Học Cách Học: Các Phương Pháp Học Tập Hiệu Quả Cho Con - Emasi

Học cách học: Các phương pháp học tập hiệu quả cho con

Trong bất kì lĩnh vực nào, việc có những phương pháp làm việc khoa học cũng giúp tăng hiệu quả, giảm thời gian và công sức bỏ ra. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh học sinh ôn thi và chuẩn bị cho bài kiểm tra.

Trong bài viết sau đây, hãy cùng EMASI điểm qua các phương pháp học tập hiệu quả, được rút ra từ kết quả nghiên cứu của đại học McMaster và đại học California San Diego.

1. Phương pháp giúp học sinh nhớ lâu

Nghiên cứu về não bộ con người cho thấy việc cách quãng và có sự nhắc lại theo thời gian sẽ đem đến hiệu quả ghi nhớ tốt hơn việc học nhiều trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này đến từ cách bộ nhớ của con người hoạt động.

Trí nhớ của con người chủ yếu được hình thành do bộ nhớ ngắn hạn và bộ nhớ dài hạn. Trong khi bộ nhớ ngắn hạn lưu trữ thông tin từ 10-15 giây, bộ nhớ dài hạn lưu trữ trong suốt cuộc đời.

Lý thuyết về đường cong quên lãng của Hermann Ebbinghaus chỉ ra rằng mọi thông tin mới tiếp xúc đều sẽ được lưu vào khu trí nhớ ngắn hạn. Nếu như không được nhắc lại hay sử dụng thường xuyên, các thông tin này sẽ bị lãng quên nhanh. Sau một giờ, con người có thể quên hơn một nửa thông tin thu nạp, sau một tuần, lượng kiến thức còn lưu lại chỉ khoảng 20%.

What is the Ebbinghaus' Forgetting Curve (and How Do You Combat it)?

Sau một giờ, con người có thể quên hơn một nửa thông tin thu nạp, sau một tuần, lượng kiến thức còn lưu lại chỉ khoảng 20%. Ảnh: growthengineering

Việc hiểu được nguyên nhân của đường cong lãng quên giúp tìm ra giải pháp để tăng cường khả năng ghi nhớ. Một trong những cách giúp học sinh nhớ lâu là áp dung phương pháp học tập giãn cách (spaced repitition). Phương pháp này chỉ ra rằng việc lưu trữ kiến thức cần được củng cố bằng việc nhắc lại kiến thức sau những khoảng thời gian khác nhau. Lấy ví dụ như việc học một từ vựng tiếng Anh mới, thay vì lặp lại 10 lần trong một buổi tối, thì học sinh có thể lặp đi lặp lại việc học từ 10 lần trong 1 tuần. Thay vì học một chủ đề 3 giờ liên tục trong một ngày tương đương 180 phút, học sinh có thể học trong 6 ngày, mỗi ngày 30 phút.

Ứng dụng: Hãy chia tổng thời gian học tập mỗi môn học vào những khoảng thời khác nhau trong tuần. Việc được nhắc lại kiến thức sẽ giúp củng cố và đưa thông tin vào bộ nhớ dài hạn, giúp học sinh nhớ lâu kiến thức và dễ dàng nhớ lại để sử dụng trong bài kiểm tra.

2. Phương pháp giúp học sinh hiểu sâu

Việc nhớ kiến thức là quan trọng, nhưng việc hiểu sâu và ứng dụng được kiến thức đã học là một việc quan trọng hơn. Để ứng dụng kiến thức đã học, chúng ta cần hiểu cách thức não bộ vận hành để sử dụng kiến thức đó. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc học sẽ đạt hiệu quả khi não bộ hình thành các chuỗi thông tin (chunk).

Chuỗi thông tin là cách bộ não liên kết các thông tin cần thiết để sử dụng trong tương lai. Các thông tin càng được xâu chuỗi thì độ sâu của việc học cũng được cải thiện. Ví dụ như khi học một từ vựng tiếng Anh, học sinh sẽ hiểu thêm về từ vựng đó nếu như liên kết được từ vựng với các bối cảnh sử dụng khác nhau như khi viết luận, đọc sách hay nhìn thấy trong một bộ phim.

Việc kết nối các thông tin được học với trải nghiệm và hiểu biết sẵn có bản thân giúp học sinh “biến kiến thức thành của mình”

Việc xây dựng chuỗi thông tin được ví như việc ghép hình, khi các mảnh thông tin rời rạc được ghép thành một bức tranh có nghĩa. Ứng dụng kiến thức về chuỗi thông tin giúp học sinh hiểu sâu kiến thức đang học và ý nghĩa của kiến thức đó trong cuộc sống.

Ứng dụng: Để xây dựng chuỗi thông tin, học sinh cần có cái nhìn tổng quan về bài học, bằng cách điểm qua mục lục, xác định vị trí của chủ đề học và tìm ra các liên kết về mặt nội dung. Việc kết nối các thông tin được học với trải nghiệm và hiểu biết sẵn có bản thân giúp học sinh “biến kiến thức thành của mình” để sử dụng kiến thức một cách hiệu quả trong các bài kiểm tra và trong cuộc sống.

3. Phương pháp xây dựng động lực học tập

Việc bắt đầu học có thể khó khăn. Tuy nhiên, các nhiên cứu chỉ ra rằng cảm giác ngần ngại sẽ biến mất trong khoảng 5 – 10 phút sau khi bắt đầu công việc. Vì vậy, cách nhanh nhất để có động lực học là bắt đầu học.

Cảm giác ngần ngại sẽ biến mất trong khoảng 5 – 10 phút sau khi bắt đầu công việc

Để giảm bớt trở ngại khi bắt đầu việc học, một phương pháp có thể sử dụng là Prodomo. Phương pháp Promodo chỉ ra rằng não bộ sẽ tập trung tốt nhất khi tập trung hoạt động trong 25 phút và nghỉ ngơi trong 5 phút. Việc chia nhỏ công việc thành các Prodomo (25 phút học – 5 phút nghỉ ngơi) giúp quá trình bắt đầu học trở nên bớt áp lực hơn.

Ứng dụng: Cách nhanh nhất để có động lực học là bắt đầu học. Với khối lượng kiến thức lớn, học sinh có thể chia nhỏ ra thành các nội dung nhỏ và áp dụng Prodomo trong việc học để giúp tăng độ tập trung, tính hiệu quả và giảm sự mệt mỏi.

Kết luận

Việc áp dụng các kiến thức khoa học vào việc học giúp học sinh hiểu sâu, nhớ lâu và tìm thấy động lực. Các hiểu biết khoa học về việc học sẽ giúp học sinh chuẩn bị tốt cho các bài học trên lớp và các kì thi. Từ đó, niềm vui và kết quả tích cực từ việc biết cách học sẽ tạo động lực cho các em học sinh phát triển tư duy học tập trọn đời.

Chia sẻ:

Từ khóa » đường Quên Lãng Ebbinghaus