Học Cách Khiêm Nhường

Oneway.vn - Khiêm nhường không phải là thứ chúng ta có thể đạt được.

Nói theo đời này sẽ làm được mọi thứ nếu nỗ lực hết mình. Nhưng đến với Kinh Thánh, chúng ta đang ở một thế giới hoàn toàn khác. Sự khiêm nhường thật, như đức tin thật, không phải có được nhờ nỗ lực của bản thân, mà là sự giúp đỡ của chính Chúa.

Chúa ghét sự kiêu ngạo

Khiêm tốn là một mệnh lệnh. Hai sứ đồ trong Kinh Thánh đã nhắc nhở chúng ta về điều này.

“Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên.” (Gia-cơ 4:10)

“Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên.” (1 Phi-e-rơ 5: 6)

Gia-cơ và Phi-e-rơ được truyền cảm hứng về sự khiêm nhường bởi Cựu Ước. Khi hướng dẫn chúng ta hãy hạ mình xuống, cả hai đều trích dẫn Châm ngôn 3:34, “Quả thật Ngài nhạo báng kẻ hay nhạo báng; Nhưng Ngài ban ơn cho người khiêm nhường” (Gia-cơ 4:6; 1 Phi-e-rơ 5:5).

Hãy cùng nhau xem xét bối cảnh trong cả hai đoạn Kinh Thánh này.

Hạ mình do tác động bên trong

Có thể quan sát thấy cả hai lời kêu gọi hạ mình đều là để đáp lại những thử thách. Gia-cơ đề cập đến những cuộc cãi vã và đấu đá nhau trong Hội thánh:

“Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến? Há chẳng phải từ tình dục anh em vẫn hay tranh chiến trong quan thể mình sao? Anh em tham muốn mà chẳng được chi; anh em giết người và ghen ghét mà chẳng được việc gì hết; anh em có sự tranh cạnh và chiến đấu; anh em chẳng được chi, vì không cầu xin.” (Gia-cơ 4: 1-2)

Xung đột giữa những tín đồ là một bài kiểm tra cho Hội thánh, về sự kiêu ngạo và khiêm nhường.

Gia-cơ không chỉ nhắc nhở rằng họ là những người tội lỗi và tranh cạnh, mà còn nhắc nhở về Châm ngôn 3:34.

Ông kêu gọi Hội thánh phải vâng phục Chúa, chống lại ma quỷ và đến gần Chúa (Gia-cơ 4: 7-8).

Nói cách khác, hãy hạ mình trước Chúa. Hội thánh đang sụp đổ từ bên trong. Họ sẽ phản ứng thế nào với lời kêu gọi khiêm nhường trong cuộc xung đột này? Liệu họ sẽ hạ mình xuống?

Hạ mình do tác động bên ngoài

Trong 1 Phi-e-rơ, Hội thánh đang chịu nhiều áp lực. Xã hội đồn thổi những lời lăng mạ và nói xấu những Cơ Đốc nhân đầu tiên này. Họ phải chịu đựng cả về mặt cảm xúc và thể chất.

Họ bị đe dọa, và không khỏi bị sự lo lắng cám dỗ. Tại thời điểm yếu đuối này, Phi-e-rơ dùng Châm ngôn 3:34 để khuyên nhủ họ: “Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (1 Phi-e-rơ 5:5)

Ở đây, sự hạ mình của Hội thánh đến từ bên ngoài. Họ sẽ phản ứng thế nào với lời kêu gọi khiêm nhường giữa những lời lăng mạ? Họ có hạ mình xuống? Họ sẽ phản ứng với niềm kiêu hãnh và tự cao tự đại, hay sẽ cúi đầu, hạ mình xuống trước bàn tay bảo vệ và thời điểm trọn vẹn trong ý muốn Chúa?

Phản ứng bằng sự khiêm nhường

Hết lần này đến lần khác trong Kinh Thánh nhắc, hạ mình không phải là điều chúng ta tự làm được, mà là điều chúng ta được Chúa ban cho, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Khiêm nhường, giống như đức tin, không phải là điều chúng ta có thể tự nỗ lực. Khiêm nhường về cơ bản không phải là ý tưởng ​​của con người, mà là một phản ứng đúng đắn, do Chúa ban cho chúng ta để đáp ứng với Chúa, với vinh quang và mục đích Ngài.

Chúng ta không thể tự dạy mình phải khiêm tốn. Không có kế hoạch “năm bước để khiêm tốn hơn trong tuần tới”.

Chúng ta có thể dùng một số sáng kiến ​​để nuôi dưỡng tính khiêm nhường trong chính mình, nhưng khi thử thách đến, bất ổn và dồn dập, chúng ta sẽ đánh mất quyền kiểm soát, mất cảnh giác trong một thế giới sa ngã. Khi ấy chúng ta sẽ phản ứng ra sao? Chúng ta vẫn sẽ hạ mình chứ?

Đối với Cơ Đốc nhân, hạ mình là một sự đáp ứng minh chứng cho việc Chúa là ai, Ngài nói gì với chúng ta qua Lời Ngài, và những gì Ngài đang làm trên thế gian.

Tự hạ mình nghĩa là phải chịu mọi sự bất tiện, đau đớn và thất vọng trong cuộc sống. Tự hạ mình, về bản chất là sẵn sàng tiếp nhận ý Chúa khi điều đó không hề dễ dàng và thoải mái.

Những hoàn cảnh khó khăn xảy ra trong kế hoạch Chúa sẽ giúp chúng ta trở nên khiêm nhường, như chuyện đã xảy ra với Vua Ê-xê-chia bảy thế kỷ trước Đấng Christ. Chúa đã cứu ông khỏi sự chết, nhưng ông đã không báo đáp lại ơn Chúa, vì lòng tự cao.

“Nhưng Ê-xê-chia chẳng báo đáp lại ơn Chúa mà người đã lãnh, vì lòng người tự cao; bèn có cơn thạnh nộ của Chúa nổi lên cùng người, cùng Giu-đa và Giê-ru-sa-lem.” (2 Sử ký 32:25)

Câu hỏi gây áp lực lên chính linh hồn của chúng ta, như đã xảy ra với vua: Tôi nên nhận sự khiêm nhường Chúa ban hay từ chối? Và đây là sự lựa chọn của vua: “Song Ê-xê-chia hạ sự tự cao trong lòng mình xuống, người và dân cư Giê-ru-sa-lem cũng vậy, nên trong đời Ê-xê-chia, cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va không giáng trên chúng.” (2 Sử ký 32:26)

Hạ mình bởi sức Chúa

Chúng ta vẫn có những cách để rèn luyện sự khiêm nhường. Hàng ngày hạ mình xuống dưới quyền năng Chúa, vâng theo lời Ngài, và hạ mình xuống để cầu nguyện với Ngài, và hạ mình xuống trong sự kiêng ăn… tất cả đều kết nối chúng ta với Đấng Tạo Hóa. Nhưng trước hết, chúng ta cần biết hạ mình là điều Chúa ban cho chúng ta.

Chúa đã tạo ra thế giới này từ hư không bằng quyền năng của tiếng phán Ngài (Hê-bơ-rơ 11: 3).

Ngài đã nắn nên người đàn ông đầu tiên từ bụi đất (Sáng thế 2:7) và người phụ nữ đầu tiên từ xương sườn của người đàn ông (Sáng thế 2: 21-22).

Ngài đã tỏ mình ra cho chúng ta, đưa Lời Ngài vào thế giới này thông qua các tiên tri và môn đồ, để bày tỏ về Con Ngài và kế hoạch cứu chuộc chúng ta.

Qua lòng nhân từ và thương xót trong sự quan phòng của Chúa, hết lần này đến lần khác, từ bên ngoài và từ bên trong, sự khiêm nhường Ngài ban đưa chúng ta đến sự lựa chọn: Con sẽ phản ứng như thế nào trong cơn thử thách này? Con sẽ hạ mình chứ?

Khi thử thách lòng khiêm nhường tiếp theo đến với bạn, liệu bạn sẽ phản ứng với niềm kiêu hãnh, hay cúi đầu trong sự khiêm nhường?

Chúa có lời hứa đặc biệt cho bạn trong những thời điểm này. “Hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên.”

Bài: David Mathis; dịch: Jennie

(nguồn: desiringgod.org)

Từ khóa » Khiêm Nhường Trong Kinh Thánh