Học để Biết, Học để Làm, Học để Chung Sống Và Học để Khẳng định ...

  • 08
  • May

Học Văn hóa học: Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình

7688 Xem

GS. Phan Ngọc, một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam từng nói: “Không có cái gì lại không có cái mặt văn hóa của nó”[1]. Mặc dù mang tính phổ quát, nhưng trên thực tế tính ứng dụng của lĩnh vực văn hoá lại không có nhiều “biểu hiện bề nổi” và dễ dàng được nhận thấy như các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, do đó không phải ai cũng thấy được tính ưu việt của nó. Hệ quả là khi gắn văn hoá với lợi ích kinh tế (education for profit) nhiều người cho rằng, học ngành này “cũng chỉ là một thứ chơi sang”[2]. Tuy nhiên, một thực tế không phải ai cũng biết, khi nền kinh tế, khoa học và công nghệ phát triển, thế giới sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn lao, đòi hỏi sự đồng thuận mang tính quốc tế cao thì văn hoá lại được đề cao hơn bao giờ hết. Nói như nữ triết học người Mỹ Nussbaum (2010) trong bối cảnh sự đa dạng về văn hóa ngày càng tăng, thì nền giáo dục hướng đến dân chủ (education for democracy) không chỉ “đào tạo ra những nhà kỹ thuật giỏi”, mà quan trọng là tạo ra “những công dân có khả năng hiểu được những hoàn cảnh và những vấn đề được giải thích trong một khuôn khổ đạo đức và văn hóa khác.”[3] Điều này giải thích tại sao những quốc gia có có nền kinh tế, kỹ thuật và công nghệ phát triển như: Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Anh, Đức… việc học văn hoá vẫn được đề cao. Thậm chí, ở một số quốc gia châu Âu, để trở thành chính khách cần phải có kiến thức chuyên sâu về văn hoá.

Theo kết quả khảo sát ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), nhóm ngành KHXH& NV nói chung và văn hoá nói riêng được đánh giá là 1 trong 9 ngành thu hút nhiều lao động nhất ở Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2015 và xu hướng đến năm 2020 - 2025. Mỗi năm có nhu cầu tuyển dụng 8.100 người, chiếm 3% tỉ lệ ngành nghề so với tổng số việc làm (Trần Anh Tuấn, 2015)[4]. Như vậy, học văn hoá học “không dễ thất nghiệp” như nhiều người vẫn nghĩ. Bởi cơ hội nghề nghiệp của ngành này là rộng mở, do không có lĩnh vực, ngành nghề nào lại không có mặt văn hóa của nó. Thêm vào đó, sự điều chỉnh và định hướng xã hội ngày càng quan tâm nhiều vào lực lượng trí thức ngành này, trong khi nguồn nhân lực lại “mỏng”, do đó áp lực cạnh tranh tìm việc không quá khó khăn và gay gắt như một số ngành vốn được coi là “hot” nhưng thị trường lao động đang có xu hướng “bão hoà”.

Nhiều người cho rằng học văn hoá học chỉ có thể làm trong các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan hành chính, cơ quan quản lý Nhà nước về văn hoá. Do đó, cơ hội việc làm và thu nhập của nhóm ngành này không cao. Tuy nhiên, trên thực tế văn hoá học là ngành "rộng cửa".  Khi nền kinh tế phát triển, việc giao lưu và hội nhập quốc tế được xúc tiến thì cơ hội việc làm của ngành văn hoá học không chỉ “bó hẹp” trong các cơ quan Nhà nước mà còn mở rộng ra các đơn vị “ngoài” Nhà nước. Trong bối cảnh của nền kinh tế tri thức như hiện nay, khi mà hoạt động phát triển kinh tế được gắn với các hoạt động xã hội nhân văn, và mang hàm lượng văn hoá: từ mẫu mã sản phẩm; hoạt động truyền thông; khảo sát tâm lý khách hàng; quản lý nhân sự; điều hành sản xuất; quan hệ doanh nghiệp; phát triển nhân lực; quan hệ đối tác, cho đến việc xây dựng, và hoạch định chính sách... đều chứa lượng văn hoá đã tạo ra sự chuyển biến lớn cho thị trường lao động thuộc nhóm ngành này. Nhiều việc làm mới xuất hiện, nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới có nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành văn hoá học ra đời, và thu nhập cũng không kém so với nhiều lĩnh vực ngành nghề khác. Đây chính là “đòn bẩy” giúp người học văn hoá học có cơ hội “học đúng ngành, hành đúng nghề”.

Văn hóa truyền thống vốn là một thế mạnh của một dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, khi văn hóa nói chung, bản sắc văn hóa nói riêng, được đặc biệt coi trọng, thì việc nắm vững tri thức văn hóa là một lợi thế, nhất là trong bối cảnh hội nhập, giao lưu văn hoá, hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực văn hoá phát triển vượt ra ngoài phạm vi địa phương, quốc gia. Tuy nhiên, nếu như sản phẩm của khoa học tự nhiên và công nghệ dễ dàng được chuyển giao, thì lĩnh vực văn hoá lại không hoàn toàn như vậy. Bởi nó tồn tại một số rào cản (như ngôn ngữ, tri thức dân gian, thể chế chính trị...) mà nếu thiếu sự hỗ trợ của các cộng tác viên người Việt Nam thì không thể tiến hành. Đối với ứng cử viên cho vị trí cộng tác viên, điều kiện ngoại ngữ là yêu cầu bắt buộc, nhưng việc tìm ứng cử viên biết ngoại ngữ không khó, tuy nhiên vừa có kỹ năng ngoại ngữ, vừa có kiến thức chuyên môn lại không hề đơn giản. Trong bối cảnh “cầu” phải đợi “cung” này khiến cho mức phí cho các cộng tác viên ở vị trí này khá cao. Với các kỹ năng được trang bị như: công nghệ thông tin và truyền thông; kỹ năng tư duy (sáng tạo, phản biện, giải quyết vấn đề); kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng ngoại ngữ, và kiến thức chuyên ngành sẽ là lợi thế của sinh viên ngành văn hoá học, nhất là trong bối cảnh yêu cầu về trình độ lao động ngày càng cao và khắt khe.

Như đã nói ở trên, các quốc gia có nền kinh tế, khoa học công nghệ phát triển khá chú ý đến lĩnh vực văn hoá, nhất là văn hoá nước ngoài, bởi đây là lĩnh vực mà họ “thiếu”, họ cần “tìm hiểu” để phục vụ cho mục đích kinh tế (đầu tư), hay chính trị. Lịch sử cho thấy, trong các chiến dịch giải phóng các đảo quốc Nam Thái Bình Dương của Mỹ, các nhà nghiên cứu văn hoá Mỹ đã nghiên cứu văn hóa, phong tục dân gian các xứ này để quân đội Mỹ dựa vào đó đưa ra các điều lệ quy định cách ứng xử khi chiếm đóng các đảo quốc nhằm giữ được quan hệ thân thiện với dân địa phương, và gây được ấn tượng tốt với họ. Trong bối cảnh hội nhập, thì họ lại đầu tư nghiên cứu văn hoá, phong tục tập quán của người dân bản địa để tìm hiểu về nhu cầu tiêu dùng, tâm lý khách hàng... phục vụ cho việc đánh giá thị trường đầu tư và hoạch định các chính sách phát triển... Ngoài việc nghiên cứu văn hoá nước ngoài, họ cũng quảng bá văn hoá của mình ra thế giới, đó chính là lý do vì sao một số quốc gia, một số tổ chức phi chính phủ không ngần ngại bỏ ra các học bổng/quỹ tài trợ cho các nhà nghiên cứu, cho sinh viên ngành văn hoá học, cũng như xúc tiến các dự án/ các đề tài nghiên cứu về văn hoá. Các dự án nghiên cứu văn hoá xuyên quốc gia được xúc tiến này mang lại không ít cơ hội cho sinh viên ngành văn hoá học. Với những kiến thức nền tảng về khoa học xã hội và nhân văn của một ngành học chuyên sâu sinh viên ngành văn hoá học có nhiều cơ hội học lên ở bậc đào tạo cao hơn, cũng như có cơ hội “săn được” các nguồn học bổng/tài trợ để đi du học.

Thay lời kết, tôi muốn lưu ý và nhấn mạnh rằng, các quốc gia trong quá trình phát triển dù chọn phương thức nào cũng đều coi các giá trị về con người và bản sắc văn hóa dân tộc là lý do tồn tại đầu tiên của mình. Cho dù kinh tế và khoa học công nghệ có phát triển thế nào thì văn hoá là không thể thiếu. Giá trị đó khiến ngành văn hoá học không chỉ trở nên gần gũi và hữu dụng với thực tiễn mà còn rất thú vị và mới mẻ khi khám phá. Học văn hoá học không phải một thứ học sang mà là một nhu cầu cần thiết: Học để biết, học để làm, học để chung sống, và học để tự khẳng định mình.

[1] Phan Ngọc. (1998). Bản sắc văn hóa Việt Nam. Nxb. Văn hóa thông tin.

[2] Nussbaum. (2010). Not for profit: Why democracy needs the humanities. Vol. 2. Princeton, NJ: Princeton university press.

[3] Nussbaum. (2010). Not for profit: Why democracy needs the humanities. Vol. 2. Princeton, NJ: Princeton university press.

[4] Trần Anh Tuấn. (2015). Tài liệu hướng nghiệp năm 2015 phát triển thị trường ngành công nghiệp Việt Nam – dự báo nhu cầu nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015 đến năm 2020- 2025 và dự báo ngành nghề hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN sau 2015. Truy cập từ trang: http://www.dubaonhanluchcmc.gov.vn

ThS. Đặng Thị Kiều Oanh-GV Khoa Văn hóa học

Share:

Từ khóa » Ngành Văn Hóa Học Trên Thế Giới đã Ra đời Trong Bối Cảnh Lịch Sử Nào