Học Bác Hồ Về Giữ Lời Hứa - Thành ủy TPHCM

Hồi Bác Hồ sống ở Pác Bó, một hôm được tin Bác đi công tác xa, một trong những em bé thường ngày quấn quýt bên Bác chạy đến cầm tay Bác thưa: “Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu một chiếc vòng bạc nhé!”. Bác cúi xuống nhìn em bé âu yếm, xoa đầu em khẽ nói: “Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn, khi nào Bác về Bác sẽ mua tặng cháu”... Hơn 2 năm sau Bác quay trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác. Ai cũng xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không một ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng Bác mở túi lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh trao tận tay em bé – bây giờ đã là một cô bé. Cô bé và mọi người cảm động đến rơi nước mắt. Bác nói: “Cháu nó nhờ mua tức là nó thích lắm, mình là người lớn đã hứa thì phải làm được, đó là “chữ tín”. Chúng ta cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người”...

Câu chuyện làm chúng ta cảm động. Một vị lãnh tụ như Bác Hồ bận trăm công nghìn việc, luôn đau đáu với những việc liên quan đến vận mệnh đất nước, dân tộc, vậy mà vẫn nhớ chiếc vòng bạc hứa tặng một em nhỏ, dù đã 2 năm trôi qua. Câu chuyện làm bật lên lòng nhân ái bao la, luôn quan tâm đến mọi người của Bác Hồ, đồng thời cũng thể hiện Người luôn giữ đúng lời hứa, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa.

Hiện nay, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đang thực hiện việc vận động bầu cử. Quá trình đó, các ứng cử viên đều công bố chương trình hành động của mình nếu đắc cử, tức là cam kết sẽ làm những việc cụ thể nếu được cử tri tín nhiệm. Nói nôm na, các ứng cử viên đang hứa trước cử tri mình sẽ làm gì sau khi được cử tri bầu chọn. Phần nhiều ứng cử viên hứa những điều trong phạm vi, thẩm quyền và năng lực của mình, vì dù có hứa những điều vượt khỏi phạm vi đó cũng không mấy người tin, bởi những cử tri sáng suốt sẽ nhận ra ngay. Tuy nhiên, cũng có những ứng cử viên hứa những lời dễ làm một số cử tri “vui tai, mát ruột”, còn thực hiện được đến đâu thì… hãy bàn sau. Quan trọng là trúng cử đã!

Tất nhiên, đây không phải là chuyện bây giờ mới có. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nhắc nhở việc này. Trong bài nói chuyện với đồng bào thủ đô nhân dịp mừng kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II thắng lợi, ngày 15/7/1960, Người đã nêu rõ hơn về phẩm chất của người đại biểu Quốc hội: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội không phải là để làm quan, không phải là để ngồi trên ăn trốc mà làm người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”.

Bác Hồ đến thăm một trại nhi đồng ở Việt Bắc, năm 1950. (Ảnh tư liệu) Bác Hồ đến thăm một trại nhi đồng ở Việt Bắc, năm 1950. (Ảnh tư liệu)

Tức là, đã hứa với nhân dân những gì thì phải làm cho kỳ được. Điều đó có nghĩa là người cán bộ không chỉ giữ chữ tín với nhân dân mà còn tạo dựng hình ảnh đẹp của bản thân trước nhân dân. Không dừng lại ở đó, có những điều tuy không hứa nhưng người cán bộ cũng phải nỗ lực thực hiện, như phải luôn rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, phải luôn phấn đấu học tập, nâng cao trình độ, luôn trung thành với Tổ quốc… Làm được điều đó, người cán bộ đó đồng thời tạo ra hình mẫu về tấm gương tận tụy với nhân dân của cán bộ, đảng viên nói chung.

Mở rộng ra hơn nữa về việc giữ lời hứa là yêu cầu “nói đi đôi với làm”, có nghĩa là lời nói và hành động phải nhất quán nhau, nói sao làm vậy, nói hay thì phải làm cho hay, thậm chí nói ít làm nhiều chứ không phải “nói như rồng leo, làm như mèo mửa” hay nói một đàng làm một nẻo… Bản thân Bác Hồ là người luôn thống nhất lời nói và hành động. Bác kêu gọi mọi người nhịn ăn để cứu đói cho đồng bào thì bản thân Bác luôn tự giác thực hiện. Bác kêu gọi mọi người tập thể dục để rèn luyện sức khỏe thì dù điều kiện khó khăn thế nào Bác vẫn đi bộ, tập thái cực quyền, đánh bóng chuyền, bơi lội, thậm chí còn leo núi… Bác kêu gọi mọi người luôn tiết kiệm thì bản thân Bác triệt để thực hành tiết kiệm trong ăn mặc, sinh hoạt, kể cả sử dụng lại từng mảnh giấy nhỏ…

Những điều đó, tất cả cán bộ, đảng viên chúng ta phải luôn ghi nhớ và thực hành thường xuyên, liên tục.

Trong bài viết Cán bộ tốt và cán bộ xoàng, đăng báo Sự thật ngày 15/6/1947, Bác Hồ nêu rõ: “Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn”. Thế nhưng trên thực tế còn có nhiều biểu hiện chưa đúng với lời dạy của Bác. Ngày 26/12/2012, trong buổi tiếp xúc cử tri quận 1, TPHCM, đồng chí Trương Tấn Sang, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, đại biểu Quốc hội, đã phát biểu: “Tôi thấy buồn lòng và xấu hổ khi niềm tin trong dân giảm sút, khi các cô bác, anh chị, các đồng chí không tin tưởng”. Nhận xét đó vừa phản ánh một hiện tượng không lấy gì làm vui trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhưng qua đó ta thấy sự nhìn nhận xác đáng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Vì thế, trong thời gian qua, việc chấn chỉnh các biểu hiện chưa tích cực đó đã được thực hiện quyết liệt và triệt để.

Giữ lời hứa, suy cho cùng là một biểu hiện đạo đức cá nhân, đạo đức làm người. Nhưng khi cá nhân đó là cán bộ, đảng viên và lời hứa được tuyên bố với nhân dân thì điều đó trở thành đạo đức của người cán bộ, người đảng viên, là biểu hiện đạo đức của Đảng. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên khi đã hứa thì phải tuyệt đối giữ lời, đồng thời luôn gắn lời nói với việc làm, dù có trở thành đại biểu của dân hay không!

Từ khóa » Bài Học Về Giữ Lời Hứa