Hoàng “bác Sỹ” Và Những Vụ Cướp Tiền Ngân Hàng

Vào năm 2004 và năm 2006, Đội 3, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH CATP HCM khám phá bắt 2 băng Phan Tấn Đạt (tự Đạt “heo”, SN 1972) và Trần Văn Tấn (tự Tấn “tre", SN 1976) chuyên cướp tài sản người lĩnh tiền từ ngân hàng. Tuy nhiên, sau đó lại có thêm nhiều nạn nhân của bọn tội phạm trên khiến người dân thành phố không khỏi hoang mang, lo lắng. Trước tình hình trên, CATP HCM xác lập chuyên án và giăng lưới vây bắt các đối tượng.

Kẻ có biệt danh Hoàng “bác sỹ"

Từ tình trạng tái diễn hiện tượng cướp giật tài sản người vừa rút tiền từ ngân hàng, đầu năm 2007, Ban Giám đốc CATP HCM chỉ đạo Đội 3, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH CATP HCM trực tiếp vào cuộc với chuyên án được xác lập mang bí số 702G.

Trải qua những ngày mật phục, theo dõi ở các ngân hàng lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố, trinh sát nắm được nguồn thông tin có một nhóm do kẻ có biệt danh Hoàng “bác sỹ” chuyên tổ chức cướp tài sản người rút tiền từ ngân hàng.

Dưới trướng của Hoàng “bác sỹ” còn 5 đồng bọn và đều có bề dày từ 2 tiền án, tiền sự trở lên về hành vi cướp giật tài sản.

Khẩn trương rà soát, truy tìm lai lịch, trinh sát Đội 3 đã xác minh được Hoàng “bác sỹ” tên thật là Nguyễn Huy Hoàng (35 tuổi, ngụ tại phường 27, quận Bình Thạnh), vì cha Hoàng làm nghề bác sỹ nên hắn được đặt biệt danh này.

Với vẻ bề ngoài lịch lãm, trong mắt nhiều người Hoàng như một đại gia trẻ, rất chịu chơi… Thế nhưng dưới vỏ bọc đó là một Hoàng “bác sỹ” với nhiều lần vào tù ra khám về tội danh cướp giật tài sản.

Song song đó, trinh sát cũng nhận ra "người quen" là Lê Đức Thuận (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh). Tên này có ngày vào 3-4 ngân hàng nhưng không hề thực hiện giao dịch và chi tiết đáng chú ý, Thuận thường tham gia các cuộc chơi cùng với Hoàng “bác sỹ”.

Ngày 4/5, sau khi nhận lệnh từ Hoàng “bác sỹ” tại quán cà phê trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, Thuận lên đường thi hành "nhiệm vụ".

Tuy nhiên, trà trộn vào Ngân hàng Vietcombank ở Bến Chương Dương (quận 1) và Sư Vạn Hạnh (quận 10), Thuận vẫn không "địa" được con mồi ưng ý. Thuận và đồng bọn chuyển đến Ngân hàng Công thương chi nhánh quận 10 trên đường Lê Hồng Phong.

Tại quầy giao dịch, Thuận phát hiện chị Huỳnh Thị Bích Vân (28 tuổi, ngụ quận 10) rút 8 triệu đồng bỏ vào cặp, treo ở baga xe rồi chạy về hướng Hồ Kỳ Hòa.

Số tiền không nhiều như mong đợi nhưng không thể về tay không nên nghe Thuận báo cáo tình hình, Hoàng “bác sỹ” phát lệnh cho đồng bọn bám sát nhất cử nhất động thay "ca" cho Thuận.

Khi chị Vân chạy xe đến đường Sư Vạn Hạnh (phường 12, quận 10) bọn chúng ra tay hành động như kế hoạch đã định thì bị vây bắt.

14 vụ cướp, 2 tỷ đồng…

Nhằm thực hiện kế hoạch ra quân trấn áp tội phạm bảo vệ an toàn tuyệt đối những ngày diễn ra bầu cử Quốc hội, đồng thời nhận định chuyên án 702G đã đến độ chín muồi, Ban chỉ huy Đội 3 quyết định phát tín hiệu bắt trọn băng ổ Hoàng “bác sỹ”. Và giờ “G” đã điểm.

Ngay sau khi băng Hoàng “bác sỹ” ra tay cướp tài sản của chị Vân thì trinh sát Đội 3 xuất hiện, tóm "gáy" bọn chúng.

Băng Hoàng "bác sỹ" tại Cơ quan điều tra CATPHCM.

Tính đến ngày 6/5, CATP HCM đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp các tên Nguyễn Huy Hoàng, Lê Đức Thuận, Nguyễn Văn Hoàng (31 tuổi, tự Hoàng “nhỏ"), Ngô Trọng Bằng (28 tuổi, tự Phi hoặc Út nhỏ) và Nguyễn Minh Đức (34 tuổi, tự Đức “ba đề"), tất cả cùng ngụ tại quận Bình Thạnh.

Theo thông tin ban đầu, từ tháng 8/2006, sau khi mãn hạn tù, Thuận gia nhập băng của Hoàng “bác sỹ” và giữ vai trò "đề lô".

Bằng kinh nghiệm có sẵn, băng Hoàng “bác sỹ” nắm bắt được quy luật tại các ngân hàng thường tập trung đông khách đến giao dịch vào chiều thứ 6 và sáng thứ 2 nên chúng cắt cử người thay phiên trà trộn.

Ngoại trừ chuẩn bị "ăn hàng" và chia chác, để tránh bị lực lượng Công an phát hiện, bọn chúng sử dụng từ 2-3 điện thoại di động nhưng duy nhất có 1 số điện thoại dùng liên lạc riêng với nhau và chỉ trong băng mới biết.

Ngay sau khi truyền đạt thông tin xong, chúng tắt máy điện thoại kể trên. Như đã phân công từ trước, nhiệm vụ chính của Thuận là ăn mặc lịch sự, đến quầy giao dịch của các ngân hàng "địa" tìm mồi rút tiền.

Sau khi xác định: số tiền, nơi cất giữ tiền, nhận diện nạn nhân, hướng đi khi ra khỏi ngân hàng… Thuận nhanh chóng gọi điện thoại báo cáo với Hoàng “bác sỹ”.

Từ đây, tổng đài Hoàng “bác sỹ” điều động đồng bọn đeo khẩu trang chờ sẵn bên ngoài bám sát theo mồi đợi thời cơ thích hợp là ra tay hành động.

Tính đến thời điểm bị bắt chúng đã thực hiện 14 vụ cướp tài sản tại các ngân hàng như Vietcombanhk (đường Kỳ Đồng, quận 3), Southernbank (Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận), Eximbank (Lê Thị Hồng Gấm, quận 1)… với số tiền khoảng 2 tỷ đồng.

Hầu hết đều là "bác thằng bần" nên sau khi chia chác tiền cướp được, chúng nướng gần hết vào sòng bạc

Từ khóa » Hoàng Bác Sĩ