Hoàn Thiện Pháp Luật Về Biện Pháp “buộc Khôi Phục Lại Tình Trạng ...
Có thể bạn quan tâm
Mục lục
- TÓM TẮT
- 1. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu là gì?
- 2. Bất cập trong quy định của pháp luật
- Thứ nhất, pháp luật hiện hành vẫn không tách biệt giữa hai biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” và “buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép”.
- Thứ hai, biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” không được quy định rõ ràng.
- Thứ ba, quy định áp dụng đồng thời biện pháp “buộc khôi phục tình trạng ban đầu” với các biện pháp khắc phục hậu quả khác dẫn đến việc vô hiệu hóa thẩm quyền xử phạt của nhiều chức danh.
- Thứ tư, pháp luật không quy định biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” đối với một số vi phạm hành chính có hậu quả làm thay đổi hiện trạng ban đầu của đối tượng bị vi phạm.
- Thứ năm, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cách thức xác định “tình trạng ban đầu”, từ đó gây khó khăn cho việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”.
- 3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về “Biện pháp khắc phục hậu quả”
- CHÚ THÍCH
Hoàn thiện quy định của pháp luật về biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”
TÓM TẮT
“Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” là một biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng phổ biến trong xử phạt vi phạm hành chính. Thế nhưng, các quy định pháp luật hiện nay về biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu vẫn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Bài viết phân tích những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và đề xuất giải pháp hoàn thiện.
Xem thêm:
- Biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính – ThS. Nguyễn Nhật Khanh
- Hoàn thiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính về lao động – TS. Cao Vũ Minh & ThS. Nguyễn Tú Anh
- Nhận định về các biện pháp khắc phục hậu quả do Chính phủ quy định – TS. Cao Vũ Minh
- Biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn – ThS. Nguyễn Nhật Khanh
TỪ KHÓA: Biện pháp khắc phục hậu quả, Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu,
Xem thêm tài liệu liên quan:
- Biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính
- Biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn
- Hoàn thiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính về lao động
- Nhận định về các biện pháp khắc phục hậu quả do Chính phủ quy định
- Biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá - Một số bất cập và hướng hoàn thiện
- Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi trên cơ sở hướng dẫn của Liên hợp quốc về tư pháp phục hồi
- Lịch sử về chống tra tấn và cơ chế bảo đảm quyền của người bị buộc tội khỏi bị tra tấn trong các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người
- Hoàn thiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam
- Xử lý mức lãi cho vay theo thỏa thuận cao hơn mức lãi theo quy định
- Bàn về việc khắc phục một số hạn chế, sai sót trong Bộ luật Hình sự 2015
1. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu là gì?
“Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” là một biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng nhằm buộc chủ thể vi phạm hành chính (VPHC) khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra. Chẳng hạn, hành vi “đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác”[1] làm thay đổi hiện trạng ban đầu của đối tượng bị vi phạm theo hướng tiêu cực. Do đó, khi xử phạt VPHC đối với hành vi này, biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu[2] được áp dụng nhằm khắc phục hậu quả của đối tượng bị xâm hại như hiện trạng trước khi có vi phạm hành chính.
Biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu do VPHC gây ra có xuất phát điểm từ Pháp lệnh Xử phạt VPHC năm 1989 với vai trò là một biện pháp hành chính khác.[3] Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 1995 tiếp tục kế thừa nội dung này qua quy định “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” là một biện pháp trong xử phạt VPHC.[4]
Đến Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008), buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu mới chính thức được quy định là một biện pháp khắc phục hậu quả. Điểm a khoản 3 Điều 12 Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) quy định: “Ngoài các hình thức xử phạt được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức VPHC còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép”.
Hiện nay, Luật Xử lý VPHC năm 2012 đã tách biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” thành hai biện pháp riêng biệt, bao gồm: “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” và “buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép” (điểm a, điểm b khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý VPHC năm 2012). Sở dĩ, có sự tách ra như vậy vì bản chất pháp lý cũng như thẩm quyền áp dụng hai biện pháp này là khác nhau.
Cụ thể, theo khoản 4 Điều 28 Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã chỉ có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra” mà không có quyền áp dụng biện pháp “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép”. Thẩm quyền áp dụng biện pháp “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện.[5] Tuy nhiên, do được quy định trong cùng một điều khoản nên dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất về hai biện pháp này. Các chủ thể áp dụng pháp luật cho rằng khi khôi phục lại tình trạng ban đầu do VPHC gây ra thì đồng nghĩa với việc phải buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Do đó, Chủ tịch UBND cấp xã có thể ban hành quyết định “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu do VPHC gây ra. Tuy nhiên, như đã trình bày, thẩm quyền áp dụng biện pháp “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” không thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã. Vì vậy, dẫn đến tình trạng phải hủy quyết định xử phạt VPHC để ban hành quyết định khác phù hợp với thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” của Chủ tịch UBND cấp huyện.[6]
Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý VPHC năm 2012, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu là một biện pháp khắc phục hậu quả được quy định độc lập so với biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép. Các nghị định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực cũng đã quy định về biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với từng vi phạm hành chính,[7] tạo cơ sở pháp lý cụ thể cho việc áp dụng biện pháp này trong thực tế.
2. Bất cập trong quy định của pháp luật
Thứ nhất, pháp luật hiện hành vẫn không tách biệt giữa hai biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” và “buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép”.
Như đã phân tích, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu là biện pháp khắc phục hậu quả được Luật Xử lý VPHC năm 2012 quy định tách biệt với biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép. Thế nhưng, hiện nay, một số nghị định về xử phạt VPHC vẫn quy định chung hai biện pháp này mà không có sự tách biệt rõ ràng.
Đơn cử, theo khoản 2 Điều 14 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi “xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc phải tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra”. Tương tự, khoản 9 Điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định hành vi “xây dựng nhà ở, công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ” sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra”. Các quy định trên nên được hiểu là người vi phạm bị áp dụng một hay hai biện pháp khắc phục hậu quả? Nếu hiểu quy định trên gồm một biện pháp khắc phục hậu quả thì không có cơ sở và cũng không phù hợp với Luật Xử lý VPHC năm 2012.
Theo khoản 3, khoản 5 Điều 53 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP xử phạt VPHC trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở thì hành vi “xây dựng công trình trên đất cây xanh hiện có” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Vi phạm này bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng trái phép”. Như vậy, không chỉ Luật Xử lý VPHC năm 2012 mà cả Nghị định số 139/2017/NĐ-CP cũng xem “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” và “buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng trái phép” là hai biện pháp hoàn toàn độc lập với nhau.
Do đó, việc vẫn còn những văn bản gộp chung hai biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” và “buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép” trong cùng một quy định là chưa thật sự hợp lý.
Thứ hai, biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” không được quy định rõ ràng.
Khi quy định về biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trong các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, Chính phủ thiết kế theo công thức “VPHC nào sẽ bị áp dụng biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”. Căn cứ vào các nghị định này, người có thẩm quyền sẽ áp dụng biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” đối với các vi phạm cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại một số nghị định không quy định rõ ràng một số biện pháp khắc phục hậu quả có phải là “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” hay không?
Đơn cử, Điều 7 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm” đối với hành vi “tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”. Tương tự, Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc trả lại đất đã lấn, chiếm” đối với hành vi “lấn, chiếm đất”. Câu hỏi đặt ra là “buộc khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm”, “buộc trả lại đất đã lấn, chiếm” có phải là biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” hay không? Câu hỏi này không dễ trả lời trên thực tế, do đó, dẫn đến sự lúng túng trong việc áp dụng pháp luật.
Thứ ba, quy định áp dụng đồng thời biện pháp “buộc khôi phục tình trạng ban đầu” với các biện pháp khắc phục hậu quả khác dẫn đến việc vô hiệu hóa thẩm quyền xử phạt của nhiều chức danh.
Theo Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP thì hành vi “lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất” sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Vi phạm này bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm”. Với mức tiền phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm” thì vi phạm này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã.[8] Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc trả lại đất đã lấn, chiếm” lại thuộc về thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện.[9] Do đó, nếu áp dụng đồng thời hai biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm” và“buộc trả lại đất đã lấn, chiếm” thì thẩm quyền xử phạt sẽ thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện. Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP phân chia thành ba khung tiền phạt cụ thể là: (i) phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, (ii) phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; (iii) phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Căn cứ vào thẩm quyền phạt tiền thì lẽ ra Chủ tịch UBND cấp xã được quyền xử phạt đối với hành vi rơi vào hai khung tiền phạt đầu tiên (i) và (ii). Tuy nhiên, do phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc trả lại đất đã lấn, chiếm” nên các vi phạm này không còn thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã mà thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện.
Đồng thời, theo khoản 2 Điều 11 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, hành vi “để vật che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông” sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng. Vi phạm này bị áp dụng đồng thời biện pháp “buộc phải tháo dỡ các vật che khuất báo hiệu đường bộ và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra”. Do Chủ tịch UBND cấp xã không có thẩm quyền áp dụng biện pháp “buộc phải tháo dỡ các vật che khuất báo hiệu đường bộ” nên việc xử phạt phải do Chủ tịch UBND cấp huyện tiến hành. Một điều vô lý không thể không nhắc đến là khoản 3 Điều 11 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định mức tiền phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, khoản 4 Điều 11 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định mức tiền phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng nhưng các vi phạm vẫn thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã. Trong khi đó, khoản 2 Điều 11 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định mức tiền phạt thấp hơn rất nhiều (từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng) thì lại thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện do có sự xuất hiện của biện pháp khắc phục hậu quả. Như vậy, chính biện pháp khắc phục hậu quả đã dẫn đến tình trạng vô hiệu hóa thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã. Điều này dẫn đến thực trạng có những hành vi vi phạm mà mức tiền phạt thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã nhưng do áp dụng đồng thời các biện pháp khắc phục hậu quả trong đó có biện pháp không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã nên phải chuyển lên cấp trên. Từ đó cấp huyện và cấp tỉnh trở thành cấp xử phạt nhiều hơn, xử phạt luôn cả những vi phạm vốn dĩ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã. Điều này đi ngược lại với chủ trương mở rộng thẩm quyền cho cấp dưới, đồng thời cũng đi ngược lại với phân cấp quản lý nhà nước về hoạt động xử phạt và mâu thuẫn với nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt dựa trên tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi.[10]
Thứ tư, pháp luật không quy định biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” đối với một số vi phạm hành chính có hậu quả làm thay đổi hiện trạng ban đầu của đối tượng bị vi phạm.
Mục đích của biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” do VPHC gây ra là nhằm khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đối tượng bị VPHC xâm hại, khắc phục hậu quả do VPHC gây ra. Tuy nhiên, việc quy định biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” trong các nghị định về xử phạt VPHC hiện nay chưa bao quát hết các trường hợp vi phạm. Có những VPHC gây ra hậu quả trên thực tế, làm thay đổi hiện trang ban đầu của đối tượng bị VPHC xâm hại nhưng lại không được pháp luật quy định áp dụng biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”.
Chẳng hạn, khoản 2 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: “phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông”. Hành vi để rơi vãi nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa ra môi trường trong khi tham gia giao thông gây ra hậu quả làm thay đổi hiện trạng của đường sá nhưng Nghị định số 155/2016/NĐ-CP lại không quy định áp dụng biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” đối với vi phạm này. Trong khi đó, cũng trong nghị định này, hành vi “chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường”[11] lại được quy định áp dụng biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”.[12]
Tương tự, theo điểm a khoản 1 Điều 55 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP thì hành vi “đấu nối trái phép đường dây, đường ống ngầm” sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”. Hành vi “tự ý đào bới, dịch chuyển, đấu nối tuy nen, hào kỹ thuật” cũng bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nhưng lại không bị áp dụng biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”. Đây là một điều rất vô lý bởi hành vi “tự ý đào bới, dịch chuyển, đấu nối tuy nen, hào kỹ thuật” gây ra những hậu quả đáng kể cho xã hội và việc áp dụng biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” là rất cần thiết. Đáng tiếc, như đã trình bày, hành vi này không hề bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nói chung và biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” nói riêng. Đây chính là một bất cập trong các quy định của pháp luật về biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” cần sớm được khắc phục nhằm bảo đảm hiệu quả trong công tác xử phạt VPHC.
Thứ năm, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cách thức xác định “tình trạng ban đầu”, từ đó gây khó khăn cho việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”.
Hiện nay Luật Xử lý VPHC năm 2012 và các nghị định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực mới chỉ quy định khái quát về “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” mà chưa có quy định cụ thể về cách thức xác định “tình trạng ban đầu”. Vì thế, trên thực tế, các chủ thể có thẩm quyền gặp không ít khó khăn, lúng túng khi áp dụng biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” trong xử phạt VPHC.[13]
Ví dụ: khoản 5, khoản 10 Điều 15 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định hành vi “rải, đổ hóa chất gây hư hỏng công trình đường bộ” sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra”. Tuy nhiên, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP và các văn bản pháp luật hiện hành không hề quy định cách thức xác định “tình trạng ban đầu của công trình đường bộ” làm căn cứ xác định mức độ hư hỏng của công trình đường bộ để từ đó có thể áp dụng chính xác biện pháp “buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu”.
Tương tự, khoản 15 Điều 30 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định hành vi vận chuyển hàng hóa quá tải nếu gây hư hại cầu, đường phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra. “Khôi phục lại tình trạng ban đầu” ở đây đương nhiên là biện pháp khắc phục hậu quả và được áp dụng với điều kiện là “gây hư hại cầu, đường”. Thế nhưng, muốn áp dụng biện pháp này thì trước hết người có thẩm quyền phải chứng minh được “tình trạng ban đầu của cầu đường” và“mức độ hư hại của cầu, đường”. Trong thực tiễn, phải nhận thức rằng việc xác định “tình trạng ban đầu của cầu đường” và “mức độ hư hại của cầu, đường” là không hề đơn giản. Vì vậy, sự khó khăn trong việc áp dụng biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” sẽ vẫn tồn tại như một hệ quả tất yếu.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về “Biện pháp khắc phục hậu quả”
Thứ nhất, Chính phủ cần tiến hành rà soát tất cả các văn bản pháp luật về xử phạt VPHC để từ đó có sự tách biệt rõ ràng giữa biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” với biện pháp “buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép”. Không phải ngẫu nhiên mà Luật Xử lý VPHC năm 2012 phân chia “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” và “buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép” là hai biện pháp khắc phục hậu quả khác nhau. Do đó, việc gộp chung hai biện pháp này trong một số nghị định đã gây ra sự nhầm lẫn về tên gọi và cách áp dụng. Sửa đổi theo hướng tách bạch hai biện pháp khắc phục hậu quả trên là cần thiết nhằm bảo đảm cho việc xử phạt chính xác, khách quan và đúng pháp luật.
Thứ hai, nhằm bảo đảm tính khả thi thì nhà làm luật cần quy định rõ “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” là như thế nào. Trong thực tiễn xử phạt VPHC, việc chứng minh về thiệt hại gây ra là không quá khó khăn. Vấn đề nan giải là pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cách thức xác định “tình trạng ban đầu”, từ đó dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”. Do đó, nhà làm luật phải xây dựng các tiêu chí cụ thể để giải thích rõ ràng thế nào là “tình trạng ban đầu”. Trên cơ sở đó, người có thẩm quyền sẽ có thể áp dụng biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” một cách chính xác. Ngoài ra, để bảo đảm cho các quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu được thực thi một cách chuẩn xác, nhà làm luật cũng cần xây dựng những quy phạm thủ tục nhằm hướng dẫn triển khai thi hành biện pháp này trên thực tế.
Thứ ba, cần định danh lại các biện pháp “buộc trả lại đất đã lấn, chiếm”, “buộc phải tháo dỡ các vật che khuất báo hiệu đường bộ” được quy định trong các nghị định của Chính phủ về xử phạt VPHC. Thực chất, các biện pháp “buộc trả lại đất đã lấn, chiếm”, “buộc phải tháo dỡ các vật che khuất báo hiệu đường bộ” không có nội dung pháp lý mới vì nó được bao hàm trong biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”. Khi áp dụng biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” thì đương nhiên người vi phạm phải “trả lại đất đã lấn, chiếm”, “phải tháo dỡ các vật che khuất báo hiệu đường bộ” chứ không cần quy định song song các biện pháp này. Việc quy định thêm các biện pháp “buộc trả lại đất đã lấn, chiếm”, “buộc phải tháo dỡ các vật che khuất báo hiệu đường bộ” mà bản chất chính là “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” đã dẫn đến tình trạng vô hiệu hóa hay làm hẹp thẩm quyền xử phạt của nhiều chức danh. Do vậy, cần phải xác định lại đúng tính chất của những biện pháp này nhằm bảo đảm cho quá trình xử phạt được thực hiện đúng thẩm quyền.
Thứ tư, nhà làm luật cũng cần bổ sung biện pháp “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” đối với một số VPHC có hậu quả làm thay đổi hiện trạng ban đầu của đối tượng bị vi phạm. Sự bổ sung này sẽ góp phần xử lý hiệu quả, triệt để các vi phạm đồng thời khắc phục mọi hậu quả xấu do vi phạm gây ra.
CHÚ THÍCH
[1] Điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
[2] Điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
[3] Điểm a khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh Xử phạt VPHC năm 1989 quy định: “Buộc khôi phục lại tình trạng đã bị thay đổi do VPHC gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” là biện pháp hành chính khác.
[4] Điểm a khoản 3 Điều 11 Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 1995.
[5] Khoản 5 Điều 29 Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008).
[6] Ban soạn thảo dự án Luật Xử lý VPHC (Bộ Tư pháp), Báo cáo số 07/BC-BST tổng kết tình hình thực hiện 08 năm Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2002 và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngày 18/01/2010. http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=266&TabIndex=2&TaiLieuID=208
[7] Theo Phụ lục 1 Báo cáo số 09/BC-BTP của Bộ Tư pháp về Tổng kết thi hành Luật Xử lý VPHC năm 2012 ngày 08/01/2018 thì từ năm 2013 đến năm 2017 đã có tới 92 nghị định của Chính phủ được ban hành để quy định về xử phạt VPHC trong các lĩnh vực.
[8] Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP.
[9] Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP.
[10] Nguyễn Cảnh Hợp – Mai Thị Lâm, “Quy định thẩm quyền xử phạt theo tỷ lệ phần trăm có khống chế mức trần: Ưu điểm hay hạn chế?”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 06, 2015.
[11] Khoản 9 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
[12] Điểm a khoản 13 Điều 20 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
[13] Quách Tiên Phong, “Biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 8, 2007.
- Tác giả: Trương Tư Phước
- Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam số 07(128)/2019 – 2019, Trang 17-25
- Nguồn: Fanpage Tạp chí Khoa học pháp lý
- Share on Facebook
Từ khóa » Buộc Khôi Phục Lại Tình Trạng Ban đầu
-
Buộc Khôi Phục Lại Tình Trạng Ban đầu Trong Xử Lý Hành Chính
-
Khôi Phục Lại Tình Trạng Ban đầu Là Gì? Biện Pháp Cưỡng Chế Buộc ...
-
Áp Dụng Biện Pháp Buộc Khôi Phục Lại Tình Trạng Ban đầu Sao Cho ...
-
Buộc Khôi Phục Lại Tình Trạng đất Là Gì ? Pháp Luật Quy định Như Thế ...
-
Quy định Về Mức độ Khôi Phục Lại Tình Trạng Ban đầu Của đất Trước ...
-
Biện Pháp Buộc Khôi Phục Lại Tình Trạng Ban đầu Trong Xử Lý Vi Phạm ...
-
Buộc Khôi Phục Lại Tình Trạng Ban đầu đã Bị Thay đổi Do Vi Phạm ...
-
Quy định Về Mức độ Khôi Phục Lại Tình Trạng Ban đầu Của đất Trước ...
-
Quy định Mức độ Khôi Phục Lại Tình Trạng Ban đầu Của đất đối Với ...
-
An Giang: Quy định Mức độ Khôi Phục Lại Tình Trạng Ban đầu Của đất
-
Họ Tên
-
Quy định Về Mức độ Khôi Phục Lại Tình Trạng Ban đầu Của đất Trước ...
-
Sẽ Quy định Mức độ Khôi Phục Lại Tình Trạng Ban đầu Của đất đối Với ...
-
Điều 29. Buộc Khôi Phục Lại Tình Trạng Ban đầu