Hoàng Sa: Công Lý Vẫn Luôn đứng Về Việt Nam - PLO

Ngày 19-1-1974, Trung Quốc (TQ) dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Suốt 47 năm qua, họ dân sự hóa, quân sự hóa vùng đảo này hòng khiến Việt Nam và dư luận quốc tế phải thừa nhận là của họ.

Nhưng không dễ! Dẫu trăm ngàn năm nữa thì công lý vẫn sẽ luôn đứng về phía Việt Nam.

Dường như TQ tin rằng việc chiếm giữ Hoàng Sa bất hợp pháp và tiến hành quân sự hóa, dân sự hóa khu vực này rồi trăm năm nữa lịch sử sẽ lãng quên. Thực tế đang hoàn toàn ngược lại. Ít nhất là kể từ năm 1945, khi Liên Hợp Quốc (LHQ) ra đời với hệ thống pháp lý ngày càng toàn diện, được sự đồng thuận ngày càng cao của cộng đồng quốc tế thì sự kiện TQ dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974 đã cô lập nước này về cả công lý lẫn công luận. Khoản 4 Điều 2 của Hiến chương LHQ ghi rõ: “Tất cả các quốc gia thành viên LHQ từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của LHQ”.

Trong tuyên bố xác lập đường cơ sở ngày 15-5-1996, TQ còn đơn phương vẽ đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa nhằm khẳng định chủ quyền. TQ củng cố sự cưỡng chiếm tại Hoàng Sa bằng cách nhân tạo hóa, bồi lấp các thực thể tại đây (và cả ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trong nhiều năm qua. Bắc Kinh huy động lực lượng, theo cách nói của nhiều học giả Mỹ, “một cách toàn diện từ trung ương đến địa phương, từ khối nhà nước đến khối tư nhân” để triển khai các nguồn lực cho cả ba mặt trận chiến tranh, gồm tâm lý, pháp lý và thông tin - truyền thông để bảo vệ sự chiếm hữu bất hợp pháp.

Tuy nhiên, rất nhiều phân tích xuất hiện khắp nơi và ngày càng rầm rộ trên thế giới đều cho thấy những động thái trên của TQ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Thế nhưng TQ trong vai trò là “nước lớn”, là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, là thành viên của cả Hiến chương LHQ cũng như UNCLOS và nhiều cơ chế pháp lý khác lại cố ý làm trái những điều mà họ cam kết. Việc cưỡng chiếm Hoàng Sa, hay phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài vụ Philippines kiện TQ năm 2016 cho thấy TQ “ngó lơ” hoặc có lúc “bẻ cong” công lý.

Khi tính cam kết của TQ với nền công lý của quốc tế bị chính họ xóa bỏ thì công luận cũng quay lưng với Bắc Kinh. Không chỉ các nước khu vực Biển Đông, những quốc gia bên ngoài như Mỹ, Anh - Pháp - Đức, Úc… đều đã gửi công hàm lên LHQ bác bỏ các yêu sách của TQ ở Biển Đông. Mới đây nhất, Mỹ đã công bố tài liệu dài 47 trang, bổ sung các lập luận đã nêu trước đây, chống lại các yêu sách trái pháp luật của TQ ở Biển Đông, tiếp tục bác bỏ các lý lẽ đơn phương của TQ về cơ sở địa lý và quyền lịch sử… Trên rất nhiều diễn đàn an ninh, chính trị - ngoại giao, thậm chí là hợp tác phát triển kinh tế, diễn đàn khoa học…, mỗi khi nói đến Biển Đông, tiếng nói của TQ thường yếu ớt và lẻ loi…

Khi công lý và công luận đều quay lưng với TQ thì lịch sử sẽ tiếp tục ghi lại sự phi pháp của họ ở Biển Đông. Nhiều chuyên gia khẳng định: Dù TQ có cố chiếm giữ Hoàng Sa ngàn năm nữa thì sức ép từ công lý và công luận sẽ tiếp tục hướng về họ. Dẫu trăm ngàn năm nữa, lý lẽ và sự đồng thuận quốc tế vẫn đứng về phía Việt Nam.

ĐỖ THIỆN Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Hoàng Sa Bị Trung Quốc Chiếm Năm Nào