Học Hỏi Tin Mừng - Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp

HỌC HỎI TIN  MỪNG

I.  TÌM HIỂU TIN MỪNG

1. H. Tin mừng là gì?

T. Trước tiên, Tin Mừng là tin vui mừng về ơn giải thoát mà Thiên Chúa ban cho loài người qua Chúa Giêsu Kitô.  Sau đó. Từ ngữ Tin Mừng chỉ sự mở rộng Tin Mừng, do các Tông đồ mang đến cho thế giới ngoại giáo. Vào thế kỷ thứ II, Tin Mừng dùng để chỉ những sách ghi lại tin vui mừng ấy. Đó là 4 cuốn : tin mừng theo Thánh Mattheu, Macco, Luca và Gioan.

2. H. Các sách Tin Mừng được hình thành như thế nào?

T. Ta có thể phác họa sự hình thành của các sách Tin Mừng như sau:

– Trước tiên, là những lời rao giảng của những tông đồ. Các Ngài đã nhớ lại và truyền lại tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm.

– Sau đó, các Thánh sử chọn lựa trong số các điều đã truyền lại bằng miệng hay bằng tài liệu viết tay, tóm tắt và tùy nghi mà giải thích thêm nhưng vẫn giữ hình thức các bài giảng thuyết để truyền lại cho chúng ta những điều chân thật về Chúa Giêsu ( x. Hc MK số 19)

3. H. Các sách Tin Mừng được chép vào những năm nào?

T. Tin Mừng theo Thánh Macco được ghi nhận lại sớm nhất vào khoảng năm 65 – 70, rồi đến Luca, Mattheu vào khoảng những năm 70 – 80. Tin Mừng theo Thánh Gioan được ghi nhận được viết vào khoảng 100 năm sau Kỷ Nguyên.

 4. H. Tin Mừng Nhất Lãm là gì?

T. Ba cuốn Tin Mừng theo Thánh Mattheu, Macco và Luca có bố cục và nội dung gần giống nhau đến nỗi có thể viết theo 3 cột song song với nhau và nhìn một lúc cả ba bản nên gọi là Tin Mừng Nhất Lãm ( Nhất là một, Lãm là ngó và nhìn).

5. H. Tin Mừng Nhất Lãm có bố cục tổng quát thế nào?

T. Không kể thời niên thiếu, Tin Mừng Nhất Lãm đều mang những nét chính yếu này :

1/ Dọn vào sứ vụ (Gioan Tẩy Giả rao giảng – Chúa Giêsu chịu phép rủa và  bị cám dỗ)

2/ Sứ vụ của Chúa Giêsu tại xứ Galilea và các miền phụ cận.

3/ Hành trình đến Giêrusalem và những ngày cuối cùng tại đó.

4/ Kết thúc là biến cố thương khó – chết và sống lại.

6. H. Thánh ký của Tin Mừng thứ nhất là ai?

T. Là Thánh Matthêu cũng gọi là Lêvi, con của ông Alphê ( X. Mc 2, 14) làm nghề thu thuế ở Capharnaum, đã được Chúa Giêsu kêu gọi thành tông đồ ( x. Mt 9, 9)

7. H. Thánh Matthêu viết sách Tin Mừng vào năm nào và có mục đích gì?

T. Thánh Matthêu viết sách Tin Mừng vào khoảng năm 70 – 80 cho người Do Thái sống tại Palestina để củng cố lòng tin của họ: lấy Cực Ước minh chứng Chúa Giêsu Nazareth là Đấng Thiên sai ( Mêsia) mà Thiên Chúa đã hứa.

8. H. Bố cục sách Tin như thế nào?

T. Tin Mừng theo Thánh Matthêu gồm 28 đoạn, 1068 câu có thể chia ra như sau:

1/ Thời niên thiếu: chương 1 – 2

2/ Sứ vụ tại Galilea: chương 3 – 18

3/ Sứ vụ tại Gie6rusalem: chương 19 – 25

4/ Thương khó và sống lại : chương 26 – 28

9. H. Tin Mừng theo Thánh Matthêu có những đặc điểm nào?

T. Thánh Matthêu viết Tin Mừng cho người Do Thái sống tại Palestina, nên có những đặc điểm sau:

1/ Trích dẫn nhiều Cựu Ước

2/ Xếp đặt có thứ tự, gọn gàng, sáng sủa có khuynh hướng tổng hợp Lời Chúa thành những bài giang dài.

3/ Bàn giải sâu rộng về đề tài Hội Thánh.

4/ Có tính cách lịch sử, minh giáo.

10. H. Thánh ký của sách Tin Mừng thứ 2 là ai?

T. Là Thánh Maccô, quê tại Giêrusalem, ban đầu là môn đệ của thánh Phaolo, sau theo Thánh Phê rô làm thông ngôn.

11. H. Thánh Maccô viết Tin Mừng năm nào và có mục đích gì?

T. Thánh Maccô viết Tin Mừng tại Roma sau cuộc tử đạo của Thánh Phêrô, vào khoảng năm 65-70. Thánh Maccô viết cho cộng đoàn Do Thái ở nước ngoài nhằm truyền giảng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

12. H. Bố cục sách Tin Mừng theo Thánh Maccô như thế nào?

T. Tin mừng theo Thánh Maccô gồm 16 đoạn, 661 câu, có thể chia ra như sau:

1/ Nhập đề: Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu chịu Phép Rửa và chịu cám dỗ: 1,1 – 13

2/ Sứ vụ tại Galilea: 1,14 – 9,50

3/ Sứ vụ tại Gierrusalem: 10,1 – 13,37

4/ Thương khó, chết, sống lại và lên trời: 14,1 – 16,2

13. H. Tin Mừng theo thánh Maccô có những đặc điểm nào?

T. Là Tin mừng viết trước nhất, sách Tin Mừng theo Thánh Maccô có những đặc điểm sau:

1/ Từ ngữ nghèo nàn, bình dân nhưng chuyện kể sống động và chân thành.

2/ Là  Tin Mừng nguyên thủy và ngắn nhất.

3/ Chịu ảnh hưởng tư tưởng của thánh Phaolô.

14. H. Thánh ký của sách Tin Mừng thứ 3 là ai?

T. Là Thánh Luca, một người ngoại giáo gốc Hy Lạp quê ở Antiochia, làm y sĩ và làm môn đệ của thánh Phaolô từ năm 49.

15. H. Thánh Luca viết sách Tin Mừng năm nào và có mục đích gì?

T. Thánh Luca viết sách Tin Mừng này sau khi thành Gieerrusalem bị tàn phá, vào khoảng năm 70 – 80. Thánh Luca viết để tặng ông Thêôphilê (Cv 1,1) nhưng thực ra nhắm vào những người Hy Lạp tòng giáo, để trình bày Chúa Giêsu là con người lịch sử và giáo huấn về Chúa Giêsu là xác thực (x. Lc 1,1 – 4)

16. H. Bố cục sách Tin Mừng theo thánh Luca như thế nào?

T. Sách Tin Mừng theo Thánh Luca gồm 24 đoạn, 1149 câu có thể chia ra như sau:

1/ Lời tựa: 1, 1 – 4

2/ Thời niên thiếu: 1,5 – 2,52

3/ Sứ vụ tại Galilea: 3,1 – 9,50

4/ Hành trình lên Giêrusalem 9,51 – 19,28

5/ Sứ vụ lên Giêrusalem: 19,29 – 21,38

6/ Thương khó, chết, sống lại và lên trời: 22,1 – 24,53

17. H. Tin Mừng theo thánh Luca có những đặc điểm nào?

T. Là người ngoại giáo trở lại và là môn đệ của thánh Phaolô, thánh Luca viết sách Tin Mừng với những đặc điểm sau:

1/ Là tác phẩm có giá trị văn chương và lịch sử.

2/ Đề cao lòng nhân từ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô

3/ Đề cao vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Chúa Giêsu

4/ Là Tin Mừng của Niềm Vui trong cầu nguyện và Hy Sinh

18. H. Thánh ký của sách Tin Mừng thứ 4 là ai?

T. Là thánh Gioan, em của Giacôbê, con ong Giêbêdê, là 1 trong những người đầu tiên được gọi là tông đồ đã được Chúa Giêsu yêu thương cách đặc biệt (x. Mt 4,21: Ga 13,23)

19. H. Thánh Gioan viết Tin Mừng năm nào và có mục đích gì?

T. Thánh Gioan viết Tin Mừng này vào những năm cuối cùng của thế kỷ thứ I ( năm 100?). thánh nhân viết Tin Mừng này để độc giả tin rằng Đức Giêsu chính là Chúa Kitô ( Đấng được xức dầu), Con Thiên Chúa và nhờ tin vào Người mà được sống đời đời (x. Yn 20,31)

20. H. Bố cục của sách Tin Mừng theo thánh Gioan như thế nào?

T. Tin Mừng theo thánh Gioan gồm 21 đoạn, 878 câu, có thể chia ra như sau:

1/ Nhập đề: 1,1 – 51

2/ Ngôi Lời làm người và tỏ mình trong dấu lạ: 2,1 – 12,50

3/ Thương khó và sống lại: mặc khải tối hậu: 13,1 – 21,25

21. H. Tin Mừng theo thánh Gioan có những đặc điểm nào?

T. Là Tông Đồ cuối cùng, Gioan đã được vinh dự theo sát mọi sinh hoạt của Chúa Giêsu và Hội Thánh thời sơ khai, nên Tin Mừng theo thánh Gioan có những đặc điểm sau:

1/ Chứng từ của một niềm tin sống động vào Chúa Giêsu. Một chứng từ có giá trị lịch sử.

2/ Có giá trị văn chương. Tác giả chọn lọc các trình thuật và soạn thảo các bài giảng.

3/ Hoàn toàn hướng về Đức Ki tô: Người là Ngôi Lời, là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế.

4/ Nhấn mạnh đến đời sống tâm linh.

 II.    CHÂN DUNG ĐỨC GIÊSU TRONG TIN MỪNG

  1. Sau khi Đức Giêsu cho biết Giuđa Itcariốt là kẻ phản bội người, hắn đã rời khỏi phòng ngay lập tức (Ga 13, 26-30)
  2. Đức Giêsu đang ngủ khi các môn đệ bào cho Người hay cơn bão biển đang đe dọa làm cho họ chết đuối. (Mc 4, 36-38)
  3. Trước thượng hội đồng, các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đã kết tội¸ đánh đá và khạc nhổ Người (Mt 26, 65-67)
  4. Khi cha mẹ trẻ Giêsu tìm thấy Người ở Giêrusalem thì Người đang tranh luận với các bậc thầy trong đền thờ (Lc 2, 43-46)
  5. Vua Hêrôđê nghe danh tiếng Đức Giêsulàm được những phép lạ, ông nói sở dĩ Người làm được là vì: Người là ông Gioan Tẩy Giả sống lại từ cõi chết sống lại (Mt 4,1-2)
  6. Đức Giêsu sẽ ban thưởng cho những ai giúp đỡ các môn đệ dù chỉ 1 chén nước lã (Mc 9, 41)
  7. Theo Tin mừng Matthêu, các ông Giacôbê, Gioxép và Giuđa là anh em Người (Mt 13, 55)
  8. Khi người Samari từ chối không đón tiếp Đức Giêsu các ông Giacôbê, Gioan đã đề nghị cho lửa từ trời xuống thiêu  hủy họ (Lc 9, 52-54)
  9. Ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là người đã chứng  kiến cuộc nói chuyện của Đức Giêsu với hai ông Môi sê và Elia (Mt 17, 1-3)

10. Sau khi đã chế giễu chán, các tên lính  đã lột áo choàng Đức Giêsu đang mặc và mặc vào cho Người chính áo của Người (Mt 27, 31)

11. Quả thật, lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môisê còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Ki tô mà có (Ga 1,17)

12. Giu đa đã dùng cái hôn để chỉ cho quân lính biết Đức Giêsu (Mt 26, 48-49)

13. Khi bà Maria Madalena trông thấy Đức Giêsu phục sinh bà tưởng là người làm vườn (Ga 20,11-16)

14. Khi Đức Giêsu chịu phép rửa, Thánh Thần đã ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu (Mt 3,16)

15. Những người chăn chiên đã hết sức sợ hãi khi vừa thấy sứ thần Thiên Chúa đến báo tin Đấng cứu độ đã ra đời (Lc 2, 8-11)

16. Trên đường lên núi sọ, ông Simon, người Kyrênê bị quân lính bắt vác đỡ thập giá cho Đức Giêsu (Lc 23,26)

17. Khi có người hỏi Đức Giêsuphải nộp thuế cho Xêda không, trước câu trả lời Người đã bảo họ : cho xem 1 đồng tiền (Mt 12,14-17)

18. Theo Tin mừng Thánh Maccô, Đức Giêsu ở trên thập giá 6 giờ  (Mc 27,31.34-37)

19. Đức Giêsu đã dạy các môn đệ khi ăn chay thì đừng làm ra vẻ rầu rĩ (Mt 6,16-18)

20. Ông Giuse mang Đức Maria sang Aicập vì được báo  mộng là nhà vua Hêrôđê đang tìm giết Hài nhi (Mt 2,13-14)

21. Người phụ nữ tội lỗi đã rửa chân Đức Giêsu bằng nước mắt, lấy tóc lau chân và hôn chân Người, khi Người đang ngồi dùng bữa tại nhà ông Simon, người Pharisiêu (Lc7,37-38)

22. Theo Tin mừng Mat thêu, khi  Đức Giêsu giảng dạy các dụ ngôn ở bờ biển, Người ngồi ở trên thuyền (Mt 13, 1-3)

23. Đức Giêsu dạy các môn đệ hãy bố thí cách kín đáo (Mt 6,1-4)

24. Ông Giacôbê được Đức Giêsu đặt tên là Bôanêghê, tên này có nghĩa là: Con thiên lôi (Mc 3,17)

25. Khi Đức Giêsu chết, xác các vị thánh trỗi dậy ra khỏi mồ, đất rung chuyển và man trướng trong đền thờ  bị xé ra làm hai (Mt 27, 51-52)

26. Tin mừng Matthêu đã thuật lại  việc các nhà chiêm tinh từ Đông phương đến bái lạy Người (Mt 2,1-2)

27.  Dân chúng  nghĩ Đức Giêsu là : Ông Gioan Tẩy Giả, ông Êlia, hay 1 trong các Ngôn Sứ (Mt 16, 13-14)

28. Theo Tin mừng Luca, Đức Giêsu hấp hối trong một khu vườn đến nỗi mồ hôi Người như những  giọt máu (Lc 22, 44)

29. Khi khởi sự rao giảng Đức Giêsu trạc 36 tuổi.

30. Đức Giêsu hấp hối trong vườn Giêsimani (Mt 26, 36-38)

31. Tiến vào Giêrusalem trêm  một con lừa, khi vừa thấy thành, Đức Giêsu đã khóc và nói tiên tri về sự phá hủy thành (Lc 19, 41-44)

32. Đủ ngày thanh tẩy theo luật Môisê, Đức Giêsu được tiến dâng cho Thiên Chúa ở đền thờ Giêrusalem (Lc 2,22)

33. Các thượng tế và người Pharisiêu yêu cầu ông Philatô cho lính canh giác mộ Đức Giêsu vì họ sợ môn đệ Đức Giêsu lấy cắp xác rồi phao tin Người sống lại (Mt 27, 62.64)

34. Thượng tế Caipha đã kết án Đức Giêsu nói phạm thượng (Mt 26, 57-66)

35. Theo Đức Giêsu, bà Maria người thành Bê ta nia lấy dầu thơm xức cho  Người là việc tốt hơn bán dầu đi lấy tiền cho người nghèo là vì: Đức Giêsu chỉ còn ở thế gian một thời gian ngắn thôi. (Ga 12, 1-8)

36. Lúc Đức Giêsu lên 12 tuổi, Người lên Giêrusalem mừng lễ vượt qua. Lễ xong, Người không về mà ở lại đền thờ. Sau 3 ngày ông Giuse và Đức Maria mới tìm thấy Người. (Lc 2, 46)

37. Đức Giêsu còn tiếp tục  hiện ra với các tông đồ sau khi sống lại trong vòng 40 ngày (Cv1,1-13)

38. Đức Giêsu rửa chân cho các môn để làm gương yêu thương và phục vụ cho các ông (Ga 13, 14-15)

39. Theo Tin mừng Luca, các phụ nữ đã thấy hai người đàn ông y phục sáng chói, khi họ vào nơi đặt thi hài Đức Giêsu (Lc 24, 3-4)

40. Theo Tin mừng Luca,  lúc Đức Giêsu bị đóng đinh, mặt trời tự nhiên tối đi làm cho trời đất ra tối tăm. (Lc 23, 44-45a)

41. Theo sách Công vụ tông đồ, Đức Giêsu lên trời trong đám mây (Cv 1,9)

42. Đức Giêsu đã vác thập giá lên đồi Gôngôtha (Ga 19,17)

43. Đức Giêsu đã khóc thương Lazarô, 1 người bạn đã qua đời (Ga 11, 32-36)

44. Viên đại đội trưởng đã tuyên bố Đức Giêsu là người công chính ngay lúc Người trút hơi thở cuối cùng (Lc 23,47)

45. PhilatôHêrôđê đã trỡ thành bạn hữu sau khi tra hỏi Đức Giêsu (Lc 23, 6-12)

 III.    GIÚP BẠN ĐỌC TIN MỪNG

Để có thể đọc Tin Mừng cách tốt nhất thu được hiệu quả cho tâm linh thì mời bạn cùng đọc theo từng bước sau:

–   Bước 1: CẦU NGUYỆN xin Thiên Chúa giúp bạn hiểu được điều bạn sắp đọc

–   Bước 2 : ĐỌC bản văn Kinh Thánh

–   Bước 3 : SUY NGHĨ đặt ra những câu hỏi và trả lời hỏi ấy (Ở phần câu hỏi gợi ý)

–   Bước 4 : CHỌN một câu hoặc một đoạn tác động đến tâm trí và cuộc đời bạn nhất

–   Bước 5 : BIẾN ĐỔI những điều bạn vừa suy nghĩ thành tâm tình cầu nguyện : Xin ơn tha thứ, ca tụng, tạ ơn, cầu xin .

–   Bước 6 : THỰC HÀNH điều Thiên Chúa đã cho bạn thấy sau khi đọc Kinh Thánh và cầu nguyện.

CÂU HỎI GỢI Ý

  1. Bản văn đề cập đến những nhân vật nào?
  2. Bản văn giúp tôi học được gì về Thiên Chúa Cha, về Chúa Giêsu, về Chúa Thánh Thần?
  3. Bản văn có đưa ra lệnh truyền nào không?
  4. Bản văn có đưa ra lời cảnh báo nào không? Có gương xấu nào tôi cần phải tránh không?
  5. Bản văn có đưa ra lời hứa hẹn, khích lệ cho tôi không?
  6. Kết luận : cụ thể, tôi phải làm gì ?

IV.   SỐNG TIN MỪNG

Em hãy đọc kỹ những bài Tin mừng trong tuần, đặc biệt trong các ngày Chúa nhật và rút ra bài học cho chính mình. Nếu có thể, em hãy chia sẻ những cảm nghiệm cho bạn bè để Tin mừng được nhiều người biết đến.

Xin Chúa chúc lành cho em và ban nhiều ơn thiêng! –  

 Bích .Mai.OP

Từ khóa » Có Mấy Cách đọc Tin Mừng