Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm & Tứ Tôn Châm :: Suy Ngẫm & Tự Vấn

Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1888-1954) là một đại thần triều Nguyễn, nguyên Thượng thư Bộ Lễ, Phủ doãn Thừa Thiên, Tổng đốc Thanh Hóa. Ông sinh năm 1888 tại làng Gôi Vị, nay là xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ, Nguyễn Khắc Niêm đã thông minh tuấn tú hơn người. Năm 1906, mới 18 tuổi, ông thi đậu cử nhân, trường thi Nghệ An. Năm 1907, ở tuổi 19, ông thi đậu đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp)[1], khoa thi đình Đinh Mùi, tại Huế. Có thể nói, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm là một trong số rất ít người đậu đại khoa thời phong kiến khi ở cái tuổi còn rất trẻ như thế. Khi thi đỗ đại khoa, được cùng các vị tiến sĩ đồng khoa triều kiến vua Thành Thái, nhà vua đề nghị mỗi vị tân khoa tiến sĩ hãy góp kế sách để phục hưng quốc gia, Nguyễn Khắc Niêm đã đọc 4 câu như sau:

尊 族 大 歸Tôn tộc đại quy尊 祿 大 危Tôn lộc đại nguy尊 才 大 盛Tôn tài đại thịnh尊 佞 大 衰Tôn nịnh đại suy.

(Đề cao nòi giống ắt đại hòa hợpCoi trọng bổng lộc ắt đại nguy nanTôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnhƯa thích xiểm nịnh, ắt đại suy vong.)

Thành Thái, một ông vua yêu nước tràn đầy khí phách, đã không có cơ hội để thực hiện 4 câu châm ngôn mà vị Hoàng giáp trẻ tuổi đề xuất. Ngay sau khoa thi này, cũng trong năm 1907, Hoàng đế Thành Thái do bộc lộ tư tưởng chống Pháp ngày càng rõ rệt, đã bị Toà khâm sứ Trung Kỳ ép thoái vị. Thật đáng tiếc! Tuy không gặp được minh quân để thi thố cái chí hướng Y, Phó, Quản, Nhạc(2) lại bất đắc dĩ phải ra làm quan với chính quyền bù nhìn, nhưng suốt thời gian 32 năm xuất chính, khi làm học quan, khi làm quan hành chính ở các tỉnh và bộ, Nguyễn Khắc Niêm vẫn luôn luôn sống thanh liêm, giữ khí tiết và phần nào cố gắng thực hiện những tư tưởng, hoài bão mà bản thân ông đã nung nấu từ thuở thiếu thời.

Tháng 2/1942, có lẽ chán với cảnh làm quan nô lệ [Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, bậc tiền bối của Nguyễn Khắc Niêm, đậu Phó bảng năm 1901, từng nói: quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ (quan trường là kẻ nô lệ trong đám nô lệ lại càng nô lệ)] ông từ quan về quê dạy học. Sau năm 1945, ông tích cực tham gia công tác tại địa phương từ Hội đồng nhân dân xã, ủy ban phòng vệ huyện Hương Sơn, Ban văn hóa tỉnh Hà Tĩnh, ủy viên Ban chấp hành Mặt trận Liên Việt, kiêm trưởng ban cứu trợ thương binh Liên khu 4. Năm 1952, ông được chính phủ mời ra Việt Bắc họp hội nghị Liên Việt trung ương, nhưng vì sức khỏe yếu không đi được. Năm 1954, ông tạ thế tại quê nhà.

Tuy Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm không gặp được vận hội tốt lành để trí quân trạch dân (giúp vua chăm lo cho dân), nhưng 4 câu châm ngôn nói trên của ông thì đến nay còn nguyên giá trị. Chúng ta có thể xem 4 câu châm ngôn này là 4 vế câu của hai mệnh đề. Các vế câu có liên quan chặt chẽ với nhau; đồng thời, có thể xếp vế thứ nhất và vế thứ hai làm một mệnh đề, vế thứ ba và vế thứ tư làm một mệnh đề. Mỗi mệnh đề có hai vế tương phản lẫn nhau để khẳng định hai mặt của một vấn đề.

Trước hết, chủ trương “tôn tộc” (đề cao tộc họ) là để “đại quy” (quy tụ về một mối lớn) của Nguyễn Khắc Niêm thực chất là chủ trương đại đoàn kết dân tộc. Theo Hán-Việt từ điển của Thiều Chửu, chữ “tộc” (族), gồm có các nghĩa sau đây:

1. Loài, dòng dõi, con cháu cùng một liêu thuộc với nhau gọi là tộc. Từ cha, con đến cháu là ba dòng (tam tộc 三 族). Từ ông cao tổ đến cháu huyền gọi là chín dòng (cửu tộc 九 族). Giết cả cha mẹ vợ con gọi là diệt tộc 滅 族. 2. Họ, cùng một họ với nhau gọi là tộc. Như tộc nhân 族 人 người họ, tộc trưởng 族 長 trưởng họ, v.v. 3. Loài. Như giới tộc 介 族 loài có vẩy, ngư tộc 魚 族 loài cá, v.v. 4. Bụi. Như tộc sinh 族 生 mọc từng bụi. 5. Hai mươi lăm nhà là một lư 閭, bốn lư là một tộc 族.

Như vây, chữ tộc trong câu nói của Nguyễn Khắc Niêm có nghĩa là giống loài, là cả một cộng đồng quần cư chứ không phải là chỉ các dòng họ trong cộng đồng. Có thể nói, cái sự “đại quy”, sự quy tụ lớn này, chính là sự đoàn kết trong nội bộ cộng đồng dân tộc, sự đồng thuận trong xã hội. Đó là tiền đề quan trọng nhất để đảm bảo thắng lợi cho mọi cuộc cuộc vận động xã hội từ xưa đến nay. Trong lịch sử dân tộc ta, đã có rất nhiều sự kiện trực tiếp hoặc gián tiếp chứng minh hùng hồn cho chân lý trong câu châm ngôn đó. Sau này, Hồ Chí Minh đã khẳng định chân lý này bằng câu khẩu hiệu (Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công) và bằng chính cuộc kháng chiến chống Pháp do Người lãnh đạo mà cụ Nguyễn Khắc Niêm là một trong những nhân sĩ đã hăng hái tham gia. Hiện nay, nhằm đáp ứng với yêu cầu của thời đại, Đảng ta tiếp tục phát động sâu rộng hơn chính sách đại đoàn kết dân tộc. Để thực hiện có hiệu quả cao chính sách này, công tác dân vận đang được Đảng hết sức chú trọng. Hơn lúc nào hết, tại thời điểm này, khi chúng ta hội nhập với thế giới, nếu không tạo được sự đồng thuận, đoàn kết sâu sắc, chặt chẽ trong cộng đồng dân tộc thì không chỉ con đường phát triển thành một nước giàu mạnh, văn minh của chúng ta trắc trở mà đến nền an ninh-quốc phòng quốc gia cũng khó mà vững vàng. Nhận thức là như vậy, nhưng thật đáng buồn là ngày nay, ngay trong hàng ngũ cán bộ, công chức là Đảng viên, không ít người đã bằng những việc làm vô pháp, vô thiên của mình, trực tiếp hoặc gián tiếp phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc mà những bậc hiền tài các triều đại trước đã vun trồng và sau nay, Đảng và Bác đã dày công bồi đắp.

Đáng lo ngại nhất đối với chủ trương “tôn tộc đại quy” (đại đoàn kết dân tộc) là tình trạng kéo bè, kết cánh; vì lợi ích cục bộ với nhau theo kiểu cánh hẩu, theo từng địa phương, thậm chí theo từng dòng họ. Đến bây giờ, câu tục ngữ “Một người làm quan cả họ được cậy, một người làm bậy cả họ mất nhờ” dường như đang ngày càng có cơ sở thực tế. Trong bối cảnh phát triển hiện nay của dân tộc, việc củng cố, phát huy gia tộc là đúng, là cần thiết. Tuy nhiên, sự phát triển của gia tộc nếu không đúng hướng, không phù hợp với lợi ích dân tộc thì sẽ góp phần tạo ra tình trạng cát cứ, dễ phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc. Đành rằng, dân tộc Việt này, cũng như các dân tộc thiểu số khác trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, là sự hợp quần của bách tính (trăm họ). Nhưng chỉ có việc phát triển dân tộc mới bảo đảm cho việc phát triển các dòng họ. Tình trạng phục hưng nghi lễ, củng cố tôn ty, hệ thống, uy thế của các dòng họ hiện thời, đã có không ít biểu hiện lệch lạc. Đặc biệt, ở môi trường nông thôn, một số kẻ hoạt đầu, cơ hội trong các dòng họ đã lợi dụng tình hình này để mưu lợi ích riêng, tạo ra các cuộc tranh chấp không đáng có giữa các dòng họ, gây rối loạn trong cộng đồng xã hội. Chính những kẻ này đã kích hoạt nhiều thói hư tật xấu của số đông thành viên trong các dòng họ, làm bại hoại thuần phong mỹ tục, cản trở cả việc thực thi pháp luật.

Liên quan chặt chẽ đến việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là lẽ công bằng, là sự minh bạch, là tính dân chủ của chế độ xã hội. Vì vậy, nếu một xã hội chỉ biết “tôn lộc”... ắt là “đại nguy”. Bởi, nếu chỉ biết coi trọng bổng lộc, coi trọng những thu nhập bất chính của các cá nhân hoặc phe nhóm thì lấy đâu ra công bằng, dân chủ, công khai? Thì, dĩ nhiên, sẽ gây ra tình trạng xâu xé lẫn nhau, “trên dưới đánh nhau vì lợi” (上 下 交 征 利 thượng hạ giao chinh lợi-Mạnh Tử(3)), sẽ sinh ra hạng người chỉ biết lợi ích cá nhân là trên hết, sống vì lợi quên nghĩa. Loại người này sẽ đánh mất hết cả lý tưởng, đạo đức cách mạng mà Đảng và Bác đã dày công đào luyện; thậm chí, đánh mất cả thiên lương, tính người. Đấy chính là bọn tham nhũng hiện nay mà Đảng và Nhà nước ta đang ra sức chống như một thứ đại dịch nguy hiểm. Trong thời đại này, thời đại kinh tế thị trường, không thể không coi trọng các thứ lợi ích của các thành viên trong xã hội. Không nên có thái độ coi thường lợi ích vật chất như các nhà Nho xưa. Nếu vậy, xã hội sẽ nghèo nàn, đình trệ. Nhưng nếu chỉ biết coi trọng lợi ích một cách thái quá (tôn lộc), thì cái nguy cơ làm rối loạn, suy yếu đối với cộng đồng dân tộc sẽ lớn hơn rất nhiều.

Nếu chủ trương “tôn lộc” làm đẻ ra hạng tiểu nhân chỉ biết tranh nhau vì lợi gây rối loạn, suy yếu cho quốc gia, dân tộc thì chủ trương “tôn tài” sáng suốt sẽ là phương châm cứu thế tuyệt vời. “Tôn tài đại thịnh”! Cách đây 500 năm, Thân Nhân Trung (1418-1499), tiến sĩ thời Hồng Đức, đã khẳng định tầm quan trọng của nhân tài đối với sự thịnh suy của một quốc gia: "...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế acác bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...". Trải qua bao thăng trầm của các triều đại trong lịch sử dân tộc, chân lý này càng trở nên ngời sáng. Tuy nhiên, “tôn tài” cũng có năm bảy đường, năm bảy kiểu. Một mặt, “người tài” là những người vừa có tài đức, nghĩa khí hơn người nhưng mặt khác, họ cũng là những người rất có cá tính, rất nhạy cảm, rất tự trọng. Lịch sử Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác trên thế giới đã có nhiều bài học sinh động, đắt giá cho nhà cầm quyền trong việc đối xử với nhân tài. Người tài thực sự không thể chỉ có lấy lợi mà mời họ được, cũng không lấy quyền lực mà uy hiếp họ phải theo mình. Họ là những người “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (Giàu sang không cám dỗ được, nghèo hèn không làm thay đổi ý chí, uy quyền không khuất phục được).

Tôn tài không chỉ ngưỡng vọng, đề cao người tài mà cái quan trọng nhất vẫn là phải biết dùng họ đúng tầm mức, sở trường. Nói chung, chỉ có hạng vĩ nhân, thiên tài thì mới tạo ra được cơ hội, môi trường để thi thố tài năng; còn ra, hạng nhân tài thì phải trông chờ vào cơ chế xã hội tạo môi trường, điều kiện thì họ mới có cơ hội để cống hiến. Nếu không thế, thì họ cũng chỉ uất ức với cái tâm tư “hoài tài bất ngộ” (tiếc có tài mà không gặp thời). Thậm chí, tiêu cực hơn, họ lại trở thành một lực lượng chống đối đáng sợ. Hiện nay, trước vận hội mới, đất nước, dân tộc, chế độ đang cần người tài hơn bao giờ hết. Đảng ta đã có những chủ trương, sách lược đúng đắn để thu hút nhân tài, Nhà nước các cấp đã có những cơ chế, chính sách mạnh để chiêu mộ người tài vào làm việc trong bộ máy quản lý, điều hành xã hội. Tuy vậy, nhưng việc thực thi những chủ trương, chính sách này ở các cấp, các ngành, các đơn vị lại đang tỏ ra ngày một kém hiệu quả. Báo chí gần đây đã nêu lên những con số đáng giật mình về sự ra đi của người tài, sự chảy máu chất xám từ trong các cơ quan nhà nước ra các tổ chức kinh tế xã hội tư nhân hoặc liên doanh với nước ngoài. Hiện tượng chảy máu chất xám ngày nay sẽ ngày càng ồ ạt hơn vì các tổ chức kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ của ngoại quốc được phép vào khai thác chất xám tại chổ trên đất nước ta. Người tài xưa nay, phần lớn, là người có lý tưởng “kinh bang tế thế” (giúp nước, cứu đời). Vậy vì sao đất nước đang nghèo nàn, khốn khó như thế; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sáng suốt như thế mà người tài lại ngoảnh lưng ra đi? Ấy phải chăng là chủ trương, chính sách có chổ nào đó không hợp lý? Hay là những người thay mặt Đảng để thực hiện chính sách không tử tế, không thực tâm cầu thị? Hay là tại môi trường cán bộ, công chức trong các tổ chức, cơ quan đang đầy rẫy hiện tượng đố kỵ, ganh ghét khiến họ không an tâm làm việc? Hay là tại sự đối xử thiếu công bằng, phân công lao động, đánh giá lao động không hợp lý?

Bao nhiêu là câu hỏi như thế này đã được xới xáo lên trong dư luận xã hội và trên các diễn đàn nhưng vẫn chưa có những câu trả lời, những giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề. Có nhiều địa phương ra nghị quyết này, quyết định nọ để thu hút nhân tài. Nhưng kết quả chỉ thu nhận về được một số người chưa hẳn đã có thực tài, hoặc giả nếu có chút năng lực nào đó thì cũng đã hết thời, “lão lai tài tận”.Những người này về chỉ mong nhận được những lợi lộc mà chính sách thu hút nhân tài của địa phương đã quy định. Trong khi đó, nhân lực hiện có của địa phương thực ra không phải không có người tài mà chỉ vì tâm lý đố kỵ, ganh ghét, tâm lý “bụt chùa nhà không thiêng”,tâm lý “sợ người tài”(4)mà để cho họ lăn lóc như “mảnh chỉnh vứt ngoài bờ tre”. Thậm chí, không sử dụng họ nhưng nếu họ tìm đường thoát cũng bị ngăn chặn; không dùng mà lại tìm cách đày đoạ họ cho bỏ ghét. Cái tình trạng sử dụng nhân tài theo kiểu “bỏ đói con mình đi nuôi con người” như thế thì người tài bốn phương nghe nói đã bỏ chạy mất dép!

Ngoài ra, đã không hiếm quan chức địa phương và các bộ ngành đã tận dụng chủ trương, chính sách này để mưu lợi riêng. Nhân danh việc trọng dụng nhân tài, họ dàn dựng để đưa nhưng kẻ hữu danh vô thực lên những vị trí quan trọng. Hoặc là mua quan bán tước, hoặc là để trả ơn riêng, hoặc là cho người nhà, cánh hẩu. Đấy toàn là những việc làm của những kẻ chỉ biết “tôn lộc” mà chúng ta đã đề cập ở phần trên. Với cái trạng huống xã hội như vậy, thì người tài thực là như cá lọt vào giỏ cua, làm sao mà sống nổi?

Trò đời, khi cái tích cực, cái thiện, cái tốt không được phát huy thì cái tiêu cực, cái ác, cái xấu có đất nảy nở. Cũng vậy, khi người tài không được trọng dụng thì ắt là bọn xiểm nịnh được thời ngóc đầu dậy như rắn. Những kẻ này chỉ có một cái tài là làm vừa lòng người cầm quyền, dắt dẫn người cầm quyền vào con đường ăn chơi sa đoạ để lợi dụng. Lịch sử các dân tộc cổ kim, đông tây có quá nhiều tấm gương tày liếp cho vấn đề này. Chỉ nội một việc thời Lê sơ, khi Lê Thái Tổ nghe bọn nịnh thần nghi ngại và sát hại, đày đoạ các bậc hiền tài, trung lương như Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Nguyên Trãi... đã khiến cho đến đời con (Lê Thái Tông) sinh loạn, đến đời cháu là Lê Thánh Tông chỉ phồn thịnh được trong khoảng nửa thế kỷ để rồi sau đó đất nước rơi vào hoạ nội chiến kéo dài mấy mấy trăm năm. Câu “tôn nịnh đại suy” là một chân lý lịch sử phổ biến hầu hết ở mọi cộng đồng dân tộc. Bài học lịch sử thì rõ ràng như vậy, nhưng hầu như triều đại nào cũng mắc phải, cũng phải trả giá rất đắt. Sở dĩ như vậy là vì tâm lý con người ta thường là “thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung”, càng là những người có quyền thế thì tâm lý này lại càng đậm nét. Chỉ có những người có học thức, có văn hoá cao, biết suy nghiệm sâu sắc việc đời xưa nay, biết tu trì lý tưởng cao cả thì mới hòng tránh khỏi hoạ nịnh thần. Ngày nay, người ta nói nhiều tới văn hoá chính trị; có lẽ, việc lánh xa kẻ nịnh, biết gần người trung sẽ là tiêu chí văn hoá quan trọng nhất của người cầm quyền.

Nói tóm lại, càng suy ngẫm càng thấm thía tính chân lý, tính hiện đại của bốn câu châm ngôn nói trên. Có người đã khái quát đây là “Tứ tôn châm” 四 尊 箴 (Lời răn về bốn cái sự tôn). Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, vận vào đâu cũng thấy “Tứ tôn châm”đều đúng. Để thấy hết giá trị của “Tứ tôn châm”, chúng tôi xin nêu nhận định của ông Cam Ly, một vị cách mạng lão thành, khi giới thiệu 4 câu này trên báo "Phụ nữ Thủ đô":"Cụ Nguyễn Khắc Niêm chỉ với 16 chữ đã diễn đạt một cách súc tích sự minh triết Việt Nam... Mười sáu chữ vàng của cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm nay vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa giáo dục nhân sinh sâu sắc và lay động tâm can tất thảy những ai vì sự trường tồn của dân tộc"(4).

Một nhân tài mà hành trạng và tư tưởng có nhiều tiến bộ như thế, chúng ta cần phải tổ chức nghiên cứu các di cảo của ông và hội thảo về ông một cách nghiêm túc để kế thừa và phát huy. Hy vọng, sẽ có một cuộc hội thảo tầm cỡ và có chất lượng về những gì Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm để lại, trên miền quê yêu dấu của ông.

Chú thích:

(1)Hoàng giáp là một loại (gọi là giáp) danh hiệu của học vị Tiến sĩ trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời xưa. Loại danh hiệu này được xác định trong kỳ thi Đình, còn gọi là tiến sĩ xuất thân (進士出身). Vì đứng thứ hai trong hệ thống các loại học vị tiến sĩ, trên đệ tam giáp, nhưng dưới đệ nhất giáp, (tức tam khôi: trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) nên còn gọi là Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Đến nhà Nguyễn, triều đình thường bỏ không lấy hạng đệ nhất giáp, đặc biệt là Trạng nguyên, nên người đỗ hoàng giáp xếp trên cùng có thể coi là đình nguyên. Loại này không chia bậc, chỉ xếp thứ tự, ai đỗ cao hơn được xếp ở trên. Khi bổ nhiệm chức quan được lĩnh chức có hàm tòng thất phẩm.(2)Y, Phó, Quản , Nhạc: tức là Y Doãn, Phó Duyệt (đời nhà Thương), Quản Trọng (thời Xuân Thu), Nhạc Nghị (thời Chiến Quốc). Đây là 4 nhà chính trị kiệt xuất thời cổ đại Trung Hoa, lập công lớn để đời, tên tuổi lưu danh sử sách.(3) Mạnh Tử - Thiên Lương Huệ Vương (4)Tương truyền, trong một cuộc hội nghị quan trọng của Tỉnh uỷ Nghệ An vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, có một vị quan chức đã vui miệng tổng kết về tình trạng sử dụng cán bộ của tỉnh như sau: “giàu thì ghét, đói rét thì khinh, thông minh thì sợ” (tức là sợ người tài nên không dùng)(5) Dẫn theo nhà văn Nguyễn Khắc Phê trên http://www.laodong.com.vn/Home/Tu-Nha-den-Nuoc-hay-Chuyen-Nut-so-7-cua-nha-toi/20072/22180/Trang-1.laodong

Từ khóa » Tôn Lộc đại Nguy