Hoàn Thiện Pháp Luật Về Bầu Cử ở Việt Nam - Quốc Hội

Cử tri thực hiện quyền bầu cử 

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về bầu cử, là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo Ths. Trần Văn Tám - nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, việc hoàn thiện pháp luật bầu cử, một mặt phải xuất phải từ mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền, lấy mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền là trung tâm; mặt khác hoàn thiện pháp luật bầu cử chính là để tạo nền tảng pháp lý đầy đủ, đồng bộ, trở lại phục vụ xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Với ý nghĩa đó, những quy định về bầu cử phải bảo đảm yêu cầu phát huy thật sự quyền dân chủ, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, không thể phân chia, nhưng có phân công, phối hợp trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng xã hội công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân.

Ths. Trần Văn Tám cho rằng, cần nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của pháp luật bầu cử và mối quan hệ giữa quyền tự do, dân chủ của công dân và dân chủ đại diện trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, để trên cơ sở đó nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật bầu cử theo hướng kế thừa những quy định còn phù hợp, phát triển bổ sung những quy định mới.

Mối quan hệ giữa quyền bầu cử của công dân và dân chủ đại diện là mối quan hệ phát sinh. Vì vậy, muốn có cơ quan dân chủ chất lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thì vấn đề quan trọng hàng đầu là phải có đại biểu chất lượng, hoạt động hiệu quả. Mà muốn có đại biểu chất lượng thì chế độ bầu cử là một trong những yếu tố quyết định chính. Từ khía cạnh này, có thể nói vai trò của pháp luật bầu cử, và việc đổi mới, hoàn thiện pháp luật bầu cử luôn là đòi hỏi của sự dân chủ trong nhà nước pháp quyền. Nhà nước càng dân chủ, thì pháp luật bầu cử càng dân chủ, dân chủ đại diện càng được phát huy, từ đó góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của cơ quan dân cử.

Chia sẻ về xu hướng hoàn thiện pháp luật về bầu cử trên thế giới, TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cho biết: Trong những năm qua, việc hoàn thiện pháp luật về bầu cử ở nhiều quốc gia trên thế giới dành sự tập trung vào các quy định về nguyên tắc bầu cử phổ thông theo hướng mở rộng phạm vi công dân có quyền bầu cử; bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền bầu cử cho công dân, đặc biệt là đối với công dân đang làm việc, học tập, công tác, đầu tư kinh doanh... Tại một số quốc gia, pháp luật quy định khi công dân đang bị tạm giữ, tạm giam thì cách thức bỏ phiếu có thể được thực hiện qua đường bưu điện...; các nguyên tắc bầu cử được quy định rõ ràng, minh bạch về quyền bầu cử, ứng cử, phân chia đơn vị bầu cử, phân bổ số đại biểu cho các đơn vị bầu cử, giới thiệu người ứng cử, người tự ứng cử tham gia các cuộc bầu cử, vận động tranh cử, chương trình hành động của các ứng cử viên, cách thức bỏ phiếu, nguyên tắc xác định kết quả bầu cử, bảo đảm thực hiện các quyền khiếu nại, tố cáo trong hoạt động bầu cử.

TS. Nguyễn Đình Quyền nêu dẫn chứng, về phân bổ số đại biểu được bầu và phân chia đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu được bầu của các đơn vị bầu cử có tỷ lệ tương ứng với số cử tri trong đơn vị bầu cử để bảo đảm bình đẳng trên cơ sở phân bổ số đại biểu được bầu theo số dân. Ví dụ, pháp luật của Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức quy định hạn chế tỷ lệ chênh lệch giữa các đơn vị bầu cử (số đại biểu/số dân) ở mức tối đa là 25%.

Về quy trình đưa người ra ứng cử, TS. Nguyễn Đình Quyền cho biết, quy trình này được thực hiện theo hướng vừa bảo đảm nguyên tắc bầu cử bình đẳng, vừa bảo đảm cho các ứng cử viên đại diện cho các thành phần khác nhau trong xã hội tham gia nghị viện. Xu hướng chung của các nước hiện nay đều hoàn thiện quy trình đưa người ra ứng cử theo hướng tăng cường vai trò của các nhóm cử tri, các tổ chức xã hội và các đảng phái chính trị. Xuất phát từ tư tưởng chủ đạo của nguyên tắc chủ quyền nhân dân, việc thành lập nhà nước, các cơ quan nhà nước và các bộ phận cấu thành phải xuất phát từ đa số nhân dân mà đại diện là các đảng phái chính trị, các tổ chức xã hội, các phong trào, nhóm cử tri...

Mới đây, tại hội nghị về công tác phối hợp giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam , Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu, cần sớm nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bầu cử, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ một số bất cập cần hoàn thiện như: Quy định cụ thể hơn tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là với đại biểu hoạt động chuyên trách; Quy định chặt chẽ hơn tỷ lệ số dư bắt buộc tại các vòng hiệp thương để bảo đảm thực chất, tránh tính hình thức còn xảy ra ở một số nơi; Bổ sung đa dạng hơn hình thức vận động bầu cử phù hợp với thực tế và ứng dụng các thành tựu về công nghệ thông tin;...

Như vậy, qua thực hiện pháp luật bầu cử, kết quả đạt được, những kinh nghiệm rút ra từ thực tế, và căn cứ chủ trương của Đảng về “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân...", việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật bầu cử là yêu cầu thực tế khách quan./.

Từ khóa » Hệ Thống Bầu Cử ở Việt Nam