Hoại Tử Vòng Ba Sau Tiêm Filler 'đội Lốt' Collagen - VnExpress Sức Khỏe

Năm năm trước, chị tiêm filler (chất làm đầy) để nâng mông, sau đó do mông quá căng nên đã tiêm làm tan filler. Đầu năm nay, chị được một spa giới thiệu "cấy HA Collagen giúp mông căng tròn một cách an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe", nên quyết định nâng cấp vòng ba bằng hình thức này.

Hai tuần sau tiêm, mông sưng to, chị thường xuyên sốt. Nhân viên spa xử trí bằng cách dùng dụng cụ chọc chỗ sưng và nặn mủ ra. Về nhà, vùng mông đau nhức, sẹo thâm đen, nơi bị chọc thủng rỉ dịch mủ hôi thối nhiều ngày.

Suốt 4 tháng, chị nhiều lần đến spa điều trị khắc phục hậu quả song dịch mủ liên tục, đau tái phát. Hai tháng gần đây, do TP HCM siết chặt giãn cách phòng chống Covid-19, nhiều cơ sở thẩm mỹ ngưng hoạt động, chị mời một bác sĩ đến nhà điều trị, hút dịch mủ mỗi cuối tuần, tình trạng ngày càng nặng.

Ngày 1/9, chị được tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung (Giám đốc Bệnh viện JW) tiếp nhận cấp cứu, chẩn đoán bị biến chứng sau tiêm filler chứ không phải tiêm collagen. Bác sĩ Dung cho biết "không tránh khỏi hoảng hốt" khi kiểm tra ổ áp xe lớn vùng mông bệnh nhân, ăn sâu vào bên trong, chỉ định mổ cấp cứu do đã bị hoại tử nghiêm trọng.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung (bên phải) cùng ê kíp mổ cấp cứu cho bệnh nhân, trưa 1/9. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung (bên phải) cùng ê kíp mổ cấp cứu cho bệnh nhân, chiều 1/9. Ảnh: Sương Nguyễn.

Kíp mổ trải qua hơn 3 giờ loại bỏ và phá toàn bộ ngóc ngách ổ áp xe, rút ra hơn một lít dịch mủ, tế bào chết. "Bệnh nhân nhiễm trùng nặng, vi khuẩn đi nhiều ngóc ngách, sau phẫu thuật phải đặt thêm máy hút VAC áp lực âm liên tục 1-2 tuần mới hy vọng thuyên giảm", bác sĩ Dung chia sẻ.

Sau ca mổ, bệnh nhân cho biết cứ nghĩ được tiêm HA Collagen, không ngờ lại bị lừa tiêm filler kém chất lượng. "Nếu biết là filler thì tôi đã không tiêm", bệnh nhân chia sẻ.

Bác sĩ Tú Dung khuyến cáo tuyệt đối không tiêm filler vào mông vì vùng mông có nhiều mạch máu lớn. Kỹ thuật tiêm không đúng sẽ gây tổn thương cả mạch máu và thần kinh. Tiêm một lượng lớn filler sẽ gây chèn ép mô xung quanh, dây thần kinh và thậm chí dẫn đến hoại tử mô. Hiện có hai phương pháp làm đầy vùng mông là cấy mỡ tự thân và phẫu thuật độn túi mông.

Filler thường được dùng với lượng rất nhỏ để làm đầy vùng má, mặt. Phải chọn chất làm đầy chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, thủ thuật được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề, hiểu rõ về kỹ thuật này, ở cơ sở y tế được phép thực hiện.

Bác sĩ khuyến cáo cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định làm đẹp. Nên đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình để bác sĩ có chuyên môn, giàu kinh nghiệm tư vấn và thực hiện, tránh biến chứng khôn lường gây thương tật suốt đời, thậm chí tử vong.

Trường hợp không may bị nhiễm trùng, tụ áp xe, phải vào bệnh viện chuyên khoa để giải phẫu. "Đặc điểm áp xe mông do tiêm chất làm đầy thường ăn sâu và len lỏi bên trong, không thể tự điều trị bằng cách nặn, lể là xong", bác sĩ Dung khuyến cáo.

  • Nhiễm trùng vùng mặt sau ba năm tiêm filler
  • Mặt mưng mủ sau tiêm filler
  • Hoại tử mông sau khi nhờ bạn bơm chất làm đầy

Lê Phương

Từ khóa » Tiêm Filler Mông Có An Toàn Không