Hoạt Cảnh Chèo "Chuyện Kể ở Phượng Hoàng Sơn" Của NSƯT ...
Có thể bạn quan tâm
I - Nhân vật:
1- Thầy Chu Văn An
2- Phạm Sư Mạnh (học trò thầy Chu)
3- Lê Quát (học trò thầy Chu)
4- Người mẹ- du khách
5- Con gái
6- Lão bộc - Người giúp việc thầy Chu
7- Chủ tế cùng 2 bồi tế.
Và tốp nam, nữ múa hát.
II- Cảnh trí
(Chuyện xảy ra trên núi Phượng Hoàng, vào những ngày dân trong vùng đang kỷ niệm 650 năm ngày mất của thầy Chu)
Mở màn: (Nhạc rộn rã nổi lên và dàn múa hát hát múa điệu “Chức cẩm hồi văn)
Trổ 1
Mừng đất nước thanh bình hạnh phúc
Khắp đồng quê đất giục lúa xanh mầm
Cả núi rừng sang xuân
Tiếng hát xa muôn phương
Lan tỏa muôn nẻo đường
Tưng bừng trên quê hương
Trổ 2
Truyền rằng: Từ vùng đất Phượng Hoàng
Có con người trên rừng núi Phượng Hoàng
Nhân từ, cao khiết, đẹp tâm hồn, như sao sáng giữa trời cao
Chiếu rọi vào muôn sau
Trổ 3
Tùng bách trên non cao
Hương núi thơm ngạt ngào
Đức người lưu muôn sau…
(Sau màn múa hát, hai mẹ con người du khách ra sân khấu )
Bà mẹ: - Đây đã gần tới Phượng Hoàng Sơn rồi con ạ
Con có nghe tiếng hát chèo vào hội đấy không?
Đứa con: - Vâng, Mẹ ơi, phong cảnh nơi này thật là ngoạn mục
Một vùng thiên nhiên non nước hữu tình
Bà mẹ: - Đây là Phượng Hoàng Sơn thuộc thành phố Chí Linh
Miền đất thiêng mệnh danh là địa linh nhân kiệt
Nhưng ở đây có điều này đặc biệt
Có đền thờ Vạn thế sư biểu Chu Văn An
Đứa con (mừng rỡ): - Ôi vui quá!
Con vẫn ước mong
Một lần đến trước đền thờ thầy Chu, tỏ lòng tôn kính
Cầu mong người truyền cho sức mạnh
Trên đường đời, thêm chân cứng đá mềm …
Bà mẹ: Thật xứng danh “Thầy giáo của muôn đời”
Đức độ thanh cao, chí khí như tùng bách
Giữa loạn thần, vẫn giữ tâm hồn trong sạch…
Tiếng thơm còn sống mãi nước non
Hát bắn thước
- Xa lánh nơi kinh thành, vàng i i son (i i i) …
Về giữa thiên nhiên, tháng ngày làm thơ, dạy học (i i i i)
Nghe tiếng suối xa reo, tiếng chim kêu ven đồi
Thầy thổn thức bồi hồi, vận nước thịnh vong
Nhìn lửng lơ mây trắng
Trời Phượng Sơn xanh thắm, vẫn chạnh lòng…
Con gái (Tiếp): - Con nhớ ơn sâu, đức thầy thanh liêm giản dị (iiiii)
Khí phách hiên ngang, vẫn thẳm sâu nỗi niềm
(Mong) quốc thái dân an, muôn đời đất nước bình yên
Thầy nhiệt tâm dâng hiến
Vì giang sơn yêu mến, giữ chí bền.
Bà mẹ (Nói thơ): - Thầy Chu áo vải mà cao sang,
Giản dị nhưng tâm hồn cao khiết
Sử sách còn ghi: hơn sáu trăm năm trước
Có những quan đầu triều, lặn lội đến thăm thầy (mẹ con vào)
(Sân khấu xuất hiện 2 vị khách vãng du. Đó là Phạm Sư Mạnh và Lê Quát )
Phạm Sư Mạnh (Nhìn ra bốn phía):
- Lê huynh.
Đây đã tới Phượng Hoàng Sơn vô vùng mỹ lệ
Tạm nghỉ ở đây, rồi chúng ta vào bái yết thầy Chu.
Lê Quát: - Vâng, Phạm huynh, trông kìa!
Ôi, bức họa đồ thiên nhiên thật là kỳ thú
Sư Mạnh: - Phải rồi, bảng lảng khói hương, ẩn chìm “Huyền Thiên cổ tự”
Kia am Lệ Kỳ, nhấp nhô rêu phong tháp cổ
Chân đồi Giếng Son, đầm Miết Trì trong vắt bóng cây …
Ngâm sổng:
Biếc hồng phấp phới
Hoa lá chen dầy
Đầu non khói biếc
Ríu rít ong bay
Xa vời mà hư không, thẳm sâu yên vắng
Cảnh Phượng Hoàng Sơn gấm vóc phô bày
Lê Quát: - Nghĩ lại, thật thương thầy
Tuổi càng cao, gối chùng lưng mỏi
Hái thuốc cứu người, băng đèo lội suối
Mái tranh thưa, hun hút gió đông về …
- À, huynh còn nhớ, thầy về đây từ năm nào nhỉ?
Phạm Sư Mạnh: - Ấy là khi thầy dâng sớ chém 7 tên gian nịnh
Nhưng đức vua trẻ ham chơi, đã bỏ ngoài tai
Thầy buồn phiền tư lự thương đời
Rồi, từ quan về núi Phượng Hoàng làm người “Tiều ẩn”…
Sống giữa thiên nhiên, lấy trăng sao bầu bạn…
Hát Tình thư hạ vị
- Non nước phong tình
Núi sông yên bình
Rộng dài mắt trông muôn dặm gió lành ngàn xa
Ánh hoàng hôn chiều tím đã loang ra
Lê Quát (Tiếp): Con diều sáo giữa lưng trời véo von da diết
Như nỗi thầy… tha thiết với quê hương
Có biết chăng trong ánh nắng nơi quê này
Rừng thông gửi muôn lời tâm can rỉ máu
Sư Mạnh (Tiếp): - Một niềm riêng đau đáu
Vẫn canh cánh năm canh đoạn trường
Thầy ở ẩn nơi này, nhưng dạ vẫn xốn xang
Khi hướng về kinh đô thăm thẳm
Lê Quát (Tiếp): - Dù cho bao xa xôi ngàn dặm
Trĩu nặng (lòng) yêu dấu muôn dân
(Thầy) ráng sức mang hơi thở héo hắt dõi theo vận trời
Nguyện sông núi thanh bình yên vui đời hạnh phúc.
(Lão bộc từ trong bước ra)
Lão bộc: - Kìa, xin chào hai quý khách.
Dám hỏi, như là quý khách từ xa tới
Đi về đâu, có về đợi chờ ?
Cả hai người:
- Chào cụ.
Chúng tôi từ kinh thành Thăng Long
Đang tìm đường về thăm thầy học cũ.
Lão bộc (Dè dặt): - Có phải quý khách muốn tìm thầy Chu không ạ?
Sư Mạnh: - Vâng, chúng tôi là học trò đến thăm thầy Chu ạ!
Lão bộc: - Đây đúng là am thanh thầy Chu thường đọc sách.
Nhưng bây giờ thầy không ở trong nhà…
Lê Quát (Hốt hoảng): - Sao, thầy Chu đi đâu hả cụ?
Lão bộc (Nói vần): - Thầy lên rừng hái thuốc
Chữa cho con bệnh hiểm nghèo
Người dậy từ rất sớm
Mỏm núi Phượng Sơn còn dán mảnh trăng treo
Giọt sương gội đôi vai người gầy guộc
Chòm râu thưa phơ phất gió nương theo …
Lê Quát (Tỏ vẻ xúc động): - Khi rời kinh thành, thầy chỉ muốn về nơi yên tĩnh
Đọc sách, ngâm thơ, vui thú an nhàn
Mà thế này… thêm bao nỗi nhọc nhằn …
Lão bộc:
- Nhưng già tôi thường để ý tới Người
Những đêm đêm có tiếng thở dài
Phải chăng thầy lo lắng khi quốc gia hữu sự?
(Bỗng có tiếng ngâm thơ cổ)
Tiếng ngâm:
Ðủng đỉnh dạo bờ thông,
Làng quê bát ngát trông.
Chim đậu tan sương lạnh,
Cá vẫy vùng nước trong.
Tiếng sênh đâu vẳng tá,
Hiu quạnh một non không?
Lão bộc (Reo mừng)
- Đấy, thầy Chu về đấy các bác ạ.
(Cả ba người ra đón. Thầy Chu lưng đeo gùi, đựng mấy cây thuốc )
Sư Mạnh và Lê Quát (Cả 2 quỳ trước mặt thầy Chu): - Dạ, chúng con kính chào thầy!
Thầy Chu (Thoáng chút bối rối):
- Kìa… Thế này là…?
Sư Mạnh (Vẫn quỳ): - Thưa thầy, chúng con là học trò về vấn an thầy.
Con là Phạm Sư Mạnh, người làng Hiệp Thạch, phủ Kinh Môn
Còn đây là Lê Quát…
Lê Quát: - Dạ, con là học trò Lê Quát,
Quê quán Đông Sơn - Thanh Hóa, tới vấn an thầy…
Thầy Chu (Sực tỉnh): - Kìa, các người đứng lên đi! (Hai người đỡ gùi tre cho thầy)
Ta nhớ ra rồi.
Mà đây là quan Hành khiển Tả Tư Lang trung Phạm Sư Mạnh.
Còn đây là Thượng thư Hữu bật Lê Quát, phải vậy chăng?
Sư Mạnh (Bẽn lẽn): - Dạ, xin thầy đừng gọi thế…
Với thầy, suốt đời chúng con chỉ là phận học trò…
Lê Quát: - Thưa thầy
Con biết, thân tuy ở nơi thâm sơn cùng cốc
Thầy vẫn âu lo vận mệnh quốc gia
Chống gậy về kinh, hiến kế cho vua, giữ nghiêm phép nước
Cả triều thần đều muôn phần kính phục…
Cả hai người đồng thanh:
- Chúng con về vấn an, tâm thành chúc phúc
Sức khỏe thầy là báu vật của muôn dân.
Thầy Chu (Vô cùng cảm khái):
Nói vần - Sống nơi lâm tuyền, sơn cước
Quả thực không khỏi bâng khuâng thời cuộc nước nhà
Đêm lắng nghe bão biển khơi xa
Lửa cháy biên cương, giặc rập rình cửa ải
Chính sự đổi thay, từ trong triều ngoài nội
Bui một tấc lòng, không khỏi âu lo
Hát Du xuân:
Trổ 1
- Ruột tựa tơ vò,
Tự thẳm sâu, (nay) ruột tựa tơ vò
Trời kia xanh thăm thẳm (ới i a để) khói mờ chân mây
Ai thấu hiểu cho, từ tấm lòng này
Trên núi vắng am thanh
Con tim ta khắc khoải từng ngày
Trổ 2
- Giang sơn này từng thấm (ơi i a để) cao dầy máu xương
Phải biết hy sinh, cho núi sông bền vững trường tồn
Đất nước dẫu lâm nguy, người thêm trong sáng tâm hồn…
Thầy Chu (Nói):
- Ta tuy rũ áo từ quan
Nhưng đại sự quốc gia vẫn một niềm canh cánh
Nào hai trò cùng vào chốn am mây
Nâng chén trà thơm, ta cùng đàm đạo (Ba người vào trong)
(Hai mẹ con du khách ra sân khấu)
Con: - Ôi, câu chuyện cảm động quá
Rồi sao nữa hả mẹ?
Người mẹ: - Năm đức vua Trần Nghệ Tông lên ngôi, thầy về kinh bái yết
Người trở lại Phượng Hoàng Sơn, ít lâu rồi mất tại đây.
Học trò cả nước đau xót thương thầy
Cả năm trời thay nhau, dựng nhà ở bên hương khói…
(Từ xa vẳng tới tiếng trống. Nhạc lưu thủy. Dân làng và viên quan chủ tế và 2 bồi tế bước ra. Lễ Kỷ niệm 650 năm, ngày mất của Chu Văn An bắt đầu)
Chủ tế (Đọc): - Mây sáng Văn An
Nắng hanh Kiệt Đặc
Phượng Hoàng sơn bảng lảng khói bay
Huyền Thiên tự miên man gió hát
Canh Tý- trọng đông
Lương thần, cát nhật
Thỉnh hồi chuông,
Cung kính “Vạn thế sư biểu - Chu Văn An”
Dâng lễ vật,
Kỷ niệm “Sáu trăm năm mươi năm - ngày mất”.
Nhớ linh xưa: Thông minh - Huyết lực mẹ cha
Hiếu học - Tinh hoa trời đất
Sớm cửa Khổng sân Trình, phú đối làu thông
Trải tứ Thư ngũ Kinh, văn thơ kiệt xuất
Thuở hàn vi, đức độ không hai
Buổi quan trường, chính liêm bậc nhất
Dạy dỗ hoàng tôn, nhiệt tâm - lòng tựa trăng sao
Phò tá triều đình, sắt son - chí như tùng bách
Tấm gương trong, đời đời sĩ tử soi mình
Ngọn đuốc sáng, mãi mãi thế gian chuẩn mực.
Cho nên: Thuở trước tôn vinh
Đời sau ngưỡng mộ
Khuyên răn con cháu, sôi kinh nấu sử, chuyên cần
Khích lệ khoá sinh, giảng sách bình văn, thi thố
Chữ Cương thường sáng vẻ trăng sao
Tấm Trung liệt hoà trong mây gió!
Hôm nay: - Canh Tý, trọng đông- lồng lộng trời thanh
Hăm sáu, lương thần- thênh thang nắng tỏ
Đại biểu trung ương, quan chức địa phương
Lữ khách, chúng dân, học trò xứ sở
Tưng bừng đèn kết, cờ treo
Thành kính lễ dâng, hội mở
Cung thỉnh Đức Văn Trinh Công sáng suốt mở lòng
Chiêm bái Thầy Chu Văn An, anh linh phù hộ
Thấm nhuần Trọng đạo tôn sư,
Giáo dục xứ Đông phát triển vững bền
Tâm niệm Uống nước nhớ nguồn,
Văn hóa Hải Dương tầm cao phong phú
Khơi thác tinh hoa văn hiến, giàu đẹp Chí Linh
Kế thừa truyền thống khoa danh, vẻ vang Đông thổ.
Thượng hưởng!
(Dứt hồi trống chiêng của buổi lễ là màn diễn xướng hát văn)
Vỉa: Chuyện rằng: Trên đất Chí Linh
Khí thiêng sông núi kết tinh Phượng Hoàng...
Cờn: Thông rừng gió hát mênh mang
Một vùng non nước, ngợp tràn sắc hương
Thâm nghiêm bảng lảng khói sương,
Khe sâu nước chảy, trên nương chim gù
Nhuốm màu cổ kính nguyên sơ…
Phú: Còn nhớ hơn sáu trăm năm trước
Thầy Chu từng treo ấn từ quan
Người về đây, rừng núi Phượng Hoàng
Bỏ chốn kinh thành, thị phi, trong đục
Lấy cỏ cây làm nhà, an nhiên cùng trời đất
Sớm ngày với trăng gió tiêu dao
Tìm thuốc nam chữa bệnh dân nghèo
Viết sách dạy trò giữa miền sơn cước
Đau đáu trong tim lo cho vận nước
Tấm lưng còng, nặng trĩu giọt sương…
Cũng từ mạch núi Phượng Sơn
Người đi… để lại ngọn nguồn nghĩa nhân…
Xá - Thời gian thế sự xoay vần
Chiến tranh, tao loạn phong trần, chông gai
Nay đất nước trong thời “Đổi mới”
Hải Dương đang phơi phới sức xuân
Chí Linh, thành phố mùa xuân
Niềm tin khát vọng, thanh tân diệu kỳ
Đường hạnh phúc hướng đi bền vững
Dòng điện hồng sáng lựng Lục Giang
Hương trầm Kiếp Bạc - Côn Sơn
Bao đời dung dưỡng, tâm hồn thanh cao
Mừng đất nước sắp vào xuân mới
Phượng Hoàng sơn vòi vọi mây xanh
Thượng - Chí Linh - Kiệt Đặc - Văn An
Cờ hoa rực rỡ, hân hoan lòng người
Trầm hương ngan ngát đất trời
Đền thiêng lồng lộng, gió vời vợi bay
Hát mừng Đại lễ hôm nay
Tri ân công đức người Thầy thế gian.r
Màn.
Từ khóa » Ca Cảnh Chèo Chuyện Tình Trên Bến Sông Quê
-
Ca Cảnh Chèo: Chuyện Tình Trên Bến Sông Quê - YouTube
-
Ca Cảnh Chèo: Chuyện Tình Trên Bến Sông Quê - Nhiều Nghệ Sĩ
-
Ca Cảnh Chèo: CHUYỆN TÌNH TRÊN BẾN SÔNG QUÊ - PHAM HUAN
-
Ca Cảnh Chèo Chuyện Tình Trên Bến Sông Quê / TOP #10 Xem ...
-
Ca Cảnh Chèo Chuyện Lạ Đời / TOP #10 Xem Nhiều Nhất & Mới ...
-
Ca Cảnh Chèo CHUYỆN TÌNH TRÊN BẾN SÔNG QUÊ- CLB Chèo ...
-
Những Ca Cảnh Chèo Xã Hội Chọn Lọc Hay Nhất | Nhạc Dân Ca
-
Nhà Hát Chèo Thái Bình Báo Cáo Vở Chèo: “Cây Gậy Thần”
-
Đò ơi! - Báo Bắc Ninh
-
Sông Quê - Kho Tàng Vọng Cổ Việt Nam
-
Chèo – Wikipedia Tiếng Việt
-
Ca Cảnh Chèo: CHUYỆN TÌNH TRÊN BẾN SÔNG QUÊ - YouTube
-
Biểu Diễn Hoạt Cảnh Chèo Và Các Làn điệu Dân Ca Ca Ngợi Thành Tựu ...