Học Chữ để Làm Gì? - Trần Quí Thanh

Trường thi Gia Định là nơi Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ký hòa ước Sài Gòn với Pháp ngày 5-6-1862. Coi tranh chúng ta có thế hình dung nơi ký khá tạm bợ với khung vải phía sau treo tạm cho kín đáo, nghiêm túc – Tranh tư liệu. Theo báo Tuổi trẻ.

Anh Thanh ui, Em Lan muỗi nè, nhớ hôn. Em học trường Tân Khoa một thời với anh đó. Nhắc vậy thôi chứ anh chẳng nhớ đâu. Em học lớp dưới, xưa là Lan muỗi nhỏ bằng que củi, giờ già mập bằng cái bồ, gọi là bà Lan mập. Anh ra chợ Bà Chiểu thì biết. Xưa em ghét và sợ anh, hi hi vì anh “dữ dội” quá. Giờ thì ngưỡng mộ anh quá trời. Bây giờ mới nhớ câu thầy cô mình hay dạy thời đó là học làm người là quá đúng. Em thấy ai đi học làm quan thì kết quả làm tôi tớ, ai học để làm giàu thì kết quả nghèo rớt mồng tơi. Chỉ có học để làm người thì cái chi cũng có. Như anh đó. Em nói lung tung chơi vậy thôi, già rồi cũng hơi bị hâm hâm, hi hi. Quan trọng là em muốn anh bình cho vui thôi, blog của anh có nhiều bài anh bình hay quá. Chúc anh mạnh giỏi, mong gặp lại anh.

Hoàng Lan ( bỏ chữ thị vì quê, hi hi):langiavaham@gmail.com —–

Chào em Lan muỗi, Nghe đến Lan muỗi là nhớ liền à. Được rồi, khi nào anh ra chợ Bà Chiểu thăm em, cũng ngót nghét nửa thế kỉ rồi.

Em thích anh bình thì anh bình nè.

Em khen anh quá trời làm mũi anh muốn nổ. Thực ra hồi nhỏ anh không nghĩ nghiêm túc đi học để làm gì, hồi đó đi học vì thương và sợ ông già, cũng là vui bạn vui bè nữa. Nhưng như em nói đó, chỉ có đi học để làm người mới mong công thành danh toại.

Em ra thăm Văn Miếu chưa? Nhớ lần đầu ra Hà Nội, đến tham quan Văn Miều – Quốc Tử Giám, anh ấn tượng về Bia Tiến sĩ. Bởi lẽ, nước mình trọng chữ, nên mới đúc bia ghi tên người có chữ. Hình như, anh đã đọc đâu đó, trước thời Trần gọi là Thái học sinh, sau thời Trần gọi là tiến sĩ.

Bữa qua anh đọc báo, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần nhận xét: "Có một thời gian tương đối dài, người Việt ở Gia Định theo học chỉ là để học phép đối nhân xử thế, học làm người chứ không phải học làm quan".

Hóa ra, người Nam bộ có khí chất như vậy, không phải thi Hương, thi Hội, thi Đình để “vinh quy bái tổ”, mà chỉ để biết ứng xử theo lẽ đời. Cái đạo của việc học đâu phải ở chỗ làm quan.

Anh nhớ ba anh có nói, người xưa học xong, thi đỗ thành tài mới được ra làm quan, đỗ trường thi nào thì được bố trí chức quan tương đương, không phân biệt con ai cháu ai. Anh nghĩ mãi không ra, vậy thì tiến bộ quá chừng, đâu phải được bổ nhiệm làm quan rồi mới cắp cặp đi học.

Bái phục sự tiến bộ đó chưa đủ, đọc Quốc sử quán triều Nguyễn đã viết trong sách Đại Nam nhất thống chí mới mở mang đầu óc: “Tục chuộng khí tiết, khinh tài trọng nghĩa, sĩ phu ham đọc sách cốt yếu cầu cho hiểu rõ nghĩa lý mà lại vụng nghề văn từ”.

Đọc sách thánh hiền để giữ khí tiết, coi thường lợi danh. “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (không thấy giàu mà ham, không thấy nghèo mà xa, không thấy quyền mà sợ).

Đọc xong, tự xét lại mình, thấy thua cha ông mình xa quá. Em thấy vậy không?

Anh bình vậy đó, được hôn?

Chào em, chúc em mạnh giỏi. Và hẹn gặp ở chợ Bà Chiểu.

Trần Quí Thanh

P/S: gửi em bài báo này đọc chơi. Link bài: Trường thi Gia Định xưa ở giữa thành Gia Định

Rate this post

Từ khóa » Chứ để Làm Gì