi mang đi phơi khô. Cuối cùng, sắc lấy nước uống hàng ngày sẽ giúp điều trị bệnh tiêu chảy, kiết lị,....

- Giúp hạ sốt cho trẻ nhanh: dùng 20gr lá, hoa xuyến chi và sài đất giã nát rồi chắt lấy nước cho trẻ uống, phần bã thì đắp lên trán sẽ giúp trẻ hạ sốt nhanh hơn mà không cần sử dụng các loại thuốc hạ sốt khác.

- Chữa bệnh đau lưng do lao động quá sức: sắc 150gr xuyến chi , 250gr táo tàu với 1 lít nước. Sắc đến khi nước cạn còn 500ml thì chắt ra để nguội. Thêm một chút mật ong vào cho dễ uống hơn và chia đều thành 3 lần uống.

- Điều trị ngứa do dị ứng: đun sôi 3 lít nước với 200gr cây xuyến chi để tắm, dùng bã cây xuyến chi chà xát lên toàn bộ cơ thể trong liên tục từ 3 - 5 ngày sẽ giúp nhanh khỏi hơn.

- Điều trị viêm gan do virus: bạn hãy sử dụng 20gr xuyến chi, 20gr diệp hạ châu, 15gr bồ bồ, 15gr cam thảo đất và 12gr hạt dành dành để sắc nước và uống với tần suất 2 lần/ngày.

- Điều trị chứng bệnh đau nửa đầu: Sử dụng 30gr xuyến chi, 20gr trân châu mẫu, 3 quả táo tàu sắc lấy nước uống khi còn ấm.

Ngoài ra, sử dụng cây hoa xuyến chi còn giúp chữa viêm họng, chữa đau nhức do phong thấp, chữa bệnh suy dinh dưỡng hay còn gọi là cam tích ở trẻ em, giảm đau răng, viêm lợi,....

Những lưu ý khi sử dụng cây hoa xuyến chi

Cây quỷ châm là loài cây rất lành tính, không gây ngộ độc mà có rất nhiều tác dụng với sức khỏe nên thường được sử dụng làm một vị thuốc. Tuy nhiên, khi sử dụng cây Đơn buốt làm thuốc, bạn cần phải chú ý những điều sau:

- Nên rửa thật sạch thân cây, lá cây để loại bỏ bụi bẩn bám trên cây trước khi sử dụng.

- Khi gia súc như trâu bò đang mang thai, nên tránh để chúng ăn phải cây hoa xuyến chi vì sẽ dễ làm hư thai.

- Phụ nữ mang thai và đang cho con bú nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ trước khi sử dụng cây hoa xuyến chi.

- Khi đang sử dụng tinh dầu cây xuyến chi bôi trên da, nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì có thể sẽ dẫn đến cháy da, kích ứng hoặc thậm chí khiến da sưng tấy.

- Đối với những người dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong cây xuyến chi thì tuyệt đối không nên sử dụng loài cây này.

Cách trồng hoa Xuyến Chi đơn giản nhất

Vì là loài cây hoa hoang dã với sức sống mạnh mẽ nhưng bạn vẫn nên tham khảo cách trồng hoa xuyến chi sau đây:

1. Chọn đất trồng

Hoa Xuyến Chi là loài hoa khá dễ trồng và phát triển trên nhiều điều kiện đất trồng khác nhau. Chỉ cần lựa chọn loại đất có độ tơi xốp cao, giàu dinh dưỡng và có khả năng thoát nước tốt là đủ. Lựa chọn tốt nhất dành cho bạn có thể kể đến như đất mùn trộn với xơ dừa, trấu, xỉ than,....

2. Chọn giống hoa

Hoa Xuyến Chi có thể được trồng thông qua 2 phương pháp là gieo hạt giống hoặc giâm cành. Dù phương pháp nào đi chăng nữa thì bạn cũng cần chọn giống cây thật khỏe mạnh và không bị mắc bệnh. Như vậy khi cây hoa trưởng thành sẽ có khả năng thích nghi với môi trường tốt hơn và mọc nhanh hơn.

3. Nhiệt độ trồng hoa

Hoa Xuyến Chi thích hợp khi được trồng ở những khu vực có khí hậu mát mẻ và mức độ ánh sáng phù hợp. Nhiệt độ lý tưởng để cây hoa phát triển tốt nên từ 18-25 độ C.

Hoa Xuyến Chi: Ý nghĩa, cách trồng, cách chăm sóc và những công dụng - 4

Trồng và chăm sóc hoa Xuyến Chi đúng cách giúp hoa nở đẹp

4. Tưới nước

Cây hoa Xuyến Chi không phải là loài thực vật ưa ẩm và nước nhiều, do đó bạn chỉ cần duy trì tưới sao cho đất trồng có đủ độ ẩm mỗi ngày để cây sinh trưởng là được. Có thể tăng thêm lượng tưới khi thời tiết vào hè, trở nên nóng bức hơn.

5. Bón phân

Nếu như đất trồng mà bạn chuẩn bị đạt đủ điều kiện dinh dưỡng thì không cần thiết phải bón phân cho cây nữa. Tuy nhiên nếu bạn muốn thúc cây mau ra hoa đúng thời điểm thì có thể tiến hành bón thúc bằng phân vi sinh hoặc phân NPK vào giai đoạn cây chuẩn bị ra hoa.

6. Cắt tỉa

Thường xuyên làm sạch khu vực trồng hoa Xuyến Chi, nhổ bỏ các loại cỏ dại ở xung quanh vì chúng sẽ hút hết dinh dưỡng có trong đất khiến hoa của bạn khó phát triển và nở đẹp. Ngoài ra hãy cắt tỉa bớt cành lá dư thừa hoặc bị héo úa để giúp các khóm hoa trông đẹp mắt và gọn gàng hơn.

Hoa Xuyến Chi có ăn được không?

Ngày xưa, trong thời kỳ chiến tranh, những người lính thường sử dụng ngọn cây xuyến chi non để nấu lên ăn. Tại một số địa phương, hoa Xuyến Chi được sử dụng để làm rau ăn kèm với thức ăn trong những bữa cơm gia đình. Do đó loài hoa này có thể ăn được mà không hề gây hại đối với hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe con người. Tuy nhiên món rau từ Đơn buốt có thể không phù hợp với khẩu vị của nhiều người bởi nó khá khó ăn một chút.

Một số món ăn được chế biến từ cây xuyến chi có cách chế biến khá đơn giản đó là cây xuyến chi xào tỏi, nộm xuyến chi, xuyến chi nấu cua,.... Cây quỷ châm chỉ có thể ăn được phần ngọn khi còn non. Ngọn hoa xuyến chi khi ăn có vị đắng nhẹ nhưng hậu vị có vị ngọt thanh.

Cách làm món xuyến chi xào tỏi:

Bước 1: Hái cây xuyến chi ở trong vườn nhà hoặc bãi đất hoang sạch sẽ hoặc trên núi. Do cây xuyến chi có tính hấp thụ rất mạnh nên ở những nơi không sạch sẽ, cây xuyến chi có thể tích trữ các độc tố, kim loại,....

Bước 2: Rửa sạch ngọn xuyến chi, trong lúc rửa bạn nên dùng tay vò nhẹ ngọn xuyến chi cho bớt mùi hăng. Sau đó, vớt ra để ráo nước.

Bước 3: Luộc ngọn xuyến chi trong khoảng 3 - 5 phút sau đó vớt ra và để ráo nước. Nước luộc nên cho một chút muối và khi cho ngọn xuyến chi vào luộc thì không nên đậy vung.

Bước 4: Đập dập khoảng 4 - 5 tép tỏi, phi qua dầu nóng sau đó cho ngọn xuyến chi đã luộc vào. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Sau khoảng 2 phút thì vớt ra đĩa và thưởng thức món ăn khi còn nóng sẽ ngon nhất.

Ngoài ra, hoa xuyến chi được trồng để lấy ong lấy mật. Mật ong đơn kim là loại rất được ưa chuộng. Do mật ong quỷ châm trong suốt, có màu vàng tươi với mùi hương dịu nhẹ từ đơn kim. Không những thế, mật ong hoa xuyến chi còn rất có lợi cho sức khỏe của người sử dụng.

Trên đây là những thông tin về cây quỷ châm mà chúng tôi đã chia sẻ đến quý bạn đọc. Mặc dù loài hoa dại hoang dã rất phổ biến ở nhiều miền quê, vùng núi nhưng cả thân cây, là cây và hoa xuyến chi đều có những tác dụng có lợi rất nhiều cho sức khỏe của con người.

Cây Ngũ Gia Bì: Ý nghĩa, tác dụng và cách trồng tươi tốt Cây Ngũ Gia Bì: Ý nghĩa, tác dụng và cách trồng tươi tốt Cây Ngũ Gia Bì có tác dụng xua đuổi muỗi, điều trị các bệnh về xương khớp. Ngoài ra, Cây xuyên gia bì còn được ưa chuộng làm cây cảnh phong thủy mang... Bấm xem >>

Từ khóa » Hoa Sến Chi