Hoàn Thiện Chính Sách ưu đãi Người Có Công Với Cách Mạng, Nâng ...

Đất nước ta trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, thương nòi, với ý chí kiên cường, bất khuất và lòng thủy chung, nhân hậu đã đem máu xương, công sức, của cải của mình để gìn giữ độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, xây đắp giang sơn tươi đẹp cho muôn đời con cháu mai sau.

Kế thừa truyền thống quý báu đó của dân tộc, trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã viết nên trang sử vẻ vang trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, mà phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước. Nhiều người đã ngã xuống trên khắp các chiến trường hoặc khi trở về đã mang trên mình những thương tật suốt đời.

Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ...”(1).

Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ, đồng thời đồng ý với đề xuất chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, là dịp tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng.

Mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh - liệt sĩ và người có công với cách mạng. Từ năm 1947 đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời, được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được chế định thành các văn bản, như Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cùng nhiều chính sách ưu đãi khác; đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân.

Với quan điểm, mục tiêu nhất quán của Đảng, Nhà nước là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển của đất nước, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” là dấu mốc quan trọng tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng trong thực hiện chính sách xã hội nhằm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, tập trung vào 2 nhóm chính sách cơ bản, quan trọng trong hệ thống các chính sách xã hội là chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội.

Từ khóa » Tiểu Luận ưu đãi Xã Hội