Hoàng Cao Khải - Người Kể Sử

Mục Lục [Thu / Mở]
  • Tiểu sử
  • Khu di tích Lăng mộ
  • Tác phẩm
  • Đánh giá của người đương thời
  • Đánh giá lại Hoàng Cao Khải
  • Tham khảo
Kinh lược sứ Bắc Kỳ, Hoàng Cao Khải.

Hoàng Cao Khải (chữ Hán: 黃高啟; 1850–1933), là nhà văn, nhà sử học và là đại thần thân Pháp dưới triều vua Thành Thái trong lịch sử Việt Nam.

Tiểu sử

Nguyên danh của ông là Hoàng Văn Khải, tự Đông Minh, hiệu Thái Xuyên, quê ở làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ảnh), huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Đỗ cử nhân ân khoa 1868 (cùng khóa thi với anh ông Phan Đình Phùng tên là Phan Đình Thuật, Phan Đình Phùng năm 1876 mới đậu ở Trường Thi, Nghệ An) năm Tự Đức thứ 21 (1868), cùng được bổ làm huấn đạo huyện Thọ Xương, sau làm giáo thụ ở phủ Hoài Đức (Hà Tây). Trước khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, ông lần lượt giữ các chức vụ Tri huyện Thọ Xương rồi thăng quyền Án sát Lạng Sơn, quyền Tuần phủ Hưng Yên.

Năm 1884, Pháp chiếm Bắc Kỳ, trong khi các phòng trào chống Pháp nổi dậy thì ông lại hợp tác với Pháp để đàn áp các phong trào nghĩa quân chống Pháp. Tháng 1 năm 1887, quyền Tuần phủ Hưng Yên, Hoàng Cao Khải được vua Đồng Khánh cho thực thụ Tuần phủ, gia hàm Thự lý Tổng đốc, nhưng vẫn lãnh Tuần phủ kiêm Tiễu phủ sứ ba tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, đặc biệt tham gia đàn áp khốc liệt cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.

Năm 1888, ông được thăng làm Tổng đốc Hải Dương, rồi làm Khâm sai Kinh lược Bắc Kỳ, tước Duyên Mậu quận công (1890), đây là biệt lệ vì quan lại triều Nguyễn chỉ được phong quận công khi đã mất, ban cho thực ấp Thái Hà. Năm 1894, theo lệnh của toàn quyền De Lanessan, ông viết thư dụ hàng Phan Đình Phùng, nhưng bị cự tuyệt.

Sách Việt Nam sử lược ghi rằng:

Lúc ấy quan quyền kinh lược sứ là ông Nguyễn Trọng Hợp cử quan quyền Tổng đốc Hải Dương là Hoàng Cao Khải làm chức Tiểu phủ sứ đi đánh dẹp ở vùng Bãi Sậy.Hoàng Cao Khải đem quân đi đánh riết mấy mặt. Bọn Phong trào Văn Thân người thì tử trận, người thì bị bắt. Nguyễn Thiện Thuật chạy sang Tàu, sau mất ở Nam Ninh, thuộc Quảng Tây. Đốc Tít ra hàng, phải đày sang ở thành Alger, bên Algérie. Đề Kiều và Lương Tam Kỳ ra thú được ở yên. Cai Kinh bị bắt, Đốc Ngữ ra thú, Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế đến năm 1912 mới bị giết.

Năm 1897, Nha Kinh lược Bắc Kỳ bị bãi bỏ, Hoàng Cao Khải được điều về Huế lãnh chức Thượng thư Bộ Binh và làm phụ chính đại thần cho vua Thành Thái, hàm Thái tử Thái phó, Văn minh điện Đại học sĩ. Như vậy, Hoàng Cao Khải là viên Kinh lược sứ Bắc Kỳ cuối cùng của triều Nguyễn.

Năm 1904 khi tỉnh Cầu Đơ được đổi tên là Hà Đông, ông làm Tổng đốc tỉnh Hà Đông, giúp Thống sứ Bắc Kỳ soạn Nghị định về tổ chức bộ máy quản lý cấp xã ở Bắc Kỳ. Về sau con trai ông là Hoàng Trọng Phu kế nhiệm ông làm Tổng đốc Hà Đông đến năm 1937.

Ông về hưu tại Ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội và mất tại đây.

Ngày 6 tháng 5 năm 1922, Hội Thanh niên Việt Nam (Foyers de la Jeunesse Annamite) được thành lập, Hoàng Cao Khải cùng Thống sứ Bắc Kỳ Monguillot làm đồng Chủ tịch Hội, Chánh mật thám Pháp Marty làm Chủ tịch danh dự.

Khu di tích Lăng mộ

Mộ của Hoàng Cao Khải nằm ở khu vực ấp Thái Hà cũ, nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội. Di tích này ít được chăm sóc, đến nay khá là hoang phế. Khu ấp có tính đặc thù cao về kiến trúc, được xây dựng năm 1893. Nằm rải rác ở khu vực phía Tây gò Đống Đa, gồm nhiều công trình kiến trúc tinh xảo được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật cao tay trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Ấp Hoàng Cao Khải được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Bộ Văn hóa lúc đó đánh giá: "Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương"...

Tác phẩm

Hoàng Cao Khải sáng tác cả bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm trên nhiều lĩnh vực. Về lịch sử nổi bật có Việt sử yếu, Việt Nam nhân thần giám, Việt sử kinh bằng chữ Hán, sau được chính ông diễn nôm; Nam sử diễn âm bằng chữ Nôm.

Các sáng tác của Hoàng Cao Khải thường lấy đề tài lịch sử như:

  • Tây nam đắc bằng (Đi về hướng tây nam gặp được bạn) kể việc Gia Long gặp Bá Đa Lộc nhờ cầu viện nước Pháp,
  • Trung hiếu thần tiên nói về Hưng Đạo Vương và thời Trần.

Ông cũng soạn các truyện lịch sử mang tính giáo dục luân lý phong kiến như Gương sử Nam, Làm con phải hiếu, Đàn bà Việt Nam...

Ông cũng là soạn giả vở tuồng Gia Long phục quốc.1

Đánh giá của người đương thời

Hầu hết các sĩ phu đương thời đều coi khinh Hoàng Cao Khải dù Hoàng có tài văn học. Thái độ đó bắt nguồn từ tác phong kẻ sĩ Nho học, vốn bất hợp tác với người Pháp. Hoàng thì ngược lại, cộng tác rất đắc lực với người Pháp. Các con là Hoàng Mạnh Trí, Hoàng Trọng Phu đều làm tổng đốc, Hoàng Gia Mô làm Tri huyện, phục vụ cho người Pháp.

Sĩ phu Hưng Yên có đôi câu đối, chửi khéo Hoàng Cao Khải:

"Ông ra Bắc là may, Quan Kinh lược, tước Quận Công, bốn bể không nhà mà nhất nhỉ"."Cụ về Tây cũng tiếc, trong triều đình, ngoài bảo hộ một lòng với nước có hai đâu ?"

"Bốn bể không nhà" là ý nói mất gốc; "ông về Tây cũng tiếc": chính nghĩa nói là đi về cõi Tây Trúc, Tây Thiên, âu cũng thiệt thòi nhưng thực ra là nói người Tây tiếc vì mất đi tay sai đắc lực. Còn như "một lòng với nước có hai đâu" chính là một mình ông trung với nước, không có người thứ hai nhưng thực là mỉa có hai nước (nước Nam, nước Tây), ông trung với nước nào ? (Dẫn theo Vũ Ngọc Khánh, "Người có vấn đề trong sử nước ta", Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 2008)

Đánh giá lại Hoàng Cao Khải

Giáo sư sử học Chương Thâu (nhân dịp in lại Việt sử yếu):

"Bất ngờ là, sau quá trình tìm hiểu, tôi lại đi đến một kết luận thú vị. Đó là, những "bia miệng" giáng xuống Hoàng Cao Khải hơi quá nặng nề so với "tội trạng" thực của ông....Ngoài chuyện làm quan cho nhà Nguyễn, Hoàng Cao Khải còn mắc phải một "tội trạng" nặng nề khác là đàn áp khởi nghĩa, đúng không ? Nhưng, lục tìm tài liệu cũ của Pháp, tôi lại phát hiện những trang "mật" ghi chép cẩn thận mọi hành vi của Hoàng Cao Khải. Càng đọc càng thấy, các "quan trên" tỏ ý nghi ngờ Tổng đốc họ Hoàng làm việc "hai mang". Nếu không thì tại sao, ngày giờ tiến hành đàn áp khởi nghĩa Yên Thế, Hoàng Cao Khải đều thống nhất với một đồng sự vốn là bà con xa của Hoàng Hoa Thám, như thể ngầm "đánh tiếng" sang nghĩa quân. Rồi, sau này lập ấp Thái Hà, thực tâm Hoàng Cao Khải muốn giúp đỡ những người từ phương xa tới kinh kỳ. Trong danh sách những người được ông cưu mang, có cả Hoàng Mậu Dân, thân phụ của Hoàng Ngọc Phách. Mà Hoàng Mậu Dân thì vốn là thủ túc của Phan Đình Phùng, bị truy nã gắt gao ở Hà Tĩnh. Ngay Phan Bội Châu, lãnh tụ của phong trào Đông Du cũng nhận định: Hoàng Cao Khải là người "nhất điểm linh đài", "còn một điểm lương tâm, còn biết Việt Nam là nước của tổ tông cha mẹ, là nước đồng bào, không nỡ trông thấy người Pháp phá hoại mòn mỏi đi". Ông cũng hy vọng Hoàng Cao Khải một lúc nào đấy sẽ hồi tâm. Theo suy nghĩ của tôi, dù làm việc cho Pháp nhưng Hoàng Cao Khải vẫn là người có tinh thần dân tộc (tôi không dùng chữ yêu nước). Tinh thần dân tộc ấy đã lan truyền đến thế hệ con, cháu của ông. Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc Hà Đông cũng thiết lập một trại ấp "từ thiện" và còn có công khôi phục làng nghề cho tỉnh Hà Đông. Đặc biệt, cả Hoàng Trọng Phu và Hoàng Mạnh Trí (Tổng đốc Nam Định) đều âm thầm hỗ trợ phong trào Đông Du, làm lơ cho hai trung tâm tuyển chọn đi Đông Du ở Hà Đông và Nam Định cứ việc hoạt động. Chừng ấy chi tiết đã đủ để chúng ta nên xem xét lại chưa? Chính từ trường hợp của Hoàng Cao Khải mà tôi nhận thấy, tầng lớp sĩ phu cùng thời với ông có sự phân hóa rõ rệt: một bộ phận đi làm cách mạng, một bộ phận "án binh bất động", một bộ phận vì nhiều lý do tạm thời làm việc cho Pháp. Nét độc đáo ấy, khi nhìn lại lịch sử dân tộc, lẽ ra chúng ta cần để tâm nghiên cứu."2

Tham khảo

  1. ^ Hà Ngại. Tiếng tiêu đồng, hồi ký một vị quan triều Nguyễn. TP HCM: Nhà xuất bản Trẻ, 2014. Tr 78.
  2. ^ "Đánh giá lại" Hoàng Cao Khải, Thanh Niên, 04/10/2007

(Nguồn: Wikipedia)

Từ khóa » Hoàng Cao Khải