Hoàng Sa Và Trường Sa Qua Bản đồ Cổ Của Các Nước Phương Tây
Có thể bạn quan tâm
Trong các bản đồ cổ được vẽ từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 bởi các nhà truyền giáo, hàng hải Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan... đều có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được vẽ thành một dải liền nhau, hình lá cờ đuôi nheo nằm trải dài ngoài khơi dọc theo bờ biển miền Trung Việt Nam, trong đó có rất nhiều chấm nhỏ biểu thị các hòn đảo, bãi cát với hàng chữ “Isle de Pracel”. Trong các bản đồ này, trên bờ biển ở khu vực Đà Nẵng hiện nay đều có ghi dòng chữ “Costa de Pracel” nghĩa là bờ biển Pracel, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được thể hiện như hình lá cờ đuôi nheo.
Trong số những bản đồ phương Tây sớm nhất vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bản đồ Bartholomen Velho, in trong cuốn sách của P.Y.Manguin và bản đồ khuyết danh trong cuốn Livro da Marinharia, in trong cuốn “Peregrination” của F.M.Pinnto. Hai tấm bản đồ có ghi niên đại 1560 đã phản ánh trung thực sự hiểu biết lúc bấy giờ của người phương Tây về Hoàng Sa. Vào thời điểm đó, người phương Tây, trong đó có người Bồ Đào Nha chưa hiểu biết nhiều về Hoàng Sa cũng chưa biết các đảo này thuộc về chủ quyền của nước nào. Hình dáng Hoàng Sa mà người Bồ Đào Nha ghi hàng chữ J Do Pracel là một dải dài những chấm nhỏ chạy từ Cù Lao Chàm ở ngoài khơi Hội An, được gọi là Pulo Campello tới Cù Lao Thu (đảo Phú Quý) được ghi bằng Pulo Sissir, ngoài khơi Phan Thiết ngày nay.
Bản đồ Biển Đông do Nhà xuất bản Robert Sayer London in năm 1791-“A New chart of the China Sea with its several entrances”, thể hiện quần đảo Hoàng Sa (Paracels) nằm trong hình lá cờ đuôi nheo ghi rõ: “According to the Draft of Cochinchina Pilot 1764” (Vẽ theo Dự thảo hàng hải chỉ nam của xứ An Nam năm 1764). Tài liệu này chứng tỏ, trong khi xây dựng các tài liệu hướng dẫn hàng hải, các nhà hàng hải phương Tây đã tham khảo các hiểu biết của chính quyền An Nam và thừa nhận quần đảo này thuộc về An Nam.
"An Nam Đại quốc họa đồ" do giám mục Jean Louis Taberd vẽ, in trong cuốn "Latino - Anamiticum" (Tự điển Việt-Latin) xuất bản năm 1838, có ghi chú "Paracel seu Cát Vàng" (Hoàng Sa) của Việt Nam. |
“An Nam Đại quốc họa đồ” xuất bản năm 1838 khẳng định, Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong lãnh hải Việt Nam. Bản đồ này được đính đằng sau cuốn “Latino - Anamiticum” (Tự điển Việt-Latin) do giám mục Jean Louis Taberd, người từng làm thông dịch viên cho Vua Minh Mạng từ tháng 11-1826, biên soạn, xuất bản năm 1838, có chiều dài 80cm, rộng 44cm. Nhan đề bản đồ được in bằng 3 ngôn ngữ: Hán, Quốc ngữ và Latin.
“An Nam Đại quốc họa đồ” là tài liệu phản ánh những hiểu biết sâu sắc và chính xác của người phương Tây từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19 về mối quan hệ giữa quần đảo Hoàng Sa và nước Đại Việt mà tác giả gọi là An Nam Đại quốc. “An Nam Đại quốc họa đồ” là một minh chứng hùng hồn khẳng định một cách rõ ràng: Paracel là địa danh mà người phương Tây chỉ quần đảo ở Biển Đông suốt thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19 chính là Cát Vàng hay Hoàng Sa của Việt Nam. Bản đồ có ghi chú “Paracel seu Cát Vàng”, từ “seu” trong tiếng Latin là “có nghĩa là”, Cát Vàng là tên Nôm, Hoàng Sa là từ Hán Việt. “An Nam Đại quốc họa đồ” cũng không ghi đảo Hải Nam hay bất kỳ đảo nào của các nước láng giềng và chỉ ghi chú thích duy nhất là: “Paracel seu Cát Vàng” thuộc chủ quyền An Nam Đại quốc hay Đại Việt. Địa danh Paracel ghi bên cạnh những chấm đánh dấu các đảo ở khoảng vĩ độ 16 Bắc (ngang vĩ độ cửa Tư Dung, Thừa Thiên) lên vĩ độ 17 Bắc (Cửa Tùng, Quảng Trị) và kinh độ 111,18 Đông cho thấy sự hiểu biết rất chính xác của người phương Tây và Hoàng Sa không còn chung với quần đảo Trường Sa nữa.
Ngay cả tấm bản đồ cổ có tên “China Proper 1735” vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời Càn Long (1736-1795), do nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville thực hiện dựa theo khảo sát địa lý của các nhà truyền giáo dòng Tên ở Trung Quốc và được in tại Đức năm 1735, Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến thăm Cộng hòa Liên bang Đức của ông Tập Cận Bình ngày 28-3-2014, cũng thể hiện lãnh thổ Trung Quốc vào thời nhà Thanh với cương vực phía nam chỉ kéo dài tới đảo Hải Nam. Mặc dù phó phát ngôn viên Chính phủ Đức Georg Streiter khẳng định “Đức không có ẩn ý gì” sau khi truyền thông phân tích về tấm bản đồ, nhưng giới quan sát cho rằng tấm bản đồ một lần nữa thể hiện rõ giới hạn biên cương của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam và hoàn toàn không có liên hệ với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Nhân chuyến thăm Hà Lan từ ngày 27-9 đến 1-10-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tặng tấm bản đồ có tên gọi “Map of the Coastline of Quinam, Tonquin, Cochinchina and Aynam” (Bản đồ vùng duyên hải Quảng Nam, Đàng Ngoài, Đàng Trong và đảo Hải Nam), do một nhà địa lý Hà Lan vẽ năm 1695, trước đó được lưu tại Cơ quan lưu trữ quốc gia Hà Lan ở The Hague. Bản đồ mô tả mối quan hệ địa lý giữa quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và vùng bờ biển Quảng Nam (Coastline of Quinam), chứ không có một liên hệ địa lý nào với đảo Hải Nam (Aynam), Trung Quốc.
Trong tấm bản đồ "China Proper 1735" thời Càn Long (1736-1795), do nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville in tại Đức năm 1735, Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhân chuyến thăm Cộng hòa Liên bang Đức năm 2014, cương vực phía nam của Trung Quốc chỉ kéo dài tới đảo Hải Nam. |
Ngoài ra, bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613, thể hiện quần đảo Hoàng Sa (Paracels), bao gồm tất cả các đảo của Việt Nam từ Nam Vịnh Bắc Bộ cho đến hết vùng biển phía Nam của Việt Nam, trừ Côn Đảo (Pulo Condor) và đảo Phú Quốc (Pulo Cici) được vẽ riêng. Trong bản đồ do W.Blaeu vẽ năm 1645, quần đảo Hoàng Sa được vẽ nối liền với các đảo: Cù Lao Thu, tức đảo Phú Quý (Pulo Secca de Mare), Cù Lao Xanh (Pulo Cambir), Cù Lao Ré, tức đảo Lý Sơn (Pulo Canton), thành một chuỗi đảo liên hoàn thuộc lãnh thổ Đàng Trong (Cochinchina). Bản đồ do Van de Kusten vẽ năm 1754, có tên là “Kaart van Cochinchine, van Tunquin” (Bản đồ Đàng Trong, Đàng Ngoài), đã thể hiện toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những phần lãnh thổ thuộc Vương quốc Cochinchina (Đàng Trong).
Bộ bản đồ “Atlas thế giới” của nhà địa lý học người Bỉ Philippe Vandermaelen (1795-1869), thành viên Hội Địa lý Paris, xuất bản năm 1827 gồm 6 tập với 7 bản đồ chung của 5 châu lục, 381 bản đồ chi tiết, 40 trang bảng thống kê và nhiều thông tin về địa lý tự nhiên, chính trị, khoáng sản... cũng đề cập đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam.
Như vậy, cùng với những bằng chứng lịch sử và pháp lý, với các nguồn tư liệu thành văn bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, những tấm bản đồ cổ của phương Tây là minh chứng cho thấy, từ hơn 5 thế kỷ trước, Việt Nam đã xác lập chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ quyền này đã được các nhà bản đồ học, hàng hải, phát kiến địa lý phương Tây thừa nhận và ghi dấu lên những tấm bản đồ địa lý và bản đồ hàng hải của họ. Đây cũng là những bằng chứng góp phần bác bỏ những yêu sách chủ quyền phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Đại tá VŨ VĂN KHANH
Từ khóa » Hoàng Sa Của Nước Nào
-
Quần đảo Trường Sa – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hoàng Sa Mãi Là Một Phần Lãnh Thổ Của Việt Nam
-
Việt Nam Có Vĩnh Viễn Mất Hoàng Sa Vào Tay Trung Quốc?
-
Mỹ đăng Bản đồ Việt Nam Có Hoàng Sa, Trường Sa - BBC
-
Cơ Sở Pháp Lý Khẳng định Chủ Quyền Hoàng Sa, Trường Sa Là Của ...
-
Hoàng Sa Và Trường Sa Là Của Việt Nam
-
Quần đảo Hoàng Sa TP Đà Nẳng
-
Chứng Cớ Rõ Ràng Chủ Quyền Việt Nam Với Hoàng Sa Và Trường Sa
-
Quần đảo Và Biên Giới Biển, Vùng Chủ Quyền Quốc Gia Việt Nam Trên ...
-
Quần đảo Hoàng Sa - Nhìn Từ Đà Nẵng
-
Hoàng Sa, Trường Sa Là Của Việt Nam - Chi Tiết Tin Tức
-
Luật Hải Cảnh Mới Của Trung Quốc: Những Sai Trái Nhìn Từ Luật Pháp ...
-
Hoàng Sa, Trường Sa- Nơi đầu Sóng! - Vẻ đẹp Đà Nẵng