Hoanghaufrance - Huynh Tam

Hoàng hậu cuối cùng của nước Pháp và bức thư tuyệt mệnh

Hoàng hậu cuối cùng của nước Pháp, và bức thư viết trong ngục tù, gởi cho đông cung thái tử cũng đang bị giam. Bức thư bị giữ lại, không đến tay người con trai. Sau 110 năm, nó được công bố lần đầu trên tạp chí Histoire, số tháng 1-2004.

Ngày 16-10-1793, vào hồi 4 giờ sáng, trong một xà lim ở Conciergerie [1] , người đàn bà vừa bị tòa án cách mạng kết án tử hình nửa giờ trước đó, đã đặt bút viết bằng một bàn tay rắn rỏi những dòng cuối cùng trong đời : " Em dâu, cô là người tôi viết bức thư cuối cùng. Tôi đã bị kết án, không phải với một cái chết nhục nhã, nó chỉ dành cho những tên tội phạm, mà là để đi theo anh cô ''. Marie - Antoinette đã mở đầu như vậy những lời thư gởi cho phu nhân ( Madame ) Elisabeth ( 1764-1794 ), em gái của vua Louis XVI ( 1754-1793 ). Ý nghĩ của bà hoàng hậu cũng đang chờ theo chồng lên đoạn đầu đài, là hướng về hai người con: Louis XVII (1785-1795) - lúc này mới lên 8 tuổi - và Marie Thérès Charlotte. Bức thư viết tiếp : "... Em hãy nhận lấy thay cho hai đứa chúng nó lời chúc phúc của tôi. Tôi hy vọng rằng một ngày kia, khi chúng khôn lớn hơn, chúng sẽ được sum họp với em và được hưởng trọn vẹn sự săn sóc trìu mến của em ". Madame Elisabeth cũng sẽ bị lên máy chém năm sau, 1794, còn Thái tử Louis sẽ chết trong những trường hợp bí mật vào năm 1795. ( Theo từ điển Le Petit Larousse năm 1993 của Pháp, sau khi bị giam chung cùng gia đình ở điện Temple, bị hoàng tử bé con này đã được giao cho người thợ giày Simon canh giữ; đến năm 1795, cậu bé bị đem đi chôn một cách bí mật và cái chết đó cho đến nay vẫn còn là nghi án ). Người duy nhất còn sống sót trong gia đình hoàng tộc này là Marie Thérèse Charlotte: Vị công chúa bất hạnh này sẽ kết hôn sau đó với con trai của bá tước d' Artois và mất năm 185 l .

Tất cả đã bắt đầu " cứ như một truyện thần tiên '' đối với cuộc đời người đàn bà cao sang nhất nước Pháp trước cách mạng. Năm 1769, mới 15 tuổi, Marie - Antoinette đã kết hôn với thái tử của nước Pháp, Louis - Auguste, cũng chỉ mới 16 tuổi. Do vẻ tươi mát và duyên dáng của cô gái, vị công nương trẻ tuổi này đã chiếm được trái tim của người Pháp, đặc biệt là vua Louis XV. Cô bị choáng ngợp bởi sự xa hoa của cung điện Versailles cùng những lễ lạc sang trọng, lộng lẫy được tổ chức để chào mừng và tôn vinh mình. Nhưng rồi sự vui sướng hoan hỉ đó nhanh chóng nhường chỗ cho sự thất vọng và buồn phiền. Trở thành hoàng hậu từ tháng 5-1774, bước vào tuổi 20, Marie - Antoinette tìm sự đào thoát trong những chuyện tầm phào, và chốn ẩn náu trong cảnh trí các vở ca kịch nhỏ ở lâu đài Trianon. Nhưng rồi lịch sử đã bứt người đàn bà cao sang tột đỉnh này ra khỏi các mơ mộng của mình. Sự vô tư, thản nhiên truớc thời cuộc cùng những hành vi ứng xử vụng về của bà ta dần dà làm mất đi sự yêu mến của thần dân và đến một lúc nào đó họ chỉ gọi bà ta bằng cái tên ''Con mẹ người Áo'' ("l' Autrichienne''). Trong giông tố của biến động cách mạng, sự khinh bỉ và căm ghét của dân Pháp với bà ta càng gia tăng. Ngày 9-8-1792, quần chúng bắt lấy toàn bộ hoàng gia và giam giữ họ tại vọng lâu của tu viện Temple. Ngày 11-12-1792, ''Louis Capet'' (tức vua Louis XVI) bị giật ra khỏi người thân, đưa ra xét xử và bị lên máy chém. Sau vua, đến hoàng hậu, Marie - Antoinette hơn nửa năm sau - ngày 3-7-1793 - cũng bị chia lìa với con trai, và ngày 2-8 bị đưa đến giam vào xà lim tại Conciergerie.

Trong bức thư cuối cùng vài giờ trước khi chết, người ta đọc được những dòng sau: ''Con hãy không bao giờ quên những lời nói cuối cùng của cha con, mà mẹ muốn nhắc lại một cách rành mạch, rõ ràng: con đừng bao giờ tìm cách trả thù cho cái chết của cha, mẹ [...]. Mẹ thành tâm cầu xin Thượng đế tha thứ về tất cả những lỗi lầm mà mẹ đã bắt đầu phạm phải từ khi mẹ có mặt trên đời này [...]. Mẹ mong bức thư này có thể đến tay con!''.

Bức thư dừng lại một cách đột ngột, và bên dưới chỉ có chữ ký của Fouquier- Tinville và của bốn thành viên của Hội nghị Quốc ước (Convention), và nó không bao giờ đến tay người phải nhận. Được giao cho việc kiểm kê lại giấy tờ, tài liệu của Robespierre sau ngày 9 tháng Nhiệt ( 9 Thermidor, tức cuộc chính biến ngày 27-7-1794, đánh đổ đảng của Robespierre ), nghị viên của Hội nghị Quốc ước Courtois đã tìm thấy lại bức thư trong mớ hồ sơ này. '' Con người không thể bị cám dỗ '' ( L' " Incorruptible '', biệt danh mà quần chúng cách mạng lúc đó đặt cho Robespierre) phải chăng đã động lòng bởi giọng thư bi thống hay là ông ta muốn người ta quên khuấy đi tài liệu này, nó có thể trình bày cho thấy một bà hoàng quá nhân đạo .

Dưới thời Phục hưng vương chính sau đó ( Restoration: từ 1814 đến 1830, có gián cách bởi thời kỳ Một Trăm ngày - Cent - Jours - từ tháng 3 đến tháng 7-1830 ), Courtois bị chế độ này kết án lưu đày với tội giết vua : Ông ta cố công một cách vô ích xin được vua Louis XVIII khoan hồng với sự đánh đổi giao nộp lại cho nhà vua này bức thư của Marie - Antoinette mà ông đã xoáy được trong hồ sơ nói trên. Nhà vua liền tịch biên nó và quyết định hằng năm, vào ngày 16-10, lại đem đọc bức thư trên trong mọi nhà thờ xứ đạo ở Pháp. Rất nhiều bản sao chụp nguyên mẫu đã được thực hiện. Còn bản gốc được lưu chiểu tại Kho Lưu trữ của vương quốc. Nó tiếp tục làm mê hoặc cả các nhà triết sử lẫn công chúng.

[1] ( phần kiến trúc xây trong lâu đài tư pháp thời Trung cổ. Từ sau Cách mạng Pháp - cụ thể vào thời gian từ 1892 đến 1894, nó được sử dụng làm nơi giam cầm nhiều người )

Từ khóa » Vị Sao Vua Louis 16 Bị Xử Tử