Hoạt động Xuất Bản Sách ở Việt Nam Trước Bối Cảnh Chuyển đổi Số
Có thể bạn quan tâm
Do yêu cầu từ thực tiễn xuất bản, để tồn tại, phát triển, nhất là trong giai đoạn hiện nay, các nhà xuất bản (NXB) phải chuyển mình bằng việc thúc đẩy chuyển đổi số. Đây là một xu thế tất yếu trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành Xuất bản. Tuy nhiên, đó là xu thế của sự phát triển trong tương tác, chứ không phải là sự thay thế, chuyển từ sách in sang sách điện tử.
1. Chuyển đổi số và hoạt động xuất bản
Chuyển đổi số (Digital transformation) là việc vận dụng tính luôn đổi mới, nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật để giải quyết vấn đề. Khái niệm này ra đời trong thời đại bùng nổ internet, mô tả những hoạt động đổi mới một cách mạnh mẽ và toàn diện trong cách thức hoạt động của toàn doanh nghiệp, ở tất cả những khía cạnh như cung ứng, sản xuất, hợp tác, mối quan hệ khách hàng hoặc thậm chí là tạo ra những doanh nghiệp mới với cách thức hoạt động mới mẻ hoàn toàn.
Chuyển đổi số không chỉ tác động đến những tổ chức hay doanh nghiệp mà còn tác động đến những nhóm đối tượng khác xoay quanh như là khách hàng, đối tác, nguồn nhân lực, kênh phân phối...
Với hoạt động xuất bản, chuyển đổi số cũng đang tác động mạnh mẽ từ việc sáng tạo nội dung đến lựa chọn công nghệ sản xuất, phương thức truyền thông - marketing cho sản phẩm và cách quản trị chuỗi cung ứng sản phẩm trên thị trường… Vấn đề số hóa nội dung cũng là một mục tiêu quan trọng bởi những ưu việt của nó, với sản phẩm chuyển đổi từ sách truyền thống sang sách số, mỗi người dùng sau khi trả phí sẽ sử dụng nền tảng số như một thư viện cá nhân, mỗi cuốn sách họ sở hữu có một mã kích hoạt để sử dụng được cả ba phần: đọc, nghe hoặc đặt mua sách in. Ngoài tính năng cơ bản, còn phải kiến tạo những tương tác gần với thực tế nhất, chẳng hạn hệ thống sẽ đánh dấu số thứ tự độc giả, có tương tác sinh động, có chương trình bốc thăm may mắn… Điều thú vị còn ở chỗ, một số vấn đề nhỏ mà phương thức đọc truyền thống khó giải quyết như cho mượn hoặc “đòi” lại sách theo ý muốn người sở hữu thì việc số hóa giải quyết được hết. Nền tảng số cho phép trao đổi sách chỉ với một cú nhấn chuột, hết thời hạn cài đặt, dữ liệu sẽ không hiển thị trên thư viện của người mượn.
Tuy nhiên, chuyển đổi số trong xuất bản không đơn thuần là việc số hóa dữ liệu, đó còn là quá trình chuyển đổi sản phẩm thành giá trị mới, đem đến hiệu quả mới. Theo đánh giá từ các chuyên gia công nghệ, chúng ta có đầy đủ nền tảng để ngành Xuất bản tự tin chuyển đổi số. Bởi Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ thông tin nhanh. Đến tháng 1-2020, có 68,17 triệu người (chiếm 70% dân số) đang sử dụng internet với hơn 145,8 triệu kết nối mạng dữ liệu di động. Cuối năm 2019, Việt Nam lọt vào tốp 15 thị trường có số lượng người dùng điện thoại thông minh cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, cơ chế khuyến khích chuyển đổi số ngày càng hoàn thiện. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã thể hiện ý chí mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, xác định tận dụng cơ hội này để vươn lên bắt kịp với thế giới trong một số ngành, lĩnh vực. Hiện thực hóa chủ trương này, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17-4-2020 ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW. Tiếp đó, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Công cuộc chuyển đổi số đã mở ra hướng đi mới cho hoạt động xuất bản, nhằm lan tỏa tri thức một cách hiệu quả nhất. Theo báo cáo từ Bookwire (công ty phân phối hơn 50.000 sách nói) và nghiên cứu của Rüediger Wischenbart (trang chuyên nghiên cứu thị trường sách ở Áo), từ khi đại dịch bùng phát, doanh thu bán sách ở định dạng số (sách điện tử, sách nói, podcast...) tăng trưởng đáng kể ở các quốc gia như Canada, Đức, Áo, Thụy Sĩ, Ý, Mexico, Brazil và Tây Ban Nha.
Thời gian vừa qua, hàng loạt các sự kiện lớn của ngành Xuất bản Việt Nam đã diễn ra theo hình thức trực tuyến, song, nhìn chung nền tảng chuyển đổi số ở các đơn vị xuất bản, kinh doanh sách vẫn chưa thật sự bứt phá. Để nâng cao hiệu quả, ngành Xuất bản cần có những giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực mang tính đặc thù nhằm tăng cường năng lực của các đơn vị xuất bản, in và phát hành; nâng cao chất lượng chuyển đổi số theo hướng đồng bộ; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành, đồng thời phối hợp các doanh nghiệp ngoài ngành để phát triển phần mềm hỗ trợ công tác vận hành quy trình chuyển đổi số, từng bước tiến tới thí điểm xây dựng mô hình NXB số theo chuẩn quốc tế.
Từ 10 năm trước, khi sách điện tử bắt đầu được hình thành ở Việt Nam, NXB Kim Đồng đã chú trọng, đầu tư thư viện điện tử cho sử dụng miễn phí trên nền tảng trang web của NXB như một cách thăm dò và từng bước tạo thói quen mới cho người đọc. Những năm gần đây, NXB Kim Đồng đã có những hợp tác bước đầu, đồng hành với các đơn vị sách nói như Voiz FM - Sách nói và Podcast (thuộc Công ty cổ phần Công nghệ WeWe). Tháng 9-2021, NXB chính thức ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Fonos, phát hành sách nói trên nền tảng ứng dụng Fonos - với nhiều tính năng công nghệ vượt trội đã mang đến những trải nghiệm đọc mới mẻ và thú vị cho bạn đọc thanh thiếu nhi.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh của thị trường phát hành sách trực tuyến chưa đủ bù đắp được sự tụt giảm sâu của thị trường phát hành sách truyền thống do phát hành sách truyền thống vẫn chiếm trên 50% thị phần ở hầu hết các doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp chuyên phát hành sách trực tuyến). Bên cạnh đó, do bị động, không có sự chuẩn bị trước nên ngay cả đối với những đơn vị có nguồn lực, việc chuyển dịch sang kênh phát hành trực tuyến gặp nhiều khó khăn, kết quả hạn chế.
Theo Waka, hiện đầu tư một app (ứng dụng) để bán sách có thể ở mức từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Cùng với đó, cần duy trì đội ngũ đủ kỹ năng vận hành chuyên nghiệp, giúp tăng tỷ lệ người truy cập và sử dụng. Ngoài ra, để phát huy hiệu quả, việc xây dựng các sàn bán sách độc lập chi phí khá cao, không đa dạng hóa nguồn thu, khó đem lại kết quả. Trong khi đó, hiện nay chiết khấu thị trường sách trực tuyến cũng rất cao. Hiện với Tiki, tỷ lệ này dao động từ 40-60% giá bìa. Do là đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trong hệ thống phát hành trực tuyến hiện nay nên việc đưa sách vào hệ thống phát hành này với một số đơn vị, nhất là những đơn vị chưa có thương hiệu mạnh, gặp nhiều khó khăn; khó duy trì quan hệ kinh tế bình đẳng cần thiết.
Ngoài ra, việc chuyển từ thị trường sách truyền thống sang thị trường sách điện tử là một thời cơ mở ra trong hoàn cảnh hiện nay, nhưng còn nhiều khó khăn đối với các cơ sở kinh doanh sách. Việc phát triển thị trường sách điện tử cần một thời gian tương đối dài với sự hỗ trợ rất tích cực của nhà nước. Ví dụ, Hàn Quốc cần thời gian 5-7 năm với sự hỗ trợ, kích cầu của Nhà nước qua cơ chế tài trợ giá.
Với Việt Nam, sách điện tử chưa được các NXB, nhà sách quan tâm. Lý do chính là doanh thu còn thấp, nguy cơ vi phạm bản quyền cao. Waka có khoảng 10.000 tên sách, khoảng trên 15.000 người sử dụng; doanh thu trung bình khoảng 600-650 triệu đồng/ tháng, nhưng số lượng các đối tác tham gia xuất bản điện tử ngày càng giảm.
Hiện, thị trường sách điện tử phái sinh từ sách đã in chỉ chiếm khoảng 1-3% doanh thu. 80% đến từ khai thác sách nước ngoài (chủ yếu sách Trung Quốc với mảng sách ngôn tình, kiếm hiệp). Phần còn lại là từ các dịch vụ xuất bản, thương mại khác. Nhà nước cần có các chính sách để khắc phục khó khăn và tâm lý lo ngại này, tạo sự kết nối giữa các đơn vị xuất bản, phát hành sách điện tử.
2. Đề xuất một số giải pháp cho ngành Xuất bản Việt Nam
Trước những biến động, đổi thay trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay, với bối cảnh sự tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chuyển đổi số đối với nền kinh tế, phương thức kinh doanh truyền thống gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng tìm kiếm thị trường và phương thức kinh doanh mới. Một số doanh nghiệp trước đây chưa quan tâm đến phát hành trực tuyến buộc phải chuyển hướng, phát triển mạng lưới bán hàng trực tuyến nhằm đối phó với sự sụt giảm thị trường, như: Fahasa, Phương Nam, Alphabooks, Thaihabooks... Một số doanh nghiệp khác tuy đã chú ý đến phát hành sách trực tuyến nhưng còn phụ thuộc chủ yếu vào đối tác, nay nhận thấy họ phải chủ động trong xây dựng kênh bán sách trực tuyến của riêng mình, phát triển mảng sách điện tử, từ đó làm phong phú thị trường sách, hạn chế cạnh tranh thiếu lành mạnh. Để giải quyết những vướng mắc trên, cần tập trung vào những giải pháp căn bản sau:
Một là, đổi mới và phát triển theo mô hình cơ quan xuất bản - công nghệ. Ngành Xuất bản thế giới đang có những thay đổi mạnh mẽ, không chỉ dừng lại ở việc xuất bản các sản phẩm số mà còn ứng dụng công nghệ AI (Artificial intelligence - trí tuệ nhân tạo) vào các khâu của hoạt động xuất bản. Tại Việt Nam, có thể nghiên cứu ứng dụng AI trong lựa chọn đề tài chủ yếu bao gồm bốn bước: tìm nạp và phân tích các sự kiện nóng trên internet, tần suất lan truyền các từ nóng và sức nóng dựa trên công nghệ khai thác dữ liệu và học thuật sâu; nắm vững đặc điểm sở thích đọc của người tiêu dùng trên cơ sở thu thập dữ liệu khổng lồ thông qua điều chỉnh thích ứng theo thời gian thực và dự đoán tương lai; tạo bản đồ tri thức tự động dựa trên việc phân tích nhu cầu của người tiêu dùng và hình thành sơ đồ lập kế hoạch lựa chọn chủ đề; xuất bản các nội dung phân tích như bản thảo, đồng thời sàng lọc các nội dung đáp ứng sở thích đọc của người tiêu dùng một cách chính xác với sự trợ giúp của “mạng nơron nhân tạo”. AI (robot) cũng có thể được ứng dụng trong viết và chỉnh sửa. Với sự trợ giúp của công nghệ AI, có thể chuyển giọng nói thành văn bản ký tự trong thời gian thực, nhận dạng tốc ký và nhập liệu một cách chính xác, đồng thời robot sẽ học và nắm vững các quy tắc viết, các kỹ năng về văn học, khoa học thông qua “mạng nơ-ron” và viết các sản phẩm nội dung một cách độc lập.
Hai là, sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện với phương châm bám sát nhu cầu và sở thích của độc giả - đặc biệt là thế hệ Z (tạo app đọc sách, app bán sách, phân phối nội dung trên Facebook, Tik tok...; sản xuất podcast, sách nói...).
Ba là, cải tiến quy trình biên tập - xuất bản theo phương thức tích hợp; sử dụng các phần mềm biên tập, quản lý duyệt bản thảo nhanh chóng, hiệu quả. Trong liên kết đánh giá sơ bộ, AI có thể giúp các biên tập viên biên tập bản thảo một cách nhanh chóng và chính xác, xác định nguồn của các câu trong bản thảo nhanh chóng, sàng lọc thông tin chính hiệu quả để xác định xem có đạo văn, giả mạo dữ liệu và các nghi vấn khác hay không, nhờ đó rút ngắn đáng kể thời gian biên tập. Có thể kể đến phần mềm StatReviewer kiểm tra dữ liệu thống kê của các bản thảo và tính đầy đủ của các phương pháp thử nghiệm bằng cách sử dụng AI.
Bốn là, sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích nhu cầu của độc giả, các đánh giá (review) của độc giả khi đọc sản phẩm của đơn vị xuất bản. Đối với giai đoạn tiếp thị, AI có thể giúp cải thiện độ chính xác của tiếp thị thông qua tính toán và phân tích, đồng thời cũng giúp tăng cường sự tương tác giữa độc giả và NXB thông qua việc thiết lập cơ sở dữ liệu về độc giả. Sự xuất hiện của AI giúp các nhà khảo sát có thể thu thập dữ liệu về đọc sách, dữ liệu đánh giá, dữ liệu bán hàng, dữ liệu truyền tải, thói quen đọc của độc giả để đưa ra chiến lược tiếp thị, đúc kết kinh nghiệm tiếp thị và đề ra giải pháp.
Năm là, đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi. Đây là yếu tố then chốt để thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản. Cần tăng cường liên kết giữa các NXB và doanh nghiệp công nghệ, hình thành chuỗi kết nối giá trị để đưa xuất bản phẩm đến tay bạn đọc; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp phối hợp NXB xây dựng phần mềm công nghệ cho xuất bản và phát hành sách điện tử. Đồng thời, cơ quan chủ quản tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ, đầu tư đối với hoạt động của các NXB. Tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, công nghệ, hiện đại hóa hoạt động xuất bản, đặc biệt là công nghệ cho xuất bản điện tử nhằm xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp nền kinh tế số, xã hội số và công dân số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; vận dụng các giải pháp linh hoạt để tạo nguồn vốn, trụ sở cho đơn vị, bảo đảm để đơn vị có thể hoạt động và phát triển.
Sáu là, cần thay đổi tư duy xuất bản không chỉ là tạo ra sách, mà cần hướng tới xuất bản tạo ra nội dung, các đơn vị xuất bản kinh doanh nội dung dựa trên các nền tảng đa phương tiện như trên thế giới vẫn làm. Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, xu hướng này càng diễn ra mạnh mẽ hơn ở các giao dịch bản quyền nội dung sách trên thế giới, trong đó có không ít các hợp đồng bản quyền từ đối tác là các đơn vị xuất bản Việt Nam. Ở một chiều cạnh khác, Việt Nam cần thúc đẩy xuất khẩu nội dung sách thông qua các nền tảng đa phương tiện, đầu tư vào việc sáng tạo nội dung sách hay và số hóa sách để rút ngắn khoảng cách quảng bá, kinh doanh nội dung sách trên nền tảng internet.
Bảy là, xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số như tổ chức các sự kiện, chú trọng đầu tư, nâng cấp xây dựng sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, cần phát triển các hình thức kinh doanh trên mạng xã hội, quảng cáo trên các nền tảng đa phương tiện.
Tám là, xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ quản lý chuyên ngành có năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện chuyển đổi số. Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho từng thời kỳ, từng giai đoạn. Đào tạo số lượng nguồn nhân lực gắn với chiến lược và nhu cầu của các NXB, tổ chức và doanh nghiệp xuất bản. Từ chiến lược mỗi NXB hay tổ chức, doanh nghiệp xuất bản xác định được số lượng nguồn nhân lực từng thời kỳ, từng giai đoạn. Từ đó tổ chức đào tạo với số lượng sát với nhu cầu thực tiễn về công nghệ xuất bản hiện đại. Phải có chính sách đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý xuất bản để theo kịp tốc độ phát triển chung của xã hội, không tụt hậu quá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới, bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
_______________
Tài liệu tham khảo
1. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, wikipedia.org.
2. Mai Lữ, Ngành Xuất bản trước thử thách chuyển đổi số, nhandan.vn, 28-2-2021.
3. Phạm Long, Việt Nam là điểm sáng về hoạt động xuất bản trong khu vực, zingnews.vn, 12-7-2021.
4. Cục Xuất bản - In và Phát hành: Báo cáo Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm và công tác quản lý, công tác chủ quản nhà xuất bản năm 2020; Triển khai nhiệm vụ năm 2021.
5. Ngọc Khánh, Thị trường xuất bản chuyển hướng, dangcongsan.vn, 21-4-2020.
NGUYỄN THỊ NGỌC LÂM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022
Từ khóa » Danh Sách Các Nhà Xuất Bản Sách ở Việt Nam
-
Danh Sách Các Nhà Xuất Bản
-
Top 11 Nhà Xuất Bản Sách Nổi Tiếng Nhất Của Việt Nam
-
Nhà Xuất Bản Sách - Trang Vàng
-
NHỮNG NHÀ XUẤT BẢN NỔI TIẾNG Ở VIỆT NAM (P1) - Sách Yêu
-
Tổng Hợp Các Nhà Xuất Bản Sách Hàng Đầu Tại Việt Nam - Glints
-
Danh Sách Tổng Hợp Các Nhà Xuất Bản Việt Nam
-
10 Nhà Xuất Bản Sách Nổi Tiếng Nhất Của Việt Nam - ALONGWALKER
-
Bỏ Túi Danh Sách Các Nhà Xuất Bản Uy Tín ở Thành Phố Hồ Chí Minh
-
Các Nhà Xuất Bản Sách Lớn ở Việt Nam - Bí Quyết Xây Nhà
-
Top 7 Nhà Xuất Bản Sách Uy Tín Của Việt Nam 2022
-
Danh Sách Các Nhà Xuất Bản ở Việt Nam (Vietnamese Publisher ...
-
Danh Sách Các Nhà Xuất Bản Sách Lớn Ở Việt Nam, 7 Nhà Xuất ...
-
Nhà Phát Hành Sách | Các Nhà Sách Uy Tín
-
Top 7 Nhà Xuất Bản Sách Tư Nhân Uy Tín Nhất Việt Nam - TopZ